Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Việt Nam có nuôi dưỡng những bộ óc đổi mới không?

Việt Nam có nuôi dưỡng những bộ óc đổi mới không?


Các trường học thử mọi phương kế khác nhau để đảo ngược khuynh hướng “chảy máu chất xám” và vận động người Việt ở nước ngoài góp phần vào sự nghiệp giáo dục trên quê hương họ.

Một thanh niên Việt Nam nói chuyện qua điện thoại di động trong khi đạp xe qua một chiếc cầu sắt từ thời thực dân cũ ở ngoại vi thành phố Hà Nội ngày 27-10-2010

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam — Phòng thí nghiệm công nghệ cao của ông Võ Văn Tới tương phản với khung cảnh nghèo đói xung quanh. Bên ngoài, gia súc đi rông trên những cánh đồng lầy lội chăn thả gia súc và những người dân lấn chiếm đất ở đó ngụ trong những căn lều gỗ, bán mía đường. Bên trong, ông trưng bày chiếc máy đo quang phổ cận hồng ngoại, dùng để đo nồng độ ô-xy trong máu, và một máy chụp CT cắt lớp.
Sự tương phản đó mô tả ngắn gọn tình hình phát triển hiện nay ở Việt Nam: Đó là một quốc gia tương đối nghèo, GDP đầu người 3.000 USD, đang cố gắng bám theo bước nhảy vọt của những nước láng giềng châu Á to lớn hơn, để bước chân vào kỷ nguyên nhà chọc trời và mậu dịch quốc tế. Để làm được điều ấy, họ cần đạt được một trạng thái dư thừa công nghệ mới – và cùng với đó là những con người đổi mới.
Vậy Việt Nam có thể lấy lực lượng căn bản các kỹ sư, nhà khoa học và học giả từ đâu?
Từ nước ngoài, đặc biệt từ những người Việt hải ngoại biết tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt. Họ, như ông Võ, đang tiếp thêm sinh lực cho sự tăng trưởng của đất nước, với tốc độ tăng trưởng đạt tới mức hai con số vào thời kỳ trước khi xảy ra suy thoái kinh tế 2008.
Ông Võ là một trong số rất nhiều người đã trở về thành phố quê hương, sau khi rời đất nước vào năm 1968 tại thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhận bằng tiến sĩ ở Thụy Sĩ, ông làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại một trung tâm kỹ thuật y sinh học hợp tác giữa trường Harvard và MIT (Học viện Công nghệ Massachusettes – ND). Hai thập niên sau, ông gia nhập Đại học Tufts. Vốn là một chuyên gia về thiết bị y tế khoa mắt, ông xây dựng nên chương trình kỹ thuật y sinh của trường Tufts và giúp họ mở khoa kỹ thuật y sinh vào năm 2003.
Ông Võ được công nhận giáo sư tại Đại học Quốc tế ở Việt Nam, nơi ông thành lập khoa kỹ thuật y sinh mà giờ đây có khoảng 60 sinh viên. “Bây giờ là thời điểm tốt” – ông Võ nói. “Lượng tiêu thụ thiết bị y tế ở đây là cực lớn, trong khi nguồn cung cấp trong nước thì gần như không có”. Ông kỳ vọng nhu cầu đối với số sinh viên tốt nghiệp của ông sẽ ngày càng tăng, mặc dù sẽ phải mất thời gian để Việt Nam bắt đầu tăng trưởng.
Một nông dân làm việc trên một mảnh ruộng kế bên Trung tâm Điều khiển và Hoạt động Vệ tinh tại làng Quế Dương, tỉnh Hà Tây ở miền bắc, ngày 18-4-2008.
Bẫy thu nhập trung bình
Năm 2008, Việt Nam đạt mức thu nhập đầu người 1.000 USD, nằm ở cực thấp của dải các nước thu nhập trung bình do Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng. Lượng tài sản mới tạo ra dồn cả vào khu vực thành thị, nơi số nhà máy và nhà ổ chuột đang phình thêm ra, tương phản với những tòa cao ốc xa xỉ. Nhưng nếu các trường đại học Việt Nam không mau chóng sản sinh ra số lượng đủ kỹ sư và các nhà khoa học, thì theo một báo cáo của chính phủ năm 2009, giấc mơ Việt Nam sẽ sớm tan.
Các nhà kinh tế gọi đây là “bẫy thu nhập trung bình”. Theo kịch bản này – một kịch bản đã từng rung hồi chuông báo động ở Thái Lan và Malaysia – các nước nghèo trở nên quá phụ thuộc vào lao động rẻ và vào việc sử dụng nguồn lực từ nước ngoài. Họ có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện một bước nhảy vọt về phía trước, tức là tạo ra một lực lượng lao động được giáo dục, có khả năng nghiên cứu và tự thiết kế sản phẩm của mình.
Những nước láng giềng thành công của Việt Nam, như Singapore và Hàn Quốc, đã đầu tư rất mạnh vào hệ thống trường đại học và vào khoa học để tự kéo họ ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Ngày nay, Samsung và LG là hai công ty dẫn đầu thế giới trong ngành sản xuất điện thoại di động và tivi.
Theo ông Wolf Rieck, giám đốc Đại học Việt-Đức, thì có vẻ như Việt Nam cũng đang đi theo mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – nhấn mạnh vào giáo dục. “Dường như ở Việt Nam, có một mối liên hệ giữa chiến lược phát triển kinh tế từ một mức năng suất thấp, với công nghiệp hóa để đạt tới một nền kinh tế dựa vào khoa học”.
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề ở đây là mặc dù Việt Nam có tỷ lệ biết chữ rất cao, 90% dân số, nhưng các trường đại học của nước này lại đã bỏ phí hàng thập kỷ vào việc dẹp bỏ dạy dỗ kỹ năng cứng (hard skill, nghĩa là khả năng chuyên môn, sự thành thạo về chuyên môn – ND) mà ưu tiên khả năng ghi nhớ như vẹt và học các lý thuyết cộng sản. Các doanh nghiệp đều phàn nàn rằng sinh viên tốt nghiệp thường cần phải đào tạo lại. Ông Võ bảo: “Rất thiếu những kỹ sư có năng lực, có khả năng giải quyết vấn đề”.
Hai năm về trước, Intel đã học được một bài như vậy. Khi công ty này xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 1tỷ USD ở ngoại ô TP.HCM, họ tổ chức một cuộc thi căn bản để sàng lọc ứng viên, nội dung về các chủ đề công nghệ, dành cho 2.000 sinh viên tốt nghiệp đại học. Chỉ có 90 người dự thi làm được trên 60%, một nửa số ứng viên trượt bài kiểm tra năng lực Anh ngữ.
Các sinh viên công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa nghe Chủ tịch Microsoft Bill Gates nói chuyện ngày 22-4-2006
Đảo ngược dòng “chảy máu chất xám”
Việt Nam đang vươn ra những người Việt ở nước ngoài, tìm cách thuyết phục các học giả trở về quê hương xứ sở và đào tạo sinh viên về kỹ năng cứng.
Trường của ông Võ, Đại học Quốc tế (IU), hoạt động dưới danh nghĩa một nhóm trường thuộc sở hữu nhà nước, gọi là Đại học Quốc gia Việt Nam (VNU). Nhà trường cố gắng làm dịu cơn “chảy máu chất xám” bằng cách mời chào mức lương cao gấp 10 lần các trường đại học sở tại khác.
Một số sinh viên của IU có cơ hội học hai năm tại các đại học ở Mỹ, Anh hay Úc, lối đào tạo nhằm phát triển các kỹ năng khoa học cứng và trình độ tiếng Anh.
Trường IU được thành lập năm 2003. Nhà trường tuyên bố rằng họ lấy mô hình giáo dục của phương Tây làm cảm hứng. Hiệu trưởng của IU, ông Hồ Thanh Phong, cho biết, sau vài chuyến đi nước ngoài để tìm hiểu cách mở trường, “chúng tôi đã học được từ Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác” về làm thế nào điều hành một trường đại học.
Giáo dục nơi đây đang trở thành một ngành kinh doanh lớn. Từ năm 2001 tới năm 2006, số sinh viên được thu nhận vào các trường đại học tăng từ 900.000 lên 1,6 triệu, theo số liệu của WB. Và từ nay cho tới năm 2020, Việt Nam hy vọng ít nhất một trong số các trường học của họ sẽ gia nhập hàng ngũ 200 đại học hàng đầu thế giới.
Để làm được điều đó, có rất nhiều chiến lược.
Chẳng hạn, Việt Nam đang trực tiếp kêu gọi các chính phủ nước ngoài giúp họ mở trường. Một đại học dựa trên chương trình của Đức, Đại học Việt Đức ở TP.HCM, đã mở cửa cách đây hai năm, đón 32 sinh viên. Họ dự định hoàn thành cơ sở hạ tầng vào trước năm 2016 và hy vọng sẽ đón 12.000 sinh viên nhập học.
Tại đất nước từng một thời là quốc gia kiên định với chủ nghĩa cộng sản, đóng chặt cửa với người ngoại quốc, hình thức hợp tác ấy gần giống như sự đột phá. Chẳng hạn, Đại học Việt Đức là trường đầu tiên thuộc loại hình này có bản điều lệ hứa hẹn một mức độ tự do học thuật giống như ở Đức.
Bình luận của độc giả David Brown: Nếu ông Cain thường xuyên viết bài từ Việt Nam, tôi hy vọng ông sẽ biết một điều là, khác với người Trung Quốc, người Việt Nam gọi nhau bằng tên, ví dụ Tiến sĩ Tới chứ không phải Tiến sĩ Võ!
Người dịch: Đỗ Quyên

Người Việt có câu "XẤU ĐỀU CÒN HƠN TỐT LỎI" đấy! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét