Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC: TỪ THẦN THOẠI – TRUYỀN THUYẾT ĐẾN TRUYỆN TRANH VÀ PHIM HOẠT HÌNH CỦA DÂN TỘC VIỆT

GS.TS. Ngô Đức Thịnh

Là người Việt, không ai là không biết tới hai thần thoại - truyền thuyết, đó là Thánh Dóng và Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Và đây cũng là hai thần thoại - truyền thuyết được xuất bản nhiều nhất, được vẽ thành truyện tranh và được dựng thành phim hoạt hình.
I. Hai thần thoại - truyền thuyết, hai biểu tượng của dân tộc


1. Là người Việt, không ai là không biết tới hai thần thoại - truyền thuyết, đó là Thánh Dóng và Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Và đây cũng là hai thần thoại - truyền thuyết được xuất bản nhiều nhất, được vẽ thành truyện tranh và được dựng thành phim hoạt hình.
Sau đây xin tóm tắt cốt truyện Thánh Dóng.
"Ở thôn Gióng Mốt, xã Phù Đổng có một dấu chân khổng lồ in trên mặt tảng đá lớn. Đó là dấu chân ông Đổng về hái cà trong một đêm mưa gió. Mồng chín tháng tư âm lịch, vào tiết mưa dông đầu hè, ông Đổng về hái cà, gây nên gió bão, sấm chớp và mưa to. Có một người đàn bà xấu xí nghèo khổ, tuổi đã muộn màng nhưng con cái không có. Bà phải sống một mình trong túp lều tranh. Một đêm mưa to gió lớn, ông Đổng về hái cà để lại dấu chân trong vườn cà của bà lão. Bà dẫm vào dấu chân ấy, tự nhiên, thấy tâm thần rung động, về nhà bà thụ thai, đẻ ra ông Đổng con (tức ông Dóng trong truyền thuyết Thánh Dóng sau này). Sinh ra, trong ba năm liền, ông Dóng cứ nằm yên trên chõng đá, không nói câu nào.
Vào thời Hùng Vương, giặc Ân đến xâm chiếm nước Văn Lang, vua triệu các bá quan đến bàn kế đánh giặc và cho sứ giả đi khắp nơi để loa truyền mời người tài ra cứu nước. Một hôm, sứ giả đi qua làng Phù Đổng gọi loa truyền lời thỉnh cầu của nhà vua. Nghe xong, ông Dóng cất tiếng nói đầu tiên, bảo mẹ ra mời sứ giả vào gặp mặt. ông Dóng yêu cầu sứ giả về trình với vua rèn ngựa sắt, roi sắt để ông đánh giặc Ân. Từ đó, ông Dóng vươn người đứng dậy, thành người khổng lồ, ăn bao nhiêu cơm cà mà vẫn không no.
Khi nhà vua sai người mang ngựa sắt, roi sắt tới, ông Dóng nhảy lên mình ngựa, vung roi sắt tiến đánh giặc Ân, khiến chúng tan tác. Giữa lúc đó roi sắt của ông Dóng bị gẫy, ông liền nhổ tre quất vào quân giặc, khiến chúng bỏ chạy, xác giặc chết đầy đồng.
Đánh tan quân giặc, ông Dóng đi đến núi Sóc Sơn, cởi bỏ áo giáp, cưỡi ngựa bay lên trời. Vua Hùng nhớ ơn ông, tôn là Phù Đổng Thiên Vương, sai lập miếu thờ ở làng Phù Đổng". Sau này, cứ đến ngày mở hội Dóng mồng chín tháng tư, thấy trời oi bức, mây kéo vần vũ, có các trận mưa nhỏ đầu tiên thì dân lại bảo nhau ông Dóng từ trời đã trở về(1).

Theo nhiều nhà nghiên cứu, truyện Thánh Dóng vốn từ một thần thoại (myth) đã chuyển hoá thành truyền thuyết (legend)(7). Hơn thế nữa, gắn với thần thoại và truyền thuyết này là các di tích, nghi lễ thờ phụng, lễ hội với các trò diễn dân gian tái hiện đời sống người anh hùng, như tục rước nước, tục rước kiệu 28 cô gái đóng vai giặc Ân, ba trận ông Dóng đánh giặc Ân..., tạo nên một diễn xướng nghi lễ với quy mô hoành tráng, khiến người nước ngoài được xem hội Dóng thế kỉ XIX cũng phải kinh ngạc về quy mô của nó .
Truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh có thể tóm lược như sau:
Thời Hùng Vương thứ 18 đóng đô ở đất Việt Trì, Phong Châu, quốc hiệu là Văn Lang. Vua có người con gái tên là Ngọc Hoa có sắc đẹp. Thục Phán cầu hôn, nhà vua không bằng lòng, muốn chọn rể hiền.
Mấy ngày sau, bỗng thấy hai người xưng là Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đến cầu hôn. Hùng Vương truyền để thi pháp thuật. Sơn Tinh chỉ núi núi lở, ra vào trong đá không có gì trở ngại. Thuỷ Tinh lấy nước phun lên không, biến thành mây mưa. Vua nói: "hai vị đều có phép thần thông, nhưng ta chỉ có một cô con gái, vậy ai mang sính lễ đến trước, ta khắc gả cho".
Tờ mờ sáng hôm sau, Sơn Tinh đã cho người mang đến dâng vua Hùng nào là vàng bạc, châu báu, nào là thú lạ, vật quý như voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao... Vua Hùng cả mừng và y lời, liền cho đón dâu về núi Tản Viên.
Thuỷ Tinh cũng cho đưa hàng trăm thứ trân châu, đồi mồi, san hô, cùng các giống tôm cá đặc biệt, nhưng vì chậm chân một chút đã mất Ngọc Hoa. Thuỷ Tinh nổi giận, sai khắp các loài thuỷ tộc dâng nước bao vây núi Tản Viên, quyết đánh Sơn Tinh để trả thù. Suốt mấy ngày đêm, đất trời đen tối, mưa gió mịt mùng, đồng ruộng nước băng như biển cả. Thần Tản Viên và bộ hạ vẫn vững lòng chống đỡ. Nước dâng bao nhiêu thì thần lại dâng núi cao lên chừng ấy. Dân chúng ở chân núi đóng một dãy cọc thưa để chắn nước, đánh trống mõ, gõ cối reo hò để hậu thuẫn cho quân Sơn Tinh. Qua mấy ngày đêm giao tranh, quân của Thuỷ Tinh chết rất nhiều, xác ba ba và thuồng luồng nổi đầy cả sông.
Thuỷ Tinh đánh mãi không thắng được Sơn Tinh, vội rút quân về. Sơn Tinh được sống yên ổn, hạnh phúc với Ngọc Hoa. Ngôi đền Và (nay tại thị xã Sơn Tây) được người dân dựng lên để ghi chiến công oanh liệt của Sơn Tinh. Tuy nhiên, Thuỷ Tinh vẫn không quên thù hận xưa, nên hằng năm vào tháng bảy, tháng tám, lại dâng nước đánh Sơn Tinh, gây thiệt hại cho dân. người ta truyền nhau rằng đó là Thuỷ Tinh đánh Sơn Tinh để giành lại Ngọc Hoa"(5).

Cũng giống như truyện Thánh Dóng, truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh không chỉ là truyện kể truyền miệng đơn thuần, mà nó tồn tại trong tâm thức nhân dân thông qua các di tích và nghi lễ thờ cúng ở cả vùng xứ Đoài (Phú Thọ, Sơn Tây ngày nay), qua lễ hội hằng năm với các diễn xướng phong tục, như tục đánh cá thờ, tục lấy 99 cái đuôi cá (biểu trưng cho quân Thuỷ Tinh) dâng Sơn Tinh, tục rước Chúa Gái, tái hiện sự tích Sơn Tinh rước Ngọc Hoa về núi Tản Viên trong ngày cưới ...
Trong tâm thức dân chúng đương đại, nhất là họ lại được củng cố bằng các công trình của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, rằng hai thần thoại - truyền thuyết Thánh Dóng và Sơn Tinh Thuỷ Tinh là hai biểu tượng của bản sắc dân tộc, đó là chí khí quật cường chống ngoại xâm và chống lại sự tàn phá của thảm hoạ thiên tai bão lũ. Đó là hai biểu tượng của ý thức dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chẳng thế mà từ lâu, Thánh Dóng và Sơn Tinh đã trở thành hai trong “Tứ bất tử" (bốn vị thần bất tử) của điện thần Việt Nam(6).
Việc xây dựng hình tượng Thánh Dóng và Sơn Tinh và coi đó như là hệ biểu tượng của bản sắc dân tộc là điều hoàn toàn dễ hiểu của thực tế lịch sử Việt Nam. Như mọi người đều biết, dân tộc Việt hình thành và sinh tồn đầu tiên ở châu thổ sông Hồng cách ngày nay gần ba ngàn năm. Suốt quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Việt, một mặt, đã liên tục phải đương đầu với các thế lực xâm lược từ phương bắc, trong đó đã mất gần một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, nhưng với tinh thần quật cường không chịu khuất phục, cuối cùng đã vùng lên đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc (thế kỉ X); mặt khác, để sinh tồn, các thế hệ người Việt đã kế tiếp nhau chinh phục, khai thác đồng bằng sông Hồng lầy trũng, đắp đê ngăn bão lũ, tạo nên hệ thống đê điều dài hàng ngàn km, được ví như là công trình “Kim Tự Tháp” của Việt Nam!
Thánh Dóng và Sơn Tinh, hai biểu tượng của tinh thần chống ngoại xâm và chống bão lũ là hai nhân tố cốt lõi của hệ ý thức Việt Nam. Đó là đòi hỏi khách quan của cộng đồng người Việt khi bước vào giai đoạn lịch sử hình thành nhà nước và nhất là giai đoạn xây dựng nhà nước phong kiến tự chủ tập quyền, mà triều Lý, Trần (thế kỉ XI-XIII) là sự thể hiện tập trung. Cộng đồng người Việt trong quá trình hợp nhất và thống nhất ấy, đòi hỏi sự tự nhận thức thế giới và nhận thức về bản thân mình, từ đó hình thành nên các hệ biểu tượng, hệ giá trị, mà càng ngày cùng với sự phát triển của xã hội phong kiến, giai cấp thống trị đại diện cho xã hội hiện tồn, có ý thức trong việc phát triển và củng cố các biểu tượng và hệ giá trị ấy, thành hệ ý thức xã hội, tuy về mặt này hay khác nó còn quyện chặt với yếu tố hoang đường, tín ngưỡng tôn giáo, nhưng không nghi ngờ gì nữa, nó là bức tranh phản ánh lịch sử đất nước và dân tộc. Đó chính là sự thâu tóm lịch sử cụ thể và hiện thực thành một thứ lịch sử tinh thần, một thứ lịch sử mang đầy chất thi hứng và thẩm mĩ, được truyền tụng mãi tới mai sau(6).

2. Bản chất của các hiện tượng folklore thường là tích hợp nhiều lớp biểu tượng và nhiều giá trị (đa biểu tượng, đa giá trị), do vậy, những biểu tượng và giá trị của hai thần thoại - truyền thuyết Thánh Dóng và Sơn Tinh Thuỷ Tinh mà chúng tôi vừa phân tích ở trên chỉ là lớp biểu tượng, lớp giá trị mang tính tiêu biểu, đặc trưng, mà thường đó là lớp hữu thức, lớp có sau, gắn liền với ý thức cộng đồng dân tộc và quốc gia và sớm được chính trị hoá. Còn lớp nhân lõi đầu tiên, lớp tiềm ẩn thì thường về sau trở thành cái vô thức, cái thói quen bản năng, cái mà chủ nhân văn hoá chỉ có thể cảm nhận chứ không thể ý thức được.
Với hệ thống thần thoại - truyền thuyết và nghi lễ Thánh Dóng, tuy nó mang trong mình tính biểu tượng rõ nét của ý chí chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên, không phải khó khăn lắm khi nhận ra lớp biểu tượng, lớp giá trị cổ sơ hơn của nghi lễ nông nghiệp. Hội Dóng mở vào ngày “mồng chín tháng tư”, là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa, mùa gieo trồng lúa, thời điểm vũ trụ chuyển từ “âm suy” sang “dương thịnh”. Ông Dóng với các tình tiết mô tả trong thần thoại hiển hiện hình trạng của vị thần sấm chớp mưa dông. Cuộc giao tranh của Dóng trước khi trở thành giao tranh giữa “ta” và “giặc”, giữa người bị xâm lược và kẻ xâm lược, thì vốn đã là cuộc “giao tranh giữa âm và dương”, mà trong thời điểm giao thời của vũ trụ ấy, bên “dương” tất thắng bên “âm”, mưa phải thắng hạn. Chẳng thế mà quân của Dóng là các chàng trai khoẻ mạnh, còn quân của giặc Ân là 28 cô gái trẻ mềm yếu. Trước khi cây tre được Dóng dùng làm vũ khí đánh quân xâm lược, thì nó đã là “hoa tre” thường dùng để tranh cướp trong ngày hội mang hình sinh thực khí dương (dương vật), mà theo quan niệm dân gian, ai cướp được hoa tre thì gia đình sẽ gặp may, vợ sẽ đẻ con trai. Theo hồi cố của dân gian, trước khi Dóng tiến hành ba trận đánh giặc Ân vào ngày mồng chín tháng tư, thì đêm trước đó trai gái làng Phù Đổng rủ nhau ra bãi sông trước đền Dóng, chơi trò đuổi bắt, trêu ghẹo nhau. Và còn nữa, đám rước nước từ đền Dóng sang đền Mẹ với ý nghĩa lấy nước của giếng Mẹ rửa khí giới của Dóng trước khi xung trận, thì đã là lễ rước nước cầu đảo (cầu mưa)... Rõ ràng là, thần thoại - truyền thuyết và các nghi lễ Thánh Dóng trước khi trở thành thần thoại - nghi lễ mang biểu tượng chống ngoại xâm thì nó đã là một thần thoại và nghi lễ mang biểu tượng cầu mưa của nghi lễ nông nghiệp. Sự đắp đổi biểu tượng này chỉ có thể hoàn tất vào thời nhà Lý (thế kỉ XI - XII) và các triều đại sau đó.
Còn với thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh thì cũng không nằm ngoài quy luật chung kể trên. GS. Nguyễn Tấn Đắc trong công trình Đọc lại Sơn Tinh Thuỷ Tinh, đã công phu bóc lớp biểu tượng “chống lũ lụt” mang tính hữu thức và đương đại, thì cũng đã làm hé lộ ra cái nhân lõi đầu tiên mà nay đã trở thành vô thức, đó là phản ánh một đặc trưng xã hội thời kì đầu của người Việt cổ với hình thái hôn nhân tranh cướp phụ nữ, mà tàn dư của nó còn để lại ở nhiều dân tộc, trong đó trạng thái nguyên vẹn còn thấy trong các cuộc chiến tranh tranh cướp phụ nữ phản ánh qua các sử thi Tây Nguyên(2). Theo tôi, sự đắp đổi biểu tượng này diễn ra vào thời Bắc thuộc (thế kỉ I - X), thời kì người Việt từ rìa trung du xuống khai thác đồng bằng lầy trũng của châu thổ sông Hồng.
Một đặc trưng khác của hệ thống thần thoại - truyền thuyết là nó không chỉ là truyện kể truyền miệng độc lập, mà thường kết hợp với các nghi lễ, lễ hội, phong tục và cả với các di tích vật thể như đền, phủ, đình..., nơi thờ cúng các thần linh, tạo nên một hệ thống mang tính tổng thể: Thần thoại - truyền thuyết - thần tích - di tích - nghi lễ, lễ hội, phong tục. Thậm chí, trong hệ thống này, các thần thoại - truyền thuyết nhiều khi mang tính bổ trợ cho hệ thống di tích, nghi lễ và lễ hội. Do vậy, xét cho cùng, đây là hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể. Từ đây dẫn đến một hệ quả mang tính phương pháp luận là, chúng ta sưu tầm và nghiên cứu các thần thoại - truyền thuyết thì không thể tách rời di tích, nghi lễ, lễ hội, phong tục, nếu không, chúng ta sẽ dễ rơi vào cách nhìn nhận phiến diện, sai lạc. Đây cũng là một thí dụ để nói lên tính gắn kết hữu cơ giữa các dạng vật thể và phi vật thể của nghiên cứu văn hoá. Có thể nói công trình Người anh hùng làng Dóng của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh đã cho ta một thí dụ tuyệt vời của phương pháp sưu tầm, nghiên cứu mang tính gắn kết tổng thể này(3).
II. Từ thần thoại đến phim hoạt hình và truyện tranh, bản sắc dân tộc sẽ ra sao?
1. Như mọi người đều biết, truyện tranh và phim hoạt hình gắn bó chặt chẽ với văn hoá dân gian, trong đó các đề tài, cốt truyện của hai loại hình nghệ thuật nghe nhìn này đã, đang và sẽ khai thác từ kho tàng vô tận thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, sử thi... của các dân tộc.
Làm truyện tranh cho thiếu nhi là lĩnh vực của Nhà xuất bản Kim Đồng. Trong tổng số hàng mấy trăm ấn phẩm đã xuất bản trong gần 50 năm qua, có 57 tác phẩm truyện tranh lấy đề tài từ truyện kể dân gian, như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích..., trong đó có truyện tranh Sơn Tinh Thuỷ Tinh(8) và Chuyện ông Dóng(4), xuất bản lần đầu vào thập kỉ 60. Từ đó đến nay, hàng năm đều tái bản với số lượng hơn 10.000 bản.
Ở Việt Nam, từ năm 1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên ra mắt khán giả đến nay đã có hàng trăm phim hoạt hình được sản xuất, với các thể loại: hoạt hình, hoạt hoạ, búp bê. Chỉ tính riêng từ 1975 đến 1990, trong số 200 phim hoạt hình được sản xuất, thì đã có hơn 50 phim lấy chủ đề từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn...(9). Tất nhiên, trong số hơn 50 phim hoạt hình ấy có phim búp bê “Chuyện ông Gióng” của đạo diễn Ngô Mạnh Lân, sản xuất năm 1970 và phim “Sơn Tinh Thuỷ Tinh" của đạo diễn Trương Qua, sản xuất năm 1971. Cả hai bộ phim này đều xây dựng dựa vào cốt truyện của hai truyện tranh nêu trên.
Bây giờ chúng ta có thể đi sâu hơn nhận diện và phân tích các khía cạnh bản sắc dân tộc đã được chuyển hoá như thế nào trong quá trình chuyển thể từ thần thoại - truyền thuyết sang phim hoạt hình và truyện tranh?
2. Rõ ràng là, khi một thần thoại, truyền thuyết chuyển thể sang tranh truyện và phim hoạt hình thì những điều kiện hợp thành của nó cũng thay đổi và từ đó các khía cạnh bản sắc văn hoá cũng có sự khác biệt.
- Ở Việt Nam, theo truyền thống nhiều thập kỉ nay, truyện tranh và phim hoạt hình chủ yếu giành cho thiếu niên, nhi đồng, khác với nhiều nước, hai thể loại này phục vụ cho mọi lứa tuổi. Chính mục đích phục vụ này đã quyết định nhiều tới cách thức và cả nội dung thể hiện. Người thực hiện các tác phẩm truyện tranh và phim hoạt hình phải lựa chọn tuyến nội dung truyện sao cho thật đơn giản, lược bỏ đi khá nhiều tình tiết của thần thoại và truyền thuyết. Thí dụ, trong thần thoại -truyền thuyết Thánh Dóng, việc mô tả diện mạo và hành động của ông Đổng, như một vị thần sấm chớp, mây mưa, đều không được khai thác. Đặc biệt là các tình tiết của diễn xướng lễ hội Thánh Dóng đều không được thể hiện trong truyện tranh và phim hoạt hình, khiến cho tính “đa biểu tượng” của “Người anh hùng làng Dóng” cũng không rõ nét nữa. Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong truyện tranh và phim hoạt hình cũng được “đơn giản hoá” để phù hợp hơn với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
- Đặc biệt, từ thần thoại và truyền thuyết vốn mang tính tổng thể, đa nguyên của văn hoá dân gian, nay được thể hiện trong truyện tranh và phim hoạt hình mang tính đơn nhất, đơn nguyên, khiến cho nội dung thể hiện vừa tập trung hơn, nhưng cũng nghèo nàn hơn, các tình tiết mang tính vô thức đều bị tước bỏ, còn các tình tiết hữu thức, mà ở truyện Thánh Dóng là tinh thần chống ngoại xâm và trong truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh là chống lũ lụt lại được tập trung và tô đậm hơn.
- Từ truyện cổ dân gian đến truyện tranh và phim hoạt hình là quá trình chuyển thể loại, do vậy từ góc độ người thưởng thức cũng có sự khác biệt trong cảm thụ văn hoá. Con người từ việc nghe truyện cổ dân gian đến việc tham gia vào các hoạt động nghi lễ, lễ hội và phong tục liên quan, thực sự là quá trình nhập thân và trải nghiệm của người trong cuộc, từ đó làm nảy nở trí tưởng tượng và các hành động thực hành nghi lễ mang đầy chất tâm linh; còn khi đọc một truyện tranh hay xem một bộ phim hoạt hình với ngôn ngữ chủ yếu là đường nét, hình ảnh và màu sắc, thì dường như người đọc được tiếp nhận như một thông điệp từ bên ngoài không mang tính trải nghiệm và nhập thân. Tất nhiên, mỗi cách tiếp cận đều có mặt mạnh và mặt yếu của nó. Do vậy, đối với trẻ nhỏ, tôi nghĩ không nên quá lạm dụng kiểu “áp đặt” một hình tượng vốn đa bản sắc thành một hiện tượng đã được người vẽ tranh và làm phim “đơn nhất hoá”.
- Ý thức xã hội trong thời điểm làm phim và truyện tranh, thông qua ý thức cá nhân của tác giả, cũng tác động không nhỏ tới việc thể hiện nội dung tác phẩm. Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ XX là thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mĩ, giải phóng miền Nam, do vậy cả đất nước dốc sức cho chiến tranh, kể cả việc huy động truyền thống yêu nước chống ngoại xâm mấy nghìn năm của dân tộc. Trong môi trường chính trị - xã hội như vậy, hơn lúc nào hết sự nghiệp dựng nước và giữ nước mà Sơn Tinh và Thánh Dóng là biểu tượng tập trung và sáng ngời được huy động hết “công suất” và được tô đậm hơn lúc nào hết. Mọi tình tiết của thần thoại và truyền thuyết nằm ngoài “tuyến tư tưởng” ấy đều bị gạt bỏ. Về phương diện này, cái bản sắc dân tộc thể hiện trong thần thoại và truyền thuyết vốn mang tính đa nguyên, nay được tô đậm và trở thành nhất nguyên.
Như vậy là, với tác động của nhiều nhân tố: Mục đích phục vụ của người làm phim và vẽ tranh là thiếu niên, nhi đồng; tính chất của thể loại, đặc biệt là môi trường chính trị - xã hội... đã tác động nhiều mặt đến quá trình chuyển thể từ thần thoại - truyền thuyết đến truyện tranh và phim hoạt hình ở Việt Nam, trong đó bản sắc dân tộc được tô đậm theo hướng nhất nguyên hoá. Điều này phải chăng là tất yếu với tất cả các nước và các dân tộc hay chỉ là đặc điểm mang tính đặc thù của Việt Nam? Rất tiếc, tôi không có được sự hiểu biết về phim hoạt hình và truyện tranh của Nhật Bản và các nước khác. Tuy nhiên, theo suy diễn mang tính lôgic thì những điều trình bày trên phần nhiều mang tính đặc thù Việt Nam hơn là tính phổ quát.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Dân gian (số 2/2006)
___________________________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo thần thoại Việt Nam, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956.
2. Nguyễn Tấn Đắc, Truyện kể dân gian, đọc bằng tipe và motif, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
3. Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Gióng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970.
4. Tô Hoài (kể chuyện), Mai Long (hoạ sĩ vẽ tranh), Truyện ông Dóng, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 2005
5. Đoàn Công Hoạt, Truyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Ti Văn hoá Hà Tây, 1975.
6. Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh, Tứ bất tử, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1990.
7. Bùi Mạnh Nhị (Chủ biên), Văn học dân gian, những tác phẩm tiêu biểu, Nxb. Giáo dục, 2000.
8. Võ Quảng (kể chuyện), Mai Long (hoạ sĩ vẽ tranh), Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 2005.
9. Viện Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, Danh mục phim hoạt hình Việt Nam 1960-1990, Hà Nội, 1993.

1 nhận xét:

  1. Chưa ai quyết định được viết D hay Gi là đúng. Nhưng nếu đã viết "Ở thôn Gióng Mốt, xã Phù Đổng có một dấu chân khổng lồ..." thì nên thống nhất trong bài viết là Ông GIÓNG

    Trả lờiXóa