Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Cổng chùa Trấn Quốc từ... trên trời rơi xuống?

Cổng chùa vừa bị phá không phải yếu tố gốc, nhưng được xây lại hoàn toàn theo mẫu của kiến trúc gốc, chứ không phải xây một cách "ngẫu nhiên", nên việc phá bỏ để đưa vào tam quan mới theo mẫu "trên trời rơi xuống" như hiện tại là sai Luật Di sản.




Cổng chùa Trần Quốc. Ảnh chụp ngày 1/2/1958 hiện đang nằm ở Kho tư liệu của Viện thông tin Khoa học xã hội.

Chưa tìm được "mẫu gốc" thì muốn vẽ gì cũng được?
26/6/2009, lễ động thổ dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trấn Quốc đã diễn ra chỉ với ý nghĩa "lấy ngày lành tháng tốt" bởi ở thời điểm đó, chủ đầu tư chưa nhận được văn bản thỏa thuận của Cục Di sản. Lý do của sự dừng lại ở thời điểm đó là do còn "vướng mắc" ở hạng mục tam quan: phía đầu tư muốn xây một tam quan mới bề thế hơn, đàng hoàng hơn thay thế cái cổng vào nhỏ xinh đang hiện diện tại thời điểm đó, nhưng đã vướng phải sự "không thuận lòng" của nhiều nhà văn hóa.

Hai vấn đề được đặt lên bàn dư luận là: cái cổng cũ nhỏ xinh ấy có thật sự là công trình mới xây (vào khoảng 1980, 1990) hay không? Nếu là công trình mới xây như thế thì chủ đầu tư cho rằng không phải là yếu tố gốc cấu thành di tích (Chùa Trấn Quốc được công nhận di tích quốc gia vào những năm 1960) nên hoàn toàn có thể phá đi xây lại.
Cứ cho rằng lập luận này là đúng thì vẫn còn một vấn đề cần giải quyết: công trình thay thế cái cổng này sẽ phải theo hình thái kiến trúc nào? Tỉ lệ giữa nó và các công trình kiến trúc chùa Trấn Quốc sẽ được xử lý ra sao? Liệu có thể theo bất kỳ thiết kế nào, miễn là "to và đẹp" hay không?
Bẵng đi một thời gian, mấy tuần gần đây, việc trùng tu đã được tiến hành tại chùa Trấn Quốc. Cổng chùa cũ xinh xinh bị phá bỏ, tam quan mới đang được xây dựng. Việc trùng tu hoàn toàn đúng Luật Di sản, bởi Cục Di sản đã có văn bản thỏa thuận, với lý do đúng là cổng chùa lúc trước mới được xây dựng gần đây, không thuộc "yếu tố gốc cấu thành di tích".
Tuy nhiên, VietNamNet đã tìm lại được 2 bức ảnh "cổ" có hình ảnh cổng chùa.
Tìm được "mẫu gốc" thì nên ứng xử thế nào?
Bức thứ nhất có trong bộ sưu tập của KTS Trần Huy Ánh, mà theo ông được chụp vào những năm 1940, với hình ảnh đã đi vào tiềm thức của lớp người xưa, cổng chùa thấp thoáng trong những lùm cây, phía cuối con đường cong cong dẫn vào đảo từ phía đường Cổ Ngư.
Vẫn "e ngại" bức ảnh đó chưa lộ rõ kiến trúc cổng, nên chúng tôi tiếp tục cuộc tìm kiếm. Trong kho lưu trữ của Viện Viễn đông Bác Cổ không còn tấm ảnh nào, nhưng rất may, tại kho lưu trữ của Viện Thông tin Khoa học Xã hội lại có một bức ghi rất rõ ràng là chụp vào ngày 1/2/1958, chỉ một thời gian ngắn trước khi chùa Trấn Quốc được công nhận là di tích quốc gia.


Cổng chùa Trấn Quốc vừa bị phá bỏ (ảnh DƯỚI) và cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1958.




Tam quan chùa Trấn Quốc đang xây dở và cổng chùa vừa bị phá bỏ.

Bức ảnh này chụp rất cận cảnh, và khi so sánh với cổng chùa trước khi bị phá bỏ cuối năm nay, ai cũng thấy rõ sự tương đồng. KTS Trương Ngọc Lân (Trường ĐH Xây dựng) khẳng định cổng vừa bị phá bỏ được xây hoàn toàn theo hình thái, quy thức cũ, tuy không tuân thủ được nghiêm ngặt (có những sai lệch như sự thay đổi tỷ lệ giữa cổng và hai cột trụ biểu chẳng hạn), nhưng vẫn là sự tôn trọng "yếu tố gốc".
Như vậy, điểm đầu tiên có thể khẳng định là tuy cổng chùa vừa bị phá không phải yếu tố gốc, nhưng được xây lại hoàn toàn theo mẫu của kiến trúc gốc, chứ không phải xây một cách "ngẫu nhiên", nên việc phá bỏ để đưa vào tam quan mới theo mẫu "trên trời rơi xuống" như hiện tại là sai Luật Di sản.
Bình luận riêng về mẫu tam quan hiện tại, KTS Hoàng Thúc Hào lập tức phê phán về mặt không gian kiến trúc, rằng "áo có thể không xấu, nhưng chắc chắn mặc không vừa". Với lối vào xinh xắn, đặt tam quan như đang xây dựng sẽ rất "kích" không gian. KTS Lân chỉ thêm một cái sai khi bỏ đi trụ biểu, vốn là "đặc trưng" của nhiều đình chùa miền Bắc.

Cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1940.
Một điểm cần nói thêm là trục chính của chùa Trấn Quốc hướng ra mặt hồ Tây, cổng vào này chỉ là lối phụ. Người xưa khi xây cổng vào đã rất tinh tế, tôn trọng không gian, nên cổng chỉ cần một lối vào, kể cả việc cổng đặt hơi "chếch" để phù hợp với con đường cong cong dẫn vào. Chính sự tôn trọng ấy đã tạo nên ký ức khó phai mờ trong lòng những người dân Hà Nội.
Nếu chủ đầu tư thật sự có tâm với di tích, hoàn toàn có thể tìm lại những tư liệu cũ để "minh chứng" cho sự tồn tại của cổng chùa cũ, chút ít sai sót về tỷ lệ hoàn toàn có thể điều chỉnh, thay vì phá đi "không thương tiếc" như đã làm hiện nay. Còn mô hình tam quan mới hoàn toàn không phù hợp cả không gian lẫn chi tiết, không lẽ lại trở thành điểm nhấn mới của một di tích quý hiếm như chùa Trấn Quốc? Có nên trả lại cho chùa Trấn Quốc cổng vào xinh xắn đã đi vào tiềm thức không? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan có trách nhiệm.
Khánh Linh http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/200912/Cong-chua-Tran-Quoc-tu-tren-troi-roi-xuong-886540/
,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét