Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

TỪ HOA LƯ ĐẾN THĂNG LONG

Gs. Trần Quốc Vượng

Những thủ lĩnh địa phương và lãnh địa.

Thời đại văn hoá Đông Sơn, thời đại các Vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều thống nhất. Văn Lang là cái tên xuất hiện trong sử một cách muộn mằn (thời nhà Đường, thế kỷ thứ VII đến thứ IX). Tôi đã chứng minh rằng Vua Hùng là một Po Khun – thủ lĩnh mạnh nhất cũa một phức thể Khun (Vua = Bua = Pò; Hùng = Khun) tức hệ các thủ lĩnh địa phương chiếm cứ các vùng từ đỉnh châu Thổ sông Hồng (Việt Trì) đến các vùng bãi biển. Theo truyền thuyết và theo sử cũ thì lúc bấy giờ có 15 bộ. Ông Giáo sư Tiến sĩ Mỹ Keith Taylor đã dịch một cách tài hoa và lạnh lùng các Lạc tướng là “Lord” và vua Hùng là “Overlord”.

Cuối đời Hùng nổi lên nhân vật Thục Phán (An Dương Vương) và nước Âu Lạc,thành Cổ Loa. Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội)nằm gần ngã ba Dâu Canh, được giới địa lý học coi là đỉnh thứ hai của tam giác châu Bắc Bộ, sau cái đỉnh thứ nhât là ngã ba Hạc - Việt Trì.

Sự dịch chuyển đỉnh châu thổ sông Cái (Nhị - Hồng) từ trung du tới vùng châu thổ cao (địa) khéo theo sự chuyển di trung tâm phức thể Việt với một tổ chức nhà nước Âu Việt sơ khai (Chính tri). Điều đó là đúng với quy luật địa chính trị, địa chiến lược, địa văn hoá.

Tôi và Cầm Trọng đã chứng giải “Thục Phán” không phải là một tên riêng (nhân danh) mà là một từ - chức năng : “Túc Phắn” chỉ thủ lĩnh đi “mở đất mở mường”.
Đất nước trải ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng Nam Việt Triệu Đà (180-137tr.CN) rồi Tây Hán Vũ Đế (111tr.CN-8 năm sau CN) cũng chỉ phái “sứ giả” (Triệu) hay thứ sử , thái thú (Hán) cùng một số đạo quan binh sang đóng giữ các miền ở Mê Linh, ở Luy Lâu rồi Long Biên……(tại xứ Đoài, xứ Bắc ngày sau) và thu cống nạp chứ bên dưới vẫn “để Lạc tướng trị dân như cũ”, “dĩ kỳ cố tục trị” (Tiền Hán thư). Và Hai bà Trưng vẫn được ghi là “con gái Lạc tướng Mê Linh” và Thi (hay Thi Sách) là “con trai Lạc tướng Chu Diên”. Thái thú Tô Định tàn ngược định dùng pháp chế Hán thắt buộc hạn chế thế lực thủ lĩnh địa phương cũ (“dĩ pháp thằng chi”- Hậu Hán thư) thì lập tức con cái Lạc tướng và các thủ lĩnh cổ truyền đã vì oán giận, nổi dậy chống Hán. Không nên xem Khởi Nghĩa Bà Trưng là biểu hiện cũa sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc, cùng lắm nên xem đó là một ý thức đòi cách sống riêng của người Việt cổ, không chấp nhận lấy lối sống Hán- Hoa, làm một khuôn mẫu phổ biến. Tôi đề nghị giới khảo cổ sử học Việt Nam nên coi khởi nghỉa Hai Bà Trưng là một phản ứng văn hoá - chính trị.

Dù sau năm 43-44, Mã Viện và chính quyền Đông Hán có can thiệp sâu hơn xuống cấp huyện (vùng), nhưng cuối thời Đông Hán đầu thời Tam quốc, đất Việt - với Sĩ Nhiếp và các em ông, tuy tổ tiên 6 đời là ở nước Lỗ (Sơn Đông) nhưng sang Nam Việt – Giao Chỉ đã lâu và đã nhiều phần bản địa hoá - về thực chất vẫn là một đất tự trị, tự quản.


Thời Lục triều (Nguỵ Tấn Nam Bắc triều) cũng như vậy. Triều đình trung ương Trung Hoa thì suy yếu, các thế lực địa phương vẫn mạnh mẽ. Nhiều quan lại Tống, Tề, Lương, Trần (Nam triều Trung Hoa, mà phần Hoa bắc đã bị Ngũ Hồ loạn Hoa chiếm giữ) cử sang Giao Châu chỉ là “hữu danh vô thực”, rất chông chiêng. Chúng ta, giới sử học Việt Nam nên đặt cuộc khởi nghĩa Lý Bí giữa thế kỷ VI và việc thành lập nước Vạn Xuân với danh hiệu Lý Nam Đế (Tiền, Hậu) trong bối cảnh đó.


Nên chăng cần ghi nhận, với Lý Nam Đế và nước Vạn Xuân, người Việt sau 600 năm Hán hoá đã bắt đầu có ý thức quốc gia và tinh thần “vô tốn (không thua kém, không lùi bước) Trung Hoa”. (Khái niệm “vô tốn” và “ bất dị” (không khác) Trung Hoa là do Lê Quý Đôn khái quát lại về sau, ở thế kỷ XVIII). Đằng sau Lý Nam Đế là thế lực tinh thần Phật Giáo , thế cho nên lột Lý Xuân nào đó của tịch thư Trung Hoa thì lại tự xưng là Lý Phật Tử (Con Phật).

Cuối đời Tuỳ (605-617), đế quyền Trung Hoa suy yếu thì các thế lực địa phương lại trỗi lên, diển hình là cha con Lê Cốc (Lê Ngọc) ở Ái Châu (Thanh), và Hoan Châu (Nghệ An) - tức là vùng ngoại biên của không gian xã hội Việt – mà nàh Đường tuy lên ngôi ở Trường An năm 618 nhưng phải đến 622 mới tạm dẹp yên được để có được một An Nam đô hộ phủ với trung âm là Tống Bình – Hà Nội ngày nay.

Từ Cổ Loa xuống Luy Lâu – Long Biên nửa đầu thời thuộc Bắc 600 năm là sự dịch chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp châu thổ sông Hồng và (sông Thái Bình) đã khẩn trương hơn do áp lực dân số ngày càng tăng và cũng do kỹ thuật đồ sắt hậu Đông Sơn, kỹ thuật thuỷ lợi tưới tiêu nước ruộng đồng Lạc điền ngày càng tiến bộ và phát huy rộng rãi (Phong Khê; vùng Cổ Loa – Đông Ngàn cũ đã có đê) (Hậu Hán thư) , một phần do hội nhập kỹ thuật thuỷ lợi và trị thuỷ Trung Hoa vùng ven biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông ngày nay ( Mã Viện do sử chép ( Hậu Hán thư) đã đào sông khơi ngòi …sinh lợi cho dân”). Đấy vẫn là những hệ thuỷ lợi và trị thuỷ cổ truyền của người Bách Việt cũ được người Hán tiếp thu và truyền dạy lại. Và Luy Lâu là trung tâm buôn bán, trung tâm truyền bá Phật giáo, Nho Giáo, Đạo giáo. Ở thời đó Phật giáo còn nhiều chất pha trộn Bà-la-môn giáo.


Sử sách nhà Đường và nhà Tống chép hồi cố về nhà Đường như Cựu Đường thư, Tân Đường thư và Man thư, Nguyên Hoà quận huyện chí, Thái Bình hoàn vũ ký , Đường hội yếu ..v…v .. kể cả Tuỳ thư cho ta biết nhà Đường và nhà Tuỳ đã từng bước đổi mới cơ cấu chính trị - hành chính ở đất Việt khá ổn định. Với các cấp An Nam đô hộ phủ, Châu (12 châu như Giao, Trường, Ái, Hoan, Lục (Hoàng) và kể cả các châu “ki mi” (ràng buộc lỏng lẻo ở miền núi Việt Bắc và một phần Tây Bắc hiện nay) rồi xuống Huyện, Hương và Xã nữa (đơn vị xã có ở đất Việt từ thời thuộc Đường (VII - đầu X), rất nhiều quan cấp sử An Nam đô hộ, Tiết độ sứ…) là người phi Hoa hay chỉ nửa Hoa như Khang Thái. Y như thời Tam Quốc Nam Bắc triều, có rất nhiều thái thú Cửu Chân ( Thanh Nghệ) có họ Mạnh của Mạnh Hoạch hay họ Thoán người gốc Di (Tạng Miến) Vân Nam như Thoán Cốc, Mạnh Thống v..v.. Đây là vấn đề rất lý thú để hiểu thêm về ảnh hưởng Tạng Miến, ảnh hưởng thảo nguyên Trung Á đến nền văn hoá Việt Nam như MậtGiáo , Sa Man giáo…  Đồ Làng Vạc (văn hóa Đông Sơn muộn) cũng như trống đồng Hưng Yên , Quảng Trị có nhiều mô típ trong trang trí kiểu Điền (Vân Nam) . Song, Tuỳ Đường thư vẫn không chối cãi được một sự thật là chính quyền Trung ương Trung Hoa chỉ cử quan được đến cấp châu “còn ở bên dưới, cấp huyện, thì tuỳ tiện tuyển bổ “bọn cừ suý Lý Lão Man” làm huyện quan và ràng buộc chúng lỏng lẻo mà thôi”.

Cho nên ta đừng nhìn thấy cơ cấu chính trị - tư tưởng Trung Hoa quá mạnh xuống tới cơ sở. Nó chỉ là một lớp sơn mỏng – dày tuỳ nơi, tuỳ lúc phết lên cái lõi văn hoá Việt. Và thật chính xác, khi nói cái làng Việt luôn là cứ điểm chống Hoa hoá cả về chính trị và văn hoá. Làng Việt là nơi lưu giữ bản sắc dân tộc và dân gian lâu dài nhất.

Từ Lục triều Tuỳ Đường trở đi, sư sãi đã trở thành lớp trí thức Việt đầu tiên (chứ không phải là nho sĩ, còn lẻ tẻ lắm và thiếu tổ chức lại, ưa vọng ngoại “Nam nhân Bắc hướng”). Và trớ trêu thay, hay nghịch lý thay, thực ra là thuận lý khi lớp sư sãi Việt bản địa và cả gốc Hoa lâu đời, nhiều người đã đi hành hương sang Thiên Trúc, nhiều bậc cao tăng đã sang tận kinh đô Trường An giảng kinh cho vua Đường, có người sang cả kinh đô Nara (Nại Lương) của Nhật Bản nữa, họ đủ chất kinh lịch, từng trải vượt lên trên lớp tiểu nông Phật tử “sống ở làng”, họ hội tụ và kết tinh tinh hoa đất thần linh - người Việt và họ trở thành đại diện của tinh thần quốc gia dân tôc Việt, họ trở thành kẻ tiên tri của nền tự chủ Việt và bằng thế lực tinh thần - vật chất của tự viện, họ trở thành người lãnh đạo tinh thần cho phong trào tự chủ Khúc – Ngô – Đinh – Lê ở thế kỷ thứ X,cái “I An Mil” làm bước ngoặt lịch sử cho cả nước ta, nước Tàu và thế giới Phương Tây.

12 sứ quân: Sự hoài cổ tiền Bắc thuộc:

Thế kỷ X là một sự đảo lộn chính trị, một sự lộn xộn nữa, nhưng khuynh hướng chính là tiến bộ, tiến tới nền tự chủ của nước nhà.

Tôi rất thích thú về lời ca thán của nhiều sử sách Trung Hoa: “Dân Việt rất khó cai trị, rất thích làm loạn”. Tiếp cận văn hoá học thì “thông điệp” đó có nghĩa là người Việt thích lối sống riêng, không thích sự áp đặt chuyên quyền độc đoán của khuôn mẫu Trung Hoa. Đấy là quan điểm đầy nhân tính, cận nhân tình và do vậy cũng là một số hằng số văn hoá rất hiện đại và luôn có tính thời sự. Quan điểm đó được kết tinh ở tầng lớp Thiền sư và hào trưởng địa phương.

Chính quyền trung ương quân chủ nhà Đường suy yếu và chết hẳn vào năm 907 để Trung Hoa mở ra cục diện “Ngũ đại thập quốc” kéo dài hơn nửa thế kỷ X. Đấy là thời cơ thuận tiện để dân ta nổi dậy dành chính quyền tự chủ.
Sự nghiệp xây dựng tự chủ đầu tiên là họ Khúc ở Hồng Châu (Bình Giang, Hải Dương) vốn là một hào trưởng địa phương. Lợi dụng sự trống chỗ của Tiết độ sứ cai quản an toàn An nam, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy kéo quân về đô hộ phủ (An Nam, Tống Bình, Hà Nội) và tự xưng Tiết độ sứ năm 905. Đấy là một mưu mẹo chính trị hay và mềm dẻo. Ông đã vạch ngay được một phương hướng chiến lược chính trị mà mấy trăm năm sau vua chúa Đại Việt còn áp dụng:
Chính sự cốt chuộng Khoan Dung - Giản Dị để cho dân chúng được An Cư - Lạc nghiệp” (Cương Mục). Khúc Thừa Dụ mất năm 907, con ông là Khúc Hạo chỉ để tang cha có 7 ngày (một ứng sử phi Nho) đã bắt tay cầm quyền trị nước , cải cách hành chính, đổi hương làm xã và đặt chức xã quan (củng cố chính quuyền cơ sở ), giảm tô thuế (so với định mức tô – dung - điệu của nhà Đường trước) để sinh lợi cho dân. Nhưng con ông, Khúc Thừa Mỹ hèn yếu, bất lực và thần phục nhà Hậu Lương là một trong ngũ đại ở Trung Hoa (do bị áp lực của Nam Hán, bấy giờ là Nam Hán chứ không còn là Nam Việt thời Triệu Đà nữa, có sự bàn bạc của triều đình Quảng Châu ngàn năm sau Triệu Đà, trải Hán - Đường thống trị và di dân đồng bào hoá đã hoàn toàn Hán hoá rồi, còn Giao Chỉ - Cửu Châu, mức độ Hán hoá thấp, vẫn là đất Việt, dân Việt tuy sống lối sống đã khác với người Việt cổ Đông Sơn).

Khúc Thừa Mỹ đã đi bước lùi của lịch sử hẳn vì dù đã có Đại La (Hà Nội) vẫn không khống chế nổi các hào trưởng địa phương, phải cầu viện ngoại viện (nhà Lương). Quân Nam Hán tiến sang, bắt Khúc Thừa Mỹ và đem về Quảng Châu. Ông này chết mất tích ở Quảng Châu. ?

Nhưng lại có hào trưởng ở Ái Châu là Dương Đình Nghệ (nha tướng cũ của Khúc Hạo) diệt tướng nam Hán , xung Tiết độ sứ. Xứ Thanh bước vào vũ đài lịch sử là bắt đầu từ đây, cho dù, hay chính vì, xứ Thanh là miền “ngoại biên” của đất Việt.
Hào trưởng Châu Phong (mạn Phúc Thọ) là một thế lực lớn ngoại biên gần châu thổ sông cái đã kéo quân giết Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền – con Ngô Mân tướng quân “Thứ sử châu Phong đời đời là nhà quý tộc quê Đường Lâm”, và là con rể Dương Đình Nghệ - đã kết liễu Kiều Công Tiễn rồi dẹp giặc bên Nam Hán ở Bạch Đằng, dựng lại quyền từ chủ (châu Thao gồm 2 nửa ở hai bên sông Thao,hữu ngạn (Sơn Tây sau) là phạm vi thế lực của Ngô, tả ngạn (Vĩnh Phúc, Phú Thọ sau) là phạm vi thế lực của họ Kiều.

Sử cũ ghi chép chuyện đánh lẫn nhau rồi bên yếu cầu ngoại viện.Thực chất của cuộc nội chiến này, theo tôi, là sự đấu tranh giành quyền lực tối cao trên đất Việt của các thủ lĩnh địa phương (mà GS O.W. Woleters gọi là các “man of proess” = người dũng mãnh)
Chính quyền quân chủ Trung ương Đường suy tàn rồi biến mất tạo ra một khoảng trống quyền lực ở đất Việt (An Nam đô hộ phủ), một cái “hẫng hụt trung ương” mà nhiều hào trưởng địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy.

Do vậy theo tôi không nên nhìn thời kỳ “Thập nhị sứ tướng quân” chỉ như một cuộc loạn sau thời Ngô Vương Quyền mất.“Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật(Hoạ phúc có mầm đâu chốc lát) Ức Trai. Cái “loạn” ấy có mầm mống ngay sau năm 905, hay còn từ trước đó nữa như tôi đã dẫn giải ở trên và không nên lấy làm lạ là trong số 12 sứ quân mà sử cũ chép theo nhau ta thấy đến 2 ông sứ quân họ Kiều là cháu nội của Kiều Công Tiễn ở Phong Châu, 2 ông sứ quân họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Quyền, và ông sứ quân họ Đỗ - Đỗ Cảnh Thạc – thì từ đời Đỗ Viện - Đỗ Tuệ Độ thế kỷ thứ IV đã là một thế lực lớn ở Đỗ Động Giang (Thanh Oai – Hà Tây) ..v…v.. Họ Đinh ở Hoa Lư mà một thế lực thủ lĩnh địa phương ở ngoại biên châu thổ sông Cái, nơi ấy sự phân hoá Mường - Việt chưa diễn ra mạnh mẽ. Dễ hiểu là cho đến nay vùng sát dải núi 99 ngọn dọc sông Đáy thì sườn phía Đông dải núi này là Việt còn sườn phía Tây dải núi này (mạn Hoà Bình nay) vẫn là Mường và dòng họ Đinh quý tộc Mường vẫn tự nhận mình là gốc gác Đinh Tiên Hoàng “nhất thế vi vương, vạn đại phi nhất vương tù trưởng” (nhà Đang mường Động). Hoa Lư – sau đổi thành Trường Yên là đất Trường Châu cũ của An Nam đô hộ phủ đời Đường kéo dài hai bên bờ sông Đáy từ Hà Nam tới Ninh Bình nay (Hà Nam là quê Lê Hoàn, Ninh Bình là quê Đinh Bộ Lĩnh). Trong viên gạch có in chữ “Giang tây quân” là một phiên hiệu của quân sĩ phong thu, phong đông ở thời Đường. Ở đôi bờ sông Cái mạn Nam Định- Thái Bình nay (bố hải Khẩu nay là vùng Cầu Bo, Vũ Thư, Thái Bình) là thế lực của sứ quân Trần Lâm - Gốc Mông Phúc Kiến đã sang khai thác miền ven biển rồi Việt hoá. Hai thế lực Đinh - Trần liên kết với nhau, chiếm cứ cả dải phù sa mới ven biển từ cửa sông Đáy (Độc bộ) đến cửa sông Cái Đại Hoàng Giang - tiểu Hoàng Giang là sông Châu - sông Đáy. Vùng ấy có đất đai phì nhiêu, lại có buôn bán bằng đường biển, có đánh cá, tài lực dồi dào, Phật Giáo pha trộn với Thần Giáo cũng phát triển ở vùng Giao Thuỷ (Giao Thuỷ là vùng nước ngọt - nước mặn giao nhau mà theo luật địa - kinh tế, địa - văn hoá là nơi thuyền bè tụ họp chờ nước triều lên xuống để ngược sông ra biển) nên thường hình thành các thị tứ như vùng non nước Đáy – Vân Sàng (Ninh Bình), vùng giao nước Châu Giang – sông Cái Tức Mặc (Nam Định), vùng giao nước sông Cái – sông Trà Lý (Trà Lý là một địa danh gốc Melayu – Trà = Ea = nước, sông nước) (Thái Bình nay). Hai thế lực liên kết Đinh – Lê đó đã ngược sông dần dà chinh phục hay khống chế được các sứ quân khác từ Hưng Yên (Đằng Châu - Phạm Phòng Át, Tế Giang (Văn Giang) Lã Đường), Bắc Ninh (Siêu Loại Lý Khuê, Tiên Du Nguyễn Thủ Tiệp, Phù Liệt - Nguyễn Siêu (Phù Liệt – vùng Sét – Thanh trì nay) rồi Đỗ Động Giang - Đỗ Cảnh Thạc (Thanh Oai), Đường Lâm (Sơn Tây) Ngô Nhật Khánh, rồi anh em họ Kiều (Cẩm Khê - Bạch Hạc Phú Thọ) Nguyễn Khoan - Nguyễn Gia Loan – Yên lạc – Vĩnh Phúc). Nghĩa là kiểm soát được toàn vùng tam giác châu sông Cái - Nhị - Hồng). Cái lãnh thổ cốt lõi của nước Đại Việt ta thời Đinh – Lê là đó. Song Đinh Lê chưa thể ra đóng đô ở thành Đại La cũ “giữa cõi bờ đất nước” được, mà vẫn thủ thế ở vùng Hoa Lư - Trường Yên “quê nhà”. Nhà Đinh nên được xem là một nhà vua quân chủ tập quyền.


Sao chăng nữa, cũng đã có một hình mẫu quôc gia ở Hoa Lư, giới khảo cổ Việt Nam đã phát hiện được ngày càng nhiều viên gạch xây thành, xây cung điện có in dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây thành của vua nước Đại Việt – Do vậy cần xem lại cái quốc hiệu “Đại Cồ Việt”của sử cũ. Nhiều nhà nghiên cứu ngờ Cồ Việt là tên nôm : Kẻ chỉ Việt, Không gian xã hội văn hoá của người Việt)


Theo tôi nhìn, cái nhìn địa - văn hoá thì Hoa lư – Trường Yên nghĩa hẹp là một bồn địa giữa núi được lấp đầy dần bởi phù sa sông biển (qua các bài thơ của Nguyễn Trãi thì cho đến thế kỷ XV Thần Phù (Yên Mô – Ninh Bình nay) vẫn là vùng “hải khẩu” và vùng non nước (thị xã Ninh Bình ) vẫn rất gần cửa biển.
Còn Hoa lư nghĩa rộng là một vùng tứ giác nước bao bọc bởi các sông Hoàng Long, Đáy, Vân Sàng.

Từ Hoa Lư thế lực Đinh Lê vươn tới được Cửu Châu = Kẻ (xứ) Thanh nhưng vẫn phải nhân nhượng các thế lực địa phương như Lê Lương ở Đông Sơn chẳng hạn. Và nên chú ý tới thế lực họ Dương ở vùng ngã ba Dàng (Dương Xã). Dương Đình Nghệ không còn như Dương Tam Kha còn “quậy” dưới thời Ngô. Và trong năm bà hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng (và cả họ Lê - Lý sau này) vẫn có bà hoàng hậu (sau là thái hậu) họ Dương. Sau lưng mỗi bà hậu là một thế lực địa phương. Hôn nhân cung đình thực chất là một cuộc liên minh chính trị, nhà Nho sau không hiểu cho là Đinh – Lê – Lý làm trái lễ Nho, chỉ một “hậu” thôi chứ! Thế lực sĩ phu Nho gia thời đó đâu đã mạnh bằng thế lực Phật giáo.
Lê Hoàn sau khi phá tan Tống Bình Chiêm, uy danh có lớn hơn song biên niên sử chép đầy dẫy việc ông phải đi đánh “giặc”, “kẻ làm loạn” ở các xứ Ái, Hoan, Diễn (có vai trò kích động của họ Dương – Dương Tiến Lộc 989), Đỗ Động Giang, Phong Châu… và phải chia đất cho các con cai quản ở các vùng trọng yếu: Đằng Châu (Hưng Yên), Phong Châu (Sơn Tây – Phú Thọ - Vĩnh Phúc), Ngũ huyện giang (xứ Thanh), Đỗ Động (Hà Đông), Cổ Lãm (Bắc Ninh), Phù Đái Hải Dương)… Lại đến lượt các con ông trở thành các thế lực địa phương, sau khi ông mất (1005), lại đánh lẫn nhau trong 8-9 tháng trời để tranh lập các thế lực địa phương khác.

Nhà Lý lên ngôi và dời đô ra thành Đại La cũ (Thăng Long)

Ông Nguyễn Thiệu Lâu đã nêu một ý tưởng địa lý rất hay: Hà Nội là thủ đô thiên nhiên của Đại Việt: trăm núi, trăm sông đều hội tụ về đây, rồi từ đây lan toả.
Sau này theo thuyết phong thuỷ người ta nói đến thế long bàn (rồng cuộn - bên tả, tả thanh long là dải Tam Đảo), hổ cứ (hổ ngồi – bên hữu - hữu bạch hổ - là dải 99 ngọn) với cái chẩm (Gối – Ba Vì) ở sau cái đai (dải nước Nhị Hà) ở trước và trung tâm là Long đồ, (rốn rồng) nơi có trục trung tâm nối trời với đất, rồi sông Tô Lịch với thần Long Đỗ, thần Tô Lịch v..v.. Đặc biệt Hà Nội là xứ sở của rất nhiều huyền thoại - huyền tích, huyền tích bản địa và huyền tích vay mượn và biến đổi từ Trung Hoa, từ Ấn Độ:

- Nào là huyền tích “Cửu vĩ hồ tinh” với Long Vương dâng nước phá hang cáo, tạo ra đầm xác cáo (làng Cáo đỉnh bên bờ Hồ Tây – Xuân Đỉnh nay).
- Nào là huyền tích hồ Trâu Vàng và sông Kim Ngưu - mượn từ huyền tích Hồ Tây bên Hàng Châu, Trung Quốc.
- Nào là huyền tích hồ trả Gươm với nghi thức thần thoại nhúng thanh gươm (dương - lửa sấm sét) xuống nứơc (âm – lũ lụt) được lịch sử hoá thành thanh thần kiếm “Thuận Thiên” thần ban cho Lê Lợi chống giặc Minh, thắng lợi rồi Trời sai thiên sứ Rùa Vàng - một hoài cố thần Kim Quy với thành cổ Loa hay Quy thành ở xứ Tứ Xuyên Trung Quốc - xuống xin lại thanh gươm (Hồ Hoàn Kiếm).
- Nào là huyền tích đức thánh Chèm – ông Khổng Lồ xoạc chân đôi bờ sông Cái giết giải - thuồng luồng trả thù cho mẹ bị thuỷ quái nuốt ở thời sơ cổ (Lý Ông Trọng).
- Rồi đến huyền tích Khổng Lồ - Không Lộ - Minh Không, đi thuyền như bay về Kinh sư chữa bệnh hoá hổ của vua Lý Thần Tông bằng việc nhúng tay vào vạc dầu sôi sùng sục rồi tắm vuốt cho thân thể nhà vua (đây là ma thuật chữa trị của các nhà Yoga).

- Và trước đó Từ Đạo Hạnh vứt gậy ở Yên Quyết (Cót). Gậy trôi ngược dòng đến cầu Tây Dương (Cầu Giấy) mới dứng lại và thiền sư (kiêm một pháp sư) dùng gậy đó đập chết pháp sư Đại Điên, trả thù cho bố… Sau đó là chuyện Từ Đạo Hạnh đập dầu vào đá hang núi chùa Thầy đầu thai làm Lý Thần Tông.
Trước đó là huyền tích Pháp sư Đại Điên xui Nguyễn Bông nấp trong buồng tắm Ỷ Lan nguyên phi để đầu thai làm Lý Nhân Tông v..v. và v..v..
Kho di sản văn hoá vô thể đó của Hà Nội cần được nghiên cứu, giải mã, giữ gìn và phát huy.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin quay trở lại với bài văn thường được gọi là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Chiếu là một thể văn của Trung Hoa chỉ một người (Vua) được dùng và nhằm hạ lệnh. Bài Chiếu của Lý Công Uẩn (do ai đó soạn thảo, có thể là theo ý tưởng của thiền sư Vạn Hạnh). Theo tôi là một tuyên ngôn địa – chính trị, địa chiến lựơc về vùng đất Đại La “ở giữa Đông Tây Nam Bắc, tiện hình thế núi sau, sông trước, xứng đáng là thượng đô của muôn đời” và Lý Công Uẩn bày tỏ khát vọng “Đóng nơi trung tâm, mưu toan việc lớn cho muôn đời con cháu mai sau”. Bài chiếu lại kết thúc bằng một câu phá cách văn chiếu Trung Hoa mang đậm đà bản sắc văn hoá Việt “Trẫm nghĩ như vậy, nhưng ý các khanh thế nào?”. Tôi đã nói nhiều lần đây là bài chiếu hỏi ý kiến quần thần về việc dời đô đầy ý vị Việt Nam. Được viết ở Hoa Lư vào tháng 2 và tới tháng 7 mới bắt đầu cuộc dời đô bằng thuyền, từ Hoa Lư theo dòng Hoàng Giang ra sông Đáy, sông Nhị để tiến lên Đại La. Huyền tích Rồng Bay và cái tên mới của kinh thành Thăng Long xưa nay vẫn được cắt nghĩa như là biểu hiện sức vươn lên mới của dân tộc thì cũng không sai. Song nếu tôn trọng tâm thức lịch sử đương thời thì theo tôi cần giải thích theo Quẻ Càn (Trời – Vua) của Dịch học: Tiềm long vu thuỷ Hiện long tại điền Phi long tại thiên

Theo báo Nguồn Sáng: Tháng 8 năm 1999.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét