Bronze Drums—Crossbred on the Sino-Vietnamese Cultural Rim
Trống đồng – Chằng chéo trên Vành văn hóa Trung – Việt
Một phần nhỏ trong bài của Li Tana Jiaozhi (Giao Chı) in the Han Period Tongking Gulf
In trong The Tongking Gulf Through History
Tana Li,Nola Cooke, James Anderson (eds.,)
Published by University of Pennsylvania Press, 2011
Lich sử sớm của Việt Nam thường được chia thành hai phần: Thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt. Thời kỳ đồ đồng bản địa – đặc trưng bởi văn hóa Đông Sơn và đặc biệt bằng những trống đồng. Sau đó sự xâm lăng của Trung Hoa đã cắt đứt truyền thống địa phương bằng việc bắt đầu của thời kỳ đồ sắt. Nhưng có một rắc rối ở đây: mặc dù chính quyền Trung Hoa đã được thiết lập tại đây vào TK 2 TCN, một số lượng lớn trống đồng – biểu trưng của quyền lực bản địa và uy quyền thủ lĩnh – được đúc sau khi Trung Hoa đô hộ. Trống Ngọc Lũ, hình tượng của văn hóa Việt Nam truyền thống, mà theo học giả thuộc địa Pháp Victor Goloubew, được cư dân châu thổ sông Hồng đúc vào thế kỷ 1 CN, ít nhất là 100 năm sau khi nền thống trị Trung Hoa bắt đầu (chú thích số 30).
Có thể đồng ý rằng, những trống đồng này vẫn được người châu thổ sông Hồng đúc bất chấp sự cai trị của Trung Hoa; hay đây là những trống được đúc bởi những cư dân sinh sống ở những vùng quê đồi núi xung quanh, cách biệt với chính quyền Trung Hoa. Nhưng có thể có một khả năng hấp dẫn thứ ba: rằng cả hai truyền thống cùng song hành và tương tác mạnh mẽ với nhau. Những người làm khảo cổ có chứng cứ phong phú để chỉ ra rằng trống đồng là kết quả của những tương tác không ngừng giữa những nhóm cư dân; nhưng những nhà sử học vẫn có xu hướng nghĩ rằng trống đồng quá ư là thiêng liêng với những thủ lĩnh địa phương nên chúng phải được đúc một cách bí mật đâu đó trong các vùng núi sử dụng những kỹ thuật “truyền thống” được truyền qua các thế hệ một cách không đổi thay (chú thích 31). Mặt khác các nhà khảo cổ tin rằng, kỹ thuật đúc trống đồng cần một hệ thống mở để duy trì: có đòi hỏi đó là vì nhiệm vụ này cần “cả kỹ năng mỹ thuật và kỹ thuật ở trình độ cao” (trích dẫn 32), nghệ nhân trong khắp vùng chia sẻ với nhau. Như vậy, Magdalenevon Dewall cho rằng có sự hiện diện của những xưởng thủ công địa phương mà chủ nhân của chúng mặc dù sử dụng chung các kỹ thuật và loại hình hiện vật thì vẫn tìm kiếm để sáng tạo những mô típ và kiểu trang trí. Điều này đòi hỏi tính lưu động cao của nghệ nhân và chất liệu tương ứng.
Sẽ khá đắt để duy trì và hỗ trợ được kỹ năng mỹ thuật và kỹ thuật ở mức độ cao, chưa tính đến những công xưởng chuyên nữa, từ đó dấy lên những vấn đề làm thế nào mà xã hội bản địa duy trì được sự xa hoa này. Đáng chú ý là những đặc điểm của quy trình trồng lúa được thể hiện trên 02 trống đồng nổi tiếng Việt Nam, trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ (chú thích 33). Như thư tịch cổ Trung Hoa đã trích dẫn ở trên cho thấy, cả Hepu và cả Cửu Chân phụ thuộc Giao Chỉ về lúa gạo, như thế những mô tả quy trình trồng lúa cho thấy sự hiện diện của kinh tế tự cấp và phi - sinh kế, một kiểu mưu sinh dựa trên trao đổi lúa gạo lấy những hàng hóa khác. Trong bối cảnh này, rất thú vị là tiền Vương Mãng (năm 8-25 CN) đã được khai quật bên cạnh đồ đồng Đông Sơn.
Nếu tiền Vương Mãng từ miền Trung Trung Hoa được dùng để đổi lấy những con ốc tím lớn (ốc xà cừ) từ Giao Chỉ trong giai đoạn nhà Hán thì sẽ hợp lý nếu cho rằng của cải sinh ra từ trao đổi kinh tế đã tạo thuận lợi cho sự tiếp tục của truyền thống trống đồng, và rằng đó là những trao đổi mang trống đồng và kỹ thuật chế tác trống từ Giao Chỉ đến vùng ven biển Quảng Tây, về nơi mà chương viết của Michael Churchman thảo luận về vai trò và ý nghĩa của những trống đồng này.
Những nghiên cứu mới nhất của Trung Quốc về hợp chất sử dụng đúc trống đồng cho thấy một số trống Đông Sơn đến từ Trung Hoa, nhưng những trống khác tìm thấy ở Quảng Tây có xuất xứ từ vùng văn hóa Đông Sơn và sau đó được mang sang Quảng Tây (chú thích 34). Những tác giả của những nghiên cứu này từ đó kết luận rằng trống loại Lengshuichong Quảng Tây phát triển dưới ảnh hưởng của trống Đông Sơn và rằng kỷ nguyên vàng của đúc trống đồng ở Quảng Tây là vào thời Hán, đúng lúc những mối quan hệ tăng cường giữa ven biển Quảng Tây và Giao Chỉ có nhiều chứng cứ nhất.
Ở đây, chúng ta cần dừng lại và cân nhắc bối cảnh chính trị của đúc trống đồng. Có hai khía cạnh nổi bật đối với câu chuyện này: nếu những trống đồng là biểu trưng về quyền lực địa phương, thì 600 trống cộng với những trống mới đúc từ thế kỷ 1-6 cho thấy sự tăng lên hơn là sự giảm xuống của số lượng những trung tâm quyền lực địa phương; và nếu đúc trống liên quan chặt chẽ tới sản xuất, trao đổi và tích lũy của cải trong vùng, xem ra nó xuất hiện ở hay gần những trị sở, ngay dưới mũi của những người cai trị Trung Hoa. Trên thực tế, năm 1999 một (mảnh) khuôn đúc trống đồng Đông Sơn đã được nhà khảo cổ người Nhật Nishimura Masanari tìm thấy ở Luy Lâu, trị sở Trung Hoa sớm nhất ở Giao Chỉ (từ năm 111 TCN) (chú thích 35).
Nishimura Masanari coi loại hình khuôn đúc này giống với những khuôn từ các địa điểm Thương, Chu ở Trung Hoa, Nishimura thực sự cho rằng thời kỳ Đông Sơn thuộc về thời đại kim khí muộn, và một số học giả Nhật Bản khác cho rằng, khác với niềm tin thông thường rằng sự xâm lược của nhà Hán đã đặt dấu chấm hết cho văn hóa Đông Sơn, hiện vật Đông Sơn bao gồm cả trống đồng vẫn tiếp tục được sử dụng và được thích ứng vào những vùng phụ cận xung quanh kiểu Hán (chú thích 36).
Không có lý do để những nhà cầm quyền Trung Hoa chống lại việc đúc này, và cũng không có sử liệu nào cho thấy đúc trống đồng bị cấm đoán. Và sau tất cả điều này, sự cai trị xa lạ của Hán từ bên ngoài đặt vào và như Keith Taylor chỉ rõ “ Người Trung Hoa phải điều chỉnh thói quen của họ cho phù hợp với văn hóa địa phương, họ đã không ở vào vị trí để áp đặt lối sống của họ cho người địa phương” (chú thích số 37).
Ở ĐNA chìa khóa đối với sự kiểm soát trung ương về nhân lực là khả năng tạo ra những đồng minh chính trị dựa trên cơ sở quý tộc địa phương – “ông lớn” (chú thích 38). Sự hỗ trợ của chính quyền Trung Hoa cho sự tín nhiệm đối với “ông lớn’ đã được chỉ ra rõ ràng trong sử liệu thời Đường: “đối với những thủ lĩnh địa phương, những người mạnh hơn về của cải như nô lệ, ngọc trai và voi, thì triều đình thường ban cho những vị thế chính thức với mục đích để khai thác những lợi ích từ họ. Thực tiễn này được thực hiện trong tất cả các triều đại từ Tống, Qi, Liang và Chen” (chú thích 39).
Hơn là biểu trưng về độc lập, trống đồng trong thời kỳ này nên được hiểu là sự biểu thị để thích ứng của cả hai cả tầng lớp quý tộc Trung Hoa và địa phương. Người cầm quyền tốt nhất luôn luon là người biết cách hòa hợp với những thủ lĩnh địa phương được bảo trợ hay với những người bản than họ là “ông lớn”. Những trường hợp thấy rõ nhất đó là Sĩ Nhiếp (Sĩ Nhiếp vương) và những người anh em của ông, cai trị Nanhai, Hepu, Giao Chỉ và Cửu Chân thế kỷ 2 CN và dòng họ Du Huidu thế kỷ 5. Cả hai dòng họ này đều là dòng họ địa phương: Họ Sĩ xuất phát từ Cangwu, Quảng Tây và họ Du ở Chu Diên, Giao Chỉ. Của cải và uy tín của họ ở địa phương chắc chắn có vai trò chủ đạo trong sự bổ nhiệm.
Kiểm tra tất cả những nhân tố này – dân số, sản xuất lúa gạo và những tài nguyên bản địa quan trọng tạo nên của cải – cho thấy một cách mạnh mẽ rằng thời sơ kỳ lịch sử, Giao Chỉ chứ không phải Quảng Châu đóng vai trò như một lực lượng liên kết vùng, nối kết cả miền Trung Trung Hoa với Vịnh Bắc Bộ và Vân Nam với biển. Miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay hợp thành đối tác buôn bán quan trọng nhất của miền Trung Trung Hoa trước khi con đường tơ lụa trên biển đi vào hoạt động. Như Wang Gungwu đã chỉ ra, Giao Chỉ “rất có giá trị về phương diện thương mại hàng hải đối với Trung Hoa” (chú thích 40). Việc buôn bán này trở nên cốt yếu đối với TH cùng với sự suy tàn của nhà Hậu Hán và đánh mất quyền kiểm soát đối với con đường nội địa tây bắc. Nhà Hán chính thức bỏ con đường tơ lụa trên đất liền vào năm 107 CN và từ sau đó, liên hệ giữa TH và phương Tây tập trung trên bờ biển phía nam. Những thương nhân người Ấn Độ được ghi lại trong sử liệu là đã “nộp cống” vào những năm 159 và 161, tới TH qua Giao Chỉ và khi buôn bán của họ với ĐNA hải đảo trở nên thường xuyên hơn tiếp thêm sinh khí cho buôn bán ở Nam Hải, mà ở đó Giao Chỉ là điểm cuối.
Lâm Thị Mỹ Dung dịch
Vấn đề là có sự khác nhau cơ bản giữa những nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài về niên đại của trống đồng. Những trống đồng Đông Sơn loại 1 Heger như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ… được nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam xác định niên đại TK 5 TCN, những trống đúc từ CN trở đi là trống muộn, đúc theo truyền thống Đông Sơn và ở những vùng xa trung tâm. Còn trong bài này những trống Đông Sơn điển hình đều có niên đại muộn, từ thế kỷ I CN. Như vậy hai hệ thống niên đại khác nhau sẽ có hai cách diễn giải khác nhau hoàn toàn!