Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Giáo dục về biển-đảo cho thế hệ trẻ (Bài 1: Việt Nam)

TS Nguyễn Hồng Kiên

SÁNG 25/11/2011, trên diễn đàn Quốc hội,  Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu:
… chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ hơn, hiện quả hơn đối với vùng biển này.

07:30 (GMT+7) thứ Hai, 28/11/2011, báo Tuổi trẻ có ngay bài Giải pháp đòi lại Hoàng Sa
Các tác giả NGUYỄN THÁI LINH – LÊ MINH PHIẾU – LÊ VĨNH TRƯƠNG (Quỹ Nghiên cứu biển Đông) đưa ra 03 giải pháp:
1- Xác lập chủ quyền
2- Đấu tranh ngoại giao
3- Lập cơ quan chuyên trách
Nhà cháu rất đồng tình với đề xuất trong giải pháp thứ ba:
“… các kinh nghiệm về đấu tranh, kiến thức về đàm phán, pháp luật, lịch sử cũng cần được học tập và ứng dụng một cách lâu dài.
Nhà nước cần phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn dân và kiều bào để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này.
Nhân dân ta thông hiểu đầy đủ thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều trên toàn thế giới.


11:13 thứ Tư 30/11/2011 nhà báo Hải Hà tổng hợp cả 1 bài dài: “Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa bằng cách nào?
Riêng nhà cháu, CHO ĐẾN NAY vẫn rất băn khoăn về chuyện giáo dục về chủ quyền biển đảo cho các thế hệ trẻ. Không hiểu chúng ta đã và đang dạy như thế nào trong các cấp học.
Nhà cháu chỉ được biết từ tháng 3/2010,Ban Tuyên giáo TƯ đang phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) biên soạn bộ tài liệu chuẩn về chủ quyền biển đảo để giảng dạy trong nhà trường”.
Không có thông tin về việc bộ tài liệu ấy đã làm xong chưa. Nhưng thứ Bẩy, 10/09/2011 (TỨC HƠN 1 NĂM SAU) báo Dân trí  của TW Hội khuyến học có bài:Quảng Ngãi: Giáo dục học đường về biển, đảo” đưa thông tin:chiều ngày 9/9, ông Thái Văn Đồng – giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết: “Ngoài nội dung do Bộ GD-ĐT biên soạn, ngành giáo dục Quảng Ngãi tích cực biên soạn bổ sung nội dung liên quan đến đảo Lý Sơn, đặc biệt là những hoạt động như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lịch sử về chặng đường các hùng binh tuân lệnh triều đình nhà Nguyễn ra khơi bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa”. 
Báo Thanh niên hôm 10/12/2011 có đến 2 bài liên quan đến phổ biến thông tin về biển-đảo

1- Bác Thanh Thảo “Chào buổi sáng” ngay trang bìa: Hoàng Sa và bài giảng điện tử. Nhà cháu KHOÁI đoạn:”Chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa là một vấn đề lớn, cần được đưa vào sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý để giảng dạy chính thức trong các trường phổ thông. Trong khi chờ sự điều chỉnh của sách giáo khoa (SGK), rất cần đưa ngay đề tài Hoàng Sa vào các bài giảng ngoại khóa, học thêm, sinh hoạt Đoàn, Đội tại trường. Để học sinh ở nhiều cấp học phổ thông, ở nhiều lứa tuổi được tiếp thu một cách tốt nhất, phong phú và sinh động nhất bài học về Hoàng Sa như một bài học về lòng yêu nước, nên thiết kế những giáo án, bài giảng điện tử phù hợp với từng cấp học. “

2- Trang 15 lại có bài của bác Nguyên Phong giới thiệu sách: Ra mắt sách “Việt Nam và biển Đông. Nhà cháu buồn 05 phút, vì SÁCH gì mà có vỏn vẻn 40 trang ?
Thế rồi, nhà cháu quyết ngồi gõ entry này, dù từng muốn chuẩn bị kỹ hơn về tư liệu.
“Lăn tăn” về chuyện giáo dục về chủ quyền biển đảo cho các thế hệ trẻ TÌNH CỜ tái sinh từ chuyện  nhặt được một cuốn sách giáo khoa Lịch sử lớp Tám trên chuyến xe về Hải Phòng ăn cưới một chú em, từ hôm 22/10/2011.
Nội dung cuốn SGK Lịch sử ấy có 2 phần
Phần một: Lịch sử Cận đại và Hiện đại (từ giữa thế kỷ XVI đến năm 1945)
(Nhà cháu giờ mới biết là SGK đã đưa cả ảnh/tranh biếm vào để tăng phần sinh động. Ví dụ, bài 10 “Trung Quốc giữa thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX” có hình 42: Các nước đế quốc xâu xé “cái bánh ngọt” Trung Quốc

 Vui phết nhờ?)
Phần hai: Lịch sử Việt  Nam từ năm 1858 đến năm 1918.
Cuối bài 25 “Kháng chiến lan rộng ra toàn quốc (1873-1884) có  một câu hỏi và bài tập khá HAY:
– Tại sao nói từ năm 1858 đến năm 1884 là quá trình triều đình Huế đi từ đầu hàng từng bước đến đầu hàng toàn bộ trước quân xâm lược ?
TUY NHIÊN, kẹp trong cuốn SGK này là 2 tập tài liệu in photocopy trên giấy khổ A4.
Một, là văn bản số 8080 của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi các phòng  GD&ĐT quận – huyện – thị xã – các trường trực thuộc, v/v triển khai cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”
Hai, là “Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (25/10/1961 – 25/10/2011)


Cái tập tài liệu thứ hai này mới có nhiều điều đáng nói:
1- Trước hết là về cỡ chữ. Không phải là được photocopy thu nhỏ, mà tài liệu tuyên truyền này được đánh bằng font size 7 hoặc 8 (bình thường là 14)
Mới đầu, chưa đeo cái kính lão lên, nhà cháu lại tưởng đây là 1 tập “PHAO”.
Hóa ra BTC cũng ‘sâu sát’ và hiểu/chiều các cháu ghê.


Khi scane, nhà cháu đã phải đặt thước tỷ lệ, y như khi chụp ảnh hiện vật khảo cổ vậy.
Nội dung tập tài liệu tuyên truyền này có 2 phần:
Phần thứ nhất: Quá trình hình thành và phát triển đường  Hồ Chí Minh trên biển (1961-1975)
Phần này lại mắc đúng bệnh của SGK Lịch sử là dài dòng, quá nhiều số liệu, thông tin quá chi tiết.
Tuy nhiên có 1 đoạn đáng chú ý ở trang 2: “Tỉnh  Trà Vinh thành lập 1 khung cán bộ để đưa thuyền ra bắc, do đồng chí Hồ Văn In (Bảy Thắng) làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn  Thanh Lồng (Hai Tranh) là chính trị viên;
ngày 3 tháng 8 năm 1961 thuyền xuất phát, ra tới  Nha Trang gặp bão, sóng to, gió lớn thuyền trôi dạt sang Ma Cao (Trung Quốc) sau đó đi trở lại hướng  Tây  Nam;
ngày 15 tháng 8 năm 1961, thuyền bị Bộ đội Biên phòng Trung Quốc giữ và đưa về Du Hải- Quảng  Châu;
ngày 16 tháng 8 năm 1961 đại diện Đại sứ quán Việt Nam đón và đưa anh em về Hà Nội, còn thuyền thì Bạn cho Tàu Nam Hải 136 chở sang bàn giao cho Ty Thủy sản Hải Phòng“

Phần thứ hai: Phát huy truyền thống Đường mòn HCM trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, viết thế này:
Cũng trong năm 1978, tình hình trên các vùng biển, đảo phía Bắc đã nảy sinh những vấn đề mới, nhằm củng cố thế trận phòng thủ trên biển, đảo phía Bắc, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chủ trương tăng cường lực lượng và hệ thống cộng sự phòng thủ trên các đảo dọc tuyến Đông Bắc, trọng tâm là đảo Bạch Long Vĩ và đảo Vạn Hoa…
Cuối năm 1987, đầu năm 1988, tình hình trên vùng biển đảo Trường Sa trở nên căng thẳng và phức tạp; thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, toàn Quân chủng tập trung cao nhất mọi lực lượng để triển khai xây dựng và bảo vệ vững chắc các đảo đã xác định trong kế hoạch 3 năm (1988-1990). Trong giai đoạn này, cùng với Lữ đoàn 125, có các tàu của Vùng 4, Hải đội 384 (Cục Hậu cần), Lữ đoàn 171 và Lữ đoàn 649 (Tổng cục Hậu cần) tham gia vận chuyển cho Trường Sa. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu“, cán bộ, chiến sỹ trên các tàu vận tải đã chạy đua với thời gian, vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió, khảo sát, thăm dò, vận tải và chốt giữ đảo, cùng các lực lượng trong Quân chủng tăng cường asc mạnh phòng thủ trên các đảo chìm, đảo nổi.
Năm 1988, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng vận chuyển chiến đấu với khối lượng tăng gần gấp 7 lần so với năm 1987. Các lực lượng vận tải đã huy động hết khả năng, phương tiện, kết hợp với phương tiện của đơn vị bạn và của Nhà nước hoàn thành kế hoạch vận chuyển 46.300 tấn hàng phục vụ cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. 129.453 tấn hàng phục vụ cho sinh hoạt thường xuyên, đạt khối lượng vận chuyển 44.438.686 tấn (trong đó Lữ đoàn 125 đã huy động 318 lần chuyến tàu, vận chuyển 22.564 tấn).
Tổng kết đợt hoạt động CQ-88 (năm 1988), Quân chủng có 4 tập thể và 6 các nhân được tuyên dương Danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó, lực lượng vận tải quân sự có 3 tập thể: Tàu HQ505, HQ931 (Lữ đoàn 125), tàu HQ671 (Vùng 4) và 2 cá nhân là đồng chí Vũ Huy Lễ (thuyền trưởng tàu HQ505), đồng chí Vũ Phi Trừ (thuyền trưởng tàu HQ604) được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.“

Chẳng thấy ĐỊCH ở đâu. Chẳng biết cụ thể là THẰNG NÀO đã gây “căng thẳng và phức tạp”.
Phải tra trên internet nhà cháu mới biết các  AHLLVT Vũ Phi Trừ, Vũ Huy Lễ cùng các con tàu HQ-604 và HQ-505 là nhân vật chính trong sự kiện được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).
Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng một số đảo, đảo chìm, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa và Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Kết quả thắng lợi thuộc về Trung Quốc, phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã hy sinh và quan trọng hơn cả là kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng thêm một số lãnh thổ mà Việt Nam luôn cho là chủ quyền của mình.” (http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa_1988)
Vậy nhưng ở phần “Phát huy truyền thống đường HCM trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới” lại có NHẬN ĐỊNH CỰC KỲ KHÓ HIỂU:
“Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị-xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt; ASEAN tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực.
Những thành tựu, kinh nghiệm của công cuộc đổi mới đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. TUY VẬY, CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TIẾP TỤC THỰC HIỆN ÂM MƯU “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH“, GÂY BẠO LOẠN LẬT ĐỔ, SỬ DỤNG CÁC CHIÊU BÀI “DÂN CHỦ”, “NHÂN QUYỀN”, HÒNG LÀM THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA. Nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đặt ra những yêu cầu mới.“


Và trong 6 BIỆN PHÁP được đề ra, có:
“Tổ chức quán triệt, giáo dục cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo có nhận thức đúng vị trí. vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; tình hình tranh chấp, những tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế biển, đảo và quốc phòng-an ninh, tình hình hiện nay trên biển Đông. NÂNG CAO HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ BIỂN; ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, TĂNG CƯỜNG CẢNH GIÁC, SẴN SÀNG ĐẬP TAN MỌI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO, THỀM LỤC ĐỊA CỦA TỔ QUỐC, GIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, ỔN ĐỊNH TRÊN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO“
CUỐI CÙNG, cả 05 câu hỏi của Cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường HCM trên biển” của Đoàn TNCS HCM tổ  chức CHỈ là:
1/ Bạn cho biết về ngày truyền thống đường HCM trên biển; những bến, bãi của đường HCM mà lịch sử đã ghi nhận, đó là những bến, bãi nào, ở đâu?
2/ Ý nghĩa, tầm quan trọng của đường HCM trên biển đối với cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước?
3/ Những thành tích cơ bản của Đoàn tàu không số trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước?
4/ Hãy cho biết về người thuyền trưởng của Đoàn tàu không số đã được đặt tên cho 1 hòn đảo của nước ta hiện nay? Hãy nêu 1 trong những chiến công của thuyền trưởng đó?
5/ Bạn có suy nghĩ gì về những con người, những chiến công và con đường huyền thoại trên biển mang tên lãnh tụ HCM? (bài viết không quá 2.000 từ)

Chẳng thấy “Ôn cố tri tân” gì hết.
Nhà cháu thấy cái chuyện  ĐỊCH-TA trong tài liệu hướng dẫn cuộc thi này sao TÙ MÙ quá thế.
Thậm chí, chả biết đâu mà lần. Chỉ thấy ĐÂU ĐÂU CŨNG CÓ “CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH”.
Cho dù thế nào cũng phải xác định rõ ràng cho các thế hệ trẻ. Người lớn ai lại thả con cháu mình ra một môi trường “tứ đầu thọ địch” thì chúng sống làm sao?
Muốn vậy phải làm ngay từ việc giáo dục về biển-đảo.
Lịch sử HÀO HÙNG về Đường Hồ Chí Minh trên biển, VỚI ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN, ĐÁNH GIÁ  CHÂN THỰC VÀ KHOA HỌC nên được đưa vào chương trình tại các trường phổ thông.
Nhà cháu cũng nhất trí với BBT báo Đại Đoàn kếtĐưa sự kiện Hoàng Sa vào sách giáo khoa
Nhà cháu cũng nghĩ như bác Thanh Thảo: Từ những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội vừa rồi, có thể thấy lập trường rất rõ ràng, quang minh chính đại của nước ta về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Bây giờ chính là lúc phải bằng rất nhiều cách để đưa ý thức chủ quyền về Hoàng Sa tới các thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh.

(MỜI CHỜ ĐỌC PHẦN HAI: TRUNG QUỐC GIÁO DỤC VỀ BIỂN ĐẢO)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét