Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

VẤN ĐỀ MỘ TỔ NHÀ LÝ – TÌM HIỂU LẠI QUA THIỀN UYỂN TẬP ANH.

Nguyễn Hùng Vĩ.
Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội

     Việc phát hiện bản dập tấm bia Hoa Lâm tam bảo thị do Thượng thư Đồng Nhân Phái soạn vào năm 1656 thời nhà Lê đã khiến chúng tôi viết hai bài nghiên cứu đưa ra nhận định về quê gốc của Lý Công Uẩn là ở Mai Lâm và quê gốc của mẹ ngài là Phạm Mẫu là ở Dương Lôi. Trong nhiều năm quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, tài liệu Thiền uyển tập anh, tác phẩm được tập hợp vào thời Trần và có bản in xưa nhất còn lại là bản in vào năm 1715 thời Lê, có những thông tin trực tiếp liên quan đến phủ Thiên Đức, đến vị trí ngôi mộ Hiển Khánh đại vương (bố Lý Công Uẩn), là tài liệu thật sự đáng lưu tâm. Và cũng chính ở tài liệu này, vấn đề mộ Hiển Khánh vương trên đất Hoa Lâm (tức Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội ngày nay) một lần nữa được Thiền uyển tập anh khẳng định.


   

Những người nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo, những người khảo cứu văn bản, dịch và chú thích tác phẩm này ra chữ quốc ngữ đều ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp đụng đến câu chuyện này. Những ý kiến của họ đều có giá trị tham khảo và động viên chúng tôi đi sâu, tìm hiểu vấn đề rõ hơn.
    Ở truyện về Thiền sư Vạn Hạnh (Quyển hạ) có một đoạn tiểu chú đáng chú ý (196 chữ):
    Phiên âm:
 “ Hiển Khánh Đại vương mộ sự giả: Sư thường ư dạ định, văn mộ tứ biên giai hữu thanh.
    Kì đông vân:
                            Khánh Vạn Tường Nham dữ Quế phong.
                            Dương trường long thế dực tương tòng.
                            Đông liệt triều tông thế tam bách.
                            Lục tuất đối thiên bồng.
    Kì nam vân:
                            Chính nam Phù Ninh, Hộ Trạch thần.
                            Vinh thế nam nữ xuất đa nhân.
                            Thiên  Đức phú quí mãn ốc thành.
                            Bát phương hội nữ thường xuất quân.
    Tây vân:
                            Tây vọng viễn vọng khán thiên trụ
                            Cao thế nam nữ thượng tướng thủ
                            Thiên Đức phú quí dữ viễn thế
                            Quân vương thọ mệnh cửu thập cửu.
     Bắc vân:
                            Chính bắc Phù Cầm đương Bạch Hổ
                            An lạc nam nữ thường vô khổ
                            Đại đại Thiên Đức trường thọ lạc
                            Thế thế quân vương kì Lục tổ.
    Sư lệnh nhân ký thủ, tịnh chí kì mộ giới, lai thị, nãi thuyết kệ vân:
                            Đông hữu Vũ Long hạng
                            Nam hữu Vũ Long bi
                            Tây hữu Hạc Lâm quán
                            Bắc hữu Trấn Hải trì.
    Lương cửu hựu vân: Cái tam nguyệt chi nội, thân vệ đăng trụ xã tắc. Lạc trà ấn quốc tự, thập khẩu thủy thổ khứ, ngộ thánh hiệu Thiên Đức. Hậu cải Cổ Pháp vi Thiên Đức. Cái kì nghiệm dã. Kì dư tự sự tịnh xuất quốc sử. Tư bất kì lục”.
    Trong phần phiên trên có một số chữ in mập cần ghi chú. Lục tuất đối thiên bồng là câu chỉ có năm chữ không hợp thể thơ. Các tác giả khảo cứu văn bản như Lê Mạnh Thát, Ngô Đức Thọ đều thống nhất cho rằng, bản khắc ván bị sót 2 chữ. Chúng tôi cũng đồng ý như vậy. Chữ Thiên in thành chữ Đại. Chữ thành về hài thanh không đúng luật, hoặc đọc âm trắc, hoặc do chữ thịnh bị bớt nét. Chữ Bát khắc y hệt chữ nhập. Chữ bi còn có âm đọc pha nên những tác giả khác đều đọc pha, rất ngang, chúng tôi thấy đọc âm bi thì mới hiệp vận với âm trì ở câu thứ tư của bài kệ này. Chữ Thiên này cũng khắc thành chữ Đại. Tình hình văn bản của đoạn chú văn trên là như vậy.
   Chúng tôi sẽ dịch nghĩa đoạn chú văn trên như sau:
    “Chuyện mộ của Hiển Khánh đại vương là như sau: Sư thường đêm đêm ngồi thiền định tại chỗ, nghe được từ bốn bên ngôi mộ ấy có tiếng:
     Tiếng bên đông:
                                Khánh, Vạn, Tường, Nham với Quế phong
                                Thế rồng ngoắt ngoéo như ruột dê đều theo về
                                Sắp phía đông chầu tổ theo thế tam bách
                                ...lục tuất.... sẽ được hoan lạc.
     Tiếng bên nam:
                                Hướng chính nam là đất Phù Ninh và miếu thần Hộ Trạch.
                                Thế tốt tươi trai gái sinh sôi nẩy nở
                                Đất Thiên Đức sẽ phú quý đầy nhà cửa giàu sang
                                Tám phương hội Nữ sẽ xuất vua ra.
    Tiếng phía tây:
                                Hướng tây trông xa ngắm Thiên Trụ
                                Thế cao trai gái giữ chức cao
                                Thiên Đức phú quý dư nhiều đời
                                Nhà vua thọ mệnh chín mươi chín.
     Tiếng phía bắc:
                                Chính bắc Phù Cầm ngang với Bạch Hổ
                                Yên vui trai gái thường vô khổ
                                Đời đời Thiên Đức trường thọ vui vẻ
                                Thế thế nhà vua cúng giàng Lục tổ.
    Sư liền sai người ghi lấy cùng chép lại địa giới ngôi mộ, sư đến xem kĩ, rồi bèn nói bài kệ rằng:
                                Đông có xóm Vũ Long
                                Nam có bờ Vũ Long
                                Tây có chùa Hạc Lâm
                                Bắc có ao Trấn Hải.
    Sau đó lại nói: Chỉ trong vòng ba tháng, thân vệ (Lý Công Uẩn) sẽ làm chủ xã tắc. Cây lạc trà có ấn hình chữ quốc, mười miệng xuống dưới đáy nước, gặp thánh gọi là Thiên Đức. Sau này quả đổi Cổ Pháp làm Thiên Đức. Thật là ứng nghiệm vậy. Còn như chuyện (cúng dàng) các chùa đều xuất từ quốc sử, ở đây khỏi chép”.

    Sở dĩ chúng tôi phải ghi nguyên cả đoạn cước chú trên là vì đã có người lẩy bốn bài thất ngôn tuyệt cú ra khỏi văn cảnh của nó để chỉ phục vụ cho việc định vị “mộ tổ nhà Lý”. Đặt trong toàn bộ ngữ cảnh, chúng ta thấy:
    Bốn bài thất ngôn tứ tuyệt trên là do Vạn Hạnh nghe được (văn) trong quá trình tọa thiền đêm đêm (thường ư dạ định). Việc dạ định thường xẩy ra ở chốn tu hành. (Dạ định cũng như dạ tọa, được từ điển giải nghĩa là: “Ngồi thiền vào lúc nửa đêm. Trong các chùa viện Thiền tông, chư tăng thường đi ngủ vào chín giờ tối, đến 12 giờ khuya dậy ngồi thiền” - Phật quang đại từ điển).
    Bốn bài thơ đó là do Vạn Hạnh nghe được từ bốn phía mộ của Hiển Khánh vương qua quá trình nhập thiền, một phương thức thần giao cách cảm trong thiền định.
    Sau khi nghe được, Vạn Hạnh sai người chép lấy cũng như ghi lại mộ giới.
    Xong, Vạn Hạnh mới đến đó xem kĩ (lai thị, Tự điển Thiều Chửu chú “thị” là “xem kĩ”) rồi đọc tiếp bài kệ ngũ ngôn tứ tuyệt định rõ vị trí ngôi mộ và chỉ bài này xác định mà thôi.
   Cuối cùng, nhà sư giải đoán việc Lí Công Uẩn lên ngôi qua những điềm triệu đã xẩy ra từ trước và nói về việc đổi châu Cổ Pháp làm Thiên Đức.
    Trình tự như trên là không thể bàn cãi. Cũng vì thế chúng ta phân xuất được : Bốn bài thất ngôn tứ tuyệt Đông – Nam – Tây – Bắc là xác định địa giới của phủ Thiên Đức và bài ngũ ngôn tứ tuyệt là xác định vị trí ngôi mộ của Hiển Khánh vương, bố Lí Công Uẩn. Việc nhập cả hai bài vào với mục đích xác định vị trí của “mộ tổ nhà Lí” như có người đã làm là chưa suy xét kĩ văn bản. Lần theo ý nghĩa của các bài thơ và kệ trên, chúng ta thấy:

    Việc xác định địa giới phủ Thiên Đức.
    Địa giới phủ Thiên Đức sẽ như thế nào qua 4 bài thơ trên?. Chúng ta xác định ranh giới phía bắc trước. Thơ nói:
                      Chính bắc Phù Cầm đương Bạch Hổ.
    Phù Cầm chính là làng Phù Cầm nay thuộc xã, huyện, nằm ở khúc quanh hữu ngạn sông Cầu ( Như Nguyệt), đây là khúc quanh xa nhất về phía bắc của toàn bộ sông Cầu và cũng sẽ là chỗ bắc nhất của phủ Thiên Đức. Bạch Hổ hiện nay chưa tra ra tên núi nhưng theo địa lí huyệt mạch ngày xưa thì ngôi đóng ở hướng Tây. Lấy Phù Cầm làm mốc, kéo một đường thẳng ngang (đương) sang Tây, ta có ngay núi Tiên Dược, một ngọn cuối cùng của núi Sóc Sơn, thời Lê thuộc phủ Từ Sơn. Cái đường nối đó sẽ là ranh giới xa nhất của chính bắc. Đường thẳng đó, kéo tiếp qua sông Cầu, sẽ đi qua núi Tiên Lát và kéo sang góc Đông trên cùng là núi Nham Biền mà chúng ta sẽ đề cập đến sau. Như vậy Tiên Dược – Sóc Sơn sẽ được coi là ngôi Bạch Hổ so với Phù Cầm (đương). Từ Tiên Dược, kéo một đường thẳng bắc – nam đến bờ sông Hồng, ta sẽ đến bãi Tầm Xá, cũng thuộc phủ Từ Sơn thời Lê. Đó sẽ là ranh giới phía tây phủ Thiên Đức.
    Nếu như cực bắc là đường Phù Cầm – Tiên Dược, thì cực nam sẽ được xác định bởi:
                       Chính nam Phù Ninh, Hộ Trạch thần.
    Chúng tôi tách Phù Ninh, Hộ Trạch làm hai vì miếu Phù Đổng chính là miếu thờ thần Hộ Trạch, nay chính là đền Phù Đổng. Sách Việt điện u linh viết rõ ràng về miếu thờ Phù Đổng thiên vương như sau: “Xét truyện Báo cực truyền rằng: Đời truyền Vương vốn là thần Thổ địa chùa Kiến sơ giáng sinh. Xưa kia thiền sư Chí Thành ở chùa Kiến Sơ tại làng Phù Đổng có lập đền thờ Thổ địa ở bên hữu chùa để làm nơi tụng niệm cho thanh tĩnh. Năm tháng chầy lâu, mất cả sự tích, bọn thầy tăng môn không rõ chứng cứ. Bọn dân bản xứ ưa việc ma quỷ thì đốt hương khấn vái, lạm xưng là Dâm từ. Kịp đến lúc thiền sư Đa Bảo sửa lại chùa, cho đền ấy là Dâm từ muốn đập phá đi...”. Kết hợp đọc các tiểu truyện về Vô Ngôn Thông, Cảm Thành, Đa Bảo trong Thiền uyển tập anh, ta thấy rằng, với những ghi chép xa xưa nhất thì gốc tích của thần Phù Đổng ngày càng lộ diện là một vị thần đất cai quản phần đất mà một lí gia họ Nguyễn [ Lý ?] đã cúng cho nhà sư Cảm Thành (cũng là Chí Thành) xây chùa Kiến Sơ. Thần Thổ địa là hoàn toàn đồng nghĩa với thần Hộ trạch. Chỉ sau khi  Lý Công Uẩn lên ngôi thì mới phong thần hiu theo tinh thần Phật giáo và xây dựng khang trang. Khi Vạn Hạnh nghe được bài thơ này thì thần vẫn đang là thần Thổ địa.Bờ sông làng Phù Đổng, tả ngạn sông Đuống là chỗ cực nam nhất của dòng sông này, và bởi vậy cũng là chỗ cực nam nhất của phủ Từ Sơn đời Lê và sẽ là phủ Thiên Đức đời Lí.
    Ở phía đông, không nhìn theo góc nhìn “chính” nữa vì đó là một quần thể cảnh quan Dương trường long thế dực tương tòng ( hình thế như rồng lượn quanh co phức tạp lũ lượt cùng nhau theo về). Quần thể đó chủ yếu là núi non:
                        Khánh Vạn Tường Nham dữ Quế phong.
    Trong câu trên, còn có thể nhận ra các sơn danh địa danh: Bát Vạn, Nham Biền, Quế Võ. Còn Khánh và Tường có thể là tên riêng núi nào đó mà cũng có thể là phụ danh cho Vạn và Nham.
    Như trên đã nói, đường thẳng Tiên Dược – Phù Cầm kéo dài sang đông sẽ gặp Nham Biền ở phía đối diện. Nếu Tiên Dược, Sóc Sơn là góc tây bắc thì Nham Biền sẽ là góc đông bắc. Từ Nham Biền thẳng xuống phía nam chếch tây sẽ là Bát Vạn, còn kéo xuống nam chếch đông sẽ là những ngọn núi của huyện Quế Võ, tất cả sẽ chầu về trung tâm phủ Thiên Đức thủa đó. Như vậy, đất phủ này sẽ kéo về đông cho tận Lục đầu giang, chỗ sông Cầu và sông Đuống gặp nhau.
    Cũng như phía đông, phía tây được nhìn theo kiểu viễn vọng để trông thấy:
                        Tây vọng viễn vọng khán thiên trụ.
    Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng thiên trụ là núi Ba Vì, linh sơn của Đại Việt. Chúng tôi cũng đồng thuận như vậy. Từ Ba Vì kéo thẳng sang đông thì sẽ đi qua bắc hồ Tây, đầu sông Đuống, Đông Hội, Mai Lâm, Lã Côi, Từ Sơn, Đình Bảng, Dương Lôi, Quế Võ, Lục đầu, thẳng lên dãy Yên Tử, tạo ra đường căng ngang đông tây xuyên giữa phủ Thiên Đức.
    Rõ ràng là, ý thức về phủ Thiên Đức có không gian cụ thể: cực bắc là Phù Cầm – Tiên Dược, cực nam là Phù Đổng, cực đông là sông Lục đầu, cực tây là đường nối Tiên Dược – Tầm Xá. Đây là vùng đất giới hạn bởi sông Cầu và sông Đuống, tức là sông Nguyệt Đức và sông Thiên Đức thời xưa.

    Vị trí ngôi mộ Hiển Khánh vương.
     Bài kệ ngũ ngôn tuyệt cú xác định vị trí ngôi mộ Hiển Khánh vương trên đất Mai Lâm (xưa là Hoa Lâm):
                          Đông hữu Vũ Long hạng
                          Nam hữu Vũ Long bi
                          Tây hữu Hạc Lâm quán
                          Bắc hữu Trấn Hải trì.
     Những địa danh trên hiện nay chưa khảo được nhưng cảnh quan thì còn hiển hiện. Trước hết là Hạc Lâm quán. Hai chữ Hạc Lâm, từ điển giải thích rất tường tận: “Hạc Lâm: Cũng gọi là Bạch hạc lâm, Bạch lâm, Hộc lâm. Chỉ cho rừng Sa la song thụ ở gần sông Bạt đề, thành Câu thi na yết la, Ấn độ, là nơi Đức Phật vào Niết bàn. Cứ theo kinh Đại bát niết bàn hậu phần quyển thượng chép, thì khi đức Thế tôn vào Niết bàn, rừng Sa la rủ lá che thân Như lai, lá các cây Sa la biến thành trắng như chim hạc, bởi thế có tên Hạc lâm. Lại vì đức Thế tôn nhập diệt ở rừng này nên danh từ “Hạc lâm” được dùng để chỉ cho việc Phật vào Niết bàn. Ngoài ra, cứ theo Đại bát niết bàn kinh nghĩa kí quyển 1, thì có 2 thuyết về nguyên nhân cây Sa la biến thành mầu trắng. 1. Mầu trắng là tướng chết của cây, biểu thị sự nhập diệt của bậc Thánh. 2. Mầu trắng là gốc của các mầu, hàm ý đức Phật vào Niết bàn là trở về nguồn gốc. Đến đời sau, khu vườn của chúng tăng ở cũng được gọi là Hạc lâm hoặc Hạc uyển...” (Phật quang đại từ điển). Còn chữ quán, trước khi có nghĩa là nhà thờ của đạo sĩ thì nghĩa gốc là chỉ “làm nhà trên cái đài gọi là quán,...trong vườn hoa làm cái nhà cao để chơi cũng gọi là quán” (Thiều Chửu – Hán Việt tự điển). Vậy Hạc Lâm quán chính là ngôi chùa Phật ở phía tây. Điều này phù hợp hoàn toàn với tương quan chùa Trinh Tiết và lăng miếu cha mẹ Lí Công Uẩn mà tấm bia Hoa Lâm tam bảo thị (1656) đã nói tới.
    Chữ bi (có thể đọc pha) là bờ đất nghiêng xuống nước, ở đây là bờ sông Đuống mà địa thế lúc đó ở về phía bên bồi của dòng sông, nằm ở phía nam. Phía đông là xóm nhỏ Vũ Long, theo chúng tôi đó chính là Tiểu Hoa Lâm thời Lê sát Lã Côi còn thấy trong thơ dịch hành của chúa Trịnh Cương khi ông từ kinh thành, theo đường thủy ngược lên đầu sông Đuống, qua bãi bồi, vào cửa sông, xuôi đông và đã ghi lại chặng nghỉ đầu tiên: Tiểu Hoa Lâm xã Lã Côi. Vị trí Lã Côi ngày nay chính là chỗ nhà máy gạch Yên Viên. Tiểu Hoa Lâm sẽ nằm trong xã lớn Hoa Lâm. Một vị trí mà nam có sông, đông có xóm thì nơi đây là thích hợp hơn cả. Về phía bắc thì đến tận ngày nay còn thực chứng bởi dãy hồ ao phía bắc thôn Thái Bình và đầm Vực ngay trên đó. Tây chùa phật, đông xóm nhỏ, nam bờ sông, bắc hồ vực thì từ bi kí đến thơ kệ đều nhất quán.
    Vậy, một lần nữa, chúng ta xác định: Mộ Hiển Khánh vương nằm trên đất xã Mai Lâm ngày nay và là Hoa Lâm ngày xưa. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai, các địa danh còn chưa xác định sẽ có khả năng khảo cứu sáng rõ.
    Không chỉ thế, đoạn chú trong Thiền uyển tập anh còn hé mở cho chúng ta sự tương thông về tư duy của thiền sư Vạn Hạnh (đại diện cho lực lượng tăng lữ) với Hiển Khánh vương (đại diện cho thế lực lí gia – hào trưởng dòng họ Lý), đó chính là tư tưởng địa lí – chính trị – nhân văn tiến bộ lúc bấy giờ so với các thế lực triều đại trước đó. Rõ ràng, về địa chính trị, phủ Thiên Đức đã được xác định như là một kiểu thang mộc ấp, đất phát tích của triều đại mới đang lên. Trong không gian địa lí ưu việt đó, sự thái bình thịnh trị của muôn dân được nhắc đi nhắc lại trong các bài thơ. Sau này, Lý Công Uẩn không thôi được đánh giá là người có phẩm chất khoan thứ nhân từ chính là người chung đúc được những khát vọng nhân văn đó để thay thế nhà Lê đã lỗi thời, quen thực thi những hành động thiếu nhân đạo. Thần quyền và thế quyền đã gặp nhau ở cứu cánh khả dĩ nhất của lịch sử lúc bấy giờ.
    Nhân đây, chúng tôi cũng trình bày tiếp về bài kệ của trưởng lão La Quý An mà các nhà dịch thuật, các nhà nghiên cứu còn nhiều băn khoăn (vả lại cũng liên quan đến vấn đề đang bàn).
    Trong truyện về La Quý An, đoạn nói về việc ông trồng cây gạo ở chùa Minh Châu (sau này trong bia còn gọi là chùa Gia Lư, mà giáo sư Trần Quốc Vượng liên hệ một cách vu khoát là Cha La rồi sang Sa La làm các cụ bây giờ cứ theo thế mà nói với các nhà nghiên cứu hậu sinh), có bài kệ nổi tiếng:
                              Đại Sơn long đầu khởi
                              Xà vĩ ẩn Chu Minh...
     Không thể tin được Chu Minh là do Minh Châu lộn thành (như có học giả đã đề xuất) nên chúng tôi cố gắng đi tìm địa danh này. Trong Thiền uyển tập anh, địa danh Chu Minh được ghi 5 lần, trong đó 4 lần là hương và 1 lần là huyện. Sự lộn chữ là khó xẩy ra. Cuộc đi tìm của chúng tôi dẫn đến địa danh Xà Sơn chính là núi Đông Sơn thuộc xã Việt Đoàn ngày nay. Đầu thế kỉ XX, những người làm việc cho Viễn Đông bác cổ còn ghi lại địa danh này trên bản dâp một tấm bia ở Đông Sơn. Chúng ta biết rằng, tài liệu địa chí còn nói rõ Đông Sơn vừa là tên làng vừa lấy làm tên tổng, trong đó bao gồm cả làng Đại Sơn. Trên bản đồ không ảnh, ta nhìn rõ núi Đông Sơn (tức Xà Sơn) nối tiếp núi Trà Sơn (còn có các tên Nguyệt Hằng, Nguyệt Thường sơn, núi Chè) qua một eo ngắt và vuốt dần về hướng đông bắc như hình đuôi rắn. Đó chính là xà vĩ. Vậy Chu Minh ngày xưa sẽ là Đông Sơn đời Lê – Nguyễn và nay là xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Núi Chè khởi cao từ đất Đại Sơn, kéo dài thân rồng cho đến Đông Sơn. Vậy, rồng so với chùa Minh Châu sẽ là thế đất long hiến châu (theo Phật). Việc La Quý An bảo nên đắp cồn cao ở đó hoặc xây tháp ở đó là làm hiện rõ thế đất minh châu : viên ngọc sáng. Các bạn hãy dùng bản đồ không ảnh kiểm tra lí giải của chúng tôi thì sẽ thấy hết sức rõ rệt. Theo địa lí, hà cớ gì đuôi rắn (hoặc rồng) lại nằm dưới huyệt Minh Châu!. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết riêng, nói rõ hơn.
    Mỗi câu chuyện xa xưa như trong Thiền uyển tập anh đều tồn tại dưới dạng trầm tích. Cũng tựa hồ các di tích được trùng tu qua nhiều thời gian lịch sử, việc giải mã cho tường tận là rất khó khăn. Chúng ta cần thu thập thêm tư liệu xưa hơn, tự phản biện mình và phản biện các cách phân tích, sự thực sẽ ngày càng sáng tỏ. Chúng tôi vững tin, qua những tài liệu Hán Nôm xưa nhất đến nay cho biết thì quê gốc của Lý Công Uẩn (tối thiểu là Ông – Cha) chính là thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thủ đô Hà Nội ngày nay.

                                                                                     Hà Nội ngày 20 – 7 – 2011.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-Thiền uyển tập anh – Bản chụp chữ Hán. Kí hiệu thư viện Hán Nôm VHv 1267.
-Thiền uyển tập anh – Bản dich Lê Mạnh Thát.(Tài liệu trên mạng)
-Thiền uyển tập anh – Bản dịch Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga.(Tài liệu trên mạng)
-Việt điện u linh – Bản dịch Lê Hữu Mục.(Tài liệu trên mạng)
-Kỉ yếu hội nghị khoa học Lý Công Uẩn và vương triều Lý (Kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội). Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội 2001.
-Kỉ yếu hội nghị khoa học Những phát hiện khảo cổ học Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý. Hội khoa học lịch sử Việt Nam – Hội Sử học Hà Nội. 2008.
-Đại Việt sử kí toàn thư – Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nhà xuất bản KHXH. Hà Nội 1983.
-Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm - Viện cao học thực hành – Viện nghiên cứu Hán Nôm – Viện Viễn đông bác cổ Pháp. 2005.
-Phật quang đại từ điển - Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 2000.
-Hán Việt tự điển - Thiều Chửu. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh. 1998.
-Tổng tập văn học Nôm Việt Nam. Nhà xuất bản KHXH. Hà Nội. 2008.
-Việt Nam Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang. Nhà xuất bản Văn học. Hà Nội. 1979.

Bài tác giả gửi cho Archaeological * Highlights. Xin chân thành cám ơn!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét