Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Kết thúc công đoạn nghiên cứu ngoài trời di chỉ Thành Dền

          Sau hơn hai tháng trời dãi nắng dầm mưa, cả các nhà khai quật và cả bà con nhân công ai cũng gầy đi và đen sạm, cuộc khai quật di chỉ Thành Dền lần thứ 7 đã kết thúc. Cuộc họp báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đã được tổ chức ngay tại địa phương kèm theo một trưng bày nhỏ những hiện vật thu được từ các hố khai quật.
           Buổi báo cáo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và phóng viên, tất cả các cơ quan làm khảo cổ đóng trên địa bàn Hà Nội đều có đại diện của mình. Mặc dù có những ý kiến trái chiều về một số phát hiện mới ở Thành Dền, tất cả những nhà chuyên môn và người quản lý đều nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt và tiềm năng to lớn của di chỉ Thành Dền cũng như đánh giá cao những kết quả mà đoàn khai quật đã thu được. Các nhà khoa học cũng cho rằng, kết quả khai quật lần này mở ra những triển vọng nghiên cứu trong tương lại và di tích cần được nghiên cứu mọt cách hệ thống và lâu dài.

           Nội dung báo cáo

BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT LẦN THỨ 7 DI TÍCH THÀNH DỀN


I. CƠ QUAN KHAI QUẬT


TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN, ĐHQG HÀ NỘI


BẢO TÀNG HÀ NỘI




II. THÀNH VIÊN ĐOÀN KHAI QUẬT


PGS.TS.Lâm Thị Mỹ Dung (chủ trì)
PGS.TS. Hán Văn Khẩn
GVC. Nguyễn Xuân Mạnh
GV. Nguyễn Chiều
Th.S. Bùi Hữu Tiến
CN. Nguyễn Bích Hường
CN. Phan Thị Ngọc
CN.Trần Văn Tùy
Quay video: Thầy Vũ Tùng


THAM GIA KHAI QUẬT CÒN CÓ


Th.S. HOÀNG THÚY QUỲNH (VIỆN KHẢO CỔ HỌC)
Học viên cao học PHAN VĂN TIẾN (ĐẠI HỌC PHÚ XUÂN, HUẾ)
Học viên cao học HOÀNG VĂN DIỆP (BỘ MÔN KHẢO CỔ HỌC)


III. THỜI GIAN KHAI QUẬT
Từ ngày 12.4 đến ngày 15.6. 2010


IV. DIỆN TÍCH KHAI QUẬT
Diện tích khai quật: 300m2
Chia thành ba hố khai quật (hố 1,hố 2 và hố 3, mỗi hố rộng 100m2, chia lưới ô vuông, mỗi ô rộng 4m2). Mỗi lớp đào cơ học dày từ 10 đến 15cm.


V. KẾT QUẢ SƠ BỘ


V.1. Diễn biến địa tầng:
Địa tầng tại ba hố khai quật khá ổn định và có chung diễn biến.
Từ trên xuống các lớp đất có diễn biến như sau
i. Lớp đất canh tác màu trắng xám, tơi mịn dày trung bình 20-30cm
ii. Lớp đất văn hóa màu nâu sáng, nhiều cát dày trung bình 20-30cm
iii. Lớp đất văn hóa màu xám đen, cứng chắc, nhiều mảnh gốm và đất nung ken dày. Lớp này dày không đều do có một số hố đất đen ăn sâu vào sinh thổ. Dày trung bình 60-80cm
iv. Lớp đất văn hóa nâu hồng, ít hiện vật hơn, phần tiếp giáp giữa lóp đất này và sinh thổ có một số cụm gốm kiểu gốm Phùng Nguyên.Lớp này dày từ 20-30cm
v. Sinh thổ: Sét mịn màu vàng pha khá nhiều cát, ở độ sâu 40cm xuống (tính từ bề mặt sinh thổ) là đất sét mịn. Theo tài liệu địa chất đây là trầm tích sét biển Pleistocene, hệ tầng Vĩnh Phúc: sét mịn phần trên và hạt thô phần dưới, trên cùng bị laterit có màu sắc loang lổ. Chứa phong phú hóa thạch Foraminifera. Bề mặt sinh thổ lồi lõm do các hoạt động sống của con người.


V.2. Hiện tượng xáo trộn cục bộ
• Trong cả ba hố khai quật đều có hiện tượng xáo trộn cục bộ.
• Một vài hố và rãnh của thời hiện đại
• Cụm gạch, gốm và hố giai đoạn thế kỷ 9. Ngoài ra còn có một số đồ gốm thời kỳ Bắc thuộc sớm, phân bố trong các lớp đào phía trên.


V.3. Di tích xuất lộ trong các hố khai quật
1. Hố dạng hố cột
2. Hố dạng hố trồng cây
3. Hố đất đen – hố rác bếp
4. Hố đất nâu – Hố lấy đất sét làm gốm (ăn sâu xuống sinh thổ khoảng 1-2m)?
5. Vết tích lò ?
6. Bếp
7. Cụm gốm
8. Cụm đất sét


V.4. Di vật: Số lượng lớn, nhiều loại chất liệu, loại hình đa dạng, theo thời gian từ sớm đến muộn và theo các lớp đào từ dưới lên trên có:


1. Nhóm di vật văn hóa Phùng Nguyên muộn (ít), không tạo thành lớp văn hóa riêng biệt
2. Nhóm di vật văn hóa Đồng Đậu (chủ đạo), phân bố trong tất cả các lớp đào
3. Nhóm di vật văn hóa Gò Mun sớm (ít), không tạo thành lớp văn hóa riêng biệt
4. Nhóm di vật giai đoạn Bắc thuộc sớm (rất ít) và nhóm di vật, di tích thế kỷ 9.


Nhóm di vật văn hóa Đồng Đậu bao gồm đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, đồ xương (rất ít)
a. Đồ gốm
• Gốm phân bố dày đặc trong tầng văn hóa. Nhiều loại hình gốm.
• Đồ gốm đặc trưng cho văn hóa Đồng Đậu
• Một số loại hình và miệng gốm: Phùng Nguyên và Gò Mun


b. Đồ đá


• Công cụ đá nhiều về số lượng, phong phú về hình loại và in đậm truyền thống đá Phùng Nguyên (cả về hình dạng và chất liệu)
• Đá nguyên liệu nhiều về số lượng, đa dạng về chất liệu và nhiều tảng có kích thước lớn, có dấu cưa.
• Nhiều mảnh tách, mảnh tước lớn, nhỏ…
• Đồ trang sức bằng đá rất đẹp và rất đa dạng về loại hình, đặc biệt là sự có mặt của những hạt chuỗi cực nhỏ cho thấy trình độ phát triển cao và mỹ cảm của người cổ. Trong đồ trang sức có mặt các loại hình từ Phùng Nguyên đến Đồng Đậu, Gò Mun và phản ánh mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu với nhiều địa điểm văn hóa cùng thời khác.


c. Đồ đồng
• Sự có mặt của hầu hết các loại công cụ, vũ khí và trang sức đồng điển hình của văn hóa Đồng Đậu. Một số loại hình hiện vật cho thấy có sự phát triển liên tục từ Đồng Đậu sang Gò Mun
• Khuôn đúc bằng đá, đất nung, xỉ đồng, mảnh nồi nấu đồng…
• Hợp kim đồng có chất lượng cao, nhiều đồ đồng còn nguyên và được bảo tồn tốt.
• Đồ đồng phân bố ở cả ba hố khai quật, trong tất cả các lớp văn hóa. Nhiều nhất là ở hố 2.


V.5. Tàn tích thức ăn và dấu tích thóc gạo thu thập được từ đãi, sàng đất hố rác bếp, bếp


• Xương động vật cháy, vỡ nhỏ, vụn
• Xương cá, càng tôm. Cua, vỏ ốc nhỏ…
• Quả trám, đậu cháy…(?)
• Gạo cháy, vỏ trấu, hạt thóc lép, hạt thóc mẩy…


VI. Vấn đề thóc tìm được trong hai hố khai quật 2 và 3 nảy mầm


Trong các hố khai quật bắt đầu ở độ sâu từ 1 đến 1,2 (so với bề mặt đất hiện tại) đã xuất lộ một số hố đất đen thường có hình tròn hay hình ô van, có đáy được đào vào sinh thổ. Miệng của các hố đất này đều nằm trọn trong tầng văn hóa của di tích . Trong khi xử lý các hố đất này theo phương pháp khai quật khảo cổ truyền thống (đào ¼ sau đó đào ¼ và đào nốt ½ còn lại toàn bộ số đất nằm trong hố) đoàn khai quật nhận thấy đất trong hố có màu đen hơn so với đất của tầng văn hóa xung quanh, và được cấu tạo bởi các thành phần than tro, đất nung, gốm mảnh vỡ, mảnh công cụ đồng, xỉ đồng, một số công cụ và trang sức bằng đá (có niên đại văn hóa Đồng Đậu), tàn tích thức ăn có dấu vết bị đốt cháy (xương động vật nhỏ như chuột, chim, ốc, cua, cá…), vỏ quả trám, vỏ đỗ tương (?), hạt gạo cháy, vỏ trấu (không cháy), hạt thóc (không cháy)…
Quan sát kỹ mặt cắt của các hố khai quật, mặt bằng của các lớp đào (nếu tính theo lớp đào cơ học -10-15cm mỗi lớp, miệng các hố đất đen này thường xuất lộ không rõ ở lớp 7 và rất rõ ở lớp 8), không thấy có những hiện tượng gây xáo trộn tầng văn hóa (cả do con người, cả do tự nhiên), hiện vật khảo cổ trong các hố này tương đồng về loại hình và niên đại (văn hóa Đồng Đậu) với những hiện vật khác trong tầng văn hóa .


Khi đãi bằng nước số đất lấy từ một số hố đất đen, đoàn đã thu được nhiều dấu tích liên quan đến thóc, gạo. Khi ngâm vào nước và bảo quản ở chế độ ẩm thì đã xảy ra hiện tượng 10 hạt thóc thuộc hố đất đen số 3 của hố khai quật 2 đã nảy mầm, ngoài ra còn có một số hạt thóc nữa mới mọc rễ và nảy mầm nhưng đã bị chết cũng đã được đãi từ đất của một số hố đất đen khác (cụ thể là hố số 14,15 và số 20 của hố khai quật 3). Sau đó để kiểm tra lại quy trình khai quật và đãi đất lấy mẫu, ngày 7.6.2010, đoàn khai quật đã xử lý ¼ hố rác bếp số 4 của hố 2 và đã thu được 08 hạt thóc mẩy.
• Tóm lại, cho đến nay trong hai hố 2 và 3, tại các hố rác bếp số 3,4 (hố 2) và các hố 14, 15, 13, 20, 22, 23 (hố 3) đã tìm thấy hàng ngàn các hạt gạo cháy, khoảng 100 vỏ trấu, hạt thóc, thóc lép, thóc mẩy, thóc nẩy mầm, mọc rễ.
• Trong số đó có 10 hạt nảy mầm đã cấy (hố rác bếp 3, hố 2); 06 hạt nảy mầm đang gieo (hố rác bếp 4, hố 2); 04 hạt chắc đang ươm (hố rác bếp 22, 23, hố 3).


Những hạt thóc nảy mầm đã được chúng tôi gửi trồng và chăm sóc ở Viện Di truyền Việt Nam (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và hiện vẫn đang phát triển.


VI. Lấy và gửi mẫu
• Lấy mẫu nghiên cứu bào tử phấn hoa ở hố 1,2.
• Lấy mẫu đất ở các độ sâu khác nhau
• Lấy mẫu đất sét để nghiên cứu so sánh với gốm ở di chỉ
• Lấy mẫu đất trong hố rác bếp 4, hố 2 để phân tích thành phần vi sinh
• Gửi 03 mẫu xác định niên đại AMS ở Nhật Bản (gửi ngày 14.6.2010): Mẫu 1. Vỏ trấu tách ra từ hạt thóc nảy mầm số 9, hố rác bếp số 3 (10TD,H.2, F.3); Mẫu 2. Hạt thóc lép lấy ở hố rác bếp số 3 (10TD, H.2, F.3); Mẫu 3. Hạt thóc lép lấy ở hố rác bếp số 4 (10TD, H.2, F.4).




VII. Một số nhận xét ban đầu


• Thành Dền là một trung tâm cư trú của cư dân văn hóa Đồng Đậu (từ sớm đến muộn).
• Di chỉ 1 tầng văn hóa, phía trên có dấu tích văn hóa thế kỷ 9.
• Thành Dền cung cấp những chứng cứ quan trọng để nghiên cứu đời sống vật chất và tinh thần của cư dân tiền Đông Sơn, đặc biệt là sự hình thành và phát triển của các ngành thủ công
• Những hạt thóc, gạo cháy… thu được sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghề trồng lúa của người Việt cổ
• Sẽ còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu liên ngành, đa ngành, đặc biệt là nghiên cứu về môi trường, điều kiện sinh thái…

Người viết báo cáo sơ bộ


PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung

Hình ảnh buổi báo cáo
Hội trường Ủy ban Nhân dân xã Tự lập, huyện Mê Linh nơi sẽ diễn ra cuộc báo cáo sơ bộ

Một số hiện vật tiêu biểu dã được chọn trưng bày tại buổi báo cáo

Một số đồ gốm cũng được đưa ra trưng bày

Cột địa tầng cũng được mang tới hội trường

Bà con trầm trồ trước những vật do chính tay mình tìm ra

PGS.TS. Hán Văn Khẩn người tham gia cuộc khai quật Thành Dền lần thứ nhất năm 1983 đang "hồi cố" và đánh giá những kết quả thu được lần này


Chúc mừng thành công của cuộc khai quật lần thứ 7!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét