Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Mối quan hệ Sa Huỳnh – Champa nhìn từ góc độ nghiên cứu đồ gốm

Mối quan hệ Sa Huỳnh – Champa nhìn từ góc độ nghiên cứu đồ gốm[1]  
(Bài tham dự HNTBKCH 9.2011, Hà Nội)
                                                   Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Hồng Kiên, Hoàng Thúy Quỳnh
 Những nhận xét về mối quan hệ Sa Huỳnh – Champa xét từ góc độ khảo cổ học chủ yếu được đưa ra dựa vào các nghiên cứu so sánh di tích và di vật của hai giai đoạn văn hóa này, trong đó nghiên cứu so sánh đồ gốm có vị trí vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là có vị trí quan trọng nhất.
Liên quan đến mối quan hệ Sa Huỳnh – Champa từ góc độ nghiên cứu gốm, khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật”, chúng tôi thấy nổi bật một số vấn đề:
1. Về các sưu tập gốm Sa Huỳnh – Champa
Tính chất văn hóa khác nhau: Tổ hợp gốm Sa Huỳnh chủ yếu có nguồn gốc từ khu mộ táng (người chết), gốm cư trú cho tới nay mới chỉ tìm thấy ở một địa điểm (địa điểm Thôn Tư, Duy Trung, Duy Xuyên, QuảngNam). Gốm Champa sớm thu được từ nhiều loại di tích và chủ yếu liên quan đến sinh hoạt cá nhân hay cộng đồng (người sống).
Chất liệu: Gốm Sa Huỳnh chỉ có dòng gốm thô, gốm Champa sớm có ít nhất hai dòng thô và mịn, trong đó dòng gốm thô tiếp nối truyền thống gốm văn hoá Sa Huỳnh, dòng gốm mịn mang phong cách gốm ngoại sinh (từ phía Bắc vàNam). Để đáp ứng những thay đổi trong xã hội, bản thân dòng gốm thô từ truyền thống bản địa cũng đã có những thay đổi trong nhiều khía cạnh, lượng cát ít hơn và chất liệu gốm được lọc kỹ hơn và đặc biệt không còn loại gốm “lòng rỗng” điển hình của văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh trước đó.
Địa bàn: về cơ bản có sự trùng khít giữa hai nền văn hóa và đây là cơ sở để gốm của cả hai giai đoạn đều được sản xuất từ những nguồn nguyên liệu sản xuất chung – sét có thành tạo trầm tích có nguồn gốc sông và phụ gia là bã thực vật và cát hạt thô hay mịn.
2. So sánh loại hình và kỹ thuật sản xuất, xử lý bề mặt
Về loại hình: Về cơ bản, những loại hình gốm đặc trưng cho văn hoá Sa Huỳnh không còn tồn tại trong những địa điểm Champa sớm, trong các địa điểm Champa sớm đã xuất hiện một loạt những loại hình gốm mới (chuyên dụng, gia dụng, nghi lễ, kiến trúc, trang trí…) để đáp ứng nhu cầu của một cấu trúc chính trị-xã hội mới.
Những điểm tương đồng trong sưu tập gốm của hai văn hóa chủ yếu nằm ở một số loại hình của gốm đun nấu và chất liệu gốm thô, hơi thô như nồi các loại kích thước vừa và nhỏ, một số bát miệng khum và bát hay cốc có chân cao rỗng hơi loe, sự kế thừa từ gốm văn hóa Sa Huỳnh còn được thấy trong cách xử lý bề mặt gốm, một số họa tiết trang trí đặc biệt là văn sóng nước và kỹ thuật làm gốm, kỹ thuật nung gốm thủ công[2].
3. So sánh sử dụng kết quả phân tích mẫu gốm so sánh Sa Huỳnh – Champa
Kết quả của những nghiên cứu kỹ thuật hỗ trợ hữu hiệu cho diễn giải rất nhiều vấn đề về nguồn gốc, tiếp nối văn hóa. Đặc biệt là những phân tích mẫu liên quan đến khai thác nguyên liệu và xử lý nguyên liệu, đánh giá trình độ kỹ thuật sản xuất gốm để từ đó tìm hiểu sự kế thừa hay thay đổi văn hóa giữa hai thời kỳ. Những phân tích từ các mẫu gốm Sa Huỳnh và Champa ở một khu vực (lưu vực sông Thu Bồn) cho thấy một số kết quả khá thú vị.
Những mẫu gốm Sa Huỳnh (bao gồm cả mẫu gốm chum quan tài và cả mảnh của đồ gốm chôn theo) cho thấy nguyên liệu làm gốm lấy ngay ở bồi tích sông, thường ngay trên bề mặt thềm sông, có những mảnh (chum) lượng cát chiếm tới trên 60% và xương gốm rất lỏng chỉ được giữ nhờ hai lớp áo bên trong và bên ngoài. Sự có mặt của khối lượng cát này dẫn đến hiện tượng “lòng rỗng” của gốm Sa Huỳnh mà chúng tôi đã đề cập trong một số nghiên cứu trước đây. Có thể thấy việc khai thác nguyên liệu làm gốm của cư dân Sa Huỳnh lấy sự tiện lợi làm yếu tố quan trọng hàng đầu và chưa thật sự chú trọng đến kỹ thuật xử lý chất liệu, tuy nhiên họ đã nắm vững tính chất của loại đất bồi tích sông này nên đã khéo léo bù đắp tính chất lỏng lẻo của xương gốm bằng lớp áo trong ngoài dầy chắc cứng và bằng cách nung và độ nung.
Độ nung gốm cao (khoảng trên 800 độ C)[3], bằng chứng là bề mạt hạt mi ca, thạch anh và cả đá nhỏ trong chất liệu làm gốm đều bị rạn, thành gốm bên trong, bên ngoài có độ cứng như nhau dẫn đến giả thiết là khi nung những đồ gốm lớn như chum quan tài có thể họ đã chất củi rơm cả ở bên trong lòng để cháy âm ỉ[4], chứ không đơn thuần như nung gốm thông thường xưa và cả nay. 
Những mẫu gốm Champa cho thấy việc khai thác và chọn lựa nơi khai thác đất làm gốm khác với giai đoạn trước, đất làm gốm là đất trầm tích, phải đào sâu vài ba mét mới khai thác được và do vậy dù độ nung thấp hơn nhưng đồ gốm chắc, mịn hơn so với gốm Sa Huỳnh. Mức độ tiến bộ còn thấy ở quy trình ủ đất và thêm chất phụ gia, như vậy, sự cải tiến không nằm trong nhiệt độ nung mà ở cách nung và đặc biệt là khai thác và xử lý nguyên liệu, cải tiến trong kỹ thuật khai thác nguyên liệu làm giảm bớt phế phẩm, bớt lãng phí nhiên liệu và đặc biệt đồ gốm có hiệu quả sử dụng tốt hơn, chất liệu đất sét xử lý kỹ cho phép tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn nhưng thực dụng hơn do độ nung không cao không cần lò chuyên dụng và dùng ít nhiên liệu.
Nếu so sánh mức độ tương đồng với mức độ khác biệt giữa hai sưu tập đồ gốm ta dễ dàng nhận thấy mức độ khác biệt lớn hơn rất nhiều so với mức độ tương đồng, điều này theo chúng tôi có thể giải thích bởi những lý do sau:
  • Sự tương đồng của (chủ yếu) đồ đun nấu và một số đồ sử dụng thông thường hàng ngày của dòng gốm thô, hơi thô (qua so sánh loại hình gốm đun nấu và gốm sử dụng thông thường hàng ngày ở một số địa điểm Champa sớm với gốm cư trú Sa Huỳnh ở Thôn Tư) cho thấy cả hai cộng đồng dân cư Sa Huỳnh và Champa đều có chung những đặc điểm về môi trường sống, không gian sống, phương thức kiếm sống, tổ chức đời sống, lối sống, ứng xử với môi trường tự nhiên.
  • Sự tương đồng của những loại hình gốm thô và hơi thô còn cho thấy sự bảo lưu lâu dài truyền thống của dòng gốm thường được gọi là dân gian hay bản địa thường có quy mô sản xuất nhỏ nhưng có diện phân bố rộng, mật độ dày, sản phẩm đơn giản với hiệu quả kinh tế cao và dễ tiếp cận.
  • Sự khác biệt trước hết xuất phát từ những thay đổi trong cấu trúc xã hội, từ xã hội dạng lãnh địa sang dạng nhà nước; Sự thay đổi trong lĩnh vực đời sống tinh thần, táng thức thay đổi, tiếp nhận những yếu tố tĩn ngưỡng, tôn giáo mới…và sự thay đổi trong cường độ và xu hướng tiếp xúc, tiếp nhận những yếu tố văn hóa ngoại sinh…

[1] Nội dung của bài thông báo này được trích từ đề tài NCKH “Đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật” do PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Ths. Nguyễn Anh Thư, TS. Nguyễn Hồng Kiên, Ths. Hoàng Thúy Quỳnh và cộng sự thực hiện với sự tài trợ của TT Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á, ĐHQG Hà Nội. Báo cáo tổng kết của đề tài lưu tại Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội.
[2] Cho đến nay địa điểm Gò Cấm, Duy Trung, Duy Xuyên cúng cấp những chứng cứ rõ ràng nhất về sự tiếp nối truyền thống giữa gốm Sa Huỳnh và gốm thô giai đoạn sớm của Champa (giai đoạn Lâm Ấp).
[3] Theo Kết quả phân tích  thành phần khoáng vật một số mẫu gốm Sa Huỳnh tại TT Phân tích Thí nghiệm Địa chất Hà Nội.
[4] Trong một số khu mộ VHSH như An Bang, Hội An; Lai Nghi , Điện Bàn… trong và ngoài đáy chum còn nguyên những vành than củi cháy. Trước đây chúng tôi thường liên hệ hiện tượng này với tục sưởi mộ, tuy nhiên, có thể diễn giải theo một cách khác, có thể người Sa Huỳnh chuẩn bị mộ trước bằng cách nung chum ngay ở những hố đào vào cồn cát, mỗi chum bản thân nó được sử dụng như lò nung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét