Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

ÔNG NGUYỄN KHOA ĐIỀM ĐÂU CHỈ “LẠM BÀN VỀ THƠ VIỆT HÔM NAY”

Tác giả: Nguyễn Hồng Kiên – Blogger Gốc Sậy
(Viết sau khi đọc bài LẠM BÀN VỀ THƠ VIỆT HÔM NAY)

Nhà cháu từ lâu vẫn rất TRỌNG ông Nguyễn Khoa Điềm. Dù chỉ “kính nhi viễn chi”, chưa từng được đối đàm cá nhân, nhà cháu thấy có đến 3 Nguyễn  Khoa Điềm.

Một, tạm gọi là NKĐ A Kay, nhà thơ của “Mặt đường khát vọng”… thời ông đi bộ đội chống Mỹ cứu nước.
Một NKĐ đã vào đến BCT ĐCSVN- quan cách, cứng nhắc và lên gân. Nhà cháu đã từng phải bỏ ra ngoài khi ông cao giọng mắng các nhà nghiên cứu của Bộ Văn hóa đã không viết được lịch sử văn hóa Việt  Nam “mà để ông Trần Quốc Vượng viết” (Hồi ấy ông vừa về nhậm chức Bộ trưởng, còn nhà cháu là thành phần được mời dự họp).

Và một  NKĐ “hồi  Dân”, với những bài thơ tự vấn khi “hết quan” “Giờ chỉ còn chường mặt ra trong thơ, mà tiêu điểm nóng hổi là bài thơ đăng nhờ blog của ‘bọ’ Lập: BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ

Tiếc là khi đương chức, ông (hình như) lại không/ít nghĩ như vầy.

Bài viết này hay.
Và ông đâu chỉ LẠM BÀN về thơ.

Nhưng rơi rớt ông NKĐ thứ hai ở câu “Các nhà sử học hiện đại thường coi lịch sử dân tộc là lịch sử của lòng yêu nước và xem đó là “sợi chỉ đỏ” của hành trình dân tộc.
Sao ông lại nỡ đổ niêu cứt gà vào bọn cháu như thế?
Chủ trương chỉ đạo khoa học (trong đó có Sử học) phải phục vụ chính trị, ông quá biết.
Bọn cháu, chứ không phải ông, đã bị các đồng nghiệp nước ngoài hỏi (mà như chửi vào mặt): Sao sách lịch sử nước mày toàn chuyện đánh nhau không thế?
Nhưng thời hiện đại làm gì có ai được giao chép sử đâu. Toàn Sử Đảng. Mà Sử Đảng thì toàn chủ trương, nghị quyết đúng đắn… Giảm tải môn Sử, sao không giảm TỐI ĐA những bài về chủ trương, nghị quyết ấy (nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ chán học, dẫn đến những bài Sử 0 điểm), lại đi giảm theo kiểu cắt xén nên gây khó hiểu ?

Các phân tích của ông về  Trạng  Quỳnh, về Hưng Đạo đại vương… “bọn sử học” NÓI NGƯỢC nói từ lâu rồi ạ, và còn nói nhiều hơn mà chả ai chịu nghe.
Nhưng giờ, “quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê…“, ông mang chuyện thời  Trần ra làm gì???  Giờ có mấy ai CAY ĐẮNG khi đọc lại “Hịch tướng sỹ” đâu.
Mà, cho đến giờ tình hình vưỡn là: “ lịch sử dân tộc là lịch sử của lòng yêu nước và xem đó là “sợi chỉ đỏ” của hành trình dân tộc ” đấy ạ !
Nhà cháu cũng lo như ông, cũng day dứt một câu hỏi: Tại sao NHÂN CÁCH VIỆT lại CHƯA BAO GIỜ thảm hại như bây giờ?
Nhà cháu hoàn toàn đồng ý: “Bảo vệ dân tộc trước hết là bảo vệ con người Việt Nam trên biên giới của nhân cách và mất nhân cách.”
Nhưng, nhà cháu thấy VÔ VỌNG dù ông bảo “Tôi tin thơ hiện đại Việt Nam nhất định sẽ vươn tới một sự kết tinh mới, bền vững trong sứ mệnh phát huy nhân cách Việt.

BẰNG CÁCH NÀO, THƯA ÔNG?
KHI NHIỀU KẺ ĐANG HÙA NHAU “KHEN THỐI” (chữ của người khác, không phải cháu) 1 TẬP THƠ CỦA 1 KẺ DÁM “QUY” BÁC NGUYÊN NGỌC LÀ PHẢN ĐỘNG ???
Ôi nhân cách Việt !

Đọc thêm:

LẠM BÀN VỀ THƠ VIỆT HÔM NAY

Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm
Xin dùng chữ “lạm bàn” vì đã mượn hội thảo thơ miền Trung để nói về thơ Việt. Thêm một lẽ nữa, nói đến thơ Việt thì rất rộng lớn mà bài viết chỉ muốn đề cập một vài khía cạnh được cho là quan trọng.
1.
Trước hết là lịch sử. Các nhà sử học hiện đại thường coi lịch sử dân tộc là lịch sử của lòng yêu nước và xem đó là “sợi chỉ đỏ” của hành trình dân tộc. Trong chừng mực nhất định, quan niệm đó không khỏi đơn giản hóa lịch sử, đã và sẽ đẻ ra nhiều hậu quả chưa lường được.
Đành rằng chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc có ý nghĩa to lớn trong dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên trong hàng ngàn, hàng vạn năm không có chiến tranh, trận mạc, lúc đó lòng yêu nước trở thành “viên ngọc quý, được cất giữ trong rương trong hòm”, thì cái mà người Việt vẫn dựa vào để tồn tại vững vàng qua mỗi ngày lại là nhân cách Việt. Đó là tất cả những giá trị giúp con người tồn tại như một nhân cách xứng đáng, trong khuôn khổ cộng đồng Việt, tạm gọi là nhân cách Việt. Theo tôi, nghĩa vụ của sử học, văn hóa học, văn học là làm sáng tỏ nhân cách Việt qua hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến nước nhà, như chúng ta từng giải mã chủ nghĩa yêu nước dân tộc. Theo nghĩa đó, có thể xem truyện Trạng Quỳnh là biểu tượng về nhân cách Việt, hơn là tinh thần phản phong và chống ngoại xâm như ta thường giải thích. Và “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo là lời nhắc nhở, cỗ vũ cho nhân cách Việt của một nhà quân sự đồng thời là một nhà chính trị tài ba đã làm bật lên sức mạnh người Việt. Chính sự kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước và nhân cách Việt ở đời Trần đã đem lại cho quân dân ta sĩ khí có một không hai, đầy dũng mãnh mà mưu lược, gan góc mà lạc quan, lúc hiểm nguy vẫn ung dung bền chí. Không có thời nào nhiều tấm gương đẹp về nhân cách như thời đó.
Nhớ lại những năm 30 của thế kỷ trước, ta mất tự do độc lập, đó là nỗi đau lớn của mỗi người Việt. Tuy nhiên lật lại hàng chục tờ báo ngày đó chúng ta không thấy người Việt có vấn đề nhân cách, đạo đức, lối sống gay gắt như bây giờ hoặc nếu có thì cũng bị phê phán không thương tiếc. Phải chăng với nhân cách cứng mạnh đó cộng thêm lòng yêu nước được phát động mà dân ta quật khởi đập tan ách thực dân và bộ máy phong kiến vào năm 1945? Ngày đó, có biết bao bậc sĩ phu, những nhà nho yêu nước, những người cộng sản, những trí thức lỗi lạc, những nhà văn, những nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo đã làm việc hết mình vì phẩm chất và nhân cách Việt để có một dân tộc đầy súc mạnh, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ? Tôi nghĩ đời nào cũng vậy, giáo dục lòng yêu nước và xây dựng nhân cách Việt là vấn đề có ý nghĩa sống còn của dân tộc ta.
2.
Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. Do thuận lợi của thời thế, một người bây giờ có thể hiểu biết rất nhiều, nhưng anh ta vẫn có thể không đủ nhân cách để làm điều tốt đẹp, nhiều khi còn làm điều xấu. Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách. Cái đập mắt mỗi người Việt Nam khi ra đường hôm nay là những vấn đề nhân cách. Nỗi lo âu của mỗi bà mẹ là sợ con hư. Nỗi sợ của người già là không tìm được sự cảm thông giữa các thế hệ. Nỗi sợ của nhà giáo dục là sợ học trò nói hỗn. Những cơ sở chăm lo cho nhân cách con người đều suy yếu, xuống cấp: trường học, sách báo, nhà hát, vườn trẻ, các hội đoàn… Nỗi lo đè lên mọi người. Bảo vệ dân tộc trước hết là bảo vệ con người Việt Nam trên biên giới của nhân cách và mất nhân cách. Quả thật, những con người mạnh, một dân tộc mạnh chính là tư tưởng sâu rễ bền gốc của Đức Trần Hưng Đạo.
3.
Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách. Thơ Đường lớn không phải vì nó là đứa con của một thời đại thịnh trị, mà chính vì ở những đại diện lớn nhất của nó đã dám viết: “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chếtrét” (Đỗ Phủ). Đó là nền thi ca của những nhân cách và tài năng lớn. Đó là nền thi ca giàu phẩm hạnh.
Tôi tin thơ hiện đại Việt Nam nhất định sẽ vươn tới một sự kết tinh mới, bền vững trong sứ mệnh phát huy nhân cách Việt.
Huế, tháng 9.2011
(Nguồn: Trannhuong.com)

BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ

Nguyễn Khoa Điềm
Lập thân mến,
Mình có xem bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hà Vũ mới vẽ
tặng Đại tướng nhân dịp ông tròn 100 tuổi. Bức tranh đẹp, rất xúc
động. Mình có làm bài thơ gửi trang mạng ” Quê …Đại tướng” của Lập.
Chúc an vui. NKĐ
BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ
Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi
Của một người tù.
Trận chiến Lịch Sử
Đã phá tung mọi xiềng xích ?
Người họa sĩ trẻ
Từ sau song sắt
Vẫn bình tâm
Dành lòng biết ơn
Không dứt
Cho một người lính già.
19.9.2011
Nguyễn Khoa Điềm
(Nguồn: Quechoa Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét