Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 2. Lâm Ấp qua những nghiên cứu khảo cổ ở Hội An

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 2. Lâm Ấp qua những nghiên cứu khảo cổ ở Hội An
(Trích Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – Mã số QGTĐ.06.07). Hà Nội 2008. Tài liệu lưu tại Tư liệu của Bảo tàng Nhân học, Hà Nội*



Những di tích có địa tầng văn hoá từ thế kỷ 1 sau Công nguyên ở Hội An (Hậu Xá I - di chỉ; Trảng Sỏi xứ; Đồng Nà, Cẩm Phô...).

Khu vực Hội An từ những năm 90 bắt đầu được biết đến như là địa bàn phân bố dày đặc các di tích văn hoá thời kỳ từ thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 7 SCN. Mặc dù có một quy luật phổ biến là những di tích Chăm cổ thường phân bố ngay trên những di tích văn hoá Sa Huỳnh muộn, nhưng chưa có địa điểm nào có địa tầng phát triển liên tục qua hai giai đoạn Sa Huỳnh - Chăm. Điều này phản ánh những thay đổi cơ bản trong tính chất văn hoá từ Sơ sử sang Lịch sử sớm ở đây.
Các địa điểm Chăm cổ phân bố chủ yếu trên dải cồn cát Cẩm Hà, cồn này có nguồn gốc tích tụ sông - biển, cao 2-3m phân bố dọc sông Thu Bồn và đã bị dòng Thu Bồn đào khoét, phá huỷ và chia cắt nên chỉ còn lại những chỏm sót. Theo những nghiên cứu địa chất, địa mạo, tuổi của bề mặt này có niên đại từ 2000 đến 4000 năm.
1. Địa điểm Hậu Xá I - di chỉ phân bố liền kề khu mộ địa văn hoá Sa Huỳnh Hậu Xá. Các nhà địa chất của đoàn 206 đã xác định cách đây 2000 năm địa điểm này là vùng đầm phá. Những hiện vật khảo cổ và những vết tích sinh hoạt của người xưa nằm trên trầm tích sông biển. Cát thành tạo nên tầng văn hoá có nguồn gốc khác nhau gồm cát biển to nhiễm ít sét, cát gió hay cát ở rìa đầm phá hạt mịn đều. Do năm gần bờ sông nên có những hiện tượng ngập lụt, bồi lắng và bóc mòn.
Đây là địa điểm cư trú có thời gian tồn tại kéo dài và dù không có lớp vô sinh ngăn cách vẫn có thể xác định hai tầng văn hoá phát triển liên tục từ Chăm cổ tới những giai đoạn muộn hơn của Chămpa. Ngoại trừ lớp đất canh tác dày chừng 0.60 đến 0.80m bị xáo trộn, tầng văn hoá vẫn còn nguyên vẹn. Tầng văn hoá dưới dày 1.10m (từ độ sâu 1.20 đến 2.30m). Tầng văn hoá trên dày 0.60 (từ độ sâu 0.60 đến 1.20m). Đáng chú ý là sự hiện diện của 01 nền cát xuyên suốt qua các lớp đào của hai tầng văn hoá và cụm gốm gồm ba hiện vật gốm xám mốc lồng vào nhau gồm 01 nồi nhỏ ở trong cùng, bên ngoài là đồ gốm hình cái cối hay chuông có lỗ tròn thủng ở đáy và ngoài cùng là nồi gốm giống nồi gốm trong cùng nhưng lớn hơn nằm sát sinh thổ. Cụm này khi tìm thấy trong hố khai quật ở vị trí nằm nghiêng, chúng tôi suy đoán rằng nó vốn nằm thẳng nhưng bị ép bởi các tầng cát nên đã bị nghiêng đi.
Nền cát, cụm gốm, những lá đề bằng đồng và sự có mặt của nhiều bình dạng Hu (Hồ) đã dẫn chúng tôi đến nhận định rằng đây không phải là nơi cư trú thông thường mà là nơi thờ tự của cư dân Chăm cổ.
Việc xác định niên đại của các tầng văn hoá được chúng tôi dựa trên so sánh với hiện vật gốm tìm thấy trong các địa điểm như Trà Kiệu, Trảng Sỏi, Đồng Nà. Hiện vật ở đây ngoài nguồn gốc nội sinh như gốm thô các loại, gốm tinh mịn Chăm cổ, Chăm còn có những loại gốm có nguồn gốc bên ngoài như gốm văn in Hán, gốm men Lục Triều, Tuỳ Đường, gốm Islam. Những hiện vật này đã giúp cho việc xác định tính chất và niên đại của di tích chính xác hơn.
Hiện vật của tầng văn hoá dưới (niên đại từ cuối thế 1 đến thế kỷ 3,4 SCN) một mặt bảo lưu một số yếu tố gốm văn hoá Sa Huỳnh trước đó, nhất là một số loại hình nồi gốm thô và bát nông lòng hay đĩa sâu lòng. Mặt khác sưu tập hiện vật tầng này cho thấy có nhiều yếu tố văn hoá mới. Đáng chú ý ở đây là loại gốm xám mốc với loại hình bình thân hình củ tỏi, cổ hẹp, có quai hình đỉa trên vai và chân đến hơi choãi. Đây là đồ gốm mô phỏng kiểu Hồ (Hou) của Trung Hoa thường làm bằng đồng, sứ và sành tráng men.
Nhiều cá thể bình còn khá nguyên vẹn và những mảnh của loại bình này nằm trong cùng lớp với vò sành Đông Hán văn in ô vuông mịn sắc nét. Một loại hình hiện vật khác có ý nghĩa đặc biệt trong nghiên cứu tính chất của địa điểm này đó là di vật bằng hợp kim (đồng) có hình lá đề dài cả chuôi 19mm, rộng 15mm, dày 1mm. Một mặt của di vật được trang trí bằng một đường đúc nổi chạy dọc giữa thân, hai bên nối hình móc câu đối xứng. Trong những lớp dưới cùng của tầng văn hoá dưới, chúng tôi đã phát hiện được 01 cá thể nguyên và 89 mảnh vỡ.

Tầng văn hoá dưới của Hậu Xá I - di chỉ về niên đại tương đương với lớp văn hoá dưới và một phần lớp văn hoá trên của tầng dưới Trà Kiệu. Do ở đây không có bình hình trứng cũng như ngói in dấu vải như ở Trà Kiệu nên niên đại khởi đầu của Hậu Xá I - di chỉ có thể muộn hơn chút ít so với niên đại khởi đầu của Trà Kiệu. Nghiên cứu so sánh tổ hợp di vật của tầng dưới Hậu Xá I - di chỉ với Trà Kiệu, Gò Cấm và Cổ Luỹ-Phú Thọ, chúng tôi cho rằng Hậu Xá I- di chỉ có niên đại sớm nhất là từ cuối thế kỷ 1 đầu thế kỷ 2 SCN. So với niên đại kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An và Điện Bàn (Hậu Xá II, An Bang, Hậu Xá II - sưu tập 1998, Lai Nghi) vào cuối thế kỷ 1 TCN đến nửa đầu TK I SCN, Hậu Xá I - di chỉ gần như tiếp nối liên tục về thời gian với văn hoá Sa Huỳnh ở cùng trên địa bàn lưu vực sông Thu Bồn.
Tầng văn hoá trên của Hậu Xá I - di chỉ (niên đại từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 9-10) là sự phát triển liên tục từ tầng văn hoá dưới. Bên cạnh loại gốm thô và mịn Chăm đã xuất lộ từ những lớp dưới là những đồ gốm có nguồn gốc từ bên ngoài như gốm Lục Triều, đồ bán sứ Tuỳ Đường và gốm Islam. Tầng văn hoá này tương đương với tầng văn hoá trên của Trà Kiệu, tuy vậy loại hình hiện vật gốm Chăm mịn ở đây đơn điệu hơn nhiều so với Trà Kiệu. Tại đây chỉ có vò, nồi và bát. Những loại bát, cốc chân cao, đặc, kendi, ấm, đĩa, vò thân phình văn in ô vuông à la Han... phổ biến ở tầng văn hoá trên của Trà Kiệu thì ở Hậu Xá I - di chỉ hầu như không gặp.
Địa điểm này cho thấy những mối tiếp xúc, quan hệ và trao đổi của cư dân giai đoạn Chăm cổ theo cả hai chiều:
i. Lịch đại - với văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn trước đó qua những nồi, bát đĩa miệng khum gốm thô giống hệt như những đồ gốm tuỳ táng trong các khu mộ chum Hậu Xá, An Bang và
ii. Đồng đại - với Trung Hoa và Ấn Độ qua sự có mặt của gốm Hán văn in điển hình, gốm Chăm mịn à la Han, loại bình kendi, lá đề bằng đồng...

2. Đồng Nà. Vết tích văn hoá phân bố bên bờ nam của sông Cổ Cò. Sông chảy theo hướng tây bắc-đông nam, cách song song với bờ biển khoảng 1km. Toàn bộ vùng đất này là những dải cát vàng có bình độ nhấp nhô do những cồn doi, nỗng cát và những bậc thềm của sông tạo thành. Bình độ cao dần về phía nam theo hình bậc thang với những trật tự sau: Thềm bậc I (nơi có di chỉ) - Phù sa trên bãi - Bãi - Sông.
Tầng văn hoá Đồng Nà chỉ dày khoảng 40 đến 50cm. Đây là di tích có một tầng văn hoá. Hiện vật chủ yếu là đồ gốm và ở ngay từ những lớp dưới đã có những mảnh gạch Chăm. Khác với Hậu Xá I - di chỉ, tại Đồng Nà gốm Chăm mịn với những loại hình tiêu biểu như kendi, bình hay vò thân trang trí văn in à la Han, bát, cốc có chân cao đặc, nắp vung có núm cầm tròn đặc khá nhiều. Loại nồi và bát nông lòng miệng khum gốm thô được xem là tiếp nối gốm Sa Huỳnh và gốm xám mốc kiểu Hậu Xá I - di chỉ cũng được phát hiện bên cạnh gốm sành Hán văn in ô vuông. Niên đại từ đầu thế kỷ 2 đến thế kỷ 4 SCN.
Giống như một số địa điểm cùng thời trong vùng, Đồng Nà một mặt lưu giữ một số nét trong truyền thống chế tác gốm giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh, mặt khác cho thấy sự tiếp nhận những yếu tố văn hoá mới, thể hiện trong chất liệu, trang trí và loại hình gốm để đáp ứng những nhu cầu kinh tế, xã hội, tôn giáo mới nảy sinh của một cơ cấu xã hội với sự gia tăng mức độ phức hợp so với giai đoạn trước.
3. Trảng Sỏi xứ, thôn 5A, xã Cẩm Hà. Di tích phân bố bên bờ tây-bắc của Rọc Gốm (trên cùng địa bàn với các khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh).
Tầng văn hoá dày khoảng 70cm. Hiện vật tập trung trong các lớp từ 30cm đến 60cm. Di tích xuất lộ trong hố khai quật là các cụm than tro và cụm gốm. Hiện vật gốm cho thấy có sự diễn biến từ sớm đến muộn dù tầng văn hoá mỏng và không có sự khác biệt lớn về màu sắc đất từ dưới lên trên.
Ở những lớp đất trên tập trung nhiều đồ bán sứ Tuỳ - Đường, Celadon, Bạch Định niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Trong những lớp này cũng gặp một số mảnh gốm Islam, gốm Gò Sành (Bình Định).
Ở những lớp dưới số lượng gốm thô và gốm mịn Chăm gia tăng. Loại hình gốm Chăm ở đây khá nghèo và đơn điệu. Dù chất liệu giống với gốm Chăm ở các địa điểm khác cùng thời trong vùng nhưng ở đây không có những dạng điển hình như kendi, bát cốc chân cao đặc và bình trang trí văn in à la Han hay văn sóng nước như ở Đồng Nà và Trà Kiệu. Loại nồi phổ biến ở di tích này là nồi có miệng loe xiên, loe ngang, thành miệng rộng và bên trong có vết lõm nhẹ như để đỡ nắp vung (không thấy ở các di tích cùng thời khác trong vùng). Loại hình gốm phổ biến khác là vung hình lồng bàn úp và bát miệng khum vừa.
Địa điểm này có thể là điểm tụ cư, buôn bán ven sông, có thể gọi là “làng-bến” ven sông gần biển.
Niên đại từ khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 7 SCN. Ở lớp trên có gốm từ sau thế kỷ 7 với sự có mặt của gốm sứ Tuỳ - Đường và gốm Islam.
4. Khu vực I -Cẩm Phô (Ruộng Đồng Cao).
Tầng văn hoá dày từ 10 đến 50cm. Hiện vật có gốm mịn, đanh cứng màu nâu đỏ, vàng nhạt. Loại gốm này để trơn hoặc có văn in ô vuông với các kiểu như nắp vung, cốc chân cao đặc, bình, kendi .
Gốm thô có nồi, đĩa miệng khum. Đặc biệt ở địa điểm này còn có đầu ngói ống mặt hề (giống Trà Kiệu, Cổ Luỹ - Phú Thọ và Thành Hồ), hạt chuỗi thuỷ tinh, gạch và đĩa đồng kiểu Hán. Hiện vật tập trung trong một hố dài có hình lòng chảo, lẫn trong hiện vật có than tro và một ít xương. Niên đại từ thế kỷ 3,4 SCN ( Nguyễn Chí Trung và Trần Ánh 1999).
Đây  là một sưu tập hiện vật rất phong phú, thể hiện nhiều nột tương đồng với nhóm hiện vật của tầng văn hoá trên của Trà Kiệu (hay nhóm gốm Gò Dũ Dẻ theo phân loại của Mariko). Hiện vật bao gồm đồ gốm (thô, hơi mịn và mịn) với các loại hình nồi đáy bầu vai g•y hay thân hình cầu, hũ, vò, kendi, bát đĩa, nắp, đầu ngói mặt hề, gạch, đĩa bằng đồng, hạt chuỗi thuỷ tinh. Trang trí trên hũ và vò là các đường chỉ chìm bao quanh thân và vai, văn in ô vuông. Trên một hũ khác trang trí ký tự lạ (?). Trên nắp vung là những băng hoa văn băng đường tròn bên trong có khắc hình sóng nước.
Từ báo cáo khai quật, kết hợp xem ảnh khai quật và hiện vật Cẩm Phô hiện đang trưng bày tại Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An, chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng đây là dạng bến ven sông, hiện vật không còn nằm nguyên ở vị trí ban đầu và bị dồn vào một ô trũng. Loại hình di vật cho thấy có những di vật có niên đại tương đương với tầng dưới Hậu Xá, tầng dưới Cổ Luỹ-Phú Thọ và có những di vật tương đương với lớp trên Trà Kiệu. Dựa vào sự có mặt của đĩa đồng (giống đĩa đồng Sơ kỳ Đông Hán mộ 37 Lai Nghi) và loại nồi, đĩa miệng khum... niên đại của địa điểm này từ đầu thế kỷ 2 đến thế kỷ 4,5 SCN.
5. Hồ Điều Hòa – Khu vực Chùa Cầu
Khi thi công mở rộng Hồ Điều Hòa ở khu vực Chùa Cầu người ta đã phát hiện ra những di vật gốm giống với những đồ gốm thuộc tầng văn hóa sớm nhất của Trà Kiệu, đặc biệt là loại hình bình hình trứng và một số kiểu nồi, bát gốm thô.
Ngoài những địa điểm kể trên, ở khu vực Hội An còn một số di tích khác có các lớp văn hoá tồn tại trong khung niên đại thiên niên kỷ 1 CN. Đó là các địa điểm Lăng Bà ở Cẩm Thanh, Thanh Chiếm ở Cẩm Hà. Những địa điểm này đã được khai quật. Tuy nhiên những kết quả khai quật đó chưa được kiểm tra lại, do vậy chúng tôi không đưa vào nội dung đề tài này.
Tóm lại:
- Như vậy, niên đại khởi đầu của các di tích này là từ cuối thế kỷ 1 đầu thế kỷ 2 sau Công nguyên. Đa số các di tích có tầng văn hoá phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ, bao trùm suốt giai đoạn hình thành (nửa đầu TNK I CN) và cực thịnh của vương quốc Chămpa (thế kỷ 7-10). Như vậy về tính chất đây là những di tích giai đoạn Chăm cổ và Chămpa.
- Hầu hết các di tích phân bố ven các dòng chảy cổ (hiện là các bàu nước ngọt), trên cùng một địa bàn với những di tích mộ chum. Về đại thể, những di tích mộ chum nằm phía trong của cồn cát, các di tích Chăm cổ và Champa phân bố ở phía ngoài, đều ven các dòng sông cổ. Các địa điểm này có tính chất khác nhau từ làng-bến chợ ven sông, làng cư trú, nơi thờ tự...
- Trong các địa điểm này, một số đồ gốm và đồ trang sức cho thấy sự tiếp tục truyền thống (kỹ thuật chế tác, chất liệu, loại hình và trang trí) từ giai đoạn sớm hơn - văn hoá Sa Huỳnh. Tuy nhiên do rất nhiều lý do và nguyên nhân (tính chất khác nhau của địa điểm, sự biến động văn hoá nhanh mạnh dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cơ cấu và tổ chức xã hội, tăng cường tiếp xúc (cưỡng bức và tự nguyện) văn hoá với bên ngoài gia tăng và sự di dân...) đã làm cho diễn biến văn hoá vào thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 1,2 SCN không theo quỹ đạo thông thường mà theo chiều hướng biến đổi có tính bước ngoặt. Hội An với tính chất cửa ngõ giao lưu sông biển đã là nơi tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ và cũng là nơi tiếp thu, thâu nhận đầu tiên nhiều yếu tố văn hoá ngoại sinh. Chính những điều này đã làm cho văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Chăm cổ ở Hội An có tính tiên phong và đổi mới mạnh mẽ và sâu rộng.
Những nhóm di tích Chăm cổ khu vực Hội An có mối liên quan mật thiết với nhóm di tích cùng thời ở vùng Duy Xuyên, đặc biệt là Trà Kiệu và tạo thành một khu vực văn hoá – kinh tế - chính trị có quy mô lớn và quan trọng ở hạ lưu sông Thu Bồn trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Sự có mặt của những di tích này càng củng cố thêm vị trí quan trọng của lưu vực sông Thu Bồn những thế kỷ trước và sau Công nguyên cũng như giúp khẳng định chắc chắn hơn Trà Kiệu là trung tâm hành chính-chính trị của Lâm Ấp.
Tài liệu sử dụng
Nguyễn Chí Trung và Trần Ánh 1999, Di chỉ khu vực I, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. NPHMVKCH năm 1998. NxbKHXH, Hà Nội.
Minh họa
1. Hiện vật Hậu Xá I – di chỉ (gốm tầng văn hóa dưới)




2. Hiện vật Cẩm Phô (nhóm gốm Chăm mịn và thô)





3. Hiện vật Hồ Điều Hòa – Khu vực Chùa Cầu (bình hình trứng)



* Lâm Thị Mỹ Dung và nhóm thực hiện đề tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét