Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

KHẢO CỨU VỀ KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO ĐỜI LÝ TRÊN TƯ LIỆU VĂN BIA

KHẢO CỨU VỀ KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO ĐỜI LÝ TRÊN TƯ LIỆU VĂN BIA



Văn bia thời Lý cho biết những gì về kiến trúc Phật giáo thời kỳ này

Trần Thị Kim Anh
-viết riêng cho NXD-Blog

Văn bia thời Lý hiện còn cho biết về kiến trúc của 13 ngôi chùa. Dưới đây là những gì các văn bia ghi lại:
1. Chùa Linh Xứng trong văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (1089)
Chùa nằm trên sườn núi Ngưỡng Sơn (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được Lý Thường Kiệt và Sùng Tín trưởng lão là thầy học của Thái Hậu Ỷ Lan chọn đất xây dựng trong 4 năm (1085-1089). Văn bia cho biết Lý Thường Kiệt và Sùng Tín trưởng lão đến vùng núi Ngưỡng Sơn, thấy cảnh trí thanh u, cây cối tốt tươi lại không quá xa làng xóm, bèn quyết định cho xây dựng chùa. Chùa được xây khá bề thế ở phía đông núi:
Ở giữa là điện Phật thênh thang; hai bên là nhà trai dài rộng rãi. Phía sau xây ngôi bảo tháp gọi là tháp Chiêu Ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn mặt, lan can vây quanh. Góc mái treo chuông đồng nhỏ. Lan can hàng hiên quanh thềm. Đầy sân hoa cỏ. Trong chùa, ngự ở chính giữa trên cao là tượng Ngũ trí Như lai  mạ vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước. Quanh tường tô vẽ dung nghi đẹp đẽ của Thập lục bồ tát cùng các thứ bậc biến tướng muôn hình vạn tượng, không thể kể xiết.. Phía trước có cổng chính, trong treo chuông đồng, Thẳng ngay phía trước là một con đường, hai bên khơi ngòi dẫn nước đổ vào. Sát bên sông dựng ngôi đoản đình, thuyền bè qua lại thường dừng chèo tạm nghỉ, lên chùa quỳ gối chiêm bái.
2. Chùa Báo Ân trong văn bia An Hoạch sơn báo ân tự bi ký (1100)
Chùa Báo Ân ở núi An Hoạch (núi Nhồi), nay thuộc huyện Đông Sơn Thanh Hóa. Chùa do Lý Thường Kiệt cho xây dựng vào niên hiệu Hội Phong đời vua Lý Nhân Tông, bắt đầu từ mùa hạ năm 1099 đến mùa hạ năm 1100 thì hoàn thành. Văn bia cho biết:
Chùa ngoảnh hướng nam, Giữa đặt tượng phật Thích Ca Mầu Ni, tiếp đó bày tượng Bồ Tát, mặt đẹp rực rỡ sắc vàng, mình đều sơn vẽ. Chùa này khởi công từ mùa hạ năm Kỷ Mão (1099), đến mùa hạ năm Canh Thìn (1100) thì hoàn thành: Chùa được sơn vẽ rực rỡ, hướng về phía nam, trông ra quang cảnh của huyện Cổ Chiến. Đồng ruộng từng ô xanh tốt, phía sau liền với gò Tường Bằng. Bên cạnh sừng sững núi Bạch Long, một dòng sông trong xanh chảy ngang, làm thành một giải.
3.Chùa Diên Hựu trong văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1106)
Chùa được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông trong viên lâm phía tây cấm thành, theo cách dựng chùa trên kinh chàng (Nhất trụ tự) ở kinh đô Hoa Lư . Năm 1106 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa đời vua Lý Nhân tông, chùa được trùng tu lớn. Sau khi trùng tu  chùa trở thành một quần thể kiến trúc với trung tâm là một hồ vuông gọi là hồ Linh Chiểu thả sen, giữa hồ nổi lên một cột đá lớn, trên đỉnh cột là đóa sen vàng ngàn cánh nở rộ. Giữa đóa sen là tòa điện nhỏ màu tía, Trong điện đặt tượng phật mạ vàng. Vây quanh hồ sen là hành lang chạm vẽ, vòng ngoài hành lang là hào nước xanh biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng để đi thông vào, ở mỗi sân phía trước hai bên cầu đều dựng hai ngọn tháp lợp ngói lưu ly.
4.Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc trong văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi văn (1107)
Chùa do quan Thái phó Hà Hưng Tông xây dựng ở Tuyên Quang vào năm 1107 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa đời vua Lý Nhân Tông. Chùa này:
Nhà liên tiếp bao quanh. Xà uốn cong cong như cầu vồng đôi nhịp. Mái hiên như cánh chim tung bay bốn phía, bày tượng vàng. Đốt trầm hương, treo chuông khánh, treo cờ phướn, trồng thông xanh.
5.Đài đèn Quảng Chiếu trong văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1116)
Đài đèn Quảng Chiếu được vua Lý Nhân Tông cho xây dưng vào năm 1116 niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7. Mùa xuân hàng năm vào tết Nguyên tiêu, triều đình mở hội, đốt đèn rực rỡ một góc trời, tăng chúng đi vòng quanh đèn tụng kinh, quan liêu sắp hàng bái lạy, cầu cho quốc thái dân an. Hội đèn Quảng Chiếu đã tồn tại rất lâu, suốt đến hết thời Trần.
Theo văn bia, Đài đèn Quảng Chiếu là một quần thể kiến trúc ở phía trước cổng Đoan Môn của hoàng thành Thăng Long, bao gồm một đài đèn lớn, điện phật, tháp tượng, lầu chuông. Quần thể kiến trúc này được mô tả khá kỹ như sau: 

Đèn được đặt trên đài, gồm một cây cột lớn được gắn bảy tầng đèn, mỗi tầng đèn gồm những tay đỡ hình rồng uốn cung chìa ra. Mỗi hình rồng đỡ một đóa sen thếp vàng, giữa đóa sen đặt một ngọn đèn lớn, mỗi ngọn đèn được che bằng một chiếc lồng may bằng nhiễu, dưới đài giấu một trục bánh xe để giúp cây đèn lớn này xoay tròn, tỏa ánh sáng  rực rỡ một góc trời. Cây đèn này được đặt trong tổng thể kiến trúc gồm một tòa điện Phật trang nghiêm, hai bên là hai dãy tượng tạc vẽ sinh động, tiếp đó là hai tòa lầu sơn vẽ lộng lẫy, trong treo chuông đồng và tạc hình thầy tăng mặc áo quê, có giấu máy ở bên trong, khi máy hoạt động thầy tăng giơ vồ chuông lên như sắp đánh, nghe tiếng vỗ bao kiếm là quay đầu lại, nhìn đức vua mà khom lưng cúi đầu. Phía sau là dãy tháp thất bảo rực rỡ. Chính giữa là ngọn tháp vàng, trong đặt tượng Đa Bảo Như Lai, bày mấy tầng chân hình pháp giá, màu ngói rực rỡ như mây biếc. Tiếp hai bên là hai tòa tháp bạc, tòa bên trái đặt tượng A Di Đà Như Lai, tòa bên phải để Diệu Sắc Thân Như Lai, dáng tháp cao khỏe, vút lên, lấp lánh ánh bạc. Tiếp nữa là hai tòa tháp đá chạm, tòa bên trái để tượng Quảng Bác Thân Như Lai, tòa bên phải bày tượng Ly Bố Úy Như Lai, làm gác cao hình tròn, dựng tầng chênh vênh, nóc lợp ngói quý, vách chạm hình rồng. Cuối cùng là hai tòa tháp bằng ngà voi, tòa bên tả bày hình Cam Lộ Vương Như Lai, tòa bên hữu là Bảo Thắng Như Lai, thềm bằng đá mộc, cột hiên gác cao, rường cột chạm vẽ, các khe đều nạm sừng tê, xung quanh tòa sen đều khắc bài ký, vẽ chín tầng trời bằng ngũ sắc, khắc câu đối ở bốn cột. Bày đèn lấp lánh  hai bên.
Qua đó có thể thấy đây là một quần thể kiến trúc lớn, độc đáo, được làm công phu tốn kém, là một sáng tạo tuyệt vời về kiến trúc ở thời Lý, xứng đáng sánh ngang với các công trình kiến trúc nổi tiếng trong khu vực. Cùng với cây đèn là hội đèn Quảng Chiếu với nghi lễ trang nghiêm mang tính quốc lễ, đậm chất Việt. Theo tôi, việc cho phục dựng công trình kiến trúc này và lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Thăng Long – Hà Nội là điều Bộ văn hóa và Giáo hội Phật giáo nên tiếp tục trình Chính phủ xem xét.
6.Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh trong văn bia Sùng Nghiêm Diên thánh tự bi minh
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh do Thông phán họ Chu -  người được cử làm quyền trấn giữ, cai quản quận Cửu Chân cho xây dựng năm 1116 niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7, đời vua Lý Nhân Tông, trên nền một ngôi chùa cũ ở góc phía nam thành quận này. Văn bia cho biết:
Chùa sát đường lớn. Rường nhà cong cong như cầu vồng nhô ra, lợp gói uyên ương. Các góc mái vươn lên như cánh bay, khắc hoa văn hình rong, chạm trổ hình phượng múa. Mái cong, song lượn, Tường vách vây quanh, lang vũ  bao bọc, Bên hữu có vườn thơm, phía tả có ao sen. Dựng nhà khách, xây nhà bếp.
Trong chùa thì chùa chiền ngăn nắp, tượng phật trang nghiêm. Đúc ba pho tượng Như lai bằng đồng. Chính giữa đặt tượng Thích ca mâu ni phật, tượng Ca Diếp một bên, tượng Từ Thị (Di Lặc) một bên. Chạm đá làm đài hoa sen để đặt tượng. Thứ đến là tượngTân Đầu hòa thượng ngồi trên ngọn núi Ma lị, đặt trước cửa phật gọi là Hộ Pháp. Đúc một quả chuông lớn, dựng giá lớn ngoài hiên chùa, treo bằng dây đồng, đánh bằng vồ gỗ. Lại vẽ các tranh trên tường về các duyên nhân quả, thiên biến vạn hóa tường tận khúc nhôi. Tượng phật thì có cả tượng đất cả tượng đồng.  
7.Chùa Long Đội và tháp Sùng Thiện Diên Linh trong văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi
Chùa Long Đọi nằm trên núi Đọi sơn có tên chữ là Diên Linh tự. Chùa được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng, bắt đầu từ niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ chín (1118), đến mùa thu niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thì hoàn thành. Chùa hướng ra sông Kinh, lưng tựa núi Điệp. Văn bia miêu tả chùa và tháp khá cụ thể, khiến ta có thể hình dung ra chùa Long Đọi là một tổng thể kiến trúc gồm ba cấp (theo độ dốc của sườn núi):
Bậc trên cùng là thềm tháp, trên thềm tháp dựng cây tháp vuông bốn mặt, cao 13 tầng, các tầng có cửa, Đỉnh tháp đặt tượng người tiên bưng mâm hứng sương lành. Các tầng mái tạo góc uốn cong, các góc mái đều treo chuông nhỏ. Vách tháp đều tạc rồng ổ. Trong tháp, tầng trên cùng thờ xá lỵ Phật, tầng dưới cùng đặt tượng Đa Bảo Như Lai thếp vàng, bên trên tượng có treo phướn treo lọng, có tượng bát vị kim cương bằng đá đứng hộ vệ. Thềm tháp có bậc lên xuống, hành lang giải vũ tỏa ra hai bên.
Bậc tiếp liền thì bên tả xây ngôi nhà tứ giác mái vòm, có đôi rồng cuổn trấn giữ, đội Bát vị kim cương chầu trời. Bên hữu dựng khám vuông mái nhọn kiểu Phạn, trong là tượng Tân đầu hòa thượng (tức Tân Đầu Lô - Bhâradvâja) đặt trên ngọn núi Ma Lị.
Bậc dưới thì  phía trước dựng gác Lăng Hán, treo khánh đá quý. Xây tường vây giữ, làm hành lang giải vũ để điểm tô, làm cầu thông ra con đường lớn trồng hai hàng thông hai bên. Vật liệu kiến trúc gồm đá gỗ và gạch.
Đây cũng là một công trình kiến trúc đặc sắc của thời Lý. Có lẽ trongtương lai, chúng ta nên  phục dựng lại những công trình như đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, bởi chúng hoàn toàn là của ta, là tinh hoa trí tuệ của Phật giáo Việt Nam?. 
8.Chùa Hương Nghiêm trong văn bia Càn Ni Hương Nghiêm tự bi minh
Chùa Hương Nghiêm vốn là một ngôi chùa cổ, do Bộc xạ tướng công Lê Lương xây dựng từ đời hậu Đường (923 – 937) tại núi Càn Ni (nay thuộc làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thời Tiền Lê, vào năm 1003, vua Lê Đại Hành đi tuần du, đến giang Ngũ Huyện ở Thanh Hóa thấy chùa đổ nát cho chữa lại. Đến Thời Lý, năm 1031, vua Thái Tông đi chơi về phương nam, tới Ái Châu thấy chùa đổ nát lại cho tu sửa. Năm 1122 niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ đời vua Lý Nhân Tông, sư Đạo Dung ở kinh thành về thăm thấy chùa cũ nát lại cho trùng tu. Chùa trùng tu xong được mô tả là:

Tượng phật đặt trên các bệ đá cao chạm khắc núi non sóng nước. Mái cong cong như cánh trĩ; ngói lớp lớp như vẩy xếp. tường làm lan can thoáng mát; cổng rộng lớn. Mé trái có một tòa lầu nguy nga, trong treo chuông lớn. Bên phải dựng tấm bia đá ghi công đức. Tường xây bao quanh, cách xa trần giới; có hoa tươi tốt, ngào ngạt khói hương.
9.Chùa Thánh Ân trong văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh
Chùa do Tín nữ Diệu Tính, cháu gọi Thái úy Lý Thường Kiệt bằng cậu, đến lập trang viên ở núi Ngưỡng Sơn cho xây dựng ở phía đông núi. Trong chùa đặt Phật vàng và các vị Bồ tát phò tá hai bên, trải qua bốn năm, công việc mới hoàn thành.

10.Chùa Viên Quang trong văn bia Viên Quang tự bi minh
Chùa Viên Quang do Thiền sư Giác Hải xây dựng vào năm 1137 niên hiệu thiên Chương Bảo Tự năm thứ 5 đời vua Lý Thần Tông. Chùa rất đẹp, các vua Thần tông và Anh tông nhà Lý thường đến thăm.
Bảo điện nghiêm trang vách vàng rực rỡ, bên trong đặt tượng phậtA Di Đà, bên cạnh là Bồ Đề Đạt Ma. Các vị bồ tát đứng hầu tả hữu. Bên ngoài là hai vị Hộ Pháp giơ qua đứng hai bên. Hoành phi đề là Viên quang tự. Lại làm lầu cao bên trong, làm gác chuông, tháp nhạn cao vút, nhà bếp ngang dọc phía sau, thờ tổ sư 6 đời. Cổng chính uy nghiêm sừng sững phía trước, mở ra đường lớn
11.Chùa Diên Linh Phúc Thánh trong văn bia Phụng thánh phu nhân Lê Thị mộ chí
Chùa Diên Linh Phúc Thánh do phi tần của vua Lý Thần Tông là Lê Thị Lan Xuân đứng ra xây dựng trên núi Ngọc Phác (nay thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phúc) vào năm 1145 niên hiệu Đại Định đời vua Lý Thần Tông, vừa để hoằng dương Phật pháp vừa để thờ phụng tổ tiên, Được đặc ân thánh chỉ cấp cho thợ thuyền, gỗ ngói. Chùa xây xong uy nghiêm tráng lệ, trở thành nơi lui tới của phật tử một vùng.
12.Chùa Diên Phúc trong văn bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh
Chùa Diên Phúc còn gọi là chùa Tổng, nay là thôn Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ,  tỉnh Hưng Yên. Chùa do thân mẫu của Thái uý Việt Quốc Công Đỗ Anh Vũ đứng ra xây dựng vàonăm 1156 niên hiệu Đại Định năm thứ 17 đời vua Lý Anh Tông. Chùa được bố cục như sau
Ở giữa là một tòa điện tía, hồi lang mở rộng ở mặt ngoài, trong đặt tượng Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát, hai bên là Văn Thù cưỡi sư tử,  Phổ Hiền cưỡi voi trắng, bên tả là Bà Tẩu tiên nhân (Vasu), bên hữu là Công đức thiên nữ (Sridevi), bậc dưới tòa sen có Tứ Đại Thiên vương hộ vệ, hai bên nhà lang vũ đặt Bát đại Kim Cương . Góc phía trước lang vũ đặt tượng Pháp Thi. Phía trong của tam quan dựng hai tượng Thiện thần Hộ Pháp. Chi sơn hòa thượng, thổ thần đại vương đứng đối nhau ở nhà lang vũ phía trước, bên ngoài lang vũ phía trước thì bên tả dựng lầu cao để treo chuông, bên hữu xây nhà che văn bia. Bên ngoài tam quan đào hai ao hai bên để trồng sen, phía sau chính điện mở một kho để chứa thóc lúa.
13.Chùa Báo Ân trong văn bia Báo Ân thiền tự bi ký
Chùa ở xã Tháp Miếu huyện Yên Lãng, nay thuộc huyện Mê Linh Hà Nội. do một một người họ Nguyễn xuất thân võ tướng đứng ra xây dựng vào năm 1210 niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ 6 đời vua Lý Cao Tông. Chùa được mô tả:
Cung cao, điện lớn, cột sơn vẽ rực rỡ, tòa sen lộng lẫy, tượng vàng trang nghiêm, tàn phướn muôn màu. Gác phượng treo chuông lớn, đài rồng treo khánh quý.
***
Qua những mô tả trong văn bia, kết hợp với một số tư liệu hữu quan khác, tôi xin đưa ra một số nhận xét nhỏ dưới đây về kiến trúc Phật giáo thời Lý:

1-Thời Lý, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo được làm với quy mô lớn, tráng lệ, do vua, đại sư, đại thần, hậu phi trong triều đình đứng ra xây dựng.

2-Đến thời Lý, đã khá ổn định một phong cách chùa Việt, thể hiện rõ rệt ý thức tự khẳng định mình của Phật giáo Việt Nam trong sự tiếp thu hợp lý các yếu tố mang màu sắc Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa. Chỉnh thể phong cách chùa thời kỳ này thường là kiến trúc điện đường lang vũ và bảo tháp kết hợp với vẻ đẹp của phong cảnh tự nhiên. Sự khéo léo của con người được kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

3-Ở thời Lý, mô thức kiến trúc chùa - tháp rất thịnh hành. Tháp còn được gọi là phù đồ. “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Đây cũng là điện gác dùng để thờ Phật. Tháp thời Lý hoặc ở trung tâm của ngôi chùa (Sùng Thiện Diên Linh), hoặc ở phía sau hay bên cạnh chính điện. Tháp thường có mặt bằng hình vuông, cao 7, 9 hoặc 13 tầng, các tầng có mái cong chìa ra, góc mái treo chuông nhỏ, tường vách thường chạm rồng hoặc sơn vẽ, vật liệu kết hợp cả gạch, đá và gỗ.
4-Bố cục chùa thời Lý thông thường là lấy điện Phật hoặc tháp làm trung tâm, trai đường, lang vũ phối hợp hai bên. Cũng có chùa theo kết cấu tiền hậu tả hữu phối hợp, lớp lớp điện đường sâu vào trong (như chùa Viên Quang). Phía trước thường là lầu chuông, lầu khánh, nhà bia, cổng chính. Đôi khi cổng chính xây thêm gác ở trên làm gác chuông. Tường vây quanh. Sân chùa trồng hoa lá cây cối, trước chùa có ao sen. Quanh chùa trồng thông.
5-Chùa tháp thời Lý đều có mái cong, tùy theo quy mô mà lợp ngói uyên ương, ngói lưu ly hoặc ngói vẩy cá và sườn mái có gắn hình ly vẫn (một loài chim thần) để trang trí và tỵ tà. Chân tảng kê cột đều bằng đá xanh chạm cánh sen tỏa, cột đá thì chạm rồng, cột gỗ thì sơn thếp. Trên tường sử dụng nhiều bích họa về tích Phật, bích họa đều được vẽ ngũ sắc. Phía trước dùng vách gỗ có song con tiện tạo độ thoáng.
6-Trong chùa, bố trí tượng phật không thống nhất. Đặc biệt tượng Phật ở chính điện, nơi là Đa Bảo Như Lai, nơi là Ngũ Trí Như Lai, nơi là Thích Ca Mầu Ni, nơi là A Di Đà, nơi là Quán thế âm Bồ tát. Có lẽ do tùy theo các môn phái song mang nhiều màu sắc Mật tông. Thời kỳ này chưa thấy thờ tam tôn như về sau. Do văn bia không phản ảnh đầy đủ nên chỉ xin nói qua như vậy, chờ các nhà am hiểu cho biết thêm. Tiếp đó là Bồ Đề  Đạt Ma, A Nan, Ca Diếp, Văn Thù, Phổ Hiền, Tứ đại thiên vương. Bát vị Kim Cương, Thập bát La Hán, Thập lục Bồ Tát, Hộ Pháp …, tùy theo quy mô mà chùa ít chùa nhiều. Đến cuối thời Lý, lối bố cục của chùa Diên Phúc như đã mô tả ở trên có lẽ là sự bắt đầu cho một mô thức chung khá thịnh hành về sau. 
7-Tượng Phật thời Lý thường bằng đá, gỗ, đất, được chạm khắc sơn vẽ lộng lẫy sinh động. Tượng ở chính điện hoặc bằng đá, hoặc bằng gỗ, đôi khi bằng đồng, song hầu hết đều thếp vàng, đều đặt trên tòa sen chạm khắc tô vẽ khéo léo, được treo thêm phướn lọng bên trên để tạo vẻ uy nghi. 
8-Chùa thời Lý có nơi người đứng ra xây dựng chùa cho xây thêm nhà thờ cha mẹ tổ tiên để báo hiếu (Chùa Diên Linh Phúc Thánh), điều này sang thời Trần khá phổ biến. Đây có lẽ là nguồn gốc dẫn đến tục gửi giỗ lên chùa trong dân gian, để dần dần tục lệ này kết hợp với việc công đức cúng dường cho nhà Phật mà diễn biến thành tục lập Hậu phổ biến ở các đời sau - một tục lệ tốt chỉ riêng có ở Việt Nam. 
Do hiểu biết về Phật giáo còn rất hạn chế nên tôi chưa thể khai thác hết những gì văn bia cung cấp, đồng thời những nhận xét trên đây có thể cũng rất nhiều sai lầm, rất mong được các nhà am hiểu chỉ giáo thêm và lượng thứ.

Hà Nội 3/3/2011
*Bài viết do nhà nghiên cứu Trần Kim Anh viết và gửi riêng Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/10/khao-cuu-ve-kien-truc-phat-giao-oi-ly.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét