Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Reading the Past (Đọc quá khứ) Ian Hodder (Phần 3)

Current Approaches to Interpretation in Archaeology.
Second Edition. Cambridge University Press 1991.
Prof. Ian Hodder

Bản dịch của TS. Hà Hữu Nga (Hà Nội năm 2005) (số trang đánh trong bài dịch đồng thời cũng là số trang của bản gốc)

Ngữ cảnh Lịch sử

Phản ứng lại lịch sử văn hoá và KCH Định chuẩn, các nhà KCH Quá trình đã quay trở về với nhân học. Cuối cùng, nguyên do chủ yếu khiến KCH Mới không bao giờ trụ được ở Châu Âu như nó đã thực hiện được ở Mỹ có thể là KCH châu Âu về phương diện tri thức và hành chính (tại các đại học) đã quá gắn bó với lịch sử chứ không phải với nhân học.
Trong KCH Quá trình Mỹ cách tiếp cận mới là so sánh văn hoá bằng cách xem xét các hệ thống trong mối quan hệ với các môi trường và việc sản sinh ra những định thức phổ quát. Kết quả là một quá khứ không có thời gian đã được sản xuất ra. Các quĩ đạo hệ thống được xem xét nhưng thời gian thì lại bị thái lát, và nó chỉ tập trung vào những qui tắc tính so sánh văn hoá trong những biến đổi từ kiểu loại a sang kiểu loại b (chẳng hạn từ những thợ săn bắn hái lượm di động trở thành nông dân định cư).

Vấn đề được đề cập trong chương này gợi ý rằng các qui luật so sánh văn hoá vô giá trị thì dường như không tồn tại; khả năng của các qui luật lịch sử - đó là những khái quát hoá có hiệu lực xuyên qua thời gian trong một ngữ cảnh đặc thù? Vì hành động trong thế giới này phần nào tuỳ thuộc vào các khái niệm, và vì các khái niệm học được thông qua kinh nghiệm trong cái thế giới mà người ta được sinh ra và thông qua cuộc sống, đó có thể là những liên tục dài hạn (Tr. 11) trong các truyền thống văn hoá đang tồn tại, được tái thoả thuận và biến đổi liên tục, nhưng dù sao cũng vẫn được phát sinh từ bên trong. Một phần mục đích của KCH có thể là xác định xem liệu các liên tục dài hạn như vậy có tồn tại không, và chúng biến đổi và chuyển hoá như thế nào?

Phần trước chúng tôi đã lưu ý rằng việc nhấn mạnh vào những ý nghĩa văn hoá ngụ ý rằng văn hoá không thể qui giản vào các kết quả vật chất. Khi lý giải tại sao một loại hình văn hoá lại có ý nghĩa và công dụng đặc thù, thì cần phải xác định những kết hợp và những ngữ cảnh trước đó của nó, sự truyền bá và tính liên tục của nó. Trong khi truyền bá và liên tục văn hoá là những quá trình xã hội thì loại hình văn hoá tồn tại trước cũng tác động tới cái xuất hiện sau. Đó là vì con người chỉ có thể hiểu và hành động thông qua một trung gian văn hoá mà họ tạo nên và sống trong đó. Như Childe (1936) đã xác định con người sáng tạo ra các truyền thống, nhưng các truyền thống cũng làm thành con người-con người làm ra chính bản thân mình.

Điều đó có nghĩa là ở đây tiềm ẩn một nguy cơ thuộc loại qui giản luận mới. Đúng ra khi qui giản các hành vi văn hoá vào sự sinh tồn thì đã xuất hiện một khả năng thoái bộ vô tận khi các loại hình văn hoá được lý giải bằng thuật ngữ các loại hình văn hoá trước đây, giật lùi lại cho đến khi nào chúng ta tìm được cái công cụ đá đầu tiên đã được chế tác trong mịt mờ thời gian của thời đại đá cũ. Trong khi đó không nhất thiết cứ phải đi hết một chiều dài lịch sử như vậy, vì vậy khó mà nhận thấy tại sao người ta lại muốn khước từ tầm quan trọng của một công trình lịch sử văn hoá. Đối với tất cả chúng ta, vẫn có một cái gì đó mang tính quyết định trong việc ghè được chiếc rìu tay đầu tiên. Chỉ có KCH mới có thể tìm được cái thiết kế vĩ đại này. Nhưng ngay cả khi chúng ta đã lần đến được nguồn gốc của một tư tưởng nào đó thì cũng không được phép qui giản nó vào một cái gì đó bên ngoài bản thân nó. Loại hình văn hoá vẫn nguyên vẹn được tạo ra, riêng biệt và không thể qui giản.

Trong khi hiện nay người ta vẫn khao khát tìm kiếm sự sáng tạo vượt khỏi quá khứ xa xôi thì những biến đổi ý nghĩa trong những khoảng thời gian như vậy là rất đáng kể. Chúng ta có thể thường xuyên hiểu biết sâu sắc về các ý nghĩa văn hoá bằng cách xem xét cái ngữ cảnh lịch sử trực tiếp hơn. Vì vậy vấn đề quan trọng là phải xem xét các sự vật bắt nguồn từ đâu. Đây là một vấn đề trọng tâm của lịch sử văn hoá trong KCH truyền thống. Giờ đây chúng ta cần xem xét sự truyền bá các đặc điểm như là một (Tr. 12) quá trình xã hội và có ý nghĩa; những kết hợp các hạng mục với nhau hoặc với một ngữ cảnh văn hoá trước đó tác động đến việc sử dụng hạng mục đó trong một ngữ cảnh mới. Vì vậy truyền bá lại mang tính giải thích chứ không phải là mô tả như người ta vẫn thường khẳng định.

Trong khi nhấn mạnh vào ý nghĩa văn hoá và sự duy trì đồng thời cũng như sự “sáng tạo” năng động (Hobsbawn and Ranger 1984) những truyền thống văn hoá, tôi không muốn khẳng định rằng lịch sử chỉ bao gồm những cấu trúc khái niệm và tôi cũng không muốn biện hộ cho một lịch sử duy tâm luận (xem tr. 19 và chương 5). Các giới hạn môi trường, kỹ thuật học và cả những mối liên hệ xã hội của việc sản xuất cũng như cấu trúc tất cả đều biến đổi. Chúng cung cấp tiềm năng lịch sử cho sự biến đổi xã hội và chúng cung cấp cho các nguồn bằng cách tạo ra sự thay đổi. Sự chia tách giữa tư tưởng và vật chất thể hiện rõ nhất với tư cách là một phép biện chứng lịch sử trong đó các nguồn vật chất và các mối quan hệ đều có nghĩa để rồi không phải cái tư tưởng cũng không phải cái vật chất có được đặc quyền.

Trong khi cho rằng KCH nên tái thẩm định những mối liên kết chặt chẽ với lịch sử theo kiểu châu Âu, còn một điều quan trọng khác là xem xét những khác biệt giữa KCH và lịch sử. Trong một chừng mực nào đó sự lý giải mang tính lịch sử có thể được xác định bằng việc qui chiếu vào các ngữ cảnh và sự kiện đã có tiền lệ (một sự mô tả sai lệch hoặc không hoàn thiện mà tôi sẽ xác định ở chương 5), KCH là một phần của lịch sử. Nhưng KCH là thuộc về văn hoá vật chất chứ không phải là thuộc về các tài liệu. Việc viết bằng mực lên trên giấy tự bản thân nó là một hạng mục văn hoá vật chất, và việc suy luận ý nghĩa từ một bằng chứng như vậy cũng tương đương với việc suy luận đối với các hiện vật vật chất nói chung. Theo nghĩa này, lịch sử là một bộ phận của KCH. Ngay cho dù các tư liệu lịch sử chứa những thông tin ngữ cảnh đáng kể khi chúng ta thừa nhận cái ngôn ngữ mà các tài liệu kia được viết ra thì quá trình suy luận vẫn là một quá trình gán ý nghĩa cho thế giới vật chất của quá khứ.

Kết luận
Trong suốt tập sách này tôi muốn thảo luận những vấn đề được đề xuất ở chương đầu tiên này. Mục đích của tôi là đáp trả những thách thức đối với bộ môn KCH bằng việc thừa nhận tầm quan trọng của ý nghĩa văn hoá, cá nhân năng động và lịch sử. Tóm lại chúng ta có thể thấy rằng cách nhìn nhận ấy đã đưa lại hiệu quả cho ba lĩnh vực trung tâm của cuộc tranh luận KCH. Đó là 1) mối quan hệ giữa văn hoá vật chất và xã hội – văn hoá vật chất liên hệ với con người như thế nào, 2) các nguyên do của biến đổi – cái gì gây ra những biến đổi văn hoá, kinh tế và xã hội, 3) tri thức luận và việc suy luận – các nhà KCH lý giải quá khứ như thế nào.

1. Văn hoá vật chất – hành vi
Người ta luôn luôn thừa nhận rằng mối liên hệ giữa hành vi và văn hoá vật chất là khó khăn chủ yếu cần phải được giải quyết trong KCH. Các vấn đề về mối quan hệ này trước đây đã được thừa nhận là liên quan đến bộ phận duy nhất trong “các văn hoá” vật chất và “các dân tộc” (Childe 1951). Đóng góp của KCH Quá trình chính là nỗ lực tư duy một cách hệ thống về mối quan hệ giữa hành vi và văn hoá vật chất. Trong hầu hết các công trình trước đây chủ đề thống trị là: hành vi ---> văn hoá vật chất.
Văn hoá vật chất là một bán thành phẩm của hành vi con người. Quan niệm này được thể hiện trong giả thuyết cư trú bên nhà mẹ (Longacre 1970) và trong các lý thuyết về mối quan hệ giữa dân số và diện tích cư trú (Naroll 1962), giữa phong cách và tương tác (Plog 1978). Nỗ lực của Binford nhằm xác định Lý thuyết Tầm trung trong chừng mực lý thuyết này có thể áp dụng vào các quá trình văn hoá đã có cùng một khát vọng về sự chắc chắn, các mối quan hệ rõ ràng, đặc biệt tương đồng với các qui luật của Schiffer (1976) về văn hoá vật chất và hành vi của con người. Như đã chỉ ra ở trên, mới đây cách tiếp cận so sánh văn hoá này đã được mở rộng (Rathje 1978) để bao gồm cả quan niệm cho rằng văn hoá vật chất tác động ngược trở lại xã hội bằng cách tạo ra một mối quan hệ hai chiều: hành vi ---> văn hoá vật chất.

Trong cuốn sách này tôi muốn đi xa hơn khi cho rằng mối quan hệ giữa hành vi và văn hoá vật chất tuỳ thuộc vào các hành động của các cá nhân trong những ngữ cảnh lịch sử văn hoá đặc thù.

(Tr. 14)

Hành vi <---> văn hoá vật chất
.
.
.

Cá nhân,
Văn hoá,
Lịch sử

Vì vậy không có một mối quan hệ so sánh văn hoá trực tiếp, phổ quát giữa hành vi và văn hoá vật chất. Các khung ý nghĩa luôn luôn can thiệp và chúng phải được các nhà KCH lý giải. Nỗ lực này phải được tất cả những ai muốn khảo sát quá khứ với tư cách là những nhà KCH thực hiện, cho dù chúng ta chủ yếu quan tâm đến kinh tế học và tổ chức xã hội chứ không phải là hệ thống biểu tượng. Cho dù tôi muốn nói rằng hoạt động kinh tế trong một di chỉ riêng biệt nào đó là dựa vào săn bắn nhiều loại động vật hoang dã vì tỷ lệ xương cốt động vật hoang dã bỏ lại trong di chỉ rất cao, thì tôi vẫn cần phải đưa ra một số giả định về thái độ đối với động vật, với xương cốt, rác thải và phân còn bỏ lại. Chẳng hạn tôi cần giả định rằng người ta đã ăn hoặc bỏ lại các đồ thừa từ những con vật mà họ đã ăn thịt ở di chỉ (chứ không phải là ăn và thải bỏ đồ thừa ra khỏi di chỉ bằng cách ném xương xuống sông suối, hoặc đốt xương cháy thành tro để không còn bảo tồn được các đồ thừa đó về phương diện KCH). Bất cứ điều gì tôi muốn nói về hành vi của con người trong quá khứ thì cũng cần phải giả định các ý nghĩa văn hoá.

2. Quan hệ nhân - quả
Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu thứ hai là các nguyên nhân biến đổi xã hội. Hơn nữa các quan niệm đơn giản về quan hệ nhân ---> quả (biến đổi kỹ thuật học dẫn đến tăng dân số chẳng hạn) đã được thay thế bằng mối tương liên nhân <---> quả thông qua việc áp dụng các hệ thống, chuỗi hồi tiếp, các kết quả đa bội và đa nguyên nhân. Ngày nay hầu hết các nhà KCH đều đồng ý rằng các nguyên nhân làm biến đổi xã hội là phức tạp, liên quan đến nhiều nhân tố khác nhau – kinh tế, xã hội và tư tưởng – và gần đây đã có những nỗ lực to lớn để liên hệ các nhân tố này với các hệ thống liên động phức hợp (chương 2).

Tuy nhiên trong các công trình như vậy vẫn còn duy trì quan niệm cho rằng có thể đoán trước được các sự kiện. Mặt khác, tầm quan trọng trung tâm của nhận thức cá nhân về các nguyên nhân dẫn đến một lối nhìn khác.


Nhân <---> quả
.
.
.
Cá nhân,
Văn hoá,
Lịch sử

Các nguyên nhân dưới dạng các sự kiện, điều kiện và các hệ quả (có mục đích và không có mục đích) trong thế giới không thể có các tác động xã hội ngoại trừ thông qua nhận thức của con người và sự đánh giá về chúng. Vì vậy xói mòn đất có thể là một nguyên nhân với hệ quả là con người từ bỏ ngôi làng của mình và sống phân tán. Nhưng sự cố xói mòn đất, bản thân nó không quyết định bất cứ một phản ứng đặc thù nào, vì có nhiều cách để giải quyết hoặc tránh, hoặc ngăn chặn việc này. Sự cố xói mòn đất hoặc các hệ quả của nó được nhận thức như thế nào, và phản ứng tiềm tàng của dân làng được đánh giá như thế nào là tuỳ thuộc vào mức độ sói mòn đất can dự như thế nào vào các chiến lược xã hội riêng trong các ngữ cảnh văn hoá - lịch sử đặc thù.

Điều đó chủ yếu chứng tỏ tầm quan trọng của hệ tư tưởng trong việc tăng cường sự thích ứng của con người và nó vận hành bằng những cung cách khác nhau. Trong hầu hết các cuộc thảo luận KCH về hệ tư tưởng thì hệ thống tín ngưỡng được coi là một sự phản ứng của một hệ thống thích nghi có thể dự báo trước (chương 2); tuy nhiên ở đây cần phải khẳng định rằng nội dung riêng biệt của các giá trị và các truyền thống được tạo dựng trong các kênh lịch sử là vật trung gian thông qua đó mà xuất hiện quá trình thích nghi. Vì vậy các nguyên nhân (xã hội hoặc vật lý) không có các tác động xã hội; đúng ra một truyền thống lịch sử tái sinh bản thân nó bằng mối liên hệ với các sự kiện trong thế giới.

3. Sự kiện – lý thuyết
Thông qua hầu hết quá trình phát triển của KCH, người ta vẫn bảo lưu một lập trường kinh nghiệm chủ nghĩa, trong đó các sự kiện được coi là nói về chính bản thân chúng – “hãy để cho chiếc bình tự nói”. Vì vậy Colt Hoare đã nói rằng chúng ta nói về các sự kiện chứ không phải về lý thuyết. Điều đó được khẳng định bằng cách bám sát các sự kiện là bất kỳ sự vật nào, cho dù không chắc chắn (Tr. 16) đó là việc đơn giản hoá một tập phức hợp các niềm tin được các nhà KCH duy trì trước khi xuất hiện KCH Quá trình. Nhưng nói chung sự suy luận có thể được coi là đi theo cái thiết kế: dữ liệu ---> lý thuyết.

Gần đây người ta nhấn mạnh vào một quan niệm khác, trong đó các dữ liệu được tập hợp gắn liền với một lý thuyết. Các tiếp cận giả thuyết – lý thuyết – diễn dịch bao gồm cả việc suy luận từ một lý thuyết ra những ẩn ý khác nhau và kiểm tra những ẩn ý này dựa vào dữ liệu. Ví dụ về cái hố đốt lửa hun muỗi của Binford (1967) đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng về thao tác này. Renfrew (1982) đã mô tả mối quan hệ giữa lý thuyết và dữ liệu là lý thuyết <---> dữ liệu. Dữ liệu và lý thuyết trái ngược nhau, nhưng mỗi thứ lại biến đổi trong mối liên hệ với cái kia.

Thực ra thì Binford và Sabloff (1982) cũng đã cho rằng mối liên hệ giữa lý thuyết và dữ liệu chặt chẽ đến mức là dữ liệu đựơc quan sát bằng lý thuyết, và vì vậy mà các dữ liệu quan sát được lại thực sự là những lý thuyết (trong thuật ngữ của Binford và Sabloff các dữ liệu được quan sát là thể biến hình phụ thuộc). Vì vậy trong khi toàn bộ những cách tiếp cận được đề cập ở trên có lẽ khẳng định rằng thế giới hiện thực tồn tại tách biệt khỏi những quan sát của chúng ta, càng ngày cái quá trình có thể quan sát ấy càng được coi là lý thuyết phụ thuộc. Những khúc xương rỗng bị bỏ lại chính là những sự kiện trong cái thế giới hiện thực này, cái thế giới mà chúng ta không bao giờ có thể quan sát được.

Các vấn đề về sự quan sát nảy sinh từ triết học hậu thực chứng có thể được khuyếch đại trong các lược đồ được thể hiện ở Fig.1. Trước khi chúng ta có thể đo lường và so sánh những hiện vật như vậy, chúng ta buộc phải quyết định chúng là những gì. Chẳng hạn nếu chúng ta quyết định đo những mặt trước của toàn bộ những chiếc hộp như vậy thì mặt nào là mặt trước? Hoặc nếu chúng ta quyết định đo khoảng cách giữa mỏ trên và mỏ dưới của tất cả những con chim như vậy thì chúng ta buộc phải có khả năng phân biệt giữa chim và hươu.

Những vấn đề như vậy đặc biệt nhạy cảm trong việc nghiên cứu nghệ thuật tiền sử, nhưng chúng lại dựng lên một bức tường khôn vượt đối với toàn bộ bộ môn KCH, vì trước khi đo hoặc đếm, so sánh hoặc đối lập thì người ta phải tạo dựng các phạm trù phân loại (các loại bình, các ngữ cảnh, các văn hoá...vv). Những phạm trù này được tạo nên thông qua quá trình nhận thức.

Giải pháp mà Binford và Sabloff (1982) tuân theo là (Tr. 17) Lý thuyết Tầm trung (Middle Range Theory). Họ cho rằng các dụng cụ đo lường độc lập có thể được sử dụng để kiểm tra mối quan hệ giữa văn hoá vật chất và cái xã hội đã sản sinh ra nó, và theo cách đó người ta có thể kiểm tra một cách “khách quan” các mô hình. Câu trả lời là không đủ, a) vì cái mà người ta đo đếm lại phụ thuộc vào sự nhận thức và việc phân loại các phạm trù, và b) có thể không có những công cụ đo đếm độc lập vì bản thân phương pháp luận là lý thuyết phụ thuộc.

Mặc dù người ta sẽ biện hộ rằng cái thế giới hiện thực này vẫn cản trở chúng ta nói về nó, cũng thật rõ ràng là khái niệm “dữ liệu” bao gồm cả thế giới hiện thực và các lý thuyết về nó. Kết quả là các lý thuyết về quá khứ lại tuỳ thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh văn hoá và xã hội của quá khứ đó. Trigger (1980), Leone (1978) và những người khác đã chỉ ra một cách chắc chắn việc thay đổi cách thức lý giải quá khứ như thế nào là tuỳ thuộc vào sự thay đổi các ngữ cảnh văn hoá và xã hội trong hiện tại. Các cá nhân trong xã hội ngày nay sử dụng quá khứ cho các chiến lược xã hội. Nói cách khác, các mối quan hệ dữ liệu – quá khứ được nhận thức và được thao tác trong các ngữ cảnh lịch sử và văn hoá.

Sự kiện <---> lý thuyết
.
.
.
Cá nhân,
Văn hoá,
Lịch sử

Về phần cuối của tập sách này tôi muốn xem xét những thứ liên quan đến công việc có thể “kiểm tra” lý thuyết không dựa vào dữ liệu, không có những phương tiện đo đếm độc lập, và không có những hiểu biết chắc chắn về quá khứ được không. Tôi có cảm tưởng là hầu hết các nhà KCH đều né tránh những vấn đề này vì ngay từ đầu các vấn đề ấy dường như đã có vẻ là phủ định: toàn bộ cấu trúc của KCH với tư cách là một bộ môn khoa học, được chấp nhận ngay từ giai đoạn phát triển đầu tiên đang bị đe doạ. Tôi muốn khẳng định rằng các vấn đề ấy cần phải được lưu tâm giải quyết nếu KCH vẫn còn là một môn học nghiêm nhặt, và nếu các nhà KCH vẫn còn có trách nhiệm đối với xã hội.


2. Tiếp cận các hệ thống

(Tr. 19) Chương 1 đã đặt vấn đề là: chúng ta suy luận ý nghĩa văn hoá trong các di tích vật chất từ quá khứ như thế nào? Trong chương này và những chương tiếp theo chúng ta sẽ thảo luận nhiều cách tiếp cận để đạt tới mục đích trên. Đây là cuộc tìm kiếm một cách tiếp cận quan tâm đầy đủ đến cá nhân hành động trong một ngữ cảnh văn hoá và lịch sử.

Trước hết cần phải phân biệt giữa hai lớp tiếp cận bao quát của các nhà KCH, mà tôi gọi là duy tâm và duy vật. Dưới đây chúng ta sẽ thấy một vấn đề là các thuật ngữ này có những ý nghĩa khác nhau đối với những trường phái khác nhau; ở đây tôi muốn cấp cho chúng những ý nghĩa tạm thời, nhưng chính xác.

Đối với Kohl (1981:89) chủ nghĩa duy vật “làm cho tầm quan trọng của mối quan hệ nhân quả hài hoà với một hành vi xã hội nhiều hơn là với các tư tưởng, các phản ánh, hoặc những biện minh cho hành vi của nó”. Định nghĩa này cần phải được mở rộng để bao gồm cả thực chất của việc suy luận trong những cách tiếp cận duy vật chủ nghĩa. Trong cuốn sách này, tôi muốn sử dụng những cách tiếp cận duy vật để suy luận ý nghĩa từ những mối quan hệ giữa con người và môi trường của nó. Trong giới hạn ấy các ý tưởng của con người có thể được tiên đoán từ phương diện kinh tế, kỹ thuật học, việc sản xuất vật chất và xã hội của họ. Có thể tiên đoán những cách thức tổ chức vật chất và năng lượng nhất định, những giới hạn hệ tư tưởng phù hợp.

Bằng khái niệm duy tâm tôi muốn nói đến bất cứ cách tiếp cận nào chấp nhận có một hợp phần hành động của con người không thể tiên đoán dựa trên một cơ sở vật chất nhất định, nhưng lại xuất phát từ tư duy của con người hoặc theo một nghĩa nào đó là từ văn hoá. Ở chương 1 tôi đã viện đến quan điểm cho rằng văn hoá không thể qui giản hoàn toàn vào những biến số khác, và ở một mức độ nào đó, văn hoá chính là bản thân nó. Trong việc suy luận các ý nghĩa văn hoá quá khứ, không nhất thiết phải có một mối quan hệ giữa tổ chức vật chất và xã hội của các nguồn, mặt khác, không có một mối quan hệ nhất thiết giữa các tư tưởng văn hoá và các giá trị.

(Tr. 20) Sự phân biệt trên cũng giống như sự xác định các “qui luật bao trùm” và những quan niệm “cội nguồn luận” về quan hệ nhân quả của Gellner (1982). Quan niệm về qui luật bao trùm tự giới hạn bản thân nó vào thế giới kinh nghiệm và tìm kiếm tính nhân quả trong mô hình kinh nghiệm tương tự, các liên tưởng thường xuyên, những qui luật đã được quan sát. Còn quan niệm về cội nguồn luận thì lại mặc nhiên thừa nhận những bản chất bên trong, ẩn dấu và gắn chặt với các hiện tượng hữu hình.

Trong chương này tôi muốn xem xét một cách tiếp cận mới trở nên phổ biến nhằm phục dựng các ý nghĩa văn hoá quá khứ, mà theo tôi thì thường là duy vật và thực chất là “qui luật bao trùm” – đó là việc sử dụng lý thuyết thích nghi hệ thống. Kohl (1981: 95) cho rằng không có những mối liên hệ nhất thiết giữa chủ nghĩa duy vật và việc phân tích hệ thống. Tuy nhiên trong thực tế thì việc phân tích các hệ thống lại là cỗ xe để chuyên chở các mô hình nhấn vào sinh thái học và kinh tế, dựa trên những mối quan hệ giống như qui luật có thể tiên đoán.Tôi định minh hoạ vấn đề này bằng cách đưa ra một số ví dụ tiêu biểu. Cần phải nhấn mạnh rằng những ví dụ này được chọn lựa một cách chính xác vì chúng là những ví dụ điển hình trong khuôn khổ được sử dụng. Khi phê phán các ví dụ này tôi không phê phán các tác giả và công trình của họ, mà chỉ phê phán cái khuôn khổ mà họ chấp nhận (về các ví dụ khác, xin xem Conrad và Demarest 1984; Earle 1990; Jochim 1983; Brau và Plog 1982).

Bài viết của Sherratt (1982) về những biến đổi kinh tế và xã hội ở vùng đồng bằng Đông Hungary giữa Thiên kỷ 6 và 4 TCN, là ví dụ đầu tiên về cách tiếp cận hệ thống bắt đầu kết hợp các phụ hệ thống xây dựng ý thức hệ bao gồm cả phong cách và nghi lễ. Randsborg (1982) cũng đã chỉ ra các hệ tư tưởng, đặc biệt là các thái độ đối với cái chết đã thay đổi theo thời gian, liên quan đến các phụ hệ thống khác như thế nào. Ông xem xét các trật tự biến đổi, liên quan đến sự biến đổi khí hậu ở Đan Mạch từ thời đại Đồng thau đến giai đoạn Viking.

Nhiều công trình mới đây về biểu tượng và phong cách đã chọn một bài viết của Wobst (1977) làm xuất phát điểm. Công trình quan trọng và sáng tạo này đã chỉ rõ phong cách có thể gắn liền với các quá trình trao đổi thông tin và Wobst đã liên hệ phụ hệ thống trao đổi thông tin với các dòng năng lượng và vật chất. Wobst lý giải phong cách bằng sự vận hành của nó gắn liền với các biến số khác, vì vậy tôi cho rằng đây là cách tiếp cận hệ thống.

(Tr. 21) Một bài viết quan trọng và có ảnh hưởng tương tự là của Flannery và Marcus (1976). Họ cho rằng hệ tư tưởng đã góp phần điều chỉnh các phụ hệ thống kinh tế và xã hội trong những giai đoạn dài ở thung lũng Oaxaca, Mexico. Chúng cho thấy vũ trụ luận Zapotec có thể được coi là một phương tiện tổ chức thông tin về thế giới như thế nào.

Một cách tiếp cận duy vật về văn hoá?

Vấn đề đầu tiên để so sánh các công trình này với nhau là tất cả đều là duy vật theo định nghĩa ở trên. Tất cả đều coi phong cách, biểu tượng, hệ tư tưởng và ý nghĩa văn hoá là mang lại lợi thế thích nghi. Nếu đẩy tới thì văn hoá sẽ được qui giản vào sự sinh tồn. Vì vậy Sherratt đã chỉ ra rằng các đồng bằng Đông Hungary được cung cấp nước đầy đủ là một vùng rất thuận lợi cho chăn nuôi. Vào thiên niên kỷ 5 BC, các khu cư trú đã phát triển ra các vùng đồi núi xung quanh, nơi mà con người có thể tiếp cận với các nguồn đá flint obsidian. Vì vậy các nguồn gia súc ở vùng đồng bằng đã được đem ra trao đổi với các nguồn tài nguyên ở vùng cao, và việc trao đổi vùng ấy đã dẫn tới gia tăng sản phẩm (gia súc chẳng hạn). Các đoàn người đã tập hợp thành những di chỉ rộng lớn, bền vững và được bố phòng tốt hơn để trao đổi và bảo vệ các nguồn tài sản di động có giá trị (gia súc). Điều đó đã dẫn tới sự thay đổi phong cách trang trí gốm, là thứ đã trở nên đa dạng, phức tạp và địa phương hoá hơn, vì “việc chế tạo ra các sản phẩm địa phương đủ độc đáo để tham gia vào cái hệ thống trao đổi vùng đang thịnh vượng đó là rất thuận lợi”. Nghi lễ cũng thay đổi vì sự cạnh tranh các nguồn dẫn tới nhu cầu kiểm soát nội nhóm chặt chẽ hơn bằng các phương tiện lễ thức và hệ tư tưởng. Người ta đã tạo ra các đối tượng cúng tế, các bức tượng nhỏ...vv.

Vậy là về phương diện loại hình học, chúng ta đã chuyển từ môi trường và kinh tế đến xã hội và cư trú, đến nghi lễ và hệ tư tưởng, bằng cách tiên đoán những chức năng nảy sinh từ cơ sở duy vật. Có thể thấy một mô thức tương tự trong ví dụ của Ransborg. Ông đã lưu ý đến mối quan hệ xuyên qua thời gian giữa những yếu tố sau đây: a) khí hậu tối ưu, sự mở rộng khu cư trú và sự phong phú của các đồ tuỳ táng. (Tr. 22) Trong những giai đoạn khí hậu tốt và khu cư trú mở rộng thì những qui tắc kế thừa và tiếp nối nhau ít được cố định: tính liên tục bị thử thách và có sự ganh đua nhau trong lĩnh vực của cái chết. Kết quả là những đồ vật tuỳ táng có giá trị được đặt vào trong mộ như là một phần của sự ganh đua về quyền kế vị. b) Khi khu cư trú thu hẹp lại, vì thời tiết không được tốt thì xuất hiện sự thâm canh trong sản xuất, và các mộ thì lại nghèo đồ tuỳ táng, ngay cả khi sự phân tầng xã hội vẫn rõ ràng trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như việc tích trữ lương thực. Từ khí hậu, kinh tế và xã hội, Randsborg đã tiên đoán một tập hợp các thái độ đối với cái chết và táng thức.

Wobst đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng không phải ông quan tâm đến việc sản xuất các hiện vật, mà là đến tuổi thọ sử dụng chúng. Ông quan tâm đến lợi thế thích nghi mà các hiện vật tạo ra trong việc trao đổi thông tin. “Các hành vi học được và khả năng biểu tượng hoá đã tăng cường đáng kể khả năng của người hành động trong tương tác với môi trường của họ thông qua trung gian các hiện vật. Khả năng này cải thiện năng lực của họ để khai thác nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và gia công năng lượng và nguyên vật liệu” (Tr. 320). Wobst cho rằng khi xem xét lợi thế thích nghi thì phong cách có thể chuyển tải một vài khái quát hoá so sánh văn hoá. Chẳng hạn kiểu dáng hiện vật là có giá trị nếu khả năng tiếp nhận không quá gần về phương diện xã hội (vì việc cho và nhận sẽ trở nên quen thuộc) cũng không quá xa (vì việc mã hoá thông tin là không chắc chắn). Vì vậy khi kích cỡ của các đơn vị xã hội tăng lên đến mức có sự tương tác nhiều hơn với những người nhận trực tiếp về phương diện xã hội thì hành vi phong cách hiện vật sẽ tăng. Một khái quát hoá khác là “một hiện vật càng không rõ ràng đối với các thành viên của một nhóm nhất định, thì nó càng thích hợp đối với việc mang thông tin phong cách của bất cứ loại hiện vật nào” (Tr. 328).

Công việc ấy tập trung vào các chức năng vật chất và qui giản hành vi biểu tượng vào tính hữu dụng và tính thích nghi. Những mệnh đề khái quát được rút ra bằng cách gợi ý về những mối quan hệ có thể tiên đoán giữa kinh tế và xã hội: chẳng hạn tôi đã cho rằng (1979) các ranh giới văn hoá vật chất trở nên rõ ràng hơn khi sự tương tác phủ định giữa các nhóm tăng. Với nguồn cảm hứng tương tự, bằng cách liên hệ với bộ trang phục dân gian Yugoslavia, Wobst cho rằng “trong các khu vực cạnh tranh liên nhóm phát triển mạnh (Tr. 23) thì người ta cho rằng tỷ lệ dân số đội những chiếc mũ mang dấu ấn quan hệ nhóm ở những khu vực có các nhóm dân cư đồng nhất tương đối bền vững sẽ cao hơn” (Tr. 333).

Flannery và Marcus (1976) gợi ý một ngữ cảnh khái quát hoá rộng lớn hơn. Họ chỉ rõ tính chất tượng trưng và nghi lễ có thể được coi như là một bộ phận của sinh thái người theo lập trường sinh thái của Rappaport (1971). Họ quan tâm đến nghi lễ điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người và môi trường; vũ trụ luận của người Zapotec được coi là một phương thức tạo ra trật tự cho cả việc điều chỉnh các sự kiện tự nhiên. Việc sử dụng gai đuôi cá đuối để trích máu báo hiệu cho các thành viên khác của cộng đồng thấy rằng một nông dân đang bị thiệt hại và cần được trợ giúp bằng ngô. Các hệ thống sinh thái người bao gồm cả việc trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin.

Trong một mức độ nào thì những cách tiếp cận hệ thống, duy vật này có thể giải thích ý nghĩa văn hoá, hệ tư tưởng và nghi thức? Vấn đề đầu tiên là chúng không hướng tới giải thích sự “trở thành” của việc sản xuất văn hoá. Như Wobst đã tuyên bố rõ ràng ông quan tâm đến việc sử dụng và các chức năng của phong cách hiện vật, chứ không phải là việc sản xuất ra chúng. Đây là một khó khăn cho toàn bộ những lý giải thích nghi và có tính chức năng, trong đó “nguyên nhân” của một sự kiện cũng chính là “hệ quả” của nó. Vì vậy khi lý giải về một cái gì đó chẳng hạn như sự trích máu bằng gai đuôi cá đuối, chúng ta sẽ qui nó vào một hệ quả tiếp theo là sự điều chỉnh các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên phép nghịch đảo nhất thời này được hầu hết các nhà lý thuyết hệ thống nhận ra và được trả lời là các nhà KCH chỉ có thể nhìn vào lợi thế thích nghi trong một khoảng thời gian dài, vào cái được chọn lựa cho sự sinh tồn. Với lối nhìn này người ta ít quan tâm đến câu hỏi tại sao con người lại sản xuất ra một cái gì đó.

Vậy là dường như bằng cách định nghĩa, hầu hết tính biến đổi văn hoá do các nhà KCH phát hiện ra đều bị gạt ra khỏi phạm vi lý giải. Chúng ta không thể lý giải tại sao người ta lại sử dụng một chiếc gai đuôi cá đuối, tại sao lại sử dụng nó vào việc trích máu mà không phải là những vật khác hoặc lễ thức khác. Tất cả đều được qui chiếu vào một tập hợp các đặc trưng hành vi văn hoá - đó là các lễ thức và gốm tạo tác cầu kỳ theo Sherratt, sự phong phú của đồ tuỳ táng trong mộ theo Randsborg, những tăng giảm hành vi phong cách theo Wobst. Trong hầu hết các trường hợp chúng ta không thể lý giải tại sao một nghi lễ đặc biệt hoặc bất cứ một nghi lễ nào khác lại được dùng cho một chức năng riêng biệt trong khi những thứ khác có lẽ (Tr. 24) cũng thực hiện được các chức năng ấy một cách hoàn hảo chẳng kém. Tính chất khó khăn đó được làm sáng tỏ nếu chúng ta bắt đầu không phải từ cùng đích chức năng thích nghi, mà là từ hoa văn trang trí, từ những đường ngoằn nghèo tô trên một chiếc bình. Chúng ta có thể chắc chắn rằng những đường ngoằn nghèo trên những chiếc bình được xác định bằng lợi thế thích nghi. Thật là thảm thương cho những lý lẽ hệ thống nào không tạo điều kiện cho chúng ta lý giải tính khác biệt văn hoá đặc trưng. Vẫn còn khối lý lẽ như vậy.

Trong các nghiên cứu này, các ý nghĩa tạo dựng hệ tư tưởng đã được ấn định như thế nào? Có phải việc ấn định ý nghĩa đạt được bằng cách phê phán? Nhiều nhà KCH kiên trì quan điểm kinh nghiệm chủ nghĩa, tỏ ra hoài nghi đối với lĩnh vực tạo dựng hệ tư tưởng là thứ thường được coi là tư biện và phi khoa học. Họ thích nói về các chức năng duy vật hơn là về những ý tưởng trong tư duy của con người trong quá khứ.
Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì không thể thảo luận chức năng mà lại loại trừ lĩnh vực tạo dựng hệ tư tưởng, vì ít nhất có ba lý do.

Trước hết, khái niệm “chức năng” giúp người ta giả định cái gì đó là một “đầu mũi lao”, hoặc một số “đầu mũi lao” bằng cách sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng. Chẳng hạn nếu một người đang suy luận xem liệu những đầu mũi lao có ngạnh hay không có ngạnh thì hiệu quả hơn khi thực hiện các chức năng của chúng, người khác thì suy luận xem những chức năng đó là gì và tầm quan trọng của nó ra sao. Những chiếc đầu mũi lao như vậy có thể dùng để sát thương một người hoặc một con thú, từ gần hay xa, nhanh hay chậm, có thể hoặc không thể tái sử dụng một công cụ như vậy,...vv. Và tất nhiên là công cụ đó có thể có những ý nghĩa biểu tượng quan trọng, có thể tác động đến việc sử dụng và khả năng sát thương của nó. Những “đầu mũi lao” đa dạng ấy được sản xuất ra trong một ma trận ý nghĩa văn hoá.

Thứ hai, trước khi nói về những chức năng của một hiện vật chúng ta thường tạo ra những loại vấn đề – hiện vật, những đầu mũi lao có ngạnh, những chiếc bình...v v. Sau đó chúng ta so sánh và đối lập các chức năng của các loại sự vật khác nhau đó. Cái hệ thống phân loại mà chúng ta lựa chọn ấy sẽ phần nào phụ thuộc vào các chức năng của chúng, nhưng nó cũng sẽ bao gồm một mức độ chủ quan tính đáng kể. Theo thói quen, chúng ta thường quyết định xem cái gì là loại chứa đựng ý nghĩa.

Thứ ba, giả thiết liên quan đến chức năng luôn luôn dựa trên định đề về ý nghĩa của một hiện vật. Ngay cả khi gọi một hiện vật là một chiếc rìu thì có nghĩa là chúng ta đã khẳng định rằng con người trong quá khứ cũng đã nhìn nó hệt như chúng ta ngày nay vậy - đó là một hiện vật dùng để chặt cây. (Tr. 25) Chức năng và ý nghĩa gắn liền với nhau; điều đó là đặc biệt rõ ràng khi chúng ta thảo luận về các chức năng xã hội của các hiện vật. Các chức năng xã hội ấy phụ thuộc vào ý nghĩa khái niệm mà chúng ta thường áp đặt công khai và không phê phán.

Chẳng hạn Randsborg đã cho rằng mộ táng được sử dụng để phô bày phương diện xã hội trong những điều kiện môi trường và xã hội nhất định. Những chuẩn mực kế thừa buộc phải được thử thách ám chỉ rằng các mộ táng sẽ là một phần của cuộc ganh đua thân phận. Vẫn chưa có nỗ lực nào để thử tìm hiểu xem các thái độ đối với cái chết có thực sự liên quan đến những mối quan tâm như vậy ở Đan Mạch không. Có thể mộ táng có ý nghĩa hoàn toàn khác. Việc nói rằng sự phong phú của đồ tuỳ táng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xã hội, chúng ta phải “tự nghĩ đến” những thái độ tiền sử đối với mộ táng. Cũng vậy, trong các giai đoạn khí hậu bất lợi ở Đan Mạch có những mộ nghèo, nhưng Randsborg đã chỉ ra rằng trong những giai đoạn này các kho tích trữ lương thực lại rất giàu và phong phú. Có thể hiểu rằng những kho chứa này được chôn trong các đầm lầy lúc người ta chết, nó cũng giống như việc chôn theo các đồ tuỳ táng trong những giai đoạn khí hậu thuận lợi. Các kho chứa có thể có cùng một ý nghĩa và vì vậy mà có cùng một chức năng với các mộ táng. Không biết được các ý nghĩa văn hoá này, chúng ta không thể biết được những loại hiện vật như vật có các chức năng gì. Khi đưa thêm một ví dụ về vấn đề này chúng ta có thể quay trở về với các bộ trang phục Yugoslavia của Wobst. Ông sử dụng những thứ này để biện hộ cho một quan niệm chung là các loại hình hiện vật văn hoá hữu hình hơn thì chuyển tải những thông tin cho các đơn vị xã hội lớn hơn – trang phục đội đầu là rất điển hình. Nhưng có nhiều cách sử dụng cơ thể rất rõ ràng để chứng tỏ lòng trung thành với nhóm xã hội khi ở xa, đặc biệt chẳng hạn như dáng điệu, quần áo, áo khoác...vv. Wobst có thể đúng trong việc phục dựng quá khứ, nhưng nếu ông đúng thì đó là vì ông đã đặt giả thuyết đúng về những nhận thức của người bản địa liên quan đến vấn đề là những bộ phận của cơ thể là quan trọng đối với việc ghi dấu ấn sự tòng thuộc xã hội. Trang phục trên đầu có thể rất rõ ràng, nhưng cũng có thể không rõ ràng hoặc nó có thể được coi là có ý nghĩa mà không liên quan đến việc phô bày bản sắc.

Tôi đã nghiên cứu một vấn đề (1984a) về những công trình đá lớn châu Âu. Hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng những gò mộ hùng vĩ này là những dấu mốc nhóm hoặc lãnh thổ (Renfrew 1976), bằng cách chính thống hoá sự cạnh tranh các nguồn, bằng cách viện đến các tổ tiên. Gìờ đây khi cách đặt vấn đề như vậy có vẻ hoàn toàn hợp lý, thì vẫn (Tr. 26) còn có một ý nghĩa quan trọng khẳng định rằng các lý thuyết chức năng xã hội (cạnh tranh, chính thống hoá) là dựa vào lý thuyết về lớp ý nghĩa mà các ngôi mộ ẩn chứa (các vị tổ tiên, quá khứ). Rõ ràng chúng có thể được hiểu theo những cách khác nhau, trong đó các chức năng xã hội của chúng có thể khác nhau. Lý lẽ về một qui luật bao trùm, duy vật rõ ràng dựa vào việc qui các nhận thức vào bên trong một văn hoá. Có thể đưa ra một quan điểm tương tự về việc xác định những hạng mục hiện vật “uy tín” trong KCH.

Trong cách tiếp cận hệ thống có tính chất qui luật bao trùm, người ta gán ý nghĩa văn hoá cho các hạng mục từ bên ngoài, mà không xem xét đầy đủ. Việc ấn định các ý nghĩa văn hoá thường dựa trên những thái độ của người phương Tây là những thái độ ngầm ẩn và không được thảo luận. Nó khẳng định rằng mộ táng, trang phục, lễ thức, hoa văn trang trí gốm đều có những chức năng xã hội phổ biến gắn liền với những ý nghĩa phổ biến của chúng; các hiện vật bị tách rời khỏi ngữ cảnh của chúng và được lý giải theo cách thức so sánh văn hoá.

Việc chia cắt các hệ thống văn hoá thành những phụ hệ thống khác nhau, là xuất phát điểm cho toàn bộ các phân tích hệ thống tự thân nó dựa trên một lối nhìn phương Tây về thế giới. Các phân chia như vậy được áp dụng cho việc kiếm sống, trao đổi, xã hội, biểu tượng có thể không phù hợp với các xã hội quá khứ. Tự thân sự phân chia dựa trên một qui luật bao trùm tỏ ra là có tầm quan trọng tương đương với tất cả các phụ hệ thống, nhưng trong thực tế như chúng ta đã thấy, các phụ hệ thống duy vật là ưu trội. Flannery và Marcus đã cố nâng tầm quan trọng cho hệ tư tưởng bằng cách lập lụân là các hệ thống phải được coi là vận hành bên trong một vũ trụ luận, được xếp đặt và tổ chức bởi một tập hợp các niềm tin văn hoá. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì hệ tư tưởng cũng có một vai trò điều chỉnh thụ động, vận hành vì cái tối ưu của hệ thống với tư cách một tổng thể, và trong một thời gian dài. Bất cứ phân tích hệ thống nào cũng đều liên quan đến việc ấn định các ý nghĩa văn hoá và chúng ta đã thấy rằng trong khảo cổ học những định đề như vậy thường có đặc tính duy vật.

Cho đến bây giờ tôi đã cho rằng các tiếp cận hệ thống sinh thái phần nào vẫn chưa đủ vì chúng không có tầm quan trọng tương đương với các lực lượng phi vật chất và với các ý nghĩa lịch sử đặc thù. Nhưng chúng ta sẽ tránh những lý giải duy tâm ít có ý nghĩa so với các lực lượng duy vật. Tính chất biểu trưng của một dấu hiệu phần nào (Tr. 27) xuất phát từ các mối quan hệ của nó với các dấu hiệu khác trong một cấu trúc (Shanks và Tilley 1987b: 74). Vì vậy toàn bộ ý nghĩa đều có một cấu phần mang tính khái niệm, trừu tượng. trong những trạng huống cụ thể thì các dấu hiệu có thể có những ý nghĩa mới. Thế giới duy vật ngoại tại tác động ảnh hưởng đến các cấu trúc biểu tượng theo một số cách (Hodder 1989a). Các đối tượng vật chất tìm được nguồn gốc ngữ nghĩa chức năng chủ yếu từ những nhân tố như trọng lượng, độ cứng, tính dễ gãy vụn, sự phân bố và sự tiếp cận dễ dàng. Các hiện vật được dùng cho những tác vụ riêng đều phụ thuộc vào những nhân tố này cũng như phụ thuộc vào các quá trình sinh thái, kỹ thuật học và vào các cấu trúc. Nhiều ý nghĩa văn hoá vật chất xuất hiện một cách thực dụng thông qua sự sử dụng và kinh nghiệm luôn luôn hàm chứa trong các hệ thống cấu trúc ký hiệu và bằng cách giúp tạo ra các hệ thống cấu trúc ký hiệu. Các hiện vật bao hàm tính biện chứng giữa cái vật chất và cái tư tưởng. Việc áp dụng lý thuyết các hệ thống trong KCH đã không đem đến cho chúng ta một cách thức tìm kiếm cái biện chứng đó.

Cá nhân thụ động

Kết quả là quan niệm thụ động về hệ tư tưởng, trong hầu hết các phân tích hệ thống thì các cá nhân chỉ đóng một vai trò nhỏ trong các lý thuyết – chúng chỉ tỏ ra là những chiếc máy tự động có thể tiên đoán được điều khiển bởi những qui luật phổ quát. Trong các ví dụ đã được thảo luận thì các cá nhân dường như bị kiểm soát bởi các lễ thức theo những mong đợi phổ quát; chỉ còn lại sự vô nghĩa để người ta thao túng và thoả thuận về các hệ tư tưởng.

Vấn đề này là rõ ràng khi liên hệ với phong cách. Wobst tập trung vào phong cách và việc trao đổi thông tin. Một vấn đề duy nhất được đặt ra là liệu một thông tin có thể được thu hoặc phát một cách hiệu quả không? Chắc chắn là việc tổ chức thông tin như Wobst đã nghiên cứu có thể được coi là năng động với ý nghĩa là nguồn thông tin đó trợ giúp cho việc tổ chức năng lượng và các nguồn, nhưng vì không có bất cứ mối quan tâm nào đến một hành động như vậy khi tạo ra các phong cách, nên người ta chỉ còn lại một ấn tượng là các cá nhân được xếp đặt một cách thụ động vào những vai trò tiền tồn và các biểu tượng vật chất chỉ đơn giản tạo điều kiện cho các vai trò đó được tổ chức một cách hữu hiệu. Trong trường hợp này ít có ý tưởng cho rằng các cá nhân phải sáng tạo ra các vai trò trong hành động và trong sự thao tác thành thạo cái thế giới biểu tượng – mà người ta có ấn tượng (Tr. 28) rằng “các sự vật khác khi được đặt ngang bằng với nhau” thì chỉ đơn giản là một vấn đề của những qui luật sau đó. Cá nhân năng động đóng một vai trò thứ yếu trong các lý thuyết như vậy.

Một khía cạnh khác của cách tiếp cận hệ thống đối với hệ tư tưởng là các cá nhân tỏ ra là dễ bị lừa gạt. Họ dễ dàng bị lừa bịp bởi hệ tư tưởng thống trị, và họ dễ dàng chấp nhận tính chất chính thống của sự kiểm soát trong các nhóm. Trong ví dụ của Sherratt, các lễ thức thể hiện những tư tưởng chính thống hoá việc kiểm soát nội nhóm. Có lẽ mỗi người đều bị lừa bịp bởi hoặc chí ít thì cũng chấp nhận hệ tư tưởng mới mà không thể thâm nhập vào cái lý tính tồn tại của nó (raison d’être).


Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù toàn bộ KCH Mới và KCH Quá trình đều dựa trên sự khước từ KCH Định chuẩn, nhưng chính cái qui luật phổ quát hệ thống kia lại cũng là định chuẩn, theo nghĩa đó, những niềm tin, lễ thức, ý nghĩa của phong cách tất cả đều là những nguyên tắc được các thành viên của các cộng đồng xã hội chia sẻ. Không hề có sự chỉ báo rằng những con người hoặc những phụ nhóm khác nhau trong xã hội có thể nhìn cùng một sự vật theo những con mắt khác nhau (chẳng hạn lễ thức trích máu hoặc táng thức phô trương).Wobst đặc biệt thảo luận về việc phong cách giúp cho các thành viên của một nhóm đánh giá một cá nhân tán thành đến mức nào đối với các chuẩn mực hành vi của nhóm. Các phục trang trên đầu được coi là có một ý nghĩa chung trong toàn bộ cái xã hội sử dụng nó.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét