Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Dọc đường khảo cổ (3) Trục vớt tàu đắm Cù Lao Chàm


Ảnh đĩa gốm Chu Đậu trục vớt ở Cù Lao Chàm (hiện vật Bảo tàng Quảng Nam)
Đúng cái năm mình khai quật Bãi Làng cũng là lúc có cuộc khai quật tàu đắm ở ngoài khơi Cù Lao Chàm để trục vớt đồ gốm Chu Đậu (do một hay vài thuyền nước ngoài tận dụng cơ hội nhà Minh bế quan tỏa cảng ăn hàng từ một cảng nào đó ở miền Bắc Việt Nam ra khơi xa tới tận châu Âu – bằng cớ là một lọ hoa tuyệt đẹp của gốm Chu Đậu đã có mặt ở Istanbul). Không may, một số trong những tàu đã bị đắm chìm dưới lòng biển.
Từ đảo Cù Lao Chàm ra tới chỗ tàu trục vớt khá xa, đồ trục vớt được phải mang về một xà lan đậu gần đảo để làm sạch và phân loại, tại tọa độ của tàu đắm dòng chảy, gió, bão rất bất thường, xà lan không thể neo đậu an toàn và thiếu nguồn nước ngọt.
Lúc đi tiết trời thuận lợi, sóng khẽ, chỉ đôi lúc vài tia sóng bất chợt giật mình níu mạn tàu, mọi người trò chuyện rôm rả, Thầy nói đôi chút về ngành khảo cổ học dưới nước, mình nhớ lại chuyến thăm cơ sở khai quật tàu đắm ở Malai hồi năm 1994 và cuộc gặp gỡ với TS. Dizon – một chuyên gia khảo cổ người Philippines(Philippines cũng là nước có division về underwwater archaeology phát triển nhất ở Đông Nam Á) ở tập huấn Kuala Lumpur, mải chuyện con tàu đến nơi lúc nào không biết.
Tàu đồ sộ, máy móc la liệt, thủy thủ và thợ máy người Tây anh nào anh nấy to vật to vã, bên cạnh họ các anh khảo cổ người Việt dáng trông e ấp.
Mình gần như được một bác thủy thủ nhấc bổng lên từ chiếc tàu con và cứ thế bác cắp mình như cắp một con nhái bén tiến thẳng vào phong khánh tiết của tàu lớn (sau này mình được nghe giải thích vì đến gần nửa năm nay, trên tàu không có bóng dáng của bất kỳ giống Cái nào), gì chứ những vụ như thế này mình đã xem phim và đọc truyện rồi nên thấy phình phường. Bác thủy thủ này tuy vậy rất lịch thiệp, bác mời mình ăn và uống tới tấp, cứ làm như mục đích ra tàu của mình chỉ là để mục kích công việc ẩm thực ở đây. 
Cả đoàn được hướng dẫn tận tình xem nơi làm việc, nơi ở và theo dõi qua màn hình những hoạt động của thợ lặn làm việc dưới đáy biển. Đồ dùng chuyên dụng, máy móc phức tạp và chuyên gia ra chuyên gia, khảo cổ học trên đất liền vất vả tốn kém một thì khảo cổ học dưới nước vất vả, tốn kém mười và thêm cả nguy cơ rủi ro cao.
Thợ lặn chuyên nghiệp lần này là những người Anh, sau mỗi lần lặn họ phải sống trong những lồng đặc biệt để tránh sự thay đổi áp suất đột ngột. Lặn sâu ở biển Đông rất nguy hiểm và phức tạp, không như cảnh trên phim khai quật tàu đắm ở Địa Trung Hải – anh thợ lặn lặn xuống sau một hồi ngoi lên, tháo mặt nạ cười lấp lánh, trên tay là một bình đáy nhọn hai quai (amphora - đựng rượu xuất đi khắp vùng Đông và Nam Âu từ cách đây gần 3000 năm).
Đang tham quan thì được lệnh quay về ngay, chả ai hiểu đầu cua tai nheo thế nào nhưng rồi đều vội vã uống nước, thu dọn đồ lề.
Yên vị trên tàu, chủ tàu giải thích lý do về sớm hơn dự định vì xuất hiện một dòng chảy ngầm nghịch.
Lần đi yên ả bao nhiêu, lần về vất vả bấy nhiêu, gần như ai cũng bị sóng hành, trừ Thầy, Thầy vẫn kể chuyện, chuyện đời, chuyện nghề…
Mình lắc lư, lắc lư, đầu ong ong, người nôn nao, chỉ cầu mong tàu mau cập đảo.
Có lẽ, những dòng chảy ngầm, những ngọn sóng bất chợt, những cơn bão không lường… cùng với nạn cướp biển đã là nguyên nhân làm cho vùng biển Đông có nhiều shipwreck đến thế.
Khảo cổ học dưới nước dẫu muôn vàn khó khăn và tốn kém nhưng thật sự cần thiết đối với một nước có đường bờ biển dài và lắm sông ngòi như nước ta, có một nghịch lý ai cũng thấy, đó là một đất nước có nghề trồng lúa nước phát triển từ cách đây ít nhất 4000 năm và hiện đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu lúa, 90% là nông dân, mà không có bảo tàng về lúa, không có ngành khảo cổ học nông nghiệp, một vùng bán đảo, sông ngòi chằng chịt mà không có trung tâm khảo cổ học dưới nước.
Nhưng có hẳn một trung tâm khảo cổ học kinh thành!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét