Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Về cầu Nôm

Chúng tôi có mặt tại thôn đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên đúng một hôm sau khi cổng thông tin Chính phủ đưa tin ngày 14-11 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký công văn đồng ý việc UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì lập Dự án Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Đình Đại Đồng, Chùa Nôm, gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Công Chính, trưởng thôn Đại Đồng còn chưa hay biết việc này. Vui mừng, ông bảo : “Mơ ước của chúng tôi từ nhiều năm nay đấy. Bây giờ có cơ sở về mặt pháp lý để giữ nguyên hiện trạng làng và hướng dẫn người dân…”

Mừng và lo
Thế nhưng, dù có mừng đến mấy, cũng phải nhận thấy những nỗi lo không nhỏ. Phát triển du lịch, nếu không cẩn thận, sẽ là phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng cả môi trường văn hoá. Không ít ngôi làng cổ tuyệt đẹp đã không còn vẹn nguyên cùng những dự án phát triển ngành công nghiệp, tuy không khói nhưng thực dụng xô bồ và vô cùng nhiều rác!
Phải công nhận làng Nôm là một làng có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất tỉnh Hưng Yên, bởi nhiều yếu tố văn hoá truyền thống có niên đại hàng trăm năm hợp thành: Chùa Nôm, chợ Nôm, đình Tam Giang, cầu Nôm, cổng làng, những ngôi nhà cổ cùng cảnh quan không gian gần như còn nguyên vẹn. Gọi là nguyên vẹn, thực ra đã có đến một nửa số nhà là mới xây. Ông Nguyễn Công Chính chỉ cho chúng tôi ngôi nhà trên trăm tuổi của ông Tạ Văn Đảm mới dỡ ra để xây mới bê tông, nát quá thì phải xây, mà xây thì thích gì làm nấy chứ có quy chuẩn nào đâu. Tiếc lắm nhưng không làm gì được. Mà đâu phải chỉ một nhà…
Di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích này là chùa Nôm, tên chữ là “Linh Thông cổ tự” trước kia thuộc đất Kinh bắc, xây dựng nghe nói vào thời Lý, trùng tu gần nhất vào thời hậu Lê. Linh thông cổ tự, là chùa cũ, vẫn được bảo tồn nguyên lành, nằm gọn trong trong một đại công trường náo nhiệt từ hơn 10 năm nay, diện tích hiện nay là 8 ha và sẽ mở rộng tới 15 ha. Vào chùa bây giờ, thấy ngổn ngang nguyên vật liệu, những cột gỗ lớn thẳng tắp, hệ thống xà cột hoành tráng. Công cuộc trùng tu, đúng ra là xây mới hoàn toàn này có từ rất lâu trước khi dự án được Phòng văn hoá huyện manh nha. Đại đức Thích Thanh Hải, phó trụ trì chùa Nôm, còn trẻ, mắt sáng trán rộng, cho chúng tôi biết việc trùng tu này bắt đầu từ năm 1998, do chùa tự làm và các tín đồ, Phật tử phát tâm công đức cúng dường…, Thượng toạ Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa hiện nay cũng còn trẻ, là người có công mở mang đất chùa, tự tay thiết kế công trình theo mẫu những chùa đẹp tham quan ở nước ngoài, thầy còn rước tượng Quan Âm bằng đồng nặng mấy tấn từ tận Quảng Châu về, nên chùa đang xây to lớn bề thế lắm. “Linh Thông tân tự”(!) hoàn toàn mang dáng dấp một ngôi chùa Trung Quốc. Điều này thấy rõ! Trước kia trong thôn có Ban quản lý di tích, bất cứ việc gì liên quan đến di tích, Ban quản lý đều họp và đưa ý kiến. Bác Tạ Văn Đại, nguyên là giáo viên dạy Văn, thành viên ban quản lý di tích của làng Đại Đồng cho chúng tôi biết vậy. Giờ thì khác, việc xây chùa chủ yếu dựa vào ý kiến của thầy, chùa xây mới trên đất mới to quá, các bác nhìn thấy lạ nên cũng ít lên chùa hơn xưa.

Dấu xưa còn một chút này
Trước cửa chùa là chợ, chợ Nôm, gần trưa đã vào giờ vắng khách, chị bán cá vừa ngoay ngoáy con dao cắt gọn đường xẻ thân con cá mè ranh, mỗi con chừng 4-5 lạng, (bán riêng bụng và đầu giá 5 ngàn một đôi), vừa bảo em giờ cũng ngại vào chùa, hôm nào giải sao hay cúng vong đốt mã, chùa đông lắm… Từ chợ, một cầu đá 9 nhịp đầu rồng bắc qua con sông Nguyệt Đức, nối đường làng với chợ Cầu Nôm và chùa . Làng có một cổng chính được xây dựng bề thế, có 8 trục vuông, trên vòm cổng đắp một đại tự với 3 chữ nổi “Đồng Cầu Môn” (cổng làng Đồng Cầu). Giữa làng có một hồ lớn, dài 300m, rộng khoảng 80 m, ở giữa hồ có một chiếc cầu đá bắc qua. Quanh hồ là những ngôi nhà mái ngói cổ, đặc biệt có 7 nhà thờ của 7 dòng họ xây liền nhau, được kiến trúc theo kiểu dáng cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối hồ có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trùm lên ngôi đình Nôm, thờ Thành hoàng làng là Tam Giang - người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tây Hán và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống, được vua phong “Hộ Quốc Phúc Thần”. Đường đi quanh hồ, từ cổng làng đến cầu đá tới chợ Nôm và vào chùa Nôm được lát vỉa gạch nghiêng. Một con đường hầu như nguyên vẹn. Nhưng tất cả chưa phải hồn làng. Hồn làng nằm đâu trong những ngõ ngách êm đềm, nơi có một ngôi trường bé xinh, mấy chữ École de Đại Đồng bằng xi măng đã rụng rơi phải vừa đọc vừa đoán mới ra. Ngôi trường ấy vốn xưa chỉ có hai lớp, là của một doanh nhân, ông Tạ Văn Tiếp (ông Tham Tiếp), xây trước cách mạng. Ông Tiếp kinh doanh ở Hà Nội, khi có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, ông đã xin nhà chức trách và bỏ tiền xây dựng ga Đông Xá ở sát làng Nôm để người làng đi buôn bán thuận tiện. Ông đặt ở nhà ga một cái cân lớn để mọi người kiểm tra hàng hóa, nhằm gìn giữ sự trung thực trong kinh doanh của người làng Nôm. Trẻ con ở làng lớn lên đều đi học ở đấy, ông Tiếp mang cả sách giáo khoa từ Pháp và thuê thầy dạy trẻ làng. Cũng ý tưởng ấy, ông Phùng Văn Cung, làm hãng sơn Thạch Sùng ở chợ Hàng Da, đã xây cho làng một nhà hộ sinh, thuê cả nữ hộ sinh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho dân làng. Trước nhà hộ sinh của ông, có câu đối “Giúp nòi giống sinh năm đẻ bảy, mẹ tròn con vuông; Cứu trẻ già thuốc một đỡ mười; sống lâu muôn tuổi”…Cả trường làng và nhà hộ sinh làng đều không còn, sau những quy định trường và trạm y tế phải đạt chuẩn…, nhưng tấm lòng của người làng Nôm đối với nhau thì mãi vẫn lưu trong sử làng, trong không gian ấm cúng của một vùng quê Bắc Bộ yên ấm, có luỹ tre xanh bao quanh…

Một chút băn khoăn
Cái độc đáo của làng Nôm không chỉ nằm ở không gian kiến trúc, cái độc đáo của làng Nôm nằm trong mối quan hệ ruột thịt làng xã, mà để khôi phục được điều ấy, chẳng biết phải có dự án thế nào? Ở làng, như trưởng thôn Chính nói, vui nhất vẫn là những lễ hội Trong một năm, nhiều lễ hội được tổ chức: 12 tháng Giêng hội làng, 13 tháng Giêng các dòng họ làm lễ tế Xuân, 15 tháng Giêng làm lễ Thượng nguyên, 15 tháng Tư lễ Trung nguyên, 15 tháng Bảy lễ Hạ nguyên và 21 tháng Chạp là lễ Tất niên. Trong ngày hội làng, đàn ông trong làng đến tuổi 55 được khao lão, người đi xa không về thì phải nộp lệ trình làng. Con gái làng đi lấy chồng phải cung tiến vào đình 20 mâm đồng hoặc xây dựng vài chục mét đường làng bằng gạch (lệ ấy nay không còn, tuy con gái làng Nôm đi đâu cũng nức tiếng đảm). Người làng Nôm ở làng trên 170 hộ, nhưng ở Hà Nội trên 200 hộ, bác Tạ văn Đại bảo vậy, nên có việc làng là về ngay. Rồi người làng Nôm đi xa đến đâu cũng hướng về làng.
Người làng Nôm tự hào về truyền thống buôn bán của mình. “Đồng nát thì về cầu Nôm” thật đấy, nhưng mà từ đôi quang gánh, bao người dựng nên cơ đồ. Dấu chân người làng Nôm đã in đậm từ kinh thành Thăng Long đến nhiều tỉnh, thành như: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... Thời Pháp thuộc, nghề buôn phế liệu đồng của người làng Nôm vươn đến tận Sài Gòn. Những địa danh kể trên, chỗ nào cũng có phố Hàng Đồng và ở đó đều có người làng Nôm buôn bán phát đạt.
Một dự án có thể đem lại cuộc sống vật chất ấm no, nhưng những hệ luỵ đi cùng nó cần biết sớm để tránh. Trưởng thông Chính biết vậy, ông không có nhiều dự định. Gần đây nhất ông mừng là cứu được cây gạo cổ thụ cạnh cầu đá sống qua cơn sâu bệnh. Còn mai này, ông sắp thôi trưởng thôn, sẽ có trưởng thôn khác, làng ngày ấy biết đâu cũng khác…./.


Bài viết của Phạm Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét