Chưa đi lại được bảo tàng thì ngồi xem, sửa ảnh đưa thành album phục vụ mình và một số bạn phây. Xem ảnh tự tay chụp PHÊ không kém xem TRƯNG BÀY. Có lẽ phải chế câu "Văn mình, vợ/bồ người" thành "Ảnh mình (chụp), vợ/bồ người"!
Trong hằng hà sa số hiện vật, sản phẩm của trí tưởng tượng và óc sáng tạo vô bờ bến của con người, có những hiện vật nhỏ bé nhưng găm chặt bao nhiêu ký ức. Cứ tạm gọi là cái găm, để găm cài đủ thứ, kể cả găm tình!
Người hiện đại có khoá tình yêu, người xưa có găm tình. Chả biết khoá hay găm, cái nào chặt, cái nào vững hơn. Có lẽ cả khoá, cả găm cũng chỉ là nỗ lực tuyệt vọng của những đôi tình nhân chưa thấm một điều: Tình yêu đơn thuần là một phản ứng hoá học, từ chất nọ sẽ thành chất kia. Hết phản ứng này rồi sẽ là phản ứng khác, dù mạnh hay yếu thì cũng chỉ là phản ứng! Lấy cái vật chất găm cái vô hình là điều không tưởng, nhưng người ta vốn là giống hoang tưởng. Chính vì thế mãi sẽ có găm tình, khoá tình muôn vẻ, muôn trạng.
Đối với người làm khảo cổ, cái may là ở chỗ, nếu chưa bị người đời sau phân kim hay người chơi đồ cổ buôn đi bán lại kiếm lời thì những ký ức vật chất này trong các bảo tàng là bằng chứng sống động về trình độ kỹ thuật, quan hệ xã hội, mức độ phát triển kinh tế... và vô vàn những khía cạnh khác của cuộc sống con người! Và với người làm khảo cổ, nếu chỉ khoá là khoá, găm là găm, kim băng là kim băng... thì cũng mới chỉ là một nửa tình yêu với nghiệp của mình. Một nửa tình yêu rứt khoát không phải tình yêu!
Những chiếc găm (fibula, brooch) xuất hiện ở châu Âu từ cuối thời đại đồ đồng và bắt đầu phổ biến rộng rãi từ đầu thời đại đồ sắt, càng được sử dụng rộng rãi, càng mang nhiều sắc vẻ và từ nhiều loại chất liệu từ gốm, thuỷ tinh đến bạc, vàng, găm không chỉ dàng cho đàn bà mà đàn ông cũng dùng, người quý tộc dùng kiểu quý tộc, người bình dân dùng kiểu bình dân.
Từ bao giờ, những chiếc găm, găm đủ thứ mang thêm chức năng găm tình, chưa ai có câu trả lời thoả đáng. Chỉ biết ở châu Âu thời Trung cổ đã phổ biến những chiếc găm tình.
Ở Việt Nam cũng có những chiếc giống như găm ngay từ thời Đông Sơn, nhưng chưa ai biết, găm nào là găm vật, găm nào là găm tình! Tuy nhiên, từ nay suy xưa thì cũng có thể tưởng tượng xa hơn một chút.
(Chuyện nay: Trong một lần đi khảo cổ, lâu lắm rồi, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mình mượn được hộp đồ nghề của một anh đồng nghiệp, mở ra, bên cạnh những thước tỉ lệ, bút chì... là mấy cái kim băng và vài cái lông nhím. Đem thắc mắc hỏi và bị mắng một trận tơi bời. Đại ý, lớn bằng ngần này mà không biết kim băng và lông nhím để làm gì, khi lập gia đình, không được ai dặn dò chỉ bảo hay sao. Ngay lúc đó, mình chả dám cãi, bụng bảo dạ, kim băng thì để cài, ai chả biết. Vấn đề là ở cái lông nhím?
Tại hố khai quật đấy, mũi nhọn của những chiếc lông nhím được phát huy tác dụng bằng cách dùng để cậy đất ở những hiện vật nhỏ. Tiện lợi vô cùng.
Dần dà, anh đồng nghiệp cũng nói cho mình và mấy cô em sinh viên lông nhím còn được dùng làm gì!)
Bài học rút ra: Mỗi hiện vật bất kể là kim hay cổ đều có nhiều công dụng khác nhau và đằng sau chúng là những câu chuyện ảo thực lý thú!
Hình minh hoạ (chụp ở Britist Museum)