Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Kết quả ban đầu từ hố khai quật di tích đền tháp Champa Phong Lệ

Di tích khảo cổ Phong Lệ nằm ở tọa độ 16000’08” vĩ Bắc và 108011’55” kinh Đông, hiện tại thuộc địa phận Thôn 3, Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng. Từ hơn 100 năm trước, theo lệnh của Chính phủ Pháp, ông C. Paris – chủ đồn điền Phong Lệ đã thu gom ở đây một số tác phẩm điêu khắc bằng đá và đưa về tập trung tại công viên Đà Nẵng. Sau đó, những tác phẩm điêu khắc này được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng H. Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng), còn địa điểm khảo cổ Phong Lệ  bị bỏ hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, um tùm, ít người qua lại.

Sau khi đất nước được thống nhất, Hợp tác xã Nông nghiệp của địa phương đã san ủi 1 phần khu di tích để làm trại chăn nuôi  và một số hộ dân cũng dần dần về  đây cư trú. Nhưng họ đều không biết rằng họ đã và đang ở trong 1 khu di tích khảo cổ quan trọng.
Tháng 3 năm nay (2011), trong khi làm nhà ở mới, gia đình anh Quang (công an quận Cẩm Lệ) đã vô tình làm lộ 3 hiện vật bằng đá và 1 mảng móng tường bằng gạch. Nhận được thông tin này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng đã trực tiếp đến xem xét và xác định: Đây là di tích khảo cổ Champa. Theo luật Di sản của Nhà nước, Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng đã làm thủ tục khai quật khẩn cấp di tích này.
Sau khi được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đồng ý và được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng cấp giấy phép, chúng tôi đã triển khai ngay công việc khai quật. Được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ và nhân dân địa phương nên công việc của chúng tôi được triển khai khá thuận lợi.
Công việc được chúng tôi tiến hành đầu tiên là thỏa thuận đền bù tài sản và dọn dẹp trên diện tích dự định khai quật. Đến sáng ngày 29.4.2011, chúng tôi đã làm lễ động thổ theo đúng phong tục của nhân dân sở tại.
Dựa vào dấu vết di tích kiến trúc và điêu khắc nghệ thuật đã xuất lộ từ trước, hố khai quật lúc đầu được hoạch định thành hình vuông, mỗi chiều dài 6 mét và đã làm xuất lộ được 1 phần chân móng của một công trình kiến trúc bằng gạch cùng một số tác phẩm điêu khắc bằng đá, một số mảnh đá vỡ, một số mảnh ngói, một số mảnh gốm gia dụng có nguồn gốc Champa. Ngoài ra còn có 1 số ít mảnh gốm men có nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật, do di tích liên tục xuất lộ thêm nên hố khai quật đã nhiều lần phải mở rộng dần về phía Tây và phía Nam. Đến ngày 17.5, hố khai quật đã được mở có quy mô: chiều dài (Đông – Tây) 14m và chiều rộng (Nam – Bắc) 7m nhưng vẫn chưa xuất lộ hết quy mô của di tích kiến trúc bằng gạch. Đặc biệt, khi khai quật đến khoảng 8m về phía Tây thì tại trung tâm kiến trúc gạch lại xuất hiện 1 khối lớn gạch vụn được đầm nén theo từng lớp khá chắc và cũng chưa xuất lộ hết. Chưa thấy công trình kiến trúc nào trong Khảo cổ học Champa có hiện tượng như vậy. Do đó, chưa thể có kết luận đầy đủ và khẳng định về di tích kiến trúc trong hố khai quật được. Cuộc khai quật mở rộng hố này vẫn còn phải tiếp tục.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã vừa khai quật, vừa tiến hành khảo sát kỹ phạm vi xung quanh hố khai quật. Đồng thời, chúng tôi đã thuê đo vẽ sơ đồ phân bố của khu di tích. Kết quả khảo sát và đo vẽ cho thấy rằng: Khu di tích khảo cổ Phong Lệ phân bố trong 1 diện tích khá rộng lớn (khoảng 3000m2) trên những độ cao khác nhau. Khu di tích này chỉ cách quốc lộ 1 khoảng vài trăm mét về phía Đông và cách sông Cầu Đỏ khoảng gần 500m về phía Bắc - Đông Bắc. Đó là những khoảng cách rất thuận lợi trong giao thông, vận tải bằng đường thủy/bộ. Tại khu di tích này có thể có khá nhiều di tích khác nhau và những di tích quan trọng có thể tập trung trên gò cao ở phía Tây của hố đang được khai quật.
Trong thời gian tiếp theo, chúng tôi dự định sẽ làm công tác bảo quản hố đang khai quật khỏi bị hư hại khi mưa gió, xử lý những di vật đã thu lượm được và sẽ khai quật thám sát thêm một số hố dài để xác định cụ thể vị trí của từng di tích và giới hạn của cả khu di tích.
Chúng tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo thành phố, quận và phường đã  quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi triển khai công việc.
Chúng tôi rất mong nhận được sự tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo thành phố, quận và phường. Chúng tôi cũng rất hy vọng cuộc khai quật di tích này sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.

Tượng đá này hiện đã được Bảo tàng kịp thời thu về
 


Một số hình ảnh hố khai quật

Bài và ảnh của Nguyễn Chiều - chủ trì khai quật.

2 nhận xét:

  1. - "tại trung tâm kiến trúc gạch lại xuất hiện 1 khối lớn gạch vụn được đầm nén theo từng lớp khá chắc" Đây chắc chắn là phần GIA CỐ MÓNG. Các đền-tháp Ấn Độ giáo xây bằng gạch thường có phần gia cố này rất chắc chắn, âm dưới phần nền khá sâu (có khi đến vài mét).
    - Ở khu di tích đền-tháp Ấn giáo ở Cát Tiên (Lâm Đồng) cũng đã gặp. TS Cát Tiên học Nguyễn Tiến Đông hồi đó gọi tạm là "bê-tông Mạ". Rắn chắc tới mức 'đánh' xà-beng vào còn tóe lửa.
    - Có thể đóan định môt niên đại của đền-tháp này là thế kỷ 12. Căn cứ chính là thềm đá bậc cửa có hình bán nguyệt (ảnh 2). Niên đại này cùng phù hợp với phong cách của bức tượng sư tử ở ảnh đầu tiên.
    - Bác Chiều chưa khai quật hết nên cũng khó tham gia. Nhưng dựa trên kích thước của các thành phần làm bằng đá cũng có thể thấy quy mô của kiến trúc này khá 'khiêm tốn'.
    Nhiều khả năng đây chỉ là 1 đền thờ phụ/nhỏ, chứ không phải là kalan chính của một nhóm
    Tuy nhiên, nếu khai quật mở rộng mà thấy 2 phía Bắc và Nam (sát cửa giả có dấu vết tường chạy ra (đồng thời có 1 cửa THẬT nữa đối diện với của đã thấy) thì đây là 1 tháp cổng (gopura).

    - "Khu di tích này chỉ cách quốc lộ 1 khoảng vài trăm mét về phía Đông và cách sông Cầu Đỏ khoảng gần 500m về phía Bắc - Đông Bắc. Đó là những khoảng cách rất thuận lợi trong giao thông, vận tải bằng đường thủy/bộ"
    Thông tin về khoảng cách tới QL1 không cho phép kết luận về chuyện thuận lợi giao thông vận tải.
    Cô giáo nên lưu ý học trò rút kinh nghiệm khi khảo về Địa-Văn hóa.

    Trả lờiXóa
  2. Xin cho hỏi kết quả mới nhất (đến 2013)đã có chưa ạ ? Nếu nhìn trên bản đồ, địa điểm Cấm Mít ở Hòa Phong - hữu ngạn dòng Thủy Loan và địa điểm Phong Lệ ở tả ngạn, hai địa điểm này có liên gì chăng ?

    Trả lờiXóa