Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Trách nhiệm của nhà nước trong lĩnh vực giao lưu văn hoá và gìn giữ sự đa dạng văn hoá

Phan Hồng Giang

Sau một thời gian khá lâu tồn tại tương đối biệt lập với phần lớn thế giới bên ngoài, nhiều năm qua nước ta đã chủ động và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế - từ các lĩnh vưc chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng... đến lĩnh vực giao lưu văn hóa và gìn giữ sự đa dạng văn hóa. Lĩnh vực liên quan đến văn hóa này ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đây là một chủ đề rộng lớn, bao gồm nhiều vấn đề từ quan điểm, chính sách đến các hoạt động cụ thể.Trong khuôn khổ một bài báo ngắn gọn, tôi chỉ xin phép đề cập sơ lược đến một số điểm chung quanh vấn đề trách nhiệm của nhà nước trong lĩnh vực nói trên.

1. Ở vị thế dẫn dắt xã hội, nhà nước cần sử dụng mọi công cụ trong tay mình, từ giáo dục đến hệ thống truyền thông đại chúng vào việc tuyên truyền, quảng bá thường xuyên cho mọi người dân nhận thức được tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và đa dạng văn hóa trong sự phát triển chung của xã hội. Giao lưu văn hóa là tất yếu, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Giao lưu văn hóa là sự bổ sung các giá trị văn hóa giữa các dân tộc. Thông qua quá trình này mà mỗi nền văn hóa dân tộc có dịp khuyếch trương các giá trị văn hóa của riêng mình ra ngoài phạm vi truyền thống và đồng thời tiếp nhận những giá trị mới từ các nền văn hóa khác.

Điều cần lưu ý ở đây là sự giao lưu văn hóa cần diễn ra mà không làm phương hại đến bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc : mỗi nền văn hóa dân tộc chỉ được giàu lên, phong phú thêm lên trong khi không đánh mất đi bản sắc độc đáo của mình. Nếu tiến trình giao lưu văn hóa diễn ra đem đến một kết quả ngược lại thì điều này sẽ là thảm họa đối với nền văn hóa chung của cả thế giới, bởi lúc đó vẻ đẹp của sự khác biệt trong văn hóa thế giới sẽ không còn.

Đa dạng văn hóa của thế giới, của mỗi quốc gia ở cấp độ dân tộc cũng như ở cấp độ một nhóm người, thậm chí là ở mỗi cá nhân, là một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Đa dạng văn hóa là điều kiện tiên quyết để từng con người, từng nhóm người, từng dân tộc bộc lộ và phát huy hết năng lực sáng tạo độc đáo của mình trong quá trình sản xuất các giá trị mới về vật chất cũng như về tinh thần. Nhất thể hóa, đồng dạng hóa các giá trị văn hóa theo một khuôn mẫu cố định là triệt tiêu động lực phát triển, triệt tiêu năng lực sáng tạo. Biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng có nghĩa là biết tôn trọng khoan dung với sự khác biệt văn hóa của các dân tộc khác. Điều này có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong thế giới đang bị chia rẽ bởi những xung đột sắc tộc, xung đột tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm màu sắc văn hóa (mặc dù cội rễ sâu xa mọi xung đột này, theo chúng tôi, có lẽ là bắt nguồn từ quyền lợi kinh tế, chính trị).

2. Nhà nước đóng vai trò không thể thay thế trong việc thay mặt quốc gia thương thảo với các nước khác mọi vấn đề giao lưu văn hóa và đa dạng văn hóa. Trong lĩnh vực này, một dấu mốc quan trọng là việc nước ta từ năm 2005 đã tham gia ký kết Công ước về đa dạng văn hóa có tầm pháp lý ngang với những công ước đã có về quyền dân sự và chính trị, về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.

Đối với một số nước mới gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) như Việt Nam, điều cần hết sức lưu ý là, khác với việc dần dần từ bỏ sự bảo hộ đối với các sản phẩm công, nông nghiệp, mở cửa các thị trường, riêng trong lĩnh vực văn hóa, Nhà nước cần kiên trì nguyên tắc bảo hộ đối với các sản phẩm của nền công nghiệp văn hóa của nước mình. Đây là một giải pháp tình thế cần thiết trong hòan cảnh cụ thể hiện nay. Bởi sản phẩm văn hóa không phải là một hàng hóa thông thường mà trước hết là một sản phẩm mang giá trị tinh thần đặc trưng cho mỗi nhóm người, mỗi dân tộc. Nếu chỉ coi sản phẩm văn hóa là một hàng hóa thuần túy, từ đó bắt nó phải tuân thủ hoàn toàn quy luật thị trường thì điều này vô hình chung sẽ dẫn tới sự độc tôn của các sản phẩm văn hóa từ các nước có nền công nghiệp văn hóa hùng mạnh; điều này gần như đồng nghĩa với sự triệt tiêu các sản phẩm văn hóa của các nền công nghiệp văn hóa non trẻ, cũng có nghĩa là triệt tiêu đáng kể sự đa dạng văn hóa các dân tộc.

Đây không phải chỉ là trách nhiệm cụ thể của ngành văn hóa mà còn là trách nhiệm của các ngành ngoại giao, thương mại và cần phải nhận thức thấu đáo tầm quan trọng sống còn của nguyên tắc này khi trở thành thành viên của WTO. Nghị định số 54 của Chính phủ ban hành tháng 5/2010 vừa qua quy định thời lượng bắt buộc phải chiếu phim Việt Nam ở các rạp cũng như trong khung giờ vàng của các đài truyền hình là một bứơc đi đúng đắn theo hướng này.(Tất nhiên những người làm điện ảnh Việt Nam đều hiểu rằng, không thể ỷ lại mãi vào chính sách bảo hộ này; để khẳng định vị thế xứng đáng lâu dài của mình, họ cần nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng các tác phẩm để có thể giành được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả).

3. Nhà nước cần đóng vai trò xác lập và định hướng phát triển cho các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Điều cần thiết là phải phân biệt được những gì cần gìn giữ, phát huy và những gì đã lạc hậu, lỗi thời cần loại bỏ dần khỏi đời sống. Điều này đương nhiên cần được tiến hành một cách thận trọng trên cơ sở điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng dư luận xã hội và ý kiến các chuyên gia, tránh sự nóng vội khiên cưỡng. Ở đây cần phải thấy dù văn hóa các dân tộc có sự đa dạng, sự khác biệt đến thế nào thì ở cội nguồn của nó vẫn có sự thống nhất sâu xa ở tính nhân bản, ở sự mưu cầu hòa bình, hạnh phúc, công bằng, tự do. Bởi vậy vẫn có thể và cần áp dụng thước đo chung của những giá trị văn hóa vĩnh hằng cao cả nhất của cả nhân loại để căn cứ vào đó mà loại bỏ dần những gì là lạc hậu, lỗi thời, phản tiến hóa trong cái gọi là di sản văn hóa truyền thống riêng biệt của mỗi dân tộc, đại để như là cách trừng phạt nghiêm khắc (ném đá đến chết, chặt tay…) của một số nhóm người theo đạo Hồi đối với phụ nữ ngoại tình hay kẻ trộm cắp, hoặc như tục đốt vàng mã, bói toán nhảm nhí trong các dịp lễ hội mà Nghị định của Chính phủ về việc thi hành Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đã cấm.

4. Với việc có trong tay một nguồn tài chính khổng lồ, Nhà nước (đặc biệt là Nhà nước ở một số quốc gia Châu Á) có điều kiện to lớn để chủ động đầu tư phát triển văn hóa của mình. Khuyến cáo của UNESCO đã nêu rõ Chính phủ các nước cần có sự đầu tư cho văn hóa không dưới 2% tổng thu nhập quốc dân. Đây là một yêu cầu rất cao mà không phải quốc gia nào cũng thực hiện được. Ở Việt Nam, Kết luận của Hội nghị Trung ương (7-2004) cũng chỉ ra sự cần thiết nâng dần tỉ lệ đầu tư cho văn hóa từ ngân sách Nhà nước lên ít nhất là 1,8%.( Chỉ tiêu này cho tới nay ta vẫn chưa đạt được).

Đầu tư của Nhà nước trong văn hóa cần tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nhân lực cho văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho văn hóa, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc (vật thể và phi vật thể), tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân ở mọi vùng miền của đất nước, xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, tiến hành các biện pháp "xóa mù kỹ thuật số" cho mọi người dân để họ có thể dễ dàng tiếp cận với các thành quả của nền công nghệ thông tin trong từng quốc gia và trên thế giới…


5. Điều cuối cùng tôi muốn nói - không phải là điều ít quan trọng nhất - ấy là Nhà nước cần phấn đấu đạt tới trách nhiệm cao nhất của mình trong lĩnh vực văn hóa là phải làm sao cho văn hóa thực sự trở thành sự nghiệp của toàn dân, của mọi sắc tộc, mọi nhóm dân cư, của mọi người. Nhân dân phải thực sự trở thành chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời là khách thể hưởng thụ các thành tựu văn hóa.

Và Nhà nước sẽ làm tròn trách nhiệm văn hóa cao cả của mình là không trực tiếp bao biện, làm thay các công việc cụ thể của sự nghiệp phát triển văn hóa mà chủ yếu đóng vai trò chủ thể xác lập định hướng đúng đắn cho sự phát triển văn hóa, hoạch định các chính sách văn hóa trên từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa nằm trong tầm kiểm soát sao cho có thể phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, toàn dân tộc và của mỗi nhóm người./.

Tác giả gửi viet-studies ngày 27-8-10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét