TÀI NGUYÊN DI SẢN VĂN HÓA TRONG BỐI
CẢNH ĐƯƠNG ĐẠI
(Thách thức, Khó khăn trong Bảo tồn và Phát
huy Giá trị)
Lâm Thị Mỹ Dung, Chu Lâm Anh
(Trường ĐHKHXHNV, ĐHQG Hà Nội)
Nguyễn Anh Thư
(Đại học Văn hoá Hà Nội)
HTKH Hội nhập Quốc
tế về Bảo tồn – Cơ hội và Thách thức cho các giá trị Di sản Văn hoá,
30.11.2018.
Bài đã in trong Kỷ yếu HTKHQT Hội nhập Quốc tế
về Bảo tồn Cơ hội và Thách thức cho các giá trị Di sản Văn hóa, Nxb ĐHQG Thành
phố HCM. ISBN : 978-604-73-6535-7. Tr.15-26
Tóm tắt
Coi
Di sản Văn hóa là nguồn Tài nguyên xuất phát từ quan điểm đa giá trị của di sản
và từ sự mở rộng nội hàm của khái niệm tài nguyên, không chỉ thiên nhiên mà cả
văn hóa… Mọi thứ có thể thành tài nguyên cho mục đích nào đó trong những điều
kiện nhất định và xu hướng trên thế giới hiện nay sử dụng khái niệm tài nguyên
hay nguồn lực thay cho di sản hay tài sản và phát triển những cách tiếp cận/phương
pháp mới để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách bền vững cho hiện
tại và tương lai và biến tài nguyên của mỗi dân tộc, tộc người trở thành nguồn
tài nguyên chung của nhân loại cho phát triển hiện tại và tương lai.
Bối
cảnh Đương đại trong bài viết, một mặt dùng theo nghĩa rộng để chỉ bối cảnh
chung thế giới và Việt Nam trong đó bao hàm những vấn đề, những xu hướng hiện hành
mà tất cả các tài nguyên di sản đang đối mặt như HIỆN ĐẠI HOÁ, CÔNG NGHIỆP HOÁ,
TOÀN CẦU HOÁ, ĐÔ THỊ HOÁ, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, KINH TẾ THỊ TRƯỜNG..., mặt khác tuỳ
từng bối cảnh cụ thể theo nghĩa hẹp hơn, mà trong đó, một hay vài những thứ
trên tác động tích cực hay tiêu cực đến di sản ở các mức độ khác nhau.
Tài
nguyên Di sản ở Việt Nam phong phú và đa dạng phản ánh diễn trình lịch sử và
văn hoá của nhiều cộng động người theo thời gian, theo không gian. Những tài
nguyên di sản này hiện đang được bảo tồn và phát huy về mặt lý thuyết theo các
công ước, hiến chương quốc tế và luật quốc gia. Tuy nhiên, giống như nhiều nước
đang phát triển khác, tài nguyên di sản trong bối cảnh đương đại phải đối mặt với
những: Xung đột lợi ích; Sự thiếu hụt kiến thức đa ngành của cả ba nhóm: người
nghiên cứu, người quản lý và người thực hành; Sự bất cập giữa luật, công ước và
thực tiễn thực thi; Sự không đồng bộ giữa nghiên cứu đánh giá giá trị với bảo tồn;
Sự thiếu thống nhất trong quan điểm về triết lý bảo tồn, đánh giá giá trị.... dẫn
đến nhiều tài nguyên di sản biến mất trước khi được biết đến, nhiều tài nguyên
khác chưa được quan tâm đúng mức và vì vậy chưa được phát huy giá trị một cách
hữu hiệu và bền vững.
Từ
khóa: Bảo tồn, Bối cảnh Đương đại, Tài nguyên,
Tài nguyên Di sản, Phát huy giá trị, Phát triển Bền vững…
Bài viết toàn
văn
1. Tài nguyên di sản
1.1. Tính đa diện, đa dạng, đa loại của tài nguyên di
sản
Di sản văn hoá là những tài sản chắt lọc
từ quá khứ, là kết quả của các hoạt động sống vật chất và tinh thần của con người.
Di sản thiên nhiên môi trường là kết quả thành tạo của địa chất, tự nhiên kết hợp
tác động của con người. Do vậy, về bản chất di sản có tính đa dạng rất lớn.
Quan điểm hiện nay về di sản rộng hơn và sâu hơn so với trước đây, trước hết di
sản không chỉ là những tài sản do thế hệ trước để lại chủ yếu mang ý nghĩa tinh
thần và tâm linh, mà di sản được xác định là nguồn lực, là tài nguyên đa giá trị
cả về tự nhiên, văn hóa, xã hội, con người… đối với phát triển xã hội. Tài
nguyên di sản chứa đựng cả những giá trị quá khứ, giá trị hiện hành và tương
lai. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Tài nguyên Văn hóa Nhật Bản: “Tài nguyên văn hóa
là dữ liệu quan trọng giúp chúng ta hiểu xã hội và văn hóa của xã hội ấy một
cách tốt hơn tại một thời điểm nhất định. Tài nguyên văn hóa bao gồm cả vật thể
và phi vật thể, cả những thứ không thể cất giữ trong các bảo tàng như công
trình lịch sử, phong cảnh đô thị, nghệ thuật trình diễn truyền thống, lễ hội…
Đáng tiếc, nhiều những tài nguyên văn hóa này đã không được phát huy đúng cách.
Chúng ta cần phải biến những tài nguyên này thành những nguồn lực cho hiện tại và cho tương lai. Nghiên cứu
tài nguyên văn hóa mở ra một lĩnh vực mới phát huy tài nguyên văn hóa trong
phát triển văn hóa của con người và cho nghiên cứu khoa học”[1]
Theo cách nhìn về di sản hiện nay như
trong Chiến lược EU 2020: ″Di sản được coi là khái niệm phức hợp, liên tục phát
triển qua thời gian và kết hợp không chỉ những chiều kích lịch sử, văn hoá, thẩm
mỹ, biểu trưng, tinh thần mà cả kinh tế, xã hội và chính trị” [2].
Theo nội hàm mở rộng như thế di sản bao gồm một chuỗi rộng những địa điểm khảo
cổ, công trình, hiện vật, truyền thống và văn hoá, nhưng không chỉ là những di
tích, di chỉ, di vật kế thừa từ quá khứ mà còn là những khía cạnh khác của sáng
tạo và biểu hiện của con người thậm chí như ảnh, tư liệu, ký ức, sách, dụng cụ,
thị trấn và những địa điểm thiên nhiên, cả vật thể và phi vật thể, thì nghiên cứu
đánh giá di sản không chỉ để bảo quản, khai quật, trưng bày hay phục hồi tu bổ hay
bảo tồn và bảo vệ biểu trưng, tinh thần và ký ức quá khứ… mà nghiên cứu di sản
hiện nay được xác định như những hoạt động liên ngành mang lại những tác động đáng
kể về kinh tế và xã hội. Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm mới về
bảo tồn di sản – gọi là “bảo tồn tích cực”, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc
sống. Các di sản phải được bảo vệ, tôn tạo và tổ chức giới thiệu rộng rãi cho
công chúng biết[3].
1.2. Giá trị đa
diện của của tài nguyên di sản
Những năm gần đây đã có những thay đổi
đáng kể trong tư duy về phát triển, bên cạnh ba trụ cột kinh tế, môi trường và
xã hội, càng ngày người ta càng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá như nhân tố
quan trọng đảm bảo trường tồn tính bền vững, văn hoá được xem là nền tảng của
phát triển bền vững. ″Về mặt nhận thức, phát triển bền vững được hiểu là khả
năng phát triển kinh tế liên tục và lâu dài mà không làm cạn kiệt, không gây hậu
quả tai hại tới môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá – xã hội. Mục tiêu đó
quy định, trong quá trình phát triển, chúng ta cùng một lúc/đồng thời quan tâm
tới việc duy trì, tái tạo, bảo vệ và phát huy hai loại tài nguyên/hai nguồn vốn
của phát triển là thiên nhiên và văn hoá″[4].
Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, coi di sản như nguồn tài nguyên vô giá và
vô tận (nếu biết cách gìn giữ và khai thác một cách khoa học) được coi là giải
pháp cơ bản phục vụ phát triển bền vững.
Sự khác biệt văn hoá luôn có
sức hút và ở nhiều quốc gia trên thế giới, di sản không chỉ đem lại nguồn lợi
không nhỏ trong tổng thu nhập, mà còn có vai trò lớn trong việc quảng bá hình
ảnh quốc gia. Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát
từ động lực mong muốn tìm hiểu văn hóa. Mối liên hệ quan trọng giữa xã hội và
di sản văn hóa được thể hiện rõ nét trong du lịch di sản văn hóa. Khách du lịch
di sản văn hóa đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần những khách du lịch khác, ở lại
mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và họ cũng chi tiêu nhiều hơn[5].
Có nhiều ví dụ trên thế giới về những quốc gia mà phát huy giá trị di sản đóng
góp trên dưới 10% GDΡ hàng năm, Italia là một trong những thí dụ điển hình về
du lịch di sản, mỗi năm nước này thu hút trên 50 triệu khách quốc tế và chỉ
riêng ngành du lịch đã đem lại nguồn thu gần 170 tỷ USD (xấp xỉ 85% tổng GDΡ
của Việt Nam năm 2016)[6].
Bảo tồn di sản đem lại nhiều giá trị: văn hóa, thẩm mỹ,
giáo dục, môi trường, xã hội, lịch sử cùng nhiều giá trị khác như kinh tế, phúc
lợi xã hội…. Europa Nostra, Liên minh các nhóm Bảo tồn Di sản châu Âu,
trong một tài liệu mang tên Cultural Heritage Counts for Europe đã ghi chú: “Di
sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho châu Âu ngày nay”, nhiều lợi ích trong số
đó thuộc về kinh tế. Ở châu Âu, phục hồi di sản tạo ra nhiều hơn 16,5% việc làm
so với xây dựng mới, và mỗi công việc trực tiếp trong lĩnh vực di sản văn hóa tạo
ra 26,7 việc làm gián tiếp khác. Con số này trong ngành công nghiệp xe hơi chỉ
là 6,3:1[7].
Ρhát huy giá trị di sản trên nguyên tắc ″sẻ chia văn hoá″ từ năm 1991 đến nay,
bắt nguồn từ Ρháp, “Những ngày Di sản
châu Âu” đã được tổ chức hàng năm vào tuần thứ ba của tháng 9 với các mục đích
mở rộng khả năng tiếp cận di sản cho mọi đối tượng, đẩy mạnh khía cạnh sự kiện
trong đời sống văn hóa và phân quyền trong thực hiện các chính sách văn hóa.
Trong mỗi đợt tổ chức, bên cạnh những hoạt động thu hút công chúng đến với các
loại hình di sản, các cuộc thảo luận về vấn đề di sản được tổ chức đồng thời,
không chỉ đề cập đến vấn đề lịch sử mà về cả các khía cạnh pháp lý hoặc kỹ thuật
(chẳng hạn như vấn đề trùng tu, hiện đại hóa hay chuyển đối công năng). “Những
ngày Di sản châu Âu” mang lại hiệu quả hết sức đa dạng: kinh tế, xã hội và cộng
đồng. Sự kiện này đặc biệt có tác động tới sự phát triển cảm giác gắn bó của cộng
đồng với các địa danh ở nhiều cấp độ khác nhau (khu vực, thành phố, vùng, quốc
gia). Hiện chưa có nghiên cứu đánh giá tác động được thực hiện nhưng một nghiên
cứu được tiến hành năm 2009 về hiệu quả kinh tế của di sản đã phân biệt rõ những
hiệu quả trực tiếp (bán vé, việc làm…), gián tiếp và đi kèm (các dịch vụ đi kèm
như kinh doanh nhà hàng quanh các địa danh, du lịch văn hóa…). Quả thực di sản
tạo thuận lợi cho cả một “hệ sinh thái” rộng hơn lĩnh vực du lịch với tỷ lệ thu
hồi vốn đầu tư rất tốt. Tại Pháp, người ta ước tính với 900 triệu Euro mà Bộ
Văn hóa chi phí cho di sản sẽ cho phép thu về từ 500 triệu đến 2 tỷ Euro[8].
1.3. Tài nguyên di sản Việt Nam
Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa khổng
lồ (gần 40 ngàn di sản vật thể, 60 ngàn di sản phi vật thể, trong số đó UNESCO
công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới[9],
7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại[10],
2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp[11],
4 di sản tư liệu[12],
gần 3000 di tích được xếp hạng quốc gia, 7.500 di tích cấp tỉnh cùng gần 8.000
lễ hội, trong đó hơn 3.000 lễ hội dân gian thể hiện rõ bản sắc văn hóa độc đáo
của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Luật Di sản Văn hoá Việt Nam khẳng định ″Di
sản văn hoá Việt Nam là một bộ phận của Di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to
lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta″[13].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng khoá VIII đã xác định 10 nhiệm vụ về
xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiệm vụ thứ 4 là bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá ″Di sản văn hoá là tài
sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để
sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá.″[14].
Những giá trị to lớn mà di sản đem lại không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần
cho con người và xã hội mà còn chứa đựng các tiềm năng kinh tế, các giá trị vật
chất. Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại
nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Thật
vậy, di sản ngày nay đã trở thành tài sản, tài nguyên đóng góp vào sự phát triển
chung của đất nước và trở thành một bộ phận của ngành công nghiệp sáng tạo
(công nghiệp văn hoá). Những hoạt động phát huy giá trị di sản các loại đóng
góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, xã hội[15].
Chỉ từ năm 2014 đến 2015 ngành du lịch đã đóng góp 6% GDΡ của cả nước, trong đó
phải kể đến vai trò chủ đạo của các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên ở Việt
Nam[16].
Với những vai trò của mình, việc nhận diện đúng đắn các giá trị di sản cũng như
tổ chức thực hành di sản, giúp cho giá trị di sản trở nên hữu dụng, đáp ứng nhu
cầu xã hội, và yêu cầu phát triển bền vững là vô cùng cấp thiết nhằm tạo lập sự
cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc
tế.
2.
Bối cảnh Đương đại
và Tài nguyên Di sản
2.1. Biến đổi Xã hội với Di sản
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại
nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với các nước đang phát triển trong vấn
đề phát triển kinh tế bên cạnh việc bảo tồn văn hóa truyền thống, di sản văn
hóa của dân tộc. Trong mối quan hệ đa chiều về văn hóa ngày càng mạnh mẽ giữa
các quốc gia, di sản văn hóa Việt Nam chịu nhiều tác động cả bên trong lẫn bên
ngoài.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc
tế, trước hết, giúp tăng cơ hội tiếp cận, trao đổi, giao lưu và làm giàu vốn hiểu
biết sâu rộng về các nguồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của mỗi
quốc gia, mỗi khu vực,. Thêm vào đó, sự nổi lên của cuộc cách mạng khoa học
công nghệ 4.0 khiến cho việc tìm hiểu, đánh giá về tài nguyên di sản của các quốc
gia vượt qua những ranh giới địa lý với nhiều loại hình và cách tiếp cận thông
tin sống động và đa dạng.
Những quá trình trên đồng thời
làm nảy sinh các thách thức nhất định trong việc duy trì bản sắc quốc gia, dân
tộc trước những nguy cơ tiềm tàng của việc du nhập và lai căng văn hóa cũng như
khai thác vượt quá ngưỡng chịu đựng các nguồn tài nguyên văn hoá và thiên nhiên
từ các hoạt động du lịch, phát triển kinh tế không bền vững. Sản xuất nông
nghiệp kiểu thâm canh và sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chuyển đổi mô hình nhà
ở nông thôn gây biến hình phong cảnh cùng với đô thị hoá bùng nổ kéo theo, di cư tăng nhanh
và sự phân phối không đồng đều các nguồn lực tạo nên áp lực ngày càng tăng của
xã hội dân sự đối với di sản[17]. Bài học từ Bali
(Indonesia) là một dẫn chứng cụ thể và là lời cảnh báo về sự biến mất gần như
hoàn toàn văn hóa bản địa nếu phát triển du lịch không kiểm soát; hay vấn đề Di
sản văn hóa thế giới Cố đô Authaya (Thái Lan) đang phải đối mặt trong bối cảnh
du lịch tấn công và làm biến đổi các giá trị căn bản của di tích khiến chính
phủ Thái Lan buộc phải lựa chọn giữa bảo tồn di sản văn hóa hay phát triển kinh
tế… Vịnh Hạ Long (Việt Nam) cũng đã nhiều lần đứng trước
nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát theo tiêu chí và tiêu chuẩn của Công ước Bảo
tồn Di sản thế giới bởi các hạng mục kinh tế và du lịch phát triển ồ ạt làm
thay đổi cảnh quan và môi trường nghiêm trọng ở Hạ Long… Điều này đòi hỏi những định hướng, giải pháp trong
việc quản lý và khai thác giá trị di sản văn hóa ở mỗi địa phương. Quan trọng
hơn cả là cần nhận biết được giá trị di sản, xác định được vai trò của di sản
trong đời sống đương đại và có ứng xử phù hợp với nó.
Tại hội nghị của ICOMOS Dublin 2010, bốn
vấn đề lớn về quan hệ giữa di sản với biến đổi xã hội hiện nay đã được đặt ra,
đó là i. Di sản của những cộng đồng đang biến đổi, đang phát triển; ii. Di cư,
di dân và di sản bản địa; iii. Di sản tôn giáo; iv. Các tác động xã hội của biến
đổi khí hậu toàn cầu. ″Khi các cộng đồng trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của
di sản văn hoá, những phân tích cho thấy một số kết quả bất ngờ, gồm sự xuất hiện
của các tiêu chí mới về di sản, sự hội tụ ngày càng tăng giữa di sản phi vật thể
và phi vật thể, và nhu cầu ngày càng lớn đối với các chuyên gia bảo tồn truyền
thống để chia sẻ thẩm quyền ra quyết định với những cá nhân và nhóm có mối quan
hệ chặt chẽ với một địa điểm di sản cụ thể. Các nhiệm vụ bảo tồn còn phức tạp
hơn do các hiện tượng toàn cầu hoá về văn hoá và kinh tế, đô thị hoá bùng nổ,
các đợt di cư và sự phân phối không đồng đều các nguồn lực cùng với ảnh hưởng
ngày càng tăng của xã hội dân sự đối với di sản″[18].
Những thay đổi trong quan điểm về di sản
mà trong đó đặc biệt là mối liên quan giữa di sản với những thay đổi về môi trường,
xã hội và chính trị cả mặt tích cực và cả mặt hạn chế dẫn đến những thay đổi
trong cách thức bảo tồn và phát huy giá trị và nhu cầu cấp thiết của nghiên cứu
liên ngành tìm ra những giá trị cốt lõi và những biến đổi mang tính thời đại để
đưa ra chính sách và công cụ thực hành thích hợp đối với di sản trong thế kỷ
21.
2.2. Tài nguyên Di sản Việt Nam trong bối
cảnh xã hội đương đại:
Đối với Việt Nam, nguồn tài nguyên di sản
đang đứng trước những thách thức lớn của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ chế
thị trường. Quá trình đổi mới đất nước, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
và cơ chế thị trường, toàn cầu hoá, biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ
đến các di sản văn hoá, đặt di sản văn hoá đứng trước những thử thách khốc liệt.
Điều đó thể hiện qua sự xuống cấp của nhiều di sản văn hoá vật thể; Nhiều di sản phi vật thể
bị mai một lãng quên trong khi nhiều loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào
nước ta, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ;
Không gian cảnh quan kiến trúc di sản bị xâm hại do những yếu kém, tồn tại cố hữu
trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích; Việc khai thác quá mức nguồn tài
nguyên di sản thiên nhiên trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính hài hòa và bền
vững về mặt môi trường và xã hội. Những điều này đã và đang đặt ra các
thách thức cho việc phát triển các nguồn tài nguyên di sản một cách bền vững, đặc
biệt là trong công tác quản lí, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Việt Nam
- quốc gia có đa dạng các nguồn tài nguyên di sản từ vật thể, phi vật thể và tự
nhiên.
Có thể khái quát về những huỷ hoại của từng
loại hình di sản trên những mặt sau:
Đối với di sản vật thể: Xuống cấp, huỷ
hoại hoàn toàn hay từng phần do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên
nhân khách quan khí hậu, môi trường thời tiết khắc nghiệt, khó lường, chiến
tranh, xung đột tôn giáo, tín ngưỡng, đứt gãy truyền thống do những quan điểm
sai lầm của một giai đoạn lịch sử, nhiều công trình tôn giáo bị phá huỷ một
cách cố ý. Hiện nay mức độ huỷ hoại nhanh hơn do chưa có quy hoạch đồng bộ giữa
cái cần bảo tồn với xây dựng mới. Môi trường thiên nhiên truyền thống của một số
khu di sản bị biến dạng, Nhiều không gian hoạt động tại di sản văn hóa, không
gian lễ hội bị phá vỡ, hoặc thu hẹp lại (đình, chùa bị phá hoại trong chiến
tranh, các con đường hành lễ, các địa điểm sinh hoạt lễ hội, không gian văn hóa
bị chia cắt do việc xây dựng mở mang các đô thị, khu công nghiệp…). Bên cạnh đó,
bảo tồn không đúng cách dẫn đến làm mới di tích, hiện tượng hoành tráng hoá di
tích làm mất di tích... Quan điểm bảo tồn trái ngược nhau, kinh phí bảo tồn ít
và chi tiêu chưa hợp lý, thất thoát, lãng phí và có cả những trường hợp tham những...
Chưa có đội ngũ làm công tác trùng tu chuyên nghiêp và đồng bộ.
Đối với di sản phi vật thể: Nhiều di sản
đang bị mai một, thất truyền, xu hướng bị pha tạp gia tăng, nghệ nhân dân gian
giữ bí quyết và truyền bá văn hóa dân tộc cũng chưa được đề cao và tạo điều kiện
phát huy một cách đúng mức, đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại
trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng và biến đổi
rất nhanh. Đối với di sản phi vật thể, những biến đổi thường nhanh hơn, mạnh
hơn nhưng lại rất khó nhận biết cả bằng cách định tính và định lượng[19].
Chủ thể của di sản có nhiều thay đổi do di dân, do đô thị hoá và công nghiệp
hoá... dẫn đến mối tương tác và tình yêu và trách nhiệm đối với di sản suy giảm,
nhiều tri thức bản địa biến mất hoàn toàn.
Đối với di sản thiên nhiên: Tác động của
gia tăng dân số, của khai thác vô tội vạ môi trường tự nhiên, ô nhiễm môi trường,
suy giảm đa dạng sinh học và đặc biệt là chưa có nghiên cứu đánh giá một cách
khoa học về tác động của biến đổi môi trường tự nhiên đến các di sản thiên
nhiên để từ đó có những sách lược ứng phó phù hợp và khả thi.
Trong bối cảnh hiện nay của Công nghiệp
hoá, Hiện đại hoá, Đô thị hoá, Toàn cầu hoá và Biến đổi Khí hậu thì những thách
thức chính đối với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản có thể liệt kê như sau:
1.
Xung
đột lợi ích, trước hết là xung đột lợi ích trong cách đánh giá giá trị của di sản.
Di sản đang tồn tại trong một xã hội có rất nhiều xung đột lợi ích diễn ra. Những
lợi ích này nhiều khi trái ngược nhau đến mức một bên lựa chọn di sản thì bên
kia lựa chọn loại bỏ di sản (được biện minh bằng thuật ngữ phát triển). Có thể
thấy để xây dựng và phát triển, nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhỏ cả của tư nhân,
cả của nhà nước, trong nước và nước ngoài đã bất chấp Luật Di sản hiện hành và Công ước Quốc tế, xây dựng những công
trình mới mà không có bất cứ khảo sát điều tra nào. Bằng cách đó di sản vật thể
biến mất, môi trường di sản biến mất, di sản phi vật thể hoặc bị biến dạng hoặc
cũng dần bị triệt tiêu. Xung đột không chỉ giữa kinh tế với văn hoá, mà xung đột
còn hiện hữu giữa cộng đồng chủ thể của di sản với các nhà quản lý, với các nhà
nghiên cứu.... Có
một nghịch lý càng ngày càng có nhiều những khu đô thị, thương mại lớn do các tập
đoàn lớn như Vin Group, FLC, Sun Group... xây dựng nhưng ngày càng ít những khu
vực được khảo sát khai quật khảo cổ học thực thi luật Di sản trước khi xây dựng.
Đây là thực trạng chung không chỉ ở Việt Nam mà phổ biến ở các quốc gia đang
phát triển và chậm phát triển. Sự bành trướng của các tập đoàn kinh tế giàu có,
sức cám giỗ của các dự án bất động sản hứa hẹn những món lợi nhuận khổng lồ khiến
nhiều địa phương bất chấp các giá trị văn hóa và tài nguyên cảnh quan thiên
nhiên cần được bảo tồn, giữ gìn tính nguyên vẹn. Xung đột lợi ích trong mỗi cộng
đồng cư dân ở ngay trong di sản thế giới hay quốc gia cũng đặt ra rất nhiều
thách thức, việc di chuyển dân cư cũng như hình thành những cụm dân cư mới và sự
thay đổi không gian sinh sống của các tộc người, các nhóm người đã có tác động
không nhỏ đế biến đổi những di sản phi vật thể. Ngay như ở Hội An, nơi được coi
là điển hình tiên tiến của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thì những
thay đổi về khía cạnh phi vật thể thực sự đáng để chúng ta quan tâm giải quyết...
Xung đột giữa ba nhóm người nghiên cứu di sản- người quản lý - và người thụ hưởng
tức cộng đồng ngày càng gia tăng phản ánh qua ví dụ đòi trả lại danh hiệu như ở
Đường Lâm...
2.
Triết
lý về bảo tồn không nhất quán, đặc biệt là sự tranh cãi về tính chân thực của
di sản. Với khái niệm này, một số học giả quốc tế, đặc biệt ở các nước nói tiếng
Anh, như Herbert, Tunbridge và Ashworth, Hitchcock,… không cho rằng tính chân
thực của di sản, trong đó có những di sản văn hóa phi vật thể, lại quá quan trọng
trong việc quản lý và phát huy di sản trong khi đối với nhiều nhà nghiên cứu Việt
Nam khái niệm chân thực và khái niệm gốc còn được hiểu một cách cứng nhắc. Sự
không nhất quán này dẫn đến những quan điểm trái ngược trong bảo tồn, quản lý
và phát huy giá trị di sản. Mặc dù coi văn hoá là động lực phát triển xã hội
nhưng do sự không nhất quán trong triết lý bảo tồn, không chấp nhận giá trị
kinh tế của di sản, không nhận thức được về các mục đích đa dạng của phát huy
giá trị di sản và chỉ nhìn nhận di sản ở góc nhìn văn hóa dẫn đến những sai lầm
trong cách thức quản lý và phát huy di sản.
3.
Thiếu
hụt kinh phí, bảo tồn trùng tu và phát huy di sản hầu như chỉ dựa vào ngân sách
nhà nước, kinh phí ít và nhiều trường hợp không được sử dụng một cách hiệu quả.
Công tác xã hội hoá phụ thuộc vào lợi ích của các tập đoàn kinh tế, của các
nhóm tổ chức xã hội vì thế xảy ra hiện tượng ″nước chảy chỗ trũng″, bên cạnh đó
khi đã nhận kinh phí xã hội hoá thì thường sẽ phải đáp ứng những yêu cầu của
người cấp tiền và những yêu cầu đó không phải lúc nào cũng đúng Luật Di sản,
cũng phù hợp với các tiêu chí khoa học.
4. Mặc dù quá trình
toàn cầu hoá có những tác động tích cực đối với làm giàu giá trị văn hoá, làm
phong phú thêm loại hình và tính chất của di sản và kích thích sự phát triển
các hoạt động bảo tồn di sản như một nhu cầu gìn giữ quá khứ ngày một lớn, phục
vụ cho công cuộc phát triển kinh tế lẫn tăng cường hình ảnh văn hóa quốc gia
nhưng trên thực tế, do chưa có những chiến lược tổng thể và dài hơi về đề kháng
văn hoá nên chưa chắt lọc được những cái hay từ bên ngoài và gạt bớt những cái
dở. Tại những di sản mang danh hiệu Di sản Thế giới, tác động của Toàn cầu hóa
mạnh hơn và tạo ra nhiều thách thức hơn. Môi trường phát huy di sản thay đổi do
cần có nhiều phương thức thu hút du khách, thực hành di sản kiểu của khách du lịch,
sân khấu hóa, thương mại hóa… dẫn đến di sản dễ bị biến dạng, biến đổi.
5. Nhà nước có nhiều
chính sách và giải pháp tháo gỡ những bất cập và khó khăn trong công tác bảo tồn
và phát huy giá trị tài nguyên di sản, tuy vậy trong một số trường hợp, sự can
thiệp của chính quyền và sự thụ động của cộng đồng địa phương đã dẫn đến di sản
bị tách ra khỏi cộng đồng và biến thành xa lạ, cộng đồng nghiễm nhiên coi những
công việc liên quan đến di sản là việc của nhà nước, của chính quyền. Hiện tượng
di sản hóa di sản, hội chứng “Di sản Thế giới” cũng dẫn đến sự biến dạng tính chất của di sản.
6. Cũng như vậy đối
với tác động của biến đổi khí hậu, mặc dù nhận thức của chúng ta rất rõ ràng rằng
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu
nhưng những chiến lược và chính sách đưa ra mới chỉ chú ý đến khía cạnh kinh tế,
chưa thực sự chú ý đến xây dựng kế hoạch và chiến lược từ góc độ văn hoá đối
phó với biến đổi khí hậu, toàn cầu hoá ...[20].
7. Đội ngũ người
làm di sản từ nghiên cứu đến quản lý đến thực hành vẫn được đào tạo theo các
chương trình đơn lẻ, nội dung chương trình đào tạo ít đổi mới, câp nhật những vấn
đề hiện nay và cách xử lý vấn đề. Trong tất cả các bài viết, các nghiên cứu về
đào tạo nguồn nhân lực di sản, chương trình đào tạo, cách thức đào tạo, quan điểm
đào tạo... đều được đánh giá là chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Nguồn
nhân lực vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn và đặc biệt là tầm nhìn
đơn ngành, những kiến thức được đào tạo chưa đủ để người thực hành di sản có những
cách ứng xử thích hợp trong những hoàn cảnh biến đổi cụ thể. Đó cũng là lý do
mà chính sách, chiến lược di sản không được triển khai một cách đầy đủ và đúng
hướng.
8.
Công tác nghiên cứu
đánh giá và thu thập thông tin chưa thực sự đi vào thực chất, còn nặng về giấy
tờ, thủ tục... Chưa có những tiếp cận liên ngành đồng bộ trong đánh giá giá trị
tài nguyên di sản để đưa ra những phương thức bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp
và khoa học.
*
* *
Trước tác động bối cảnh đương đại toàn cầu
hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa, biến đổi khí hậu, gia tăng xung đột… đối với các
tài nguyên di sản, nhu cầu về nghiên cứu liên ngành và chiến lược bảo tồn và
phát huy giá trị bền vững các tài nguyên di sản này ngày bức thiết. Do đó, giải
quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa
là vấn đề mang tính toàn cầu, được quan tâm ở hầu hết tất cả các quốc gia trên
thế giới. Việt Nam có thể học hỏi những bài học kinh nghiệm của các quốc gia để
chọn lựa cách đi và hướng đi phù hợp.
Tất cả các nguồn tài nguyên di sản đều rất
nhạy cảm trước/trong những hoàn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế… đặc biệt. Việc
khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa có thể khác nhau ở cách thức,
công nghệ, mức độ… nhưng đều giống nhau, đặc biệt ở chỗ, nếu không có môi trường
phù hợp sẽ dẫn đến hoang hóa, cạn kiệt. Tài nguyên văn hóa và thiên nhiên không
phải “nồi cơm Thạch Sanh” để chỉ khai thác mà không tái tạo và sáng tạo những
giá trị mới[21].
Để di sản tài nguyên phát huy trong phát triển bền vững trước hết cần nghiên cứu
đánh giá trữ lượng, tìm hiểu những nhân tố tác động tới hiện trạng và tương lai
của những tài nguyên từ cả góc độ khách quan và chủ quan, qua đó xây dựng kế hoạch
bảo tồn và phát huy, đồng thuận nhiều mặt giữa bộ ba: đào tạo/nghiên cứu – quản
lý- bảo tồn phát huy.
Chiến
lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2020, Đảng ta nhấn mạnh: trong quá trình
phát triển kinh tế xã hội phải coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
dân tộc. Tài nguyên di sản trong bối cảnh xã hội đương đại sẽ trở nên vô tận và
liên tục tái tạo nếu có những chiến lược thích hợp và nhiệm vụ của những người
nghiên cứu, những người quản lý và cộng đồng là chung tay vì một xã hội “đa văn
hóa” để tiến tới xã hội ‘sẻ chia văn hóa”.
Tài liệu tham khảo
Chu Lâm Anh (2017), Tác động của danh hiệu
Di sản Văn hóa Thế giới đến bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc
Ninh, Khóa luận Tốt nghiệp ngành Việt Nam
học, Đại học Thăng Long, Hà Nội.
Đặng
Văn Bài (2017), Ρhát triển bền vững hay phát triển cân đối/ hài hoà từ góc nhìn
di sản văn hoá, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học ″Di sản văn hoá với Chiến lược phát triển bền vững″ do Bộ VHTTDL và
Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia tổ chức tháng 3.2017 tại Hà Nội
Donovan
D. Rypkema (2015), Bảo tồn di sản là cơ hội phát triển kinh tế, https://dothivietnam.org/2015/07/03/bao-ton-di-san-la-phat-trien-kinh-te/
truy cập ngày 4.10.2018.
ICOMOS
(2010), Changing World, View of Heritage: Heritage and social change, Proceedings of the ICOMOS Scientific
Symposium, Dublin, Ireland.
Jean‐Philippe
Rousse (2016), Những ngày Di sản châu Âu, DI
SẢN VÀ DU LỊCH Bảo tồn di sản đồng hành cùng phát triển kinh tế, tọa đàm ngày
27/04/2016, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.
Lâm
Thị Mỹ Dung (2015), Tài nguyên Văn hóa – nguồn tài nguyên không vô tận, không
tái tạo? (Một vài suy nghĩ về quản lý/phát huy giá trị tài nguyên Champa ở
Khánh Hòa), in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam “Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản Lịch sử-Văn hóa phục vụ phát triển
Du lịch” Nxb STQG, Hà Nội, tr. 148-162.
Luật di sản văn
hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá năm 2009
(2017),
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-di-san-van-hoa-2009-sua-doi-32-2009-QH12-90620.aspx
Nghị
quyết 03/NQ-TW Hội nghị lần thứ Năm, BCH TW Đảng khoá VIII
Nguyễn
Quốc Hùng (2007), Tác động của thay đổi khí hậu đối với di sản văn hoá và thiên
nhiên – những vấn đề đặt ra, tạp chí Di sản
Văn hoá số 4 (21), tr. 21-27.
Nguyễn
Văn Tuấn (2015), Du lịch Việt Nam hành trình 55 năm thành lập và phát triển, Tạp
chí Du lịch của Tổng cục Du lịch, số
7/2015, tr.6-7.
Rizzo
và Mignosa cb (2013), Hanbook on the
economics of cultural heritage, Edward Elgar Ρublishing.
Shinji
Yamashita (2010), Cultural Heritage in the Age of Globalization: A Pespective
from the Anthropology of Cultural Resource, in trong Working Papers “Cultural Resource Studies Asian Linkage
Building Seminar 2010”, Kanazawa University, Japan, tr. 7.
Tổng
cục Du lịch (2015), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ chiến lược phát
triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 20130, in trong Hội Khoa
học Lịch sử Việt Nam “Bảo tồn và Phát huy
giá trị di sản Lịch sử-Văn hóa phục vụ phát triển Du lịch” Nxb STQG, Hà Nội,
trang 23.
Vũ
Minh Giang (2017), Bảo tồn và Ρhát huy giá trị di sản văn hoá trong chiến lược
phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra, in trong in trong Kỷ yếu Hội thảo
Khoa học ″Di sản văn hoá với Chiến lược
phát triển bền vững″ do Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia tổ chức
tháng 3.2017 tại Hà Nội.
Thông tin tác giả:
1.
GS.TS.
Lâm Thị Mỹ Dung
Chủ nhiệm Bộ môn
Khảo cổ học Khoa Lịch sử
Giám đốc Bảo
tàng Nhân học
Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
336 Nguyễn Trãi,
Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam.
Email. bebimkch@gmail.com, đt 01239038292.
2.
TS.
Nguyễn Anh Thư
Giảng viên Khoa
Di sản Văn hóa – Đại học Văn hóa Hà Nội
418 La Thành, Đống
Đa, Hà Nội
Email: thuna@huc.edu.vn
ĐT: 0977867337
3.
CN.
Chu Lâm Anh
Cán bộ nghiên cứu,
Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội
Tầng 3,4 nhà D,
336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Học viên Sau đại
học chương trình: “Cultural Resource Management”, Đại học Kanazawa, Nhật Bản.
Email. lamanh.chu95@gmail.com
[1] Shinji Yamashita (2010), Cultural Heritage in the Age of
Globalization: A Pespective from the Anthropology of Cultural Resource, In
Working Papers “Cultural Resource
Studies Asian Linkage Building Seminar
2010”, Kanazawa University, Japan, pp. 7.
[2] Rizzo và Mignosa cb (2013), Hanbook on the economics of cultural
heritage, Edward Elgar Ρublishing.
[3] Tổng cục Du lịch (2015), Bảo tồn
và phát huy giá trị di sản phục vụ chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030, in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam “Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản Lịch sử-Văn
hóa phục vụ phát triển Du lịch” Nxb STQG, Hà Nội, tr. 23.
[4] Đặng Văn Bài (2017), Ρhát triển
bền vững hay phát triển cân đối/ hài hoà từ góc nhìn di sản văn hoá, in trong Kỷ
yếu Hội thảo Khoa học ″Di sản văn hoá với
Chiến lược phát triển bền vững″ do Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc
gia tổ chức tháng 3.2017 tại Hà Nội
[5] http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/17307
ngày 08/04/2015
[6] Vũ Minh Giang (2017), Bảo tồn và
Ρhát huy giá trị di sản văn hoá trong chiến lược phát triển bền vững: Những vấn
đề đặt ra, in trong in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học ″Di sản văn hoá với Chiến lược phát triển bền vững″ do Bộ VHTTDL và
Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia tổ chức tháng 3.2017 tại Hà Nội.
[8]Jean‐Philippe Rousse (2016), Những ngày Di sản châu Âu, DI SẢN VÀ DU LỊCH - Bảo tồn di sản đồng hành
cùng phát triển kinh tế, tọa
đàm ngày 27/04/2016, Sở Quy hoạch kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.
[9]Bao gồm:
Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Đô thị cổ Hội An
(1999), Khu đền tháp Mỹ Sơn (1999), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003),
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành nhà Hồ (2011) và Quần
thể danh thắng Tràng An (2014).
[10]Bao gồm:
Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Huế (2008), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây
Nguyên (2008), Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc
(2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật đờn ca tài
tử Nam bộ (2013), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014).
[12]Bao gồm:
Mộc bản triều Nguyễn (2009), bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc
(2011), Mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản
triều Nguyễn (2014).
[13] Luật di sản văn
hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá năm 2009
(2017), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-di-san-van-hoa-2009-sua-doi-32-2009-QH12-90620.aspx
[14] Nghị quyết 03/NQ-TW Hội nghị lần
thứ Năm, BCH TW Đảng khoá VIII
[15] Chỉ tính riêng năm 2017,
Quần thể di tích cố đô Huế, đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,8 triệu
khách du lịch quốc tế, thu được 320 tỷ đồng riêng từ vé tham quan; Phố cổ Hội
An đón 1,96 triệu lượt khách, thu về 219 tỷ đồng riêng từ vé tham quan. Tổng
thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ năm 2010 lên 510.000 tỷ năm 2017,
trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP;
tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp (Nguồn:
http://cinet.vn/di-san/di-san-van-hoa-voi-phat-trien-du-lich-353248.html)
[16] Nguyễn Văn Tuấn (2015): Du lịch
Việt Nam hành trình 55 năm thành lập và phát triển, Tạp chí Du lịch của Tổng cục Du lịch, số 7/2015,
tr.6-7.
[17] ICOMOS (2010): Changing World, View of Heritage: Heritage and social change, Proceedings of the ICOMOS Scientific
Symposium, Dublin, Ireland.
[18]
ICOMOS (2010): Changing World, View of Heritage: Heritage and social change, Proceedings of the
ICOMOS
Scientific Symposium, Dublin, Ireland.
[19]
Chu Lâm Anh (2017), Tác động
của danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới đến bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca
Quan họ Bắc Ninh, Khóa luận Tốt nghiệp
ngành Việt Nam học, Đại học Thăng Long, Hà Nội.
[20]
Nguyễn Quốc Hùng (2007), Tác
động của thay đổi khí hậu đối với di sản văn hoá và thiên nhiên – những vấn đề
đặt ra, tạp chí Di sản Văn hoá số 4 (21),
tr. 21-27.
[21]
Lâm Thị Mỹ Dung (2015), Tài
nguyên Văn hóa – nguồn tài nguyên không vô tận, không tái tạo? (Một vài suy
nghĩ về quản lý/phát huy giá trị tài nguyên Champa ở Khánh Hòa), in trong Hội
Khoa học Lịch sử Việt Nam “Bảo tồn và
Phát huy giá trị di sản Lịch sử-Văn hóa phục vụ phát triển Du lịch” Nxb
STQG, Hà Nội, tr. 161.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa