Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Cứu Hoàng thành Thăng Long chỉ bằng... ‎ý chí, văn bản?

Tác giả: Khánh Linh

Liên quan đến đoạn Hoàng thành Thăng Long đang thu hút sự quan tâm của dư luận, PGS Tống Trung Tín quả quyết, quan điểm "theo dõi thi công" là không chấp nhận được, vì không thể xử lý khoa học, chưa kể điều đó sẽ làm chậm tiến độ hơn rất nhiều, bởi cứ thấy hiện vật lại phải dừng.

LTS: Ngay sau loạt 3 bài về số phận long đong của một đoạn Hoàng thành Thăng Long đăng trên Tuần Việt Nam, ngày 10/5, TP Hà Nội đã có một quyết định đúng luật: dừng thi công đoạn đường Văn Cao cắt đường Hoàng Hoa Thám, cho phép giới khảo cổ vào cuộc nghiên cứu. Nhưng 3 ngày sau, chính xác là chiều 13/5, TP. Hà Nội lại có ngay văn bản mới, cho phép tiếp tục thi công dự án đường Văn Cao - Hồ Tây. Nội dung của văn bản này chẳng khác nào "trói voi bỏ rọ", đánh đố cả giới Khảo cổ học! Để rộng đường dư luận, cũng nhằm làm rõ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện "nóng" với PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN.

Ngay dưới mặt đường nhựa đã là di tích
Là Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, ông có nắm được thông tin về công văn 3363/UBND-GT mới nhất của UBND Hà Nội (chiều 13/5/2010) cho tiếp tục thi công đoạn đường Văn Cao - Hồ Tây ngoài phạm vi nhỏ để nghiên cứu, thu thập hiện vật?

- Chưa, Viện Khảo cổ học chưa nhận được văn bản thông báo nào với nội dung đó. Nhân tiện tôi cũng nói luôn, ngay cả văn bản 3299/UBND-VHKG (ký ngày 10/5/2010) dù trong nội dung có đề gửi Viện Khảo cổ học đầu tiên, nhưng đến nay Viện cũng chưa nhận được. Tôi chỉ nhận được văn bản này từ Ban quản lý dự án Giao thông đô thị khi tham gia cuộc họp hôm 12/5 . Không hiểu sao văn bản lại đi chậm như thế? Rất nhiều lần anh em báo chí còn biết trước cả chúng tôi.

Câu trả lời của ông gián tiếp khẳng định Viện KCH đã có mặt trong buổi làm việc ngày 12/5 do Sở VH - TT - DL Hà Nội chủ trì. Vậy quan điểm của ông trong buổi họp đó như thế nào?

- Cuộc họp do PGĐ Sở VH - TT - DL Nguyễn Đức Hòa chủ trì, có các cán bộ của Ban quản lý dự án Giao thông đô thị, đại diện UBND quận Ba Đình, đại diện Viện khảo cổ học có tôi và một vài chuyên viên nữa. Cùng họp còn có TS Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cùng một số cán bộ của Ban.

Trong cuộc họp đó, tôi đã trình bày rõ quan điểm đối với việc xử lý đoạn đường Văn Cao - Hồ Tây qua đê Hoàng Hoa Thám. Tại hiện trường người ta đã đào một hố rất lớn và sâu, đã đổ bê tông cho trụ mấu cầu. Ngoài ra, rất nhiều phần đã bị đào cơ bản ở bên trên, chỉ trừ một số đoạn còn nhà dân nên mới còn để lại. Chính ở những vách còn lại đó có thể thấy rõ ngay dưới mặt đường nhựa đã là tầng văn hóa, đã là di tích rồi.

Tôi cũng hiểu đây là công trình trọng điểm của Hà Nội nhằm cải tạo nút giao thông, đồng thời hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nên tính chất nhạy cảm rất cao, nhất là lại dính đến đường đi lối lại của người dân.

Giờ đã xảy ra chuyện chẳng đặng đừng, gọi là không vi phạm nhưng cũng là vi phạm Luật, hiểu theo các nghĩa tôi đã nói trong bài phỏng vấn trước.

Vấn đề bây giờ là xử lý thế nào cho hài hòa? Theo tôi, được khai quật khảo cổ học tổng thể, một cách bài bản cả khu vực này là lý tưởng nhất, nhưng làm như thế thì tiến độ sẽ bị ảnh hưởng, hơn nữa những phần di tích đã phá thì về cơ bản đã xúc hết rồi.

Sau khi tìm hiểu, tôi đề nghị có 2 phần việc phải làm ở đây.

Thứ nhất, với những vách của tường thành đã lộ ra may mắn còn lại, sẽ tiến hành nạo vét khảo cổ học (dĩ nhiên không phải nạo vét thông thường), để tìm hiểu mặt cắt và mặt bằng. Về mặt bằng, sẽ tìm hiểu di vật đã xuất lộ, cũng để tìm xem có dấu tích gì đặc biệt không. Với mặt cắt, ta sẽ xem các lớp đất được đắp qua các thời kỳ lịch sử như thế nào? kỹ thuật đắp thành ra sao? vật liệu xây dựng gì? Mọi diễn biến về thời gian của La thành hay Hoàng thành sẽ thể hiện qua lớp đất đắp thành đó.

Tất nhiên, chúng tôi sẽ làm theo đúng thiết kế của giao thông, thiết kế phần đó đào sâu đến đâu thì sẽ nạo vét KCH đến đó.
Ở những phần diện tích còn lại mà bên giao thông định dùng để xây mấu trụ, chúng tôi đề nghị được khai quật KCH chính thức. Bởi quan sát ở mấu trụ thứ nhất (đã thi công xong cơ bản nên không xử lý KCH được nữa), thấy rõ các lớp đất đắp thành nằm từ mặt đường Hoàng Hoa Thám xuống đến độ sâu trên dưới 10m.

Đó là quan điểm của tôi, đại diện Viện Khảo cổ học.

Tôi cũng xin nói rõ, quan điểm "theo dõi thi công" là không chấp nhận được, vì không thể xử lý khoa học được, chưa kể còn chậm tiến độ hơn rất nhiều. Bởi cứ thấy hiện vật lại phải dừng lại. Thà rằng tập trung khai quật khảo cổ trong một thời gian cấp tập rồi trả lại mặt bằng đã "sạch" còn nhanh và hiệu quả hơn.

Thành phá hết rồi, bảo tồn làm sao được!

Thời hạn Hà Nội đưa ra là đến 20/5/2010 sẽ phải hoàn thành việc nghiên cứu, thực hiện thu thập hiện vật trong phạm vi đã phát lộ? Thời gian còn chưa đến 1 tuần, các ông sẽ xoay sở thế nào?

- Đó là ý chí của những người chủ trì, họ muốn đáp ứng tiến độ để làm cho nhanh. Nhưng hôm nay đã là 15/5 rồi, làm sao mà làm kịp được? Cứ thử hình dung bao nhiêu công đoạn, phải lập dự án, phê duyệt dự án, phải bày binh bố trận. Dù có điều động "hết công suất" công nhân, cán bộ, có làm thần tốc cũng phải mất 10, 15 ngày.

Tôi cũng hiểu họ có ý tốt muốn mọi việc xúc tiến cho nhanh, bên khảo cổ học chúng tôi có quân có người thì "ào" lên đi. Lý tưởng thế thôi, chứ thực tế làm sao được như thế?

Có lẽ do dự án đã chậm tiến độ quá rồi, nên mặc dù không có lỗi nhưng các ông đang phải chạy theo họ?

- Theo tôi cảm nhận thì những người bên giao thông, bên dự án cũng như lãnh đạo của Sở Giao thông vận tải đều thể hiện tinh thần thoải mái. Trao đổi với tôi, họ khẳng định trước đây không biết nên mới làm sai, giờ khoa học vào cuộc rồi thì cứ thực hiện theo đúng luật thôi. Chưa thấy họ nói gì về tiến độ cả?

Vừa rồi ông có theo dõi những ý kiến "ngược" trên một số báo, rằng phải coi trọng phát triển hơn bảo tồn, nói thẳng ra là không nên giữ đoạn Hoàng thành thời Lê này. Kể cũng lạ...?

- Trước những vấn đề thế này, không nên cứ tranh qua cãi lại, một số ý kiến bảo rằng nên bảo tồn, rồi một vài ý kiến lại nói không nên. Lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền nên hết sức nghiêm túc xem xét theo trách nhiệm của mình để cùng nhau giải quyết vấn đề. Cụ thể như trong chuyện này, UBND Thành phố Hà Nội nên tổ chức hội nghị tư vấn (có thể quy mô nhỏ), mời những người trách nhiệm, ít nhất những bên đã có công văn, thư kiến nghị như Viện KCH hay Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phải được mời đến để cùng nhau bàn thảo, tìm một tiếng nói thống nhất chung, để giải quyết trọn vẹn cả hai đường.

Khi đã có thư kiến nghị, rất cần có trả lời của các cơ quan công quyền xem họ xử lý ra sao, có vấn đề gì thì trao đổi thẳng thắn chính thức, không nên để mỗi báo tự đi hỏi rồi trích dẫn ý kiến theo chủ ý của tờ báo, sẽ làm rối vấn đề một cách không cần thiết.

Có những người không hiểu nên sợ đề nghị bảo tồn của chúng tôi làm ảnh hưởng đến dự án đường giao thông. Thành đã phá hết rồi, bảo tồn làm sao được nữa? Cái cần nhất là rút kinh nghiệm để bảo tồn tốt nhất những đoạn thành hiếm hoi còn lại.

http://tuanvietnam.net/2010-05-14-cuu-hoang-thanh-thang-long-chi-bang-y-chi-van-ban-

HÔM QUA THEO DÕI CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ CỦA TV HÀ NỘI MỚI THẤY VIỆC ĐƯA TIN CỦA CÁI ĐÀI NÀY THIÊN LỆCH QUÁ ĐÁNG, ĐỂ BÊNH VỰC CHO CÁI QUYẾT ĐỊNH TIẾP TỤC LÀM ĐƯỜNG (CHỈ CHO KHẢO CỔ HỌC VÉT NHỮNG GÌ CÒN LẠI), ĐÀI ĐÃ CHỈ PHỎNG VẤN MỘT SỐ ÔNG NHƯ NGUYỄN VINH PHÚC, PHAN KHANH, ĐỖ VĂN NINH, NHỮNG NGƯỜI VỐN ĂN THEO NÓI LEO  LÃNH ĐẠO HÀ NỘI LÂU NAY, NHỮNG NHÀ KHẢO CỔ HỌC THÌ KHÔNG HỀ ĐƯỢC HỎI!
NHỮNG NGƯỜI LÀM KCH CHÚNG TÔI CHỈ YÊU CẦU LÀM ĐÚNG LUẬT DI SẢN, ĐƯỢC NGHIÊN CỨU TRƯỚC KHI XÂY DỰNG.
ĐÂY, ĐÀI TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI ĐANG LẤY Ý KIẾN ĐỒNG THUẬN CỦA NGƯỜI DÂN TRONG VIỆC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THI CÔNG ĐƯỜNG VĂN CAO, CÁC NHÀ KCH ƠI HÃY ĐỢI ĐẤY!

3 nhận xét:

  1. Theo nhiều người sống canh đoạn đường đê Kim Liên-Ô chợ Dừa (thực ra là THÀNH)thì con đê này đa RỖNG RUỘT. Nền đất ấy đã bị/được đào khét chôn đủ thứ: cống thoát nước, đường ngầm cáp điện , thông tin...)
    Vô phúc cho bác khảo cổ nào được giao cắt thành đoạn ấy

    Trả lờiXóa