Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Việt Nam Khai Quốc: Hai Bà Trưng và nguồn gốc của từ “Việt Nam” (chương 1, phần 4)

Keith Weller Taylor
         ("Hai Bà Trưng" –tranh lụa của Nguyễn Sáng (1977)



Năm 29 SCN, sau khi nhà Hán phục hưng trở lại, Đặng Nhượng, viên Thứ Sử Giao Chỉ trung thành với nhà Hán trong thời Vương Mãng đã được triều đình khen thưởng. Rất nhiều, và có lẽ là hầu hết những người Hán tị nạn đã quay trở về Bắc. Những cải cách tiến hành ở Việt Nam trong thời Vương Mãng đã được những viên chức có tài thực hiện, những người mà có lẽ đã không đến miền Nam nếu không có rối loạn ở miền Bắc.



Khi nhà Hán trở lại ngôi báu, những người có khả năng nôn nóng muốn trở về quê hương để làm ăn như cũ. Còn miền Nam được để lại cho những người kém hơn. Tô Định, viên Thái Thú mới của Giao Chỉ, có tiếng là người rất tham lam và bất tài. Ông được miêu tả như vậy chiếu theo khuôn mẫu mà sử Trung Quốc thường phê phán những hạng xấu kém có hành vi gây ra những cuộc nổi loạn của dân chúng. Trong thời gian Tô Định tại chức, các Lạc hầu bắt đầu thử thách các viên chức Trung Quốc và càng ngày càng trở nên bạo dạn hơn.



Viên Lạc hầu ở Mê Linh có người con gái tên là Trưng Trắc, có chồng là Thi Sách, Thi Sách là Lạc hầu ở Chu Diên, chỉ cách Mê Linh một quãng đường ngắn ở hạ lưu sông Hồng. Theo sử liệu Trung Quốc, Thi Sách tính tình mạnh bạo, và Tô Định tìm cách kềm chế ông bằng những thủ tục pháp lý, cố "trói ông lại bằng luật pháp." Trung Trắc "là người dũng cảm và chẳng sợ gì cả" đã xúi giục chồng hành động và bà trở thành nhân vật chính trong cuộc động viên các Lạc hầu chống lại người Trung Quốc.



Tô Định không đủ tư cách để so gươm với các Lạc hầu. Theo một phúc trình sau đó thuật về cuộc nổi dậy, Tô Định chỉ biết mở to mắt khi thấy tiền bạc, nhưng nhắm mắt lại khi phải trừng trị kẻ làm loạn; ông sợ phải ra ngoài đánh dẹp." Mùa xuân năm 40 SCN, những trại định cư của người Trung Quốc bị người Việt càn quét và Tô Định bỏ chạy. Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng nổi lên theo Trưng Trắc. Trưng Trắc lập triều đình, đóng đô ở Mê Linh và được tôn làm Nữ Vương bởi nhân dân 65 thành. Trong hai năm sau đó, bà "điều chỉnh lại thuế má” ở Giao Chỉ và Cửu Chân.



Nói rằng bà "điều chỉnh" lại thuế má trong hai năm, phải hiểu rằng bà "bãi bỏ thuế má." Bà cai trị từ Mê Linh là đất đai của tổ tiên và quyền hành của bà dã được thực thi không phải nhờ những thuế đánh theo kiểu Trung Quốc. Những quí tộc theo bà tôn Bà là Nữ Vương và chắc chắn đã dâng hiến những tặng phẩm có thể gọi là những đồ "cống nạp." Nhưng phong trào mà bà lãnh đạo chính là một phong trào phục hưng đất nước, một cách quay trở lại với một chính sách giản dị và thích hợp hơn với những đặc thù truyền thống của Việt Nam.



Những "thuế" mà bà bãi bỏ chính là những khoản mà các viên chức Hán bắt các Lạc hầu cống nạp để đổi lấy việc được thừa nhận quyền hành cũ. Từ một số ít điều được biết về việc thu thuế ở Việt Nam bởi nhà Tiền Hán, chúng ta có thể suy ra rằng phần chính là những hình thức lao động cưỡng ép và sự dâng tiến những sản phẩm xa xỉ miền nhiệt đới. Tên những viên chức được giao nhiệm vụ thu thuế ấy cũng được nói rõ. Những Lạc hầu chống lại chính sách thu thuế mà Trung Quốc đã áp dụng như nền tảng của sự áp chế. Thay vì phải phục tòng chính sách thu thuế theo luật định của nhà Hán, các Lạc hầu muốn được trao đổi những tặng phẩm theo quyền thừa kế và có lợi cho cả đôi bên.



Bà Trưng Trắc, cùng với người em gái là Trưng Nhị, người nổi tiếng là bạn đồng hành chiến đấu của chị, vẫn được người Việt Nam thương nhớ và qua bao nhiêu thế kỷ vẫn có nhiều truyền thuyết được kể lại về hai Bà. Các sử gia Việt Nam về sau đều cho rằng vì ông Thi Sách bị Tô Định giết chết nên hai Bà nổi dậy. Nhưng không thấy chứng cớ nào cho thấy như vậy. Chắc chắn ý kiến này nảy sinh từ thành kiến phụ hệ của những thế kỷ về sau không nhìn nhận người đàn bà là người lãnh đạo một cuộc nổi loạn và đồng thời được dân tôn lên làm vua trong khi người chồng vẫn còn sống. Sử liệu Trung Quốc đã nói rõ rằng ông Thi Sách phò trợ cuộc nổi dậy của vợ ông. Không khí mẫu hệ thời đó lại được chứng thực thêm bằng sự kiện là ngôi mộ và đền thờ của mẫu thân bà Trưng vẫn còn trong khi không còn di tích gì về phụ thân của bà cả. Tên tuổi và tiểu sử của trên 50 tùy tướng theo bà trong cuộc nổi dậy đều được khắc bia ghi lại trong các đền thờ Hai Bà, và một số lớn những vị đó đều là nữ tướng.



Đầu năm 41 SCN, 1 trong những vị tướng tài giỏi nhất của Trung Quốc là Mã Viện, vừa mới dẹp xong 1 cuộc nổi loạn ở An Huê, đã được bổ nhiệm cầm quân xuống miền Nam xa xôi vào lúc ông 56 tuổi. Ông được phong tước hiệu Phục Ba Tướng Quân, tước hiệu mà tướng Lộ Bác Đức được phong cách trước đó một thế kỷ rưỡi. Với 8000 quân chính quy và 12,000 dân quân lấy từ các huyện ở miền Tây Giao Chỉ Bộ. Mã Viện tiến xuống hải cảng Hợp Phố, nơi có con đường biển bắt đầu đi xuống Giao Chỉ quận. Khi viên tướng chỉ huy đội chiến thuyền bỗng nhiên chết, Mã Viện thấy rằng số 2000 chiến thuyền sẵn có không đủ cho binh sĩ. Thế là ông cho tiến quân theo đường bộ dọc bờ biển, đi tới đâu mở đường tới đó, còn thuyền thì chở lương thực đi theo tiếp tế.



Cuộc tiến quân không bị cản trở cho tới khi Mã Viện xâm nhập vùng chiến lược Tây Vu, nơi người Việt Nam vẫn có truyền thống chặn đường đón đánh kẻ thù. Nhưng đến Cổ Loa, ông bị chặn lại. Ông bèn rút về vùng cao Lãng Bạc nằm hơi chếch về phía Đông và hạ trại.



Vùng cao Lãng Bạc trông xuống bờ phiá Nam của một hồ cũng mang tên Lãng Bạc; hồ này ăn thông đến sông Cầu. Đội thuyền tiếp tế của ông có lẽ đã theo sông Cầu đi xuống và bỏ neo trong hồ. Bấy giờ là vào mùa Xuân năm 42 TCN. Mùa mưa đã bắt đầu. Vốn không quen với sức nóng và sự ẩm thấp của gió mùa, nên Mã Viện cho quân nghỉ ngơi và định đợi đến mùa khô sẽ mở cuộc tấn công.



Ông nói: " Khi tôi còn đóng quân ở giữa Lãng Bạc và Tây Vu, giặc còn chưa giao chiến, mưa rơi, hơi nước bốc lên, bệnh dịch bắt đầu. Sức nóng thật là không thể chịu nổi; thậm chí tôi thấy một con chim bồ cắt đang bay bỗng bị rơi xuống nước rồi chết."



Thấy quân Hán đóng trong lòng đất mình, các Lạc hầu, theo giải thích trong thư tịch Việt Nam, bắt đầu mất can đảm. Bà Trưng rõ ràng đã nhận thấy nếu Bà cứ ngồi yên không động binh chỉ khiến cho các tùy tướng mất tin tưởng. Nên Bà đã khai chiến. Nhưng Bà đã bị thua lớn, bao nhiêu ngàn người bị bắt và bị chặt đầu. Ngoài ra, trên 10,000 người hàng quân Trung Quốc. Bà và các tùy tướng rút về chân núi Tản Viên ở Mê Linh, nơi đất tổ của Bà. Có người chạy về Cửu Chân. Mã Viện đuổi theo đến Mê Linh và đến cuối năm ấy, bắt được cả hai Bà. Tháng Giêng năm sau, thủ cấp của hai Bà được đưa về triều đình Hán ở Lạc Dương (Lo yang).



Tính chất và quyền lực của hai Bà đuợc chứng tỏ rõ trong việc này. Bao lâu mà Bà còn duy trì được thắng lợi, những người theo Bà còn đứng sau lưng Bà. Nhưng khi Bà thất bại, bà bị bỏ rơi mau lẹ. Bà bị bắt buộc phải đánh trước chỉ là để cầm chân những người theo mình. Bà không có một đội quân có kỷ luật. Thay vào đó là một số Lạc hầu và những tùy tùng, người nào cũng chỉ lo cho quyền lợi của mình và sẵn sàng ở lại hay bỏ đi nếu thấy đằng nào có lợi hơn.



Điều này chứng tỏ là qua một thế kỷ rưỡi bị Hán đô hộ, tinh thần và giá trị truyền thống của dân chúng đã bị xói mòn. Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của Bà không được tôn trọng là cái ảnh hưởng ngày càng lớn của tư duy phụ hệ do người Hán truyền bá. Đại Việt sử ký toàn thư viết vào thế kỷ 15 đã giải thích như sau:"Bà Trưng thấy kẻ thù mạnh mà quân mình không có kỷ luật, nên sợ không thể thắng được. Những người nào theo Bà, thấy Bà là một phụ nữ, sợ Bà không chống cự nổi quân thù và do đó, bỏ đi." Tình trạng tinh thần của lớp người Việt Nam cầm quyền ở thế kỷ 15 có thể đã phản ánh qua những lời lẽ đó, mà thật ra nó cũng có phần đúng.



Mã Viện đã dùng gần trọn năm 43 vào việc đặt nền móng cho quyền thống trị trực tiếp của nhà Hán tại đồng bằng sông Hồng. Chúng ta sẽ xét những cải cách của ông từng chi tiết ở chương sau. Đến gần cuối năm ấy Mã Viện lại dùng 2000 chiếc thuyền chở quân và lương thực xuống Cửu Chân, nơi những Lạc hầu ngoan bướng ẩn trốn. Thuyền theo những nhánh lớn của sông Hồng ra tới cửa biển và xuôi xuống đồng bằng sông Mã. Nơi đây, Mã Viện quét sạch quân thù của ông. Có người chạy lên vùng ngược, vùng núi cao ẩn trốn, có người lại xuôi xuống nữa về Nam dọc theo bờ biển. Mã Viện chia quân ra làm hai cánh quân đi về phía Nam tới Nghệ An ngày nay, lúc đó là Nam Cửu Chân. Khoảng từ 3000 đến 5000 ngưòi bị bắt và bị chặt đầu, hàng trăm gia đình bị đầy lên vùng Hoa Nam. Mùa xuân năm 44 SCN, Mã Viện rời Giao Chỉ về Bắc. Mùa thu năm sau, ông về đến kinh đô Hán và được tiếp đón như 1 vị anh hùng.



NAM VIỆT VÀ VIỆT NAM



(Thế giới cổ của các tộc Việt ở biên thùy Đông Nam Trung Hoa)



Cuộc viễn chinh của Mã Viện là một biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ văn hóa Đông Sơn chấm dứt, và những Lạc hầu đã làm giàu qua văn hóa Đông Sơn không còn được nói đến nữa. Người Việt phải học những phương pháp làm việc mới từ những viên chức ngoại bang. Trước đó, họ đã quen với người Trung Quốc lâu rồi; nhưng bỗng nhiên nền thống trị được áp dụng một cách trực tiếp hơn trong khi những rào cản của tinh thần chống quyền lực Trung Quốc bị gỡ bỏ. Người dân Việt Nam bị mất nền tảng lãnh đạo cũ của mình và sự tranh đấu để bảo tồn văn hóa đi đôi với vấn đề sống còn dưới một chế độ bóc lột và xa lạ. Khác với văn hóa Nhật Bản đã trưởng thành và vượt ngoài tầm những đe dọa từ bên ngoài, văn hóa Việt giữ được rất ít điều không trực tiếp liên hệ đến sự tồn tại của quốc gia.



Người Trung Quốc cho rằng những dân tộc "man di" nào may mắn được họ chinh phục về sau sẽ được “văn minh hóa,” nghĩa là sẽ hoá thành Trung Quốc. Bất cứ danh xưng nào tượng trưng một dân tộc riêng biệt, như Lạc chẳng hạn, đều bị những danh từ mang ý nghĩa rộng rãi khác phá loãng đi, như từ Việt (Yueh) chẳng hạn, được dùng cùng nghĩa với "man di." Những sử gia Trung Quốc viết về cuộc viễn chinh của Mã Viện đã nói đến người Việt cổ với tên gọi Lạc Việt hay đơn giản là Việt. Một học giả Trung Quốc khác, khi phê bình tiểu sử của Mã Viện, đã nhìn nhận "Lạc là một tên khác của Việt".



Vì thế Việt đã trở thành một cách nhận thức của Trung Quốc khi nói về hằng hà sa số những dân tộc phi Hoa ở miền Nam. Nhận xét này bắt đầu với văn hóa Việt ở Chiết Giang và Bồ Kiên với di sản truyền lại cho những giang sơn ở dọc miền duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Đó là di sản chính trị; đem truyền thống vương quyền đến miền biên thùy phía Nam của Trung Quốc. Tên "Âu" chỉ phản ảnh một lực lượng quân sự của dòng Việt. Tuy văn hóa Việt không bành trướng tới phía Nam Bồ Kiên, nhưng thành tố của di sản ấy đã đến miền Bắc Việt Nam từ ảnh hưởng của lớp người cầm quyền đến tị nạn.



Theo lịch sử Trung Quốc, dòng giống Việt không phải hoàn toàn man di. Sách sử ký nói vua Câu Tiễn (505-465 TCN)—người cai trị xứ Việt trong thời kỳ cường thịnh nhất– chính là dòng dõi của vua Vũ, người sáng lập ra nhà Hạ. Ngưòi Việt vì vậy đã được coi như một dòng suy thoái của “thế giới văn minh”– một dân tộc rơi vào tình trạng man di vì đã ở lâu dài với người man di.



Với sự chinh phục của Trung Quốc ở miền Nam, từ "Việt" được áp dụng không phân biệt cho tất cả những dân tộc bị chinh phục ở dọc bờ biển phía Nam. Thế là "Việt" được dùng để chỉ định vị trí của đám dân bị chinh phục bởi thế giới và văn minh Trung Quốc. Tất nhiên đó là một từ tạm dùng cho những dân tộc rồi sau sẽ được Trung Quốc hóa. Còn đối với những dân mà sau này quan hệ với Trung Quốc sẽ đứt đoạn, từ Việt vĩnh viễn biểu tượng bản sắc của họ trong thế giới Trung Quốc và đồng thời sự khác biệt của họ.



Trung Quốc coi giống Lạc là một giống người thuộc dòng Việt, và do đó người Trung Hoa gán ghép những nét văn hóa sáo mòn cho người Lạc để nhận diện họ là cùng trong dòng giống Việt. Những nét đó, ngoại trừ việc xâm mình, chỉ là những thành kiến đối nghịch với cái mà họ coi là của xã hội văn minh. Nói chung, những thành kiến này chỉ là tạo tác từ những điều mà họ cho là man rợ.



Khi sự thống trị của Trung Quốc trở thành một quá trình lâu dài, người Lạc thời cổ đã thấm nhuần thuật ngữ của chủ nhân mình đến mức cũng tự coi mình là một trong số những dân tộc Việt. Việt là một danh từ mà người Trung Quốc hiểu rõ. Họ có thể chấp nhận nó như một định nghĩa văn hóa chính thức cho dù nó bao gồm cả những giống người đã vượt ra khỏi lãnh vực văn minh của họ. Lạc không có nghĩa gì đối với họ. Các tác giả Trung Quốc khi nói đến Lạc lại phải viết kèm với Việt, tức là Lạc Việt. Hoặc phải giảng giải "Lạc" chỉ là một tên hiệu khác để gọi “Việt.”







(Huyền thoại Âu Cơ-Lạc Long Quân phối hợp bản sắc Lạc với khái niệm Bách Việt (tranh Vi Vi))



Khi tiếp xúc với những lãnh đạo của triều đình Hán, người Việt Nam cổ đều thấy tên Lạc chẳng có ý nghĩa gì, nhưng tên Việt còn được chút nhìn nhận. Khi họ hiểu biết thêm về đám người đã chinh phục mình, quan niệm về bản sắc của họ đã biến chuyển để phản ảnh điều này. Huyền thoại Lạc Long Quân với Âu Cơ được xét lại để gọi con cháu Lạc là dòng dõi Bách Việt, để được đề cao địa vị trong văn tự Trung Quốc.



Nói vậy không có nghĩa là không có một quan hệ văn hóa hay ngôn ngữ nào giữa những người Việt cổ–gọi là Lạc–với những dân tộc ở miền Đông Nam Trung Quốc mà người Trung Quốc biết đến là "Việt." Một cuộc khảo cứu gần đây về ngôn ngữ cho thấy rằng tất cả những dân tộc Việt ở Đông Nam Trung Quốc, cùng với những người Việt Nam cổ, đều nói tiếng Nam Á; và từ "Việt" có thể để chỉ riêng một nhóm ngôn ngữ mà thôi. Chẳng hạn những từ không phải là từ "Hoa" dưới đây, trong ngôn ngữ người Mân ở Bồ Kiên, giống những từ trong ngôn ngữ Việt Nam và những từ của các ngôn ngữ Nam Á khác: Đó là những từ chỉ người lên đồng; con (khi thưa, xưng với người trên như bố, mẹ, ông bà); con sam; động từ biết; bọt, bèo, con kẻ. Hơn nữa, những tham khảo sơ khai về tiếng Việt Nam qua các nguồn gốc Trung Quốc ở thế kỷ 2 SCN đều nhận ra rằng từ "chết" là từ "Việt", và từ "chó" là một từ "Nam Việt."



Cứ xét theo đó, chúng ta có lý để nói rằng tiếng Việt Nam cổ là một phần của một thế giới văn hóa và ngôn ngữ rộng rãi, bao gồm những dân tộc Việt ở Đông Nam Trung Quốc. Tên "Việt" đã đi vào Bắc Việt Nam theo cái nhìn của Trung Quốc coi người Việt thời thượng cổ là thành viên của cái thế giới rộng rãi ấy; tuy “Việt” không phát xuất từ nguồn gốc Lạc.



"Việt" là phát âm Việt Nam của từ "Yueh," do đó thành tên của dân tộc Việt. Tên "Việt Nam" ngày nay có từ năm 1803, khi sứ bộ của triều Nguyễn sang Bắc Kinh để thiết lập quan hệ ngoại giao. Họ muốn đặt tên nước là "Nam Việt," nhưng Trung Quốc chống đối, cho rằng tên đó gợi lại sự phản loạn của Triệu Đà thời xưa và đổi lại là "Việt Nam." Thành kiến của Trung Hoa với những câu nệ đế quốc lúc đó gây nhiều phẫn uất. Nhưng đến thế kỷ 20, tên "Việt Nam" đã được nhân dân Việt Nam mọi nơi chấp nhận.



http://damau.org/archives/5559

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét