Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Sách NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI – TÌM KIẾM TỔ TIÊN (2)


Tác giả: G.N. Machusin Nhà xuất bản Mir, Maxcova, 1982
Người dịch : Phạm Thái Xuyên dịch sang tiếng Việt có bổ sung và sửa chữa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986

Ngay vào năm 1856 ở Đức, trong thung lũng Nêanđectan gần Điuxenđo, đã phát hiện được một chỏm sọ, một mẩu xương vai và một số di cốt các chi của người hóa thạch, do đó con người này đã có tên nêanđectan (theo địa điểm tìm thấy đầu tiên như đã được thừa nhận trong khảo cổ học). Thật ra, những mẩu xương ấy đã được tìm thấy không phải vào lúc tiến hành những cuộc khai quật khoa học, mà là ngẫu nhiên - khi làm sạch một cái hang nhỏ, một số công nhân đã tìm thấy chúng trong một lớp đất sét sâu hai mét, hơn nữa, người ta đã phát hiện chúng vào lúc chúng đã bị đưa vào bãi thải cùng với đất sét. Một số người quả quyết rằng đó là những di cốt của một con gấu ở hang. Nhưng Funrốt, một giáo viên địa phương, đã xác định một cách chắc chắn - đó là xương người.

Khi xét đoán chỏm sọ, khác với người hiện đại, người nêanđectan có cung trên lông mày phát triển mạnh, trán dô, hộp sọ dẹt ở phía trước và dô ra ở phía sau. R. Virkhôp, một nhà khoa học nổi tiếng (là bác sĩ và là nhà nhân chủng học) đã "nghiên cứu" những chiếc xương ở Nêanđectan và tuyên bố rằng tất cả những đặc điểm này là kết quả của bệnh lý bẩm sinh (do bệnh giang mai, nghiện rượu, và v.v...) và không thể nào là "cổ xưa" như các nhà nghiên cứu khác (đáng tiếc là lại ít nổi tiếng hơn) đã phán đoán về điều đó. Và Virkhôp lại không đơn độc. Một trong số các chuyên viên giám định đã gọi người nêanđectan là một người Hà Lan già, chuyên viên giám định thứ hai gọi đó là người Ken [3], chuyên viên giám định thứ ba cho đó là người man rợ hoặc người mắc chứng đần, và khẳng định sẽ không bao giờ tìm thấy một vật mẫu như vậy nữa. Uy tín của Virkhôp và của những người ủng hộ ông đã hoàn toàn đủ để cho những vật đã tìm được cực kỳ quan trọng như vậy ở thung lũng Nêanđectan bị lãng quên gần 30 năm, cho tới khi cùng một lúc tìm được hai bộ xương nêanđectan trong những cuộc khai quật ở hang Spi thuộc Bỉ. Đã gặp những di cốt họ người ở đây và sớm hơn nữa, song lúc đó người ta không nhận ra chúng.

Bấy giờ người ta đã tìm thấy xương người ở trong cùng một lớp với xương của tê giác có lông, của voi mamut và của những động vật có vú hóa thạch khác cùng với những hòn đá bị đẽo một cách "kỳ lạ" - chính là những hòn đá mà đê Pect cho là công cụ của người cổ đại, những vật tìm được ấy đã được làm sạch một cách cẩn thận. Người ta tách đất ra thành những lớp không lớn theo đường nằm ngang, hết lớp nọ đến lớp kia. Người ta ghi nhận các di tích hóa thạch cùng với vật chứng để không còn nghi ngờ rằng cả xương người, cả công cụ và cả xương của động vật đã bị tuyệt chủng, có liên quan chặt chẽ với nhau, hoặc ít nhất chúng có cùng một tuổi. Phương pháp của một khoa học mới đã hình thành - tiền sử học hoặc khảo cổ học sơ khai, như sau này người ta đã gọi như vậy.

Nhưng vấn đề không phải là ở tên gọi. Điều quan trọng là khoa học đó đã chứng minh được quyền tồn tại của mình. Khảo cổ học sơ khai, mà cách đây không lâu còn bị nguyền rủa công khai, đã được các đại diện có tài năng nhất của nhà thờ nghiên cứu, đặc biệt được ca ngợi là linh mục G. Brêin.
Cuối thế kỷ XIX đã có một loạt các phát hiện, và phát hiện đầu tiên trong số đó - trên hòn đảo Giava xa xôi. Hiện nay trên sông Bengavan Sôlô (Sông Lớn), ở giữa xóm Trinin, có một cái bia kỷ niệm nhỏ bằng đá với dòng chữ: "P. E. 175 m. ONO. 1891 - 1893". Bạn cứ hỏi bất cứ người dân nào thì dòng chữ bí ẩn ấy rõ nghĩa ngay. Dòng chữ ấy có nghĩa "Pithecanthropus erectus (nghĩa là người vượn đi thẳng) đã được tìm thấy cách 175 m về hướng đông-bắc-đông, năm 1891-1893". Chính ở nơi đây, bác sỹ quân y Evgeni Đuyboa đã tìm thấy chỏm sọ, xương đùi, răng của người còn cổ xưa hơn cả nêanđectan. Cùng với di cốt của pitêcantrôp, cũng trong lớp đất ấy có cả xương voi, tê giác, hà mã, heo vòi, sơn dương, khỉ macac. Năm 1894, Đuyboa công bố bài báo "Pithecanthropus erectus, dạng chuyển tiếp kiểu người Giava". Nhưng năm 1895, trong một cuộc họp đặc biệt của các hội nhân chủng học, dân tộc học và lịch sử sơ khai ở Beclin, chủ tịch danh dự (cũng vẫn là Virkhôp) đã quyết đoán tuyên bố: "Tất cả những điều mà Đuyboa nói đều không phải là bằng chứng. Đó chỉ đơn giản là vượn gibôn khổng lồ, và chỉ có thế". Nhưng Đuyboa có những người ủng hộ - thu thập quá nhiều những vật tìm được "kỳ lạ" ấy để cho chúng bị bác bỏ một cách đơn giản như vậy hay sao. (Thật ra, Đuyboa đã từ bỏ quan điểm của mình).

Nhưng vào đầu thế kỷ XX, đã chứng minh được một cách hiển nhiên rằng lịch sử của con người không phải bắt đầu vào năm 4004 trước công nguyên và thậm chí không phải vào năm 5199 trước công nguyên như giáo hoàng Grigori VII đã tính ra, mà ít nhất là 100 hoặc 400 nghìn năm trước đây. Năm 1918-1923, nhà địa chất học Thụy Điển G . Anđecsơn tiến hành khai quật ở thị trấn Chu Khẩu Điếm, cách Bắc Kinh 40 km về phía đông nam. Đầu tiên ông tìm được những mẩu thạch anh đã được đẽo, và sau đó, cùng với xương của động vật, ông đã phát hiện được răng người. Một chuyên gia về sọ hóa thạch người Canađa là Đ. Blêc cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm. Sau hai mùa (1927-1929) đã đào bới, sàng lọc, nghiên cứu gần 4 nghìn mét khối đất, người giúp việc của Blêc là Pen Ven Trun đã tìm thấy xương sọ. Sinantrôp [4] (Pithecanthropus pekinensis) - người hóa thạch đã có tên như vậy, sọ của người này được tìm thấy ở thị trấn Chu Khẩu Điếm (hay là ở trên đồi Xương Rồng). Năm 1930, lại tìm thấy ở đây những di cốt của một chiếc sọ nữa và ngoài ra còn phát hiện được những mảnh silic giống như công cụ bằng đá và tro ở các đống lửa. Đ. Blêc làm việc không biết mệt mỏi, thậm chí làm việc cả ban đêm...  Có một lần vào buổi sáng sớm (1934), khi đến nơi làm việc, người thư ký bắt gặp Blêc đã chết cứng. Blêc đang ngồi sau một chiếc bàn viết và cầm trong tay sọ Sinantrôp... Những cuộc khai quật vẫn được tiếp tục. Năm 1938, ở thị trấn Chu Khẩu Điếm, người ta đã lôi ra từ trong một cái hang những bộ di cốt của khoảng không ít hơn 38 - 40 người. Tuổi của những vật tìm được - 350-400 nghìn năm.

Năm 1937, nhà nhân chủng học người Đức R. Fôn Kênigxvan đã phát hiện được chiếc sọ pitêcantrôp Giava. Năm 1939, khi so sánh pitêcantrôp Giava với sinantrôp, R. Kenigxvan và F. Veiđenrêc đã đi đến kết luận hai dạng ấy đều là pitêcantrôp. Bây giờ chúng ta nhớ lại những vật tìm được ở Đức vào năm 1907. Khi ấy, cách thành phố Haiđenbec 17 km, phía dưới làng Maer, trong mỏ cát, ở độ sâu 20 m, người ta tìm thấy hàm dưới rộng bản, nặng, không có phần lồi ở dưới cằm, cùng với răng người có kích thước lớn lạ thường. Đó là xương hàm vượn với răng người - xương hàm pitêcantrôp...

Nhưng tất cả những phát hiện đã có ở châu Âu và châu Á đã bị lu mờ đi so với những phát hiện trong vòng hai mươi năm mới đây ở châu Phi. Ngay S. Đacuyn cũng đã chỉ ra rằng châu Phi là quê hương đầu tiên của con người. Những di cốt của tổ tiên hóa thạch của con người đã được biết đến khá lâu ở châu Phi. Năm 1924, từ thị trấn Taung (Cộng hòa Nam Phi), người ta đã đưa một chiếc sọ đến cho giáo  sư R. Đact ở trường đại học tổng hợp Iôhanesbua. Đact phải mất hơn hai tháng mới tách được đá vôi đã bị đóng cứng ở phần trước sọ và ở hố mắt ra. Thật kỳ lạ, di cốt của người đã được tìm thấy ở đồng cỏ preri thuộc Nam Phi, cách xa rừng thưa và rừng rậm. Ở đây, theo ý kiến của các chuyên gia, khí hậu không thuận lợi đã không hề thay đổi, ít nhất là trong suốt 70 triệu năm (từ cuối kỷ phấn trắng - kỷ Creta). Chiếc sọ ở Taung thật không bình thường. Mặc dù nó là một chiếc sọ của một đứa trẻ (người ta gọi nó là - "bêbi ở Taung"). Khối lượng não [5] khá lớn - 520 cm3, trong khi đó khối lượng não của hắc tinh tinh trưởng thành chỉ có 320 - 480 cm3. Sọ hẹp và cao, chứ không phải thấp, dẹt và rộng như ở vượn. Cung trên lông mày gần như không nổi rõ. Răng khá giống với răng người.

Cao nguyên khô hạn mà người vượn đã sống bị tách biệt với sông Zambêzi bởi một vùng đất trống trải và rộng lớn. Về phía tây, từ Đại Tây Dương đến Rôđêzia là sa mạc Calakhari, còn ở giữa Rôđêzia với rặng núi con Rồng là savan trải rộng ra. Nhất định địa thế tự nhiên ấy ngăn trở bất cứ những con vượn nào có đời sống nửa trên cây, nửa dưới đất như gôrila và hắc tinh tinh, di chuyển từ phía nam lên. Nhưng chỉ có "bêbi ở Taung" và những bà con của đứa trẻ này là không bị ngăn trở. Tại sao? Vẫn chưa rõ. Đact gọi hóa thạch mới là ôstralôpitec (Australopithecus), nghĩa là vượn phương nam, và ông nêu ra giả thuyết là vấn đề này có liên quan đến cái mắt xích giữa vượn bậc cao và người sơ khai. Thế nhưng, theo cách diễn đạt của bêbi là tổ tiên". Vấn đề là ở chỗ trong suốt 12 năm trời, vật tìm được là duy nhất - cho mãi tới tận năm 1936, vẫn không tìm được một cái gì đó giống như vậy.

Năm 1936, ở Stecfôntêin (cũng không xa Iôhanesbua), khi nổ mìn trong hang, R. Brum đã phát hiện được những mảnh sọ của ôstralôpitec, và chúng có một số nét độc đáo. Năm 1938, cũng ở chỗ đó (ở Crômđrai), người ta tìm thấy những mảnh sọ của một dạng ôstralôpitec mới, mà Brum tách ra thành một loại hình đặc biệt -  plêziantrôp "parantrôp, nặng nề" (theo chữ Hy Lạp - "họ hàng của con người"). Brum cho in bản báo cáo tổng kết về những vật tìm được ấy ở Luân Đôn, trong một bài báo có tên "Không còn mắt xích thiếu nữa !". Ngay sau đó, ở Crômđrai, người ta đã phát hiện được phần dưới cẳng tay phải và một số xương tay trái, còn ở Stecfôntêin - xương đùi của ôstralôpitec. Đã xác định được tuổi của ôstralôpitec này - đó là một ôstralôpitec không lớn, đi thẳng, hệ răng rất gần hệ răng của sinantrôp. Các chuyên gia đã đi đến kết luận là ôstralôpitec "ở mức độ đáng kể, đã chuyển từ dùng hoa quả và thực vật sang dùng thức ăn bằng thịt". Người ta đã thừa nhận ý kiến của Đact, thậm chí kể cả những người phản đối ông.

Năm 1947, ở Stecfôntêin, Brum đã tìm thấy những di tích của hai chiếc sọ - một thanh niên và một trẻ em, còn năm 1948, vụ nổ mìn định kỳ đã hất tung lên một sọ phụ nữ gần như nguyên vẹn. Dần dần, đã có được bộ sưu tập gồm 200 chiếc răng, năm sọ nguyên vẹn và 8 sọ không nguyên vẹn của dòng ôstralôpitec. Và ở mọi nơi đều thấy hài cốt của ôstralôpitec cùng với hài cốt của vượn babuin (Papio cynocephalus) có sọ bị dập vỡ. Đact đã khảo sát 42 sọ babuin tìm được ở Nam Phi và phát hiện 27 sọ trong số đó có dấu vết của những đòn đánh từ phía trước, còn 6 chiếc sọ - có dấu vết của những đòn đánh từ phía sau. Ôstralôpitec đã dùng cái gì để đục thủng sọ? Sau khi nghiên cứu hơn 7 nghìn chiếc xương tìm được ở Macapangat (Cộng hòa Nam Phi), Đact đi đến kết luận : ôstralôpitec đã chế tạo ra những công cụ đa dạng bằng xương của động vật. Hoàn toàn có khả năng là ôstralôpitec chỉ đơn giản dùng những chiếc xương chưa qua chế tạo để làm công cụ : ít nhất, 7 nghìn chiếc xương là của 400 động vật. Trong số đó : 39 sơn dương cuđu (Strepsiceros strepsiceros), 100 linh dương, 20 lợn rừng, 4 ngựa hóa thạch, 6 hươu cao cổ, 5 tê giác và hà mã và 45 babuin. Ngoài ra ôstralopitec đã săn bắt nhím, rùa và cua.

Hiện nay đã tìm thấy những bộ xương nguyên vẹn, mấy chục chiếc sọ, các xương chi, xương chậu và hàng nghìn răng của dòng ôstralôpitec. Đã hình thành một quan niệm rõ ràng về hình dạng của những vượn người hóa thạch. Ôstralôpitec có dáng đi thẳng, dùng công cụ bằng xương (thật ra vẫn chưa có bằng chứng có sức thuyết phục là ôstralôpitec đã chế tạo ra công cụ) và (điều quan trọng) là ăn thức ăn bằng thịt. Còn thức ăn bằng thịt, như F. Ănghen đã viết, có vai trò đáng kể trong tiến hóa của con người. Lúc đầu, người ta xác định niên đại của ôstralôpitec là 1 triệu năm, còn sau này là 5 - 6 triệu năm. Dòng ôstralôpitec - những tổ tiên có khả năng nhất của con người.

Sau khi thừa nhận điều đó, phần lớn các nhà khoa học đã đi đến kết luận, những tổ tiên này biến đổi dần dần và chuyển hóa thành pitêcantrôp, đến lượt mình, pitêcantrôp lại chuyển hóa thành nêanđectan, và v.v... Điều chủ yếu là tất cả những biến đổi ấy và sự chuyển hóa của một loài này thành loài khác đã được thực hiện một cách chậm chạp và dần dần. Người ta đã hình dung như vậy.

Nhưng cách đây tương đối không lâu, thế giới lại kinh ngạc vì một phát hiện thú vị, một phát hiện còn quan trọng hơn so với tất cả những phát hiện trước đó - phát hiện của một công dân nước Anh là L. Liki, phát hiện này buộc phải xem xét sự tiến hóa của con người theo một cách khác. Luis Liki sinh năm 1903 ở Kênia trong một gia đình truyền giáo. Năm 13 tuổi ông đã khá thành thạo ngôn ngữ và phong tục của nhân dân Kikui và thậm chí đã được nhận là thành viên của một bộ tộc của họ sau khi đã đổi tên là Xưn Iastrêba. Những người bạn Kikui đã dạy cho ông tất cả những kỹ xảo săn bắt bằng cung và làm quen với tập tính của các loài thú. Sau khi tốt nghiệp trường đại học tổng hợp Kembriđ ở Anh, Liki quay trở về châu Phi và quyết định hiến dâng đời mình cho khảo cổ học sơ khai. Năm 1931, ông tổ chức một cuộc khảo sát ở hẻm vực Ônđuvai (Olduvai). Những cuộc khai quật ở khe núi ấy vẫn được tiếp tục cho đến tận ngày nay. Những phát hiện của Liki ở Ônđuvai trội hơn hẳn những phát hiện trước đây. Hẻm vực này nằm ở khoảng giữa đường từ núi Kilimanđjarô (ngọn núi cao nhất ở châu Phi) đến hồ Victoria (một cái hồ nước ngọt gần như lớn nhất thế giới). Hẻm vực xẻ ngang qua thảo nguyên Xerengeti nóng như thiêu như đốt dưới ánh nắng Mặt Trời. Ở đây, dân cư thưa thớt, chủ yếu là những người Kikui du mục nuôi bò. Các lớp đất ở Ônđuvai có nhiều điều lý thú. Một mặt, những di cốt của động vật cổ xưa nằm tuần tự từ lớp nọ đến lớp kia, tạo nên khái niệm về lịch sử thiên nhiên ở châu Phi, mặt khác, cũng chính những lớp đất ấy cho phép theo dõi được bức tranh tiến hóa của con người.

Năm 1931 (8 tháng sau khi đến Ônđuvai), Liki đã tìm được những công cụ bằng đá đầu tiên. Nhưng những hài cốt đầu tiên của tổ tiên con người thì mãi đến năm 1959 mới phát hiện được. Luis và vợ của ông là Mêri đã làm việc ở Ônđuvai 28 năm ròng rã. Họ không có đủ tiền để chi dùng cho công việc mà họ yêu thích. L. Liki chỉ có thể đi đến chỗ khai quật vào thời gian nghỉ phép. Thế nhưng, khó khăn và túng thiếu không đe dọa nổi các nhà nghiên cứu. Lòng kiên định và dũng cảm đã đưa đến thành công. Một việc đã giúp ích nữa là trong những năm ấy, các phương pháp xác định tuổi bằng phóng xạ đã được hoàn thiện. Đặc biệt là phương pháp kali-acgon đã tỏ ra có triển vọng ở Ônđuvai. Hẻm vực xẻ sâu 100-130 m vào hệ tầng trầm tích hồ luân phiên nhau với các lớp giữa là tro núi lửa và đá túp, còn các loại đá núi lửa thì dễ dàng xác định tuổi theo phương pháp kali-acgon. Nói cho đúng ra, những phát hiện của Liki nổi tiếng đến như vậy là nhờ phương pháp xác định niên đại bằng các chất đồng vị phóng xạ. Vào ngày đáng ghi nhớ - ngày 17 tháng 7, bản thân Liki lại thấy người khó chịu, nên Mêri phải đi để hướng dẫn khai quật. Chính Mêri có vinh hạnh tìm thấy xương (trước hết là một chiếc răng) của vượn người hóa thạch đầu tiên ở Ônđuvai. Thật thú vị là chúng đã được tìm thấy ở ngay chỗ mà vào năm 1931 Liki tìm thấy công cụ. Phải mất tới 19 ngày để đào lên gần như toàn bộ một cái sọ nằm ở dưới một triền đá mà ở đó đã tìm thấy răng. Thật ra, cái sọ ấy đã bị vỡ vụn ra thành 400 mảnh. Nhưng chắp nối các mảnh lại thành một vật nguyên vẹn - công việc quen làm đối với các nhà khảo cổ và nhân chủng học. Về kích thước chiếc sọ này bé hơn sọ gôrila và người hiện đại, nhưng đường nét ở mặt thì giống với người. Dáng đi của thân hình có chiếc sọ này là dáng đi thẳng, tuổi địa chất - không dưới một triệu năm. Liki gọi vật tìm được là zinzantrôp (Zinjanthropus) nghĩa là người Đông Phi ("zinj" theo tiếng Ả rập có nghĩa "Đông Phi"). Liki cho rằng đã tìm thấy thêm một tổ tiên nữa của con người. "Tuổi" của zinzantrôp được xác định bằng phương pháp kali-acgon, thật bất ngờ là rất lớn - 1 triệu 750 nghìn năm.

Mùa hè năm 1960, trong một hang sâu ở Ônđuvai, lại có thêm một phát hiện mới. Mêri và con trai của hai vợ chồng Liki là Jônatan đã phát hiện cùng một chỗ với xương của một con hổ răng nanh đã bị tuyệt chủng từ lâu: một bàn chân, xương gót, xương đòn, xương hàm và những mảnh sọ của một dạng mới mà từ trước tới nay chưa hề biết. Xương hàm là của một trẻ em 11-12 tuổi. Xương hàm này được tìm thấy ở một lớp sâu hơn và do đó, cổ xưa hơn. Vì vậy, Liki gọi dạng mới tìm được là prêzinzantrôp, nghĩa là tổ tiên của zinzantrôp. Thoạt tiên, các nghiên cứu đã tạo ra một bức tranh kỳ lạ : prêzinzantrôp lại tỏ ra gần gũi với người hơn so với "zinzantrôp". Trước hết, hãy chú ý đến cái tay. Theo ý kiến của tiến sĩ J. Nape (Napier J,..., 1967), người đã nghiên cứu cái tay ấy, "bàn tay tìm thấy ở Ônđuvai" đã khá mạnh và nắm chặt, và "chủ của bàn tay ấy hoàn toàn có thể sử dụng công cụ". Bàn chân, không còn nghi ngờ gì nữa, hoàn toàn thích nghi với cách đi thẳng. Thật ra, khối lượng sọ nhỏ hơn so với pitêcantrôp (935 cm3) và sinantrôp (1030 cm3), nó chỉ có 680 cm3. Nhưng khi so sánh với khối lượng sọ "bêbi ở Taung" (520 cm3) và khối lượng sọ zinzantrôp (530 cm3) thì prêzinzantrôp lại chiếm ưu thế. Bây giờ đã biết được mấy chục cá thể hóa thạch này. Những người nghiên cứu hóa thạch đó là L. Liki, J. Nape và F. Tôbaias (Leakey L. ..., 1964) đã đặt cho nó một cái tên loài mới - Homo habilis, nghĩa là người "khéo léo". Cùng với di cốt của người "khéo léo" còn tìm thấy những công cụ bằng đá cổ xưa nhất. Homo habilis đi bằng hai chân, cao 120-140cm. Hàm trên và hàm dưới nhỏ hơn so với ôstralôpitec bôixây (zinj), nhưng hầu như không khác với hàm của pitêcantrôp và của người hiện đại. Bàn tay của người "khéo léo" có khả năng cầm nắm với lực khá lớn. Các đốt ngón tay rộng và xương ống tay lớn đã chứng minh cho điều đó (Khơrixanphôva, 1967). Về mặt hình thái, Homo habilis kề giáp chặt chẽ với dòng ôstralôpitec. Một số nhà nghiên cứu (Iakimôp, 1976; Côtretcôva, 1969) không tách Homo habilis ra khỏi dòng ôstralôpitec. Những nhà nghiên cứu khác gộp người "khéo léo" với pitêcantrôp, sinantrôp và atlantrôp vào một loài - Homo erectus (người đi thẳng). Những phát hiện gây chấn động ở Ônđuvai vẫn còn tiếp tục diễn ra ngay cả sau năm 1960. Sau khi L. Liki qua đời, Mêri Liki vẫn chỉ đạo các cuộc khai quật. Ở đây trong vòng 15 năm vừa qua đã tìm được những chiếc sọ mới, công cụ và xương của người cổ xưa nhất thuộc dòng ôstralôpitec, và v.v... (Ivanôva, 1965; Machusin, 1972; Urưxon, 1976 ; Clark, 1977).

Những cuộc khai quật ở Ônđuvai đã trở thành một xí nghiệp khoa học quốc tế. Các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, địa chất học từ nhiều nước trên thế giới đã đến đó. Sự hoài nghi mà những thông báo của L. Liki lúc đầu gặp phải, đã trở thành sự thừa nhận hoàn toàn những phát hiện của ông. Thậm chí, những người chống lại kiên trì nhất những phát hiện ở châu Phi và những người ủng hộ "quê hương đầu tiên ở châu Á" cũng đồng ý rằng "những quan sát và các kết luận được rút ra từ dẫn liệu ở hẻm vực Ônđuvai và cũng như ở Kênia và Êtiôpi đã được thẩm tra và ở mức độ lớn, được khoa học thế giới tán thành (Borickôpxki, 1980)." Cái hồ (hoặc dòng nước) đã tồn tại ở địa điểm mà ngày nay là hẻm vực ở Ônđuvai, khoảng 2 triệu năm trước đây, đã lôi cuốn các loài động vật khác nhau và kể cả người nữa đến bên bờ của nó. Ở nhiều chỗ, những di tích lều trại săn bắt vẫn giữ nguyên trong vị trí như những người sơ khai đã để lại: những chiếc xương gãy vỡ của động vật, những mảnh tước (những mảnh đá bị văng ra khi chế tạo công cụ) và bản thân các công cụ.

Tất cả những thứ ấy đều nằm trên "mặt phẳng cổ đại" trong tình trạng nguyên vẹn. Thật ra, những "mặt phẳng cổ đại" ("khu vực ở"), trong hàng triệu năm, đã bị chôn sâu xuống dưới những lớp tro dày, những lớp dung nham, đất sét, trầm tích ở hồ, và v.v... Nếu nhìn chúng từ phía trên xuống dưới (xem sơ đồ) thì trước tiên sẽ gặp những công cụ thuộc thời đại đồ đá cũ muộn.
Phía dưới là một lớp dày 45 m có các công cụ Asen (Lớp IV).
Phía dưới nữa - một lớp dày 15 m, ở đây, những công cụ như vậy ít gặp hơn (Lớp III).
Dưới lớp này, một lớp dày 30m (Lớp II),
Ở phía trên Lớp II vẫn còn gặp công cụ Asen, còn ở phía dưới - chỉ có công cụ Ônđuvai (nghĩa là giống như những công cụ đã tìm được cùng với các di cốt Homo habilis).
Và cuối cùng, lớp dưới cùng - Lớp I có chiều dày đến 40 m. Chính ở đây đã phát hiện được di cốt của dòng ôstralôpitec-zinzantrôp và người "khéo léo" và cùng với những di cốt ấy là công cụ cổ xưa nhất của con người, được gọi là công cụ Ônđuvai. Tuổi của những vật tìm được đó, theo phương pháp kali-acgon - 1,75 - 1,85 triệu năm.
Ở phần trên của Lớp II, cùng với công cụ Asen, đã tìm thấy các di cốt được gọi là pitêcantrôp Ônđuvai, giống các di cốt ở Giava.

Năm 1964, Lê Crô Clac (Le Cros Clark, 1967) đề nghị gọi tất cả  pitêcantrôp và sinantrôp bằng một thuật ngữ - Homo erectus. Phần lớn các nhà nghiên cứu đã thừa nhận tên gọi ấy. Trong sách báo ở Liên Xô, ngoài ra, đối với tất cả những người cổ xưa nhất, đôi lúc vẫn dùng thuật ngữ "arxantrôp" (hoặc là arxeantrôp). Những phát hiện ở Ônđuvai đã làm cho lịch sử loài người cổ xưa hơn ít nhất là 2,5 lần.

Nhưng những phát hiện ấy không phải là duy nhất ở châu Phi. Ngay khi L. Liki còn sống, con trai của ông là Risac Liki, đã có một phát hiện xuất sắc ở một địa điểm cách xa Ônđuvai, gần sông Ômô. Sau những phát hiện của R. Liki, người ta đã nhớ lại con sông Ômô và hồ Ruđônfơ, nơi con sông đó đổ vào, vì rằng cũng ở chỗ đó, ở phía tây nam Êtiôpi, vào năm 1902, người ta đã tìm thấy xương của động vật hóa thạch giống như những chiếc xương đã gặp ở Ônđuvai. Năm 1933, nhà nhân chủng học nổi tiếng người Pháp  là C. Arambua, trong khi đi du lịch ở Ômô đã sưu tầm được 4 tấn xương động vật hóa thạch. Vào những năm thứ 60, chính ông đã đề nghị cử một đoàn khảo sát tới đó để tìm kiếm di cốt tổ tiên con người. Ngoài ra, sự sắp xếp các lớp cổ xưa ở thung lũng Ômô giống một cách lạ thường với sự sắp xếp của chúng ở Ônđuvai.

Về mặt địa chất, miền Ômô cũng thuộc khu vực có những đứt gãy khổng lồ của vỏ Trái Đất ở Đông Phi - kéo dài suốt châu Phi từ bắc đến nam, được ghi dấu bằng những chuỗi hồ, và được viền quanh bằng những vách đứng khổng lồ. Có một thời gian nào đó, dưới đáy rãnh nứt ấy có nhiều ao hồ và sông ngòi, nhưng bây giờ chúng đã khô cạn đi. Chỉ có vùng Ômô là còn lại một con sông : nó bắt nguồn từ vùng cao nguyên Êtiôpi và đổ vào hồ Ruđônfơ ở biên giới phía bắc Kênia. Hẻm vực Ônđuvai cũng có sông chảy qua, nhưng bây giờ ở đó không còn lấy một con suối nhỏ nào. Ngoài ra không còn gì nữa trừ đá tảng, không khí bị thiêu đốt và những hóa thạch. Ở Ômô còn nóng gay gắt hơn. Ở đây còn một con sông nhưng nó đang cạn dần. Hồ Ruđônfơ (mặc dù bây giờ chiều dài của nó còn đáng kể - 300 km) cũng đã bị nhỏ hẹp lại nhiều, và mức nước của nó đang tiếp tục giảm xuống. Những đứt gãy Đông Phi được phủ đầy những chóp hình nón và miệng núi lửa. Đây là một miền không được yên tĩnh của địa cầu. Những lớp tro núi lửa dày đã phủ lên di cốt người cổ xưa và những tổ tiên của họ. Nhưng nếu ở Ônđuvai tro núi lửa tạo thành những vỉa dày hàng chục mét và kéo dài suốt cả một thời kỳ khoảng 200 nghìn năm (Lớp I) - cách chúng ta gần hai triệu năm, thì ở Ômô đó là những vỉa có chiều dày 600m. Các lớp ở Ômô còn chứa đựng di tích của hệ thực vật và động vật ở những thời đại khá dài. Hơn nữa, trong khi tìm kiếm ở những lớp cổ xưa không nhất thiết phải xuống tới độ sâu 600 m. Trong mấy triệu năm qua các lớp đã trồi hẳn lên và sắp xếp ngay gần mặt đất. Có thể đi trên những lớp đó như đi trên những chiếc xương sườn của một bộ xương khổng lồ. Một trong số những lớp cổ xưa nhất có tuổi hơn 4 triệu năm.

Việc nghiên cứu chi tiết vùng Ômô đã được bắt đầu từ năm 1966, đến năm 1967, một đoàn khảo sát quốc tế đặc biệt đã đến đó. Đoàn này cùng với một số nhóm do các nhà khoa học nổi tiếng lãnh đạo như C. Arambua, I. Kopan, R. Liki, và v.v... Tháng 9 năm 1973, ở Nairôbi đã khai mạc hội nghị đầu tiên của đoàn khảo sát quốc tế. Ba mươi tám người đã đọc báo cáo, những người tham gia khác gửi các bài báo của mình đến. Năm 1976, đã công bố một tập sách có 50 bản báo cáo và các bài báo tổng kết những kết quả công tác đầu tiên ở sông Ômô và hồ Ruđônfơ (Earliest Man..., 1976). Ngay lúc mới bắt đầu công tác ở sông Ômô người ta đã tìm thấy di cốt của họ người : sọ, hàng trăm chiếc răng, các chi dưới và chi trên, và v.v… Tuổi của một số vật tìm được trong số đó là gần 4 triệu năm. Một phần số xương là di cốt của zinzantrôp (ôstralôpitec bôi xây). Hơn nữa ở đây, những di cốt zinj nằm ở các lớp từ 3,7 triệu đến 1,8 triệu năm, nghĩa là người đồng hương có thân hình nặng nề (hay là tổ tiên?) của con người, đã sống ở thung lũng Ômô gần 2 triệu năm. Trong vỉa có tuổi 3 triệu năm, F. Hôuen đã tìm được 19 chiếc răng và xương đùi của ôstralôpitec "thanh mảnh" hơn và rất giống với "bêbi ở Taung" và người "khéo léo". R. Liki còn có những phát hiện lý thú hơn ở bờ phía đông hồ Ruđônfơ. Nhưng phát hiện của R. Liki trên hồ Ruđônfơ (Tucan) thuộc khu vực Côbi-Fora đã gây nên nhiều cuộc tranh luận.

[1] C. Mác và F. Ănghen. Tác phẩm, tập 21, trang 293.
[2] Theo các nhà triết học duy vật thời xưa : tứ đại là : lửa, nước, khí, đất ; ngũ hành là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. ND.
[3] Người Ken - một nhóm người đã sống ở Tây âu trước đây. ND.
[4] Sinantrôp - dịch ra là người Trung Quốc (từ chữ China - Trung Quốc, antrop - người). [5] Đại não của người hiện đại chứa 11 tỷ tế bào thần kinh. Tất cả chúng đều xuất hiện vào thời điểm khi được sinh ra. Trong quá trình sống, không có một tế bào nào trong số đó lại phân chia và không thể thay thế được. Nhưng khối lượng não tăng lên theo tuổi (não của trẻ mới sinh nặng trung bình 340 g, sáu tháng tuổi - 750 g, một năm - 970 g, hai năm - 1150 g, ba năm - 1200 g, chín năm - 1300 g, hai mươi năm - 1400 g (Đubinin, 1977, 1980).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét