Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Văn hóa Đông Sơn

Văn hoá Đông Sơn ra đời là kết quả của sự hội tụ của nhiều văn hoá rực rỡ trước văn hoá Đông Sơn thuộc thời đại đồng thau trong quá trình chiếm lĩnh vùng đồng bằng các con sông lớn ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt đậm đặc ở lưu vực sông Hồng. Phạm vi phân bố của nền văn hoá Đông Sơn trên cơ bản là trong phạm vi ở miền bắc Việt Nam. Có khoảng 400 di tích đã được biết đến của văn hoá Đông Sơn hiện tồn tại ở Việt Nam, từ biên giới của Việt Nam với Trung Quốc về phía Bắc; với Lào ở phía Tây; và tỉnh Quảng Bình ở phía Nam.
Có thể phân chia văn hoá Đông Sơn thành các loại hình địa phương trong một sự thống nhất chung như:
Loại hình văn hoá Đường Cồ, hay loại hình văn hoá Sông Hồng.
Loại hình văn hoá Đông Sơn hay loại hình văn hoá Sông Mã.
Loại hình văn hoá Làng Vạc hay loại hình văn hoá Sông Cả.
Di tích văn hóa Đông Sơn thuộc nhiều loại hình: Cư trú, mộ táng, xưởng, kho báu, thành lũy…
Người Đông Sơn đã chiếm lĩnh các đồng bằng, dọc tất cả những lưu vực các con sông lớn, các ngã ba sông, các vùng trung du, miền núi và hải đảo; người Đông Sơn đã tập trung thành từng làng rộng lớn, trù mật.
Công nghệ luyện kim đạt đến đỉnh cao, đúc rất nhiều sản phẩm bằng đồng, từ đơn giản đến những sản phẩm như trống, thạp đồng, thố đồng. Các thao tác như làm khuôn, tạo vật pha chế hợp kim rất thành thục và phát minh nghề luyện sắt. Các di vật bằng đồng hết sức phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình. người thợ kim khí Đông Sơn đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật của họ trong tất cả các lĩnh vực của quá trình đúc đồng. Thành phần chính của đồng thau Đông Sơn là đồng, chì, thiếc. Hợp kim của đồng với tỉ lệ chì cao đã trở thành nét độc đáo của cổ đồng Đông Sơn. Dấu vết vải Động Xá (ảnh Nguyễn Việt)
Người Đông Sơn có nền nông nghiệp trồng lúa nước khá phát triển , trồng nhiều thứ lúa và nghề làm vườn, chăn nuôi gia súc. Một nền nông nghiệp dùng cày, lưỡi cày bằng kim loại, cày lật đất và dùng sức kéo bằng động vật. Các nghề thủ công như mộc, dệt, đan lát, gốm, đá, thủy tinh... cũng rất phát triển. Khuyên tai hình vành khăn bằng thủy tinh Núi Sen, Thanh Hóa
Trên những thành tựu đạt được ở lĩnh vực luyện kim và nông nghiệp lúa nước, người Đông Sơn đã tạo được một hạ tầng cơ sở khá vững chắc, cho việc xuất hiện một nhà nước đầu tiên của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương có tổ chức quân đội, trang bị nhiều loại vũ khí, đặc biệt là loại cung nỏ phức tạp và lợi hại. Kinh đô Cổ Loa đã có thành, hào bao bọc. Nhà nước An Dương Vương đã có quan hệ rộng rãi ngoài lãnh thổ.

Sơ đồ thành Cổ Loa với ba vòng thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét