Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Lại là chuyện thóc, gạo


Đã quyết định rất cương quyết với các thành viên trong Đoàn khảo cổ Thành Dền, nếu phát hiện thêm thóc, gạo thì không báo chí, không phỏng vấn đưa tin gì hết!

Nhưng rồi, phóng viên vẫn biết, vẫn điện thoại, vẫn đến tận nơi và vẫn đưa tin.
'Hạt thóc 3.000 năm' được gửi sang Nhật Bản xác định niên đại
http://vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2010/06/3BA1CBAF/

Công nhận, nghề nào cũng có "đại gia", "cao thủ"! Khổ nỗi, mấy phóng viên chỉ đáng tuổi con, cháu mình, chúng hỏi tha thiết, dai dẳng làm mình cũng thấy mủi lòng. Có phóng viên còn huấn thị "chúng cháu đưa tin khách quan, khoa học để mọi người hiểu công việc của khảo cổ học mà. Cô yên tâm, không sai lệch gì đâu"! Sai thì không, nhưng kiểu gì cũng Lệch, không sang trái thì sang phải, không đằng trước thì đằng sau. Ảnh chụp người thì thôi rồi. Đến nỗi có thằng bạn lâu ngày không gặp thấy hình mình trên báo đã tìm bằng được điện thoại để gọi hỏi đúng một câu "mày có bị xì trét gì không mà sao xuống thế? "! Hic, chả biết ý nó là gì, xuống cái gì cơ chứ!

Từ sau những lần "đụng chạm" với báo chí, đọc các phản hồi đủ kiểu, mình lại thấy lời thầy Vượng ngày nào thật chí lý "Bá nhân, bá tánh, bá bao tử, cô cũng "đuya"  vừa thôi"! Thầy ơi, độ này con cũng bớt "đuya" nhiều rồi, nhưng kiểu phản ứng tức thời thì vẫn chưa bớt được tí nào, nên vẫn bị mắng suốt!

Sáng nay đến Khoa họp xét tốt nghiệp cho sinh viên khóa QH 2006-X, mọi người đã xôn xao về việc mấy hạt thóc mình vừa phát hiện, PGS.TS. Hoàng Hồng còn bảo "Sao Dung không đi họp cán bộ chủ chốt, ai cũng đợi để hỏi về vụ thóc nảy mầm". Cũng khó hiểu, cả Trường, cả Đại học Quốc gia, không ai hỏi Đoàn khai quật thực hư về phát hiện khoa học này. Trong khi đấy GS. Phan Huy Lê và GS. Nguyễn Quang Ngọc khi nghe tin đã sang tận hố khai quật, GS. Ngọc lại còn mời cả chuyên gia địa chất, môi trường và Viện sĩ Đào Thế Tuấn sang giúp Đoàn khai quật nữa! Qua đây mới hiểu hơn tại sao Viện của anh Ngọc liên tục phát triển như thế!

Dù sao, qua những thông tin đa chiều như thế này, mọi người hiểu thêm về công việc khai quật và về khoa học khảo cổ.

Vậy nên phải đưa thông tin để phóng viên bớt "lệch" và mọi người hiểu đúng sự việc!

Phát hiện thêm những hạt thóc ngày 7.6.2010

Từ khi GS. Nakamura Shinichi, Đại học Nakarawa, Nhật Bản viết thư nhắc Đoàn khai quật chú ý về quy trình đãi sử dụng nước tưới (nước chảy trong mương) có nguy cơ dẫn đến nhiễm/lẫn mẫu, mình đã tiến hành kiểm tra lại các công đoạn từ lấy đất đến đãi đất, mực nước mương lúc đãi, cách mọi người dùng rổ sắt đãi... và cho lấy đất ở lòng mương đãi thử. Dù không phát hiện được sai sót nào song mọi người trong Đoàn vẫn nghĩ đến khả năng (dù rất nhỏ) nhầm lẫn nào đó trong công đoạn này.
May mắn là vẫn còn một số hố rác bếp chưa đào hết (định giữ lại sau này nghiên cứu tiếp), đoàn quyết định khai quật để tự tay các nhà khảo cổ lấy đất, đãi đất. Một phần đất đãi ngay tại hố dùng nước mạch chảy ra đọng trong các hố đất ăn sâu xuống sinh thổ trong hố khai quật và một phần đất mang về nhà dùng nước giếng khoan để đãi.
Không ai có thể biết trước được kết quả, chiều 6.6.2010, mình và các thành viên trong đoàn cùng các tân cử nhân khảo cổ lên mộ thầy Vượng thắp hương, tối về nhà mình đến trước bàn thờ Ba. Cầu Thầy và Ba trợ giúp cho mình.
6h30 sáng ngày 7.6. mình đã tới hố khai quật 2, đợi một lúc các bà các cô nhân công mới tới. Ngọc cho dọn sạch mặt bằng, nạo đất bên ngoài của phần còn lại của hố rác bếp 4 và yêu cầu nhân công kiểm tra dép, quần áo, đề phòng thóc mới vương vào. Trong mẻ đãi các xô đất đầu tiên đã thấy khá nhiều vỏ trấu và hạt thóc lép. Cuốc xuống sát sinh thổ đất đen (đất của tầng văn hóa) nằm lẫn đất vàng (đất sinh thổ), mình nghĩ bụng đất này có vẻ ít tiềm năng, nhưng vẫn cho đãi. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, ở cả 4 rổ sắt đều phát hiện được hạt thóc có màu sáng, mẩy. Ngay trong rổ mình đãi cũng có 01 hạt thóc màu vàng còn nằm nguyên vị trong cục đất. Ai cũng ngỡ ngàng vì sao thóc lại vẫn có màu như thóc mới! Tuy nhiên, những ảnh chụp sau đó cho thấy những hạt này có màu khác nhau và độ nhiễm bẩn khác nhau.

Mình quyết định dừng cuộc đào, gọi điện cho Viện Di truyền, cho thầy Vũ Tùng, cho Tiến, yêu cầu mọi người ra hiện trường để "mục sở thị"! PGS.TS. Lê Huy Hàm đang họp nhưng hứa sẽ cho người sang ngay.
Một mình ngồi canh hố (Ngọc và các chị nhân công chuyển sang hố 3 đãi nốt đất ở hố rác bếp 20) suốt từ 8h hơn đến 10h30, không dám đi đâu vì xung quanh lúa mới gặt vương vãi nhiều và bà con hay ngồi trên bờ xem, chả may ai đó lỡ tay thả lúa mới xuống thì phiền to!
10h30, TS.Hội, TS. Cường (Viện Di truyên), thầy Vũ Tùng (quay Video), Tiến tới hiện trường (còn có một lái xe taxi tên là Long). Sau khi nghe mình trình bày, mọi người yêu cầu nhân công đào đất và đãi ngay tại chỗ. Bốn rổ sắt lại quay tít mù, bà Tâm (được coi là mát tay nhất) reo lên, thóc đây rồi!
TS.Cường quyết định lấy đất trong hố rác bếp này để phân tích thành phần vi sinh vật. Phần đất còn lại mình quyết định đào lấy cho vào các bao nilon mang về nhà bác Kiểm đãi.

Ăn trưa xong, mọi người đề nghị đãi luôn, cả đoàn kéo sang nhà bác Kiểm, bơm nước, rửa sân, rửa dụng cụ đãi, mẻ đất đầu tiên, chỉ có than và xương động vật cháy. Mẻ đất thứ hai cậu lái xe taxi đề nghị cho cậu ấy đãi, vì cậu này thực ra vẫn nghi ngại rằng có thể cô Tâm giấu hạt thóc ở đâu đó rồi cho vào. Không thể tin được rằng ngay ở mẻ thứ hai, chính tay cậu đã phát hiện được 01 hạt thóc. Bây giờ mới "tâm phục, khẩu phục". TS, Hội cũng đãi thử nhưng có vẻ không tin vào may mắn của mình nên vừa đãi vừa bảo"em không mát tay mà mát cái khác"! Đúng thế thật!

Như vậy ở phần còn lại của hố rác bếp 4 (10TD,H,2, F.4), đoàn đã đãi được tổng cộng 08 hạt thóc, trong đó có một số hạt mẩy, nguyên, một số mẩy nhưng đã bị nứt. Những hạt này cùng 04 hạt đãi được ở hố rác bếp số 20 của hố 3 đã được đoàn khai quật bàn giao cho Viện Di truyền vào ngày hôm sau. Hy vọng sẽ có vài hạt nảy mầm!

Hình ảnh của lần đào "vét" may mắn


Hố rác bếp này còn một nửa nằm trong vách khống chế

Mẻ đất đầu tiên cho thấy nhiều hy vọng


Hạt thóc lép đầu tiên đãi được


TS. Cường (Viện Di truyền) lần đầu tiên biết thế nào là hố khai quật

TS. Cường cùng bà con lấy đất bên trong hố rác bếp mang về phân tích

Sản phẩm thu được khi đãi đất tại hố, gạo cháy (rất ít), thóc lép, vỏ trấu, xương động vật, và thóc mẩy


Bà Tâm mát tay thật!
 
Đất bị nén chặt, cứng với nhiều mẩu đất nung và than nhỏ
 
Vẫn còn một nửa hố rác bếp để khai quật trong tương lai


Hạt dính đất tầng văn hóa này do chính tay mình đãi được!


Mỗi em một vẻ

Chuẩn bị đãi đất ở nhà


Tự tay đãi được mới tin!

Môt em thóc được chụp bằng kính hiển vi huỳnh quang soi nổi của Viện Di truyền
(TS. Vũ Thế Long, cựu trưởng phòng Môi trường và Con người cổ, Viện KCH hai lần gửi thư nhắc đây là ảnh chụp qua kính lúp!) IQ của mình thấp, lại là dân khối C nên chả hiểu kính lúp hơn hay kính hiển vi hơn!

Một em nữa !


Enjoy!

10 nhận xét:

  1. Cảm nhận được toàn bộ sự lo lắng của chị.
    Để loại mọi khả năng xấu, chỉ hãy đừng cho những người "mát tay" tham gia đãi nữa. Đãi dễ, ai đãi chả được. Qua kinh nghiệm theo dõi các vụ "nhà tự cháy" ở Duy Xuyên, các "thầy tìm mộ" tôi biết làm lẫn, đánh tráo trong những trường hợp như thế này rất dễ. Tấm ảnh đăng báo đầu tiên thấy hạt lúa nẩy mầm nhưng vỏ trấu đã rất đen, nó dễ tin hơn các hạt thóc qua 3.000 năm nhưng vỏ trấu vẫn giữ được màu vàng. Chỉ riêng tro than chung quanh thẩm thấu vô suốt 3.000 năm cũng không thứ gì giữ được màu nguyên thủy.
    Vài suy nghĩ bất chợt.
    Mong chị vui

    Trả lờiXóa
  2. 'Hạt dính đất tầng văn hóa' that la dang chu y :D (troi oi, ko biet gi noi nhu that). The con mot so hat sao va`ng uom nhu moi' the ha me? Tot nhat ko nen dang len bao lai gay cai nhau khong dang co' giua nhung nguoi khong biet gi nhu con, hihi.

    Trả lờiXóa
  3. Gửi bạn Ho (Có phải bạn là Hồ Trung Tú không?).
    Cảm ơn bạn đã quan tâm.
    "Mát tay" là cách gọi vui vì bà Tâm đãi khéo, không bao giờ làm chìm miệng rổ xuống nước nên loại trừ được những thứ bên trong trôi ra ngoài và những thứ bên ngoài trôi vào trong.
    Trong toàn bộ đất đãi này có 08 hạt thóc mẩy được tìm thấy, bà Tâm đãi được 01 hạt, tôi đãi được 01 hạt, cậu lái xe taxi 01 hạt, 05 hạt còn lại là do 03 cô nhân công cùng làm đãi được. Chắc tôi chả dại gì ngụy tạo nên sự kiện này!

    Màu vàng như mới là cảm giác ban đầu, chụp lên ảnh rồi mới thấy chúng bị nhiễm bẩn, dính đất, nứt ngang, nứt dọc và màu cũng khác nhau giữa các hạt.
    Theo TS. Cường (Viện Di truyền), sở dĩ vỏ hạt này có màu vàng là do chúng nằm trong lớp đất khô sát sinh thổ (đất cái), là loại trầm tích sét biển mịn, màu vàng thành tạo từ thời Pleistocene.

    Thực sự đây là vấn đề khoa học rất phức tạp, chắc không thể chỉ lý giải theo kinh nghiệm và theo hiểu biết khoa học hiện nay.

    Trả lờiXóa
  4. Gửi con gái,

    Đừng lo mà, phản hồi đa chiều, hoài nghi là chuyện tất nhiên.

    Phải thông tin chứ, bệnh nước mình là thiếu thông tin hay thông tin không chính xác.

    Cả nhà yêu con và nhớ con lắm. Học hành vất vả nên chú ý giữ sức khỏe nhé!

    Trả lờiXóa
  5. Dạ vâng, Tú đây chị ạ, trực cảm chị vẫn như hồi ở Hội An. Còn nhớ mãi chị bảo đào đâu là chỗ đó có chuyện, hố đào đầu tiên ở An bàng chị đã lôi lên đôi khuên tai Sa Huỳnh đẹp mê mẫn. Tôi cũng nghĩ đến thầy Vượng rất nhiều trong những ngày hôm nay.
    Xin chị đừng nghĩ tôi bảo chị ngụy tạo, tôi biết chỉ chả bao giờ chị đánh cược cả sự nghiệp của mình vào chuyện này, vì không thể qua được khi làm ADN; ý tôi chỉ muốn nói đến những người "mát tay", nếu người "mát tay" thường xuyên "mát tay" thì mình phải nghĩ có khi người ta chỉ muốn cho chị vui chứ thóc nào chả là thóc, có khi người ta chỉ nghĩ nhờ thế mà tiền thưởng sẽ cao hơn ...
    Xin lỗi vì phải đặt ra những giải thiết không hay nhưng chắc chắc chị cũng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, một sai sót chỗ nào đó mà chị không hay, không quán xuyến hết. Chị có thấy cần phải chuẩn bị dư luận cho tất cả mọi tình huống không ?
    Lo xa và quý mến chị, cũng như thật tâm mong muốn đó đúng là những hạt nếp của Lang Liêu, tôi mới nói thế.
    Thời gian bây giờ đang trôi thật sốt ruột, nhưng tôi tin nó thuộc về chị.
    Chúc chị vui

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn Tú nhé, tất nhiên mình phải lường đến các khả năng có thể xảy ra, chả ai nghĩ trước được những hạt thóc khảo cổ lại có thể sống lại. Báo tin vui là trong 8 hạt thóc đãi ngày 7.6.2010, 5 hạt đã nảy mầm, trong đó có hạt tự tay mình đãi được (hạt còn dính đất ấy). Những phản hồi của mọi người thực sự giúp đoàn khai quật rất nhiều, nhất là trong việc kiểm soát chặt chẽ các quy trình làm việc ngoài hiện trường.
    Chúc Tú có thêm nhiều tác phẩm hay!

    Trả lờiXóa
  7. Như vậy thì không thể trật được nữa rồi !
    Đến bao giờ thì có bát cơm đầu tiên từ những hạt thóc này nhỉ ? Giá mà nếm được hương vị của nó :)
    Chúc mừng chị mà không hề sợ sớm !

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn Tú, mong rằng kết quả sẽ tốt!

    Trả lờiXóa
  9. Chụp ảnh hạt lúa bằng kính lúp có độ phóng đại từ 4X - 30X ở ngoài trời cho cho màu sắc hạt lúa trung thực hơn qua kính hiển vi vì đèn chiếu ánh sáng của kính hiển vi thường màu vàng.
    Để chụp hạt lúa qua kính lúp, cô nên dùng kính lúp soi hạt lúa sao cho bằng mắt thường, nhìn qua kính lúp cô thấy hạt lúa rõ nhất. Sau đó, cô đặt ống kính máy ảnh sát bề mặt kính lúp rồi chỉnh khoảng cách sao cho mắt thường nhìn qua kính lúp có thể thấy hạt lúa rõ nhất và đảm bảo khoảng cách cho phép của máy ảnh tới hạt lúa - nếu không hình ảnh sẽ nhòe. Khi chụp ảnh, cô nên nhờ một người cầm hộ chiếc kính lúp.
    Chúc cô thành công!

    Trả lờiXóa
  10. To Nguyen,
    Cám ơn em, cô sẽ thực hiện kiểu chụp như em nói khi chụp lại toàn bộ hạt thóc, vỏ trấu và gạo cháy tìm được ở TD lần này. Kể ra cũng sẽ mất rất nhiều thời gian đấy vì hiện nay phải gần 2000 mẫu rồi!

    Trả lờiXóa