Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Reading the Past (Đọc quá khứ) Ian Hodder (Phần 1)

Current Approaches to Interpretation in Archaeology.
Second Edition. Cambridge University Press 1991.
Prof. Ian Hodder

Bản dịch của TS. Hà Hữu Nga (Hà Nội năm 2005)

1. Ian Hodder 1949- đến nay

Trong sự nghiệp của mình, Ian Hodder đã tham gia nhiều cuộc điền dã nghiên cứu KCH và nhân học. Ông sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, và nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge năm 1977. Từ năm 1993, Ian Hodder trở thành Gíam đốc Dự án Nghiên cứu và Khai quật KCH Catalhoyuk ở Turkey. Ông đã vạch kế hoạch tiếp tục làm việc tại các di chỉ Turkey trong vòng 19 năm nữa cho đến khi về hưu.

Trong suốt mấy thập kỷ vừa qua, Ian Hodder đã đắm mình vào các công trình nghiên cứu như Đá mới Châu Âu, Dân tộc KCH, Lý thuyết KCH, KCH Cấu trúc và KCH Biểu tượng. Tiến sĩ Hodder cũng lãnh đạo những dự án điền dã dài hạn ở Anh, là Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh, và là giáo sư đại học của Viện Van Giffen Amsterdam, Đại học Sorbonne Paris, State University of New York Binghamton, và giáo sư Khoa Nhân học Văn hoá và Xã hội Đại học Stanford, Khoa Nhân học Văn hoá và Xã hội Đại học Berkeley California. Về hình thể ông cao, thon, tóc vàng, và phong độ, trông trẻ hơn so với độ tuổi 50.

Ian Hodder là một trong những nhân vật tiên tiến xuất chúng về công nghệ học mà xã hội đương đại của chúng ta tin cậy. Ông nhận ra một tiềm năng to lớn về việc các nhà nghiên cứu khai thác Internet để lưu trữ và tổ chức thông tin KCH. Hodder cũng sử dụng lối tiếp cận hậu quá trình trong các công trình nghiên cứu của mình. Đó là lối tiếp cận nhấn vào hiện vật và các đầu mối có liên quan để tìm ra tư duy của con người trong quá khứ. Đó là lối tiếp cận coi tất cả các văn hoá đều có những tiếng nói và những lối nhìn khác nhau mà không đơn giản là một lối nhìn phương Tây. Một trong những đặc trưng KCH Ian Hodder là đào chậm. Nói như vậy không có nghĩa là ông thiếu kinh nghiệm, mà ông cảm thấy rằng việc thu thập và phân tích cần mẫn dữ liệu sẽ làm cho việc lý giải trở nên phong phú hơn.

Khi không bận bịu với công việc điền dã hoặc giảng dạy ở Đại học Cambridge ông dành thời gian để viết những công trình đầy ắp thông tin. Trong vài thập kỷ qua, ông đã viết các cuốn sách như Symbols in Action (1982), The Present Past (1982), Reading the Past (1986), The Domestication of Europe (1990), and Theory and Practice in Archaeology (1992). Chắc chắn là những thập kỷ tới, cho đến lúc nghỉ hưu ông sẽ còn đem đến cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn về các nền văn hoá quá khứ và các hiện vật mà các nền văn hoá đó để lại.

Người viết: Paul Munson

2. Đọc quá khứ

KCH chính thống những năm 70 của thế kỷ XX - “KCH Quá trình” - tự mô hình hoá dựa vào các khoa học tự nhiên. Trong những năm gần đây, nó đã bị thách thức bởi “KCH Hậu quá trình” là một bộ môn được xây dựng từ những viễn cảnh lịch sử và nhân học xã hội bao gồm việc lý giải ngữ cảnh và ý nghĩa của hành vi; nó cũng đề xuất việc các nhà hoạt động thực tiễn công nhận sử dụng KCH như một công cụ ý thức hệ. Trong cuốn sách này, Ian Hodder, một nhân vật hàng đầu trong trào lưu mới, đã khẳng định rằng khi lý giải hành vi của các xã hội quá khứ, cần phải kết hợp việc lý giải ý nghĩa vào các nghiên cứu về những lĩnh vực sinh thái học và các tiến bộ về kinh tế, xã hội. Quan điểm ấy đã đưa ông tới thảo luận về các cách tiếp cận lý thuyết các hệ thống, cấu trúc luận và chủ nghĩa Marxism trong KCH. KCH Hậu quá trình cam kết về phương diện xã hội, và đa thanh bởi vì nếu các di tích vật chất có thể được xử lý theo một số cách như các văn bản thì chúng lại thích hợp với những cách đọc khác nhau. Hodder cho rằng các nhà KCH phải trang bị một loạt viễn cảnh để giải quyết những nhiệm vụ bất chắc, phức tạp là “dịch ý nghĩa các văn bản quá khứ ra một thứ ngôn ngữ hiện đại của riêng họ”.

Đọc quá khứ được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1986, vào thời điểm mà các tiếp cận hậu quá trình trong KCH vừa mới bắt đầu có ảnh hưởng. Kể từ đó, nhiều học giả khác cũng đã thực hiện những lý giải hậu quá trình đối với quá khứ, và các quan điểm của họ cũng được đề cập đến trong cuốn sách này.

Tặng Meg

3. Lời tựa cho lần xuất bản đầu tiên

Về một số phương diện, tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên là một cuốn sách về những cách tiếp cận lý thuyết khác nhau đối với quá khứ như thế này lại có thể được viết ra. Trong một công trình quan trọng, Davis Clarke (1973) cho rằng KCH đang đánh mất tính ngây thơ của nó vì vào những năm 1960-1970 nó đã đi theo một cách tiếp cận khoa học nghiêm nhặt, với những tập hợp thao tác, các mô hình, các lý thuyết được đồng thuận rộng rãi. Gìơ đây Kỷ nguyên Tư biện thiếu suy tư đã qua đi.

Tuy nhiên, các nhà KCH vẫn luôn luôn khẳng định mình là khoa học một cách nghiêm chỉnh. Sự thực thì tôi đã cho là (Hodder 1981) KCH vẫn còn chưa đủ chín chừng nào nó còn từ chối tranh luận và thử nghiệm với hàng loạt cách tiếp cận quá khứ. Trong khi bám chặt lấy chủ nghĩa thực chứng, chức năng luận, lý thuyết các hệ thống,...vv, và không chấp nhận những viễn cảnh thay thế, KCH vẫn chỉ là một môn học chật hẹp và lỗi thời so với các bộ môn liên quan.

Nhưng trong những năm gần đây đã xuất hiện những phương án thay thế hầu hết xuất phát từ châu Âu (Renfrew 1982), và giờ đây người ta đã có thể nói về KCH Marxist, KCH cấu trúc luận, cũng như về những cách tiếp cận thực chứng, quá trình. Chắc chắn là những cách tiếp cận như vậy đã có từ trước, bên lề, nhưng chúng đã không tạo thành một cách tiếp cận riêng biệt có nhiều người thực hiện. Cho đến bây giờ các trường phái văn hoá-lịch sử và định chuẩn xưa cũ vẫn hay còn hưng thịnh. Trong khi rất nhiều đường hướng phát triển như vậy cùng với sự mòn mỏi của các trận chiến về cái “KCH Mới” cổ lỗ kia đã trở thành quá vãng thì giờ đây KCH lại đang đánh mất nốt tính thơ ngây của mình để đạt tới độ chín muồi bằng cách tham gia một cách toàn vẹn vào những trận chiến hiện thời. Cuốn sách này tìm cách giữ lại tinh thần mới mẻ của các trận chiến đó, và tìm cách đóng góp công sức mình từ một quan điểm riêng.

Đồng thời tôi có cảm tưởng là khi không bị khuất lấp trong những môn học khác, thông qua một cuộc luận chiến rộng rãi, KCH đã bắt đầu có thể xác định bản thân mình một cách rõ ràng hơn với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu độc đáo và tạo sinh. Trận chiến cũng đã chọn lựa được những khác biệt từ những bộ môn khác hệt như những tương đồng vậy. KCH không phải là “lịch sử”, cũng không phải là “nhân học”. Thậm chí nó cũng không phải là khoa học hoặc nghệ thuật. Mức độ ngày càng trưởng thành của nó cho phép khẳng định một cá tính độc lập có thể đóng góp cho con người những phẩm chất riêng.

KCH không còn là “mới” và đơn hướng khi nó thể hiện một trận tuyến thống nhất. Nó đã đủ trưởng thành để trở nên đa dạng, bất định và đáng luận bàn. Từ lý thuyết tai biến đến sinh học xã hội, tất cả đều được ứng dụng vào quá khứ KCH. Nhưng thông qua cuộc tấn công dữ dội đó đã xuất hịên một giống loài duy lý hơn bằng cách tái nắm bắt và tái xác định cái mới để tạo hình một cuộc khảo sát KCH độc đáo.

Ngày nay, bất kỳ ai cũng không hề dễ dàng nắm bắt được quá nhiều cách tiếp cận khác nhau xuất hiện trong bộ môn này, và đây cũng là lời xin lỗi của tôi nếu tôi không đề cập hết được những cách tiếp cận hiện có. Đặc biệt, nan giải đó đã hạn chế tác giả không thể bao quát hết được những cách tiếp cận sinh thái hoặc cổ kinh tế. Những cách tiếp cận sinh thái được xem xét ở đây gắn liền với lý thuyết hệ thống ở chương 2, nhưng để thảo luận được rộng rãi, người đọc nên quay trở lại với những lý giải tuyệt hảo của các tác giả chẳng hạn như Bailey (1983), và Butzer (1982). Nhất thiết tôi phải chấp nhận một quan điểm riêng để xem xét KCH. Lập trường này đã được phác thảo ở chương 1, tập trung vào thực chất các ý nghĩa văn hoá và vào văn hoá vật chất như là một đối tượng được tạo thành ý nghĩa. Nơi nào mà các mô hình sinh thái tham gia vào cuộc tranh luận này thì chúng đều được xem xét nhưng tác giả lại không thể kê tên hầu hết các công trình ấy trong tập sách này.

Cuốn sách này có thể làm được một điều là dựa vào những nỗ lực lý giải của nhiều nhà nghiên cứu, tôi cố gắng lĩnh hội và tóm tắt những nét chủ đạo. Tôi chỉ có thể cảm ơn họ vì họ đã gợi hứng cho tôi, và trước hết phải xin lỗi họ vì sự tìm hiểu còn khiếm khuyết của bản thân tôi. Tôi đảm bảo rằng những phê phán mà tôi đã đưa ra đối với các công trình của họ sẽ được đền đáp một cách thoả đáng.

Một số ý tưởng được mô tả trong cuốn sách này đã được trình bày cho một thế hệ các sinh viên Đại học Cambridge, và bản thảo đầu tiên chỉ là nội dung của một hội thảo của nghiên cứu sinh ở Đại học Quốc gia New York, Binghamton vào mùa xuân năm 1984. Các nhóm nghiên cứu sinh và cán bộ trong trường đãgóp ý rất sinh động, sắc sảo và mang tính phê phán cho tập bản thảo. Vì vậy tập sách mang nợ lớn đối với các thành viên của cuộc hội thảo. Họ chính là một bước thử thách của cuốn sách và cuốn sách đã thành hình nhờ ở lòng nhiệt tình của họ. Tôi mang ơn họ, và đặc biệt là Meg vì đã cho tôi cơ hội và sự khích lệ.

Có lẽ bản thảo cuối cùng hoàn thành khi tôi làm Thỉnh giảng tại Đại học Paris I – Sorbonne năm 1985. Môi trường tương đắc và những góp ý đầy tính phê phán của bạn bè và đồng nghiệp thật là vô giá cho sự hoàn thành bản thảo cuối cùng. Tôi đặc biệt cám ơn Serge Cleuziou, Anick Coudart, Jean-Paul Demoule, Mike Illett, Pierre Lemonnier và Alain Schnapp.

4. Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai

Ấn bản lần thứ nhất như một toan tính cá nhân trong một thế giới bất chắc, trong đó các cách tiếp cận hậu quá trình hầu như không có bất cứ một ảnh hưởng nào. Nó thể hiện những trầm ngâm của tôi trong bóng đêm. Vì rằng thời gian này đã có quá nhiều xuất bản phẩm khác (đặc biệt là những cuốn sách của Shanks và Tilley 1987a và b; Leone và Potter 1988; Gero và Conkey 1990; Tilley 1990a và b; Bapty và Yates 1990) và quá nhiều đánh giá liên quan đến KCH Quá trình (chẳng hạn như cuộc tranh luận trong Norwegian Archaeological Review 1989, Watson 1986, Earle và Preucel 1987, Preucel 1990) là cái mà cuốn sách cần phải cập nhật hoá. Và các quan điểm của tôi đã làm dịu đi những ý kiến được trình bày trong văn liệu đó.

Cuốn sách vẫn thuộc vào loại trình bày tóm lược một lập trường hậu quá trình thống nhất vì có nhiều quan điểm bất đồng thể hiện trong KCH lý thuyết. Khởi đầu KCH Hậu Qúa trình gắn liền với sự phê phán các cách tiếp cận quá trình. Giờ đây, phê phán này đã được khẳng định chắc chắn và các nhà KCH Hậu Quá trình đã ngày càng hướng về việc tạo dựng quá khứ. Khi làm như vậy, các khác biệt ngày càng rõ ràng, nhưng môn học này đã trở nên hưng thịnh nhờ sự đa dạng của các tầm nhìn. Tuy nhiên, số lý giải hậu quá trình mang tính bản chất về quá khứ vẫn còn tương đối ít, mặc dù một vài lý giải đang dần dần xuất hiện (chẳng hạn Hodder 1990a; Tilley 1990b). Vì ngày càng nhiều công trình xuất hiện nên người ta sẽ tập trung vào những khác biệt và những luận lý khác nhau.

Vào những năm 80s, KCH chứng kiến sự xuất hiện dần dần những nghiên cứu liên quan đến việc lý giải các ý nghĩa văn hoá quá khứ gắn liền với những vấn đề như quyền lực và sự thống trị, lịch sử và giới. Trong trào lưu đó KCH ngày càng tham gia vào những biến đổi rộng rãi hơn trong các khoa học xã hội và nhân văn. Như Trigger (1989: 776) đã lưu ý “trong nhân học và những khoa học xã hội khác vào những năm 80s xuất hiện một sự đánh giá lại về tính phức hợp hành vi và mối quan tâm ngày càng tăng đến tính đặc ứng, cái đặc thù và cái ngẫu nhiên”. KCH đã can dự vào ngữ cảnh luận mới này và những quá trình phát triển như vậy có vẻ tăng lên trong những năm 90s (Watson 1986). Nhưng chúng ta vẫn không sao thoát khỏi “những con quỉ khổng lồ đa hệ thống, đầy gạch nối” (Ingold 1986) nghênh ngang diễu trong những trang viết của KCH Quá trình. Những hấp dẫn của một phương pháp tính toán với hàng thúng số liệu rời rạc đưa chúng ta đến với lý thuyết tai biến đầu tiên, và sau đó là đến với lý thuyết hỗn độn. Việc gây quĩ của KCH dựa vào cơ sở khoa học đãđe doạ, huých KCH ra khỏi quá trình kết hợp một cách thành công với khoa học (xem chương 9) để hướng về một thứ chủ nghĩa khoa học vạn năng hẹp hòi. Tuy nhiên, những khuynh hướng như vậy ngày càng bị đối lập bởi sự tích hợp của khoa học, chủ nghĩa nhân văn và sự phê phán bằng sự cộng hưởng, bởi những khác biệt về lập trường lý thuyết và bằng sự cam kết về phương diện xã hội.

Mọi người vẫn thường hỏi tôi về ý nghĩa của những bức tranh ở bìa trước và trang đầu của cuốn sách này. Có lẽ tốt nhất là nên để ngỏ những bức tranh ấy cho những cách đọc khác nhau như được mô tả ở chương 8. Nhưng ý kiến của tôi cũng chỉ nên để ngỏ cho những ý nghĩa khác nhau mà không phải là khép kín những ý nghĩa đó lại. Tôi bị cuốn hút vào công trình của Mags Harris một phần vì những lý do đã được mô tả ở cuối chương 9, và một phần vì những lý do bề mặt giống như tờ báo dán trên vỉa hè – một trò chơi chữ để “đọc quá khứ”. Cũng vậy, sự rải rác của những hiện vật bền lâu trên vỉa hè dường như là một lời ẩn dụ thích hợp về một bô môn KCH đưa vào hiện tại và tạo thành năng động. Nhưng bằng cách nào đó nó là đôi chân lướt nhanh có tính gợi cảm nhất, giống như đôi chân của Magritte được đặt dưới một tấm panô trên hàng rào, giữa những hòn đá và bụi đất, nhưng không chắc chắn và luôn đổi thay. Đôi giày của nhà KCH, đôi chân đất sét thường tỏ ra bị sa lầy trong thực tại của quá khứ. Phải chăng, đôi chân đó đơn giản đi qua chỉ để lại một vệt dài trống không, hoặc phải chăng đôi giày được đổ đầy bằng cá nhân nhà KCH và bằng ý nghĩa của quá khứ? Tôi hy vọng rằng, KCH của những năm 1990s sẽ nắm bắt được vấn đề lý giải đầy đủ hơn và mang tính phê phán hơn và cuốn sách này là đóng góp của tôi cho nhiệm vụ đó.


Xin cám ơn TS. Hà Hữu Nga đã gửi bản dịch này cho sinh viên bộ môn Khảo cổ học sử dụng

Tôi sẽ trích đưa lần lượt lên đây và đưa lên trang http://www.baotangnhanhoc.org/ một số chương của cuốn sách này.

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét