Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Văn hóa Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh

1. Văn hóa Tiền Sa Huỳnh
Những địa điểm thời đại đồng thau (khoảng 20 di tích trong khung niên đại từ 3
.500-2.500 năm BP), được gọi là Tiền Sa Huỳnh, Sơ Sa Huỳnh hay Sa Huỳnh sớm và hiện nay được phân lập thành những văn hoá (giai đoạn):
Văn hóa Xóm Cồn (3.500±3000 năm cách ngày nay)
Long Thạnh - Sơ kỳ Đồng thau và
Bình Châu - Hậu kỳ Đồng thau
a. Văn hóa Xóm Cồn: Các di tích thường nằm sát ven biển, cận kề vịnh vụng có khả năng tránh gió, bão, gần nguồn nước tự nhiên. Những vết tích động thực vật trong tầng văn hoá cho thấy, săn bắt thu lượm song hành bên cạnh nông nghiệp và đặc biệt là vai trò to lớn của khai thác sản vật biển trong đời sống của cư dân. Đồ đá chủ yếu là rìu tứ giác, thon dài, đốc hẹp, gần với rìu, bôn tứ giác của văn hóa Đồng Nai. Công cụ và trang sức làm từ vỏ nhuyễn thể rất phổ biến thể hiện đậm nét yếu tố biển và cách thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái.
b. Long Thạnh: Mộ táng kết hợp với cư trú. Mộ chum có hai loại hình chính là hình trứng và hình cầu, nắp chum hình lồng bàn. Đồ tùy táng đá và gốm, không thấy kim loại. Gốm tùy táng Long Thạnh được trang trí cầu kỳ và rất đẹp với những thủ pháp như khắc vạch, miết láng, tô màu…. Gốm tô màu ở Long Thạnh và ở những di tích cùng nhóm chủ yếu tô màu đen ánh chì, trên phần nền để trơn của những đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp. Loại hình gốm độc đáo là bình hình lọ hoa với nhiều kiểu dạng và được trang trí toàn thân.


Địa điểm Bãi Ông (Cù Lao Chàm) giai đoạn Long Thạnh




Địa điểm Xóm Ốc (Đảo Lý Sơn) Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh Hiện vật giai đoạn Long Thạnh
3. Bình Châu: 2 loại hình di tích cư trú và di tích mộ táng. Công cụ sản xuất bằng đá, mảnh gốm và bằng chứng của kỹ nghệ luyện kim đồng thau như mảnh khuôn đúc, mảnh nồi nấu, xỉ đồng và cục đất nung cháy. Đồ đá có cuốc đá, dao đá. Mộ huyệt đất với phương thức chôn cất là những nhóm đồ gốm đặt gần nhau, úp miệng xuống đất. Đồ tuỳ táng có công cụ sản xuất, vũ khí bằng đồng thau, đồ gốm, đồ trang sức - khuyên tai hình đỉa đất nung. Hiện vật đồng thau có mũi tên, lao có ngạnh, đục, lưỡi câu. Nét độc đáo của gốm tô màu Bình Châu là sử dụng nhiều màu đen ánh chì (chủ đạo) màu đỏ, màu vàng, màu trắng…. Văn tô màu ở Bình Châu được kết hợp hài hoà với những yếu tố khác như văn thừng, khắc vạch, in chấm dải. Người Bình Châu ưa tô những băng ngang một màu, đặc biệt là đen ánh chì.Gốm Bình Châu
Hầu hết các di tích Tiền Sa Huỳnh phân bố hoặc trên các đồi gò cát biển hoặc trên các đồi đất núi. Giai đoạn này cư dân cũng đã chiếm lĩnh những không gian cửa sông ven biển, đảo ven bờ (Cù Lao Chàm, Quảng Nam và Cù Lao Ré, Quảng Ngãi) và một số đảo xa bờ ở khu vực biển miền Nam Việt Nam như đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang), đảo Hòn Cau (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhiều những địa điểm cư trú xen lẫn mộ táng hay cư trú rộng hàng ngàn mét vuông, có tầng văn hoá dày, di vật phong phú, nhất là công cụ sản xuất đá và đồ gốm như địa điểm Long Thạnh, Bàu Trám, Xóm Cồn… chứng tỏ quá trình định cư lâu dài, ổn định của cư dân nông nghiệp kết hợp khai thác rừng và biển
2. Văn hóa Sa Huỳnh
Nền văn hoá có niên đại sơ kỳ sắt (2600 năm cách ngày nay đến thế kỷ 1, 2 sau Công nguyên). Không gian phân bố chính là miền Trung Việt Nam từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, Bình Thuận.
Các di tích văn hoá Sa Huỳnh (trên 80 di tích) phân bố ở hầu khắp các dạng địa hình của các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển đến các đảo ven bờ, mỗi loại hình sinh thái đều có những nét riêng, tạo ra một số dạng địa phương của văn hoá này. Tuy vậy tính thống nhất trong văn hoá Sa Huỳnh được thể hiện rất rõ trong cấu tạo di tích, táng thức và bộ di vật.
Văn hoá Sa Huỳnh có táng thức chủ đạo dùng chum, vò gốm có kích thước lớn làm quan tài với đồ tuỳ táng bằng sắt, gốm, thuỷ tinh, mã não… Cùng với việc đạt đến trình độ cao của kỹ thuật chế tạo sắt (cả việc đúc gang), cư dân văn hoá Sa Huỳnh còn đạt đến bước phát triển cao với các nghề xe sợi, dệt vải, chế tạo gốm, chế tác đồ trang sức. Nghề làm gốm rất phát triển, thể hiện trong mọi khía cạnh từ kỹ thuật, độ nung đến tạo hình, trang trí. Đặc điểm nổi bật của gốm Sa Huỳnh là những đồ gốm lớn đến rất lớn, đòi hỏi kỹ năng khéo léo và kỹ thuật cao trong chế tác và khống chế độ nung.

Chum lồng đôi "dạng trong quan ngoài quách" văn hóa Sa Huỳnh

Trong văn hoá Sa Huỳnh, đồ sắt chiếm một vị trí rất quan trọng. Theo thống kê loại hình đồ sắt ở một số địa điểm văn hoá Sa Huỳnh có thể thấy rằng công cụ sản xuất chiếm số lượng rất lớn so với vũ khí (306 công cụ sản xuất/ 56 vũ khí). Mỹ cảm của người Sa Huỳnh được ảnh xạ qua đồ gốm trang trí khắc vạch, tô màu và đồ trang sức thủy tinh, mã não tinh xảo, cầu kỳ.
Nền kinh tế đa ngành kết hợp giữa trồng lúa nước ở các đồng bằng nhỏ duyên hải, trồng lúa kiểu nương rẫy ở vùng đồi gò. Cư dân văn hoá này sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Độ và Trung Hoa. Trong nền kinh tế Sa Huỳnh buôn bán có vai trò quan trọng, đặc biệt là ở những vùng ven biển, cửa sông. Nhiều cảng thị sơ khai đã được hình thành ở những cửa sông lớn ven biển. Những cộng đồng Sa Huỳnh liên kết với nhau và với bên ngoài qua trao đổi văn hoá, chính trị và kinh tế bằng đường biển và đường sông.
Văn hoá Sa Huỳnh là nền tảng cơ sở cho sự hình thành và phát triển của những nhà nước sơ khai giai đoạn muộn hơn. Kiểu tổ chức không gian xã hội và sự phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái cũng như cách thức hội nhập phù hợp với bối cảnh chính trị-kinh tế khu vực của các cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã được kế thừa và phát huy ở những giai đoạn sau.

Lâm Thị Mỹ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét