Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Đúng là "Những bất ngờ ở thung lũng sông Tang"

Đọc bài trên Tuổi trẻ cuối tuần "Những bất ngờ ở thung lũng sông Tang" http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/433695/Nhung-bat-ngo-o-thung-lung-song-Tang.html mình cũng thấy bất ngờ vì những lý giải của những người khai quật.

1.TS. Khôi nói: "Nó cho thấy sự sai nhầm của một luận điểm từng tồn tại rằng người Sa Huỳnh không có ở vùng cao, nhất là giữa dãy Trường Sơn"- Luận điểm này từ lâu đã bị những người nghiên cứu bác bỏ vì  di tích Sa Huỳnh ở vùng núi Trường Sơn đã được biết đến từ những năm 80 của thế kỷ 20, đâu đợi đến phát hiện sông Tang của TS. Khôi!

2. Ông Khôi giải thích: “Chúng tôi đã dựng lại mặt bằng gốc trước khi con người của thời hậu kỳ đồ đá mới đến cư trú...", Không rõ dựa vào những gì để dựng lại bối cảnh, nếu có sự trôi dạt của hiện vật hậu kỳ đá cũ đến thì liệu có phân bố đồng đều và theo trật tự lớp hay không? Đọc trong bài chỉ có cảm tưởng rằng địa tầng văn hóa ở đây rất phức tạp và có thể đã bị xáo trộn nhiều chỗ.

3. Thật lạ lùng! Khu mộ táng và khu cư trú nằm sát nhau, chỉ cách nhau hơn 1m. Có thể nói cư dân tiền sử chưa có sự tách rời hẳn giữa người sống và người chết. Ở các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được khai quật như Bình Châu, gò Ma Vương (Quảng Ngãi), gò Mã (Mả)Vôi (Quảng Nam) chỉ toàn phát hiện các khu mộ táng” - ông Khôi nói.  Có lẽ TS. Khôi nên đọc thêm tư liệu trước khi kết luận thế này. Bình Châu cho tới nay đã được xác đinh là có cả cư trú lẫn mộ táng và giai đoạn muộn của Bình Châu đã bước sang sơ kỳ thời đại đồ sắt. Cạnh Gò Mả Vôi là di chỉ cư trú Thôn Tư...! Như vậy dù không nhiều, nhưng không phải là chưa bao giờ tìm thấy nơi cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt! 

4. Đây cũng là lần đầu tiên lịch sử khảo cổ học biết đến vùng (văn hóa) Sa Huỳnh núi trong mối quan hệ với Sa Huỳnh biển vốn được biết từ lâu, theo PGS.TS. Trịnh Sinh. Khổ quá, thế những di tích văn hóa Sa Huỳnh núi ở huyện Hiên, huyện Giằng (Quảng Nam) phát hiện và khai quật cách đây hơn 20 năm PGS bỏ chúng đi đâu, và những ý kiến về quan hệ núi - biển trong văn hóa Sa Huỳnh của các nhà nghiên cứu từ trước đến nây chả nhẽ đoàn khai quật sông Tang không biết!

5. Địa điểm khai quật này cũng nói lên nhiều mối quan hệ lịch đại giữa người tiền sử (chủ nhân của các di vật trong hố khai quật) và những tộc người bản địa đang sống trong khu vực như Cor, Ca Dong, H’Rê.Thật lý thú, chuỗi vòng mã não tìm thấy trong hố khai quật là loại trang sức hiện đang được người H’Rê trong vùng rất ưa chuộng. Vụ này cũng không có gì mới, người Cờ Tu ở Quảng Nam cũng y như người H'Rê vậy, thậm chí có người còn cho rằng người Cờ Tu là hậu duệ của người Sa Huỳnh (nhiều công cụ sắt của họ giống hệt công cụ sắt của văn hóa Sa Huỳnh) và đã phiêu dạt từ biển lên rừng theo kiểu "Vua Lê mất nước chạy lên rừng" ! 

Mọi phát hiện khảo cổ dù ở đâu, thuộc niên đại nào cũng đều vô cùng quý giá đối với người làm nghề. Những phát hiện ở thung lũng sông Tang tuy vậy cần phải được xem xét trong bối cảnh chung của văn hóa Sa Huỳnh, từ góc độ này, những phát hiện ở đây không có nhiều khác biệt so với những phát hiện và nghiên cứu cho đến nay về văn hóa Sa Huỳnh ở các tỉnh miền Trung VN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét