Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Niềm vui của riêng ta


Trong bữa ăn, hẳn ai cũng có lần được người khác gắp cho một món gì đó vào bát. Ăn đi. Hoặc, ăn đi, ngon lắm đấy. Hoặc, ăn đi, cái này mới ngon. Gắp cho nhau là một biểu hiện quan tâm đến người khác. Nó còn có cái lý là người Việt khi ngồi vào mâm thì vẫn còn phải giữ ý, làm sao để không mang tiếng là thiếu ăn, là chết đói, chỉ chờ đến lúc có miếng chén mà tung hoành. Vậy nên chủ nhà chủ tiệc mới phải đóng cái vai trò săn sóc, cũng là cách đánh tín hiệu: hãy tự nhiên, tôi ghi nhận rằng vị không phải là người quá hăm hở với cái sự ăn uống. Như vậy là người chủ được tiếng rộng rãi, chu đáo. Người khách được tiếng là nhã trong cái sự dễ bị hiểu nhầm, dễ bị đánh giá sai.
Liệu có thể thay đổi như thế này hay không: khách ngồi vào bên mâm cơm hoặc bàn tiệc, ở tâm thế là tôi sẽ ăn một cách tự nhiên, tôi thích gì thì tôi gắp nấy. Người chủ và những người xung quanh cũng yên tâm về điều đó. Bản thân họ cũng đã, đang và sẽ xử sự như vậy ở những bữa ăn khác. Có nghĩa là một không khí tự nhiên, tùy ý đã được xác lập. Không ai gắp cho ai, không ai áy náy hoặc khó xử.
Quả là nhiều người đã gặp chuyện khó xử. Không thích ăn mỡ, cả bữa mình đã lảng đã tránh đã né đã tạt, nhưng bị gắp ngay cho miếng thịt mỡ trắng nhợt. Một con tôm đỏ au ngon lành bị gắp vào bát, chềnh ềnh ra trước mắt một người dị ứng với tôm. Đang cố ăn cho hết một miếng bánh chưng thì bị gắp thêm cho một miếng nữa. Thế là từ đấy cho đến cuối bữa, cố dền dứ nhùng nhằng với miếng bánh, rồi bỏ thừa lại mà không dám xin đổi bát để ăn món khác... Chưa nói sang chuyện khác, chỉ riêng việc dùng đũa của mình để gắp món ăn cho người đã là không hợp vệ sinh và không nhã cho lắm, nhưng có khi lại tự cho đó là thân tình.
Làm người chủ cũng vất vả. Ta phải đóng cho trọn cái vai săn sóc chu đáo, phải tạo lập một không khí thân tình tự nhiên thoải mái. Để phục vụ cho vai trò ấy của ta, người khách bị hy sinh. Ý kiến của anh ta không được xem xét. Sở thích của anh ta trở nên không nghĩa lý. Ông thích A nhưng ông phải nhận B. Tôi không cần biết ông thích A, tôi không tham khảo ý ông, ý kiến ấy khi làm khách trở nên vô nghĩa lý. Từ bao giờ vậy nhỉ, có cái lệ này? Trong bữa ăn có bao nhiêu món, sao không hỏi khách thích món nào thì mình gắp cho món ấy? Có bao nhiêu loại đồ uống, sao không hỏi khách uống gì, nước lọc, nước ngọt, bia, rượu mạnh, rượu vang...? Thực khách khi ấy được quyền chọn. Hỏi là một thái độ dân chủ và bình đẳng. Chọn là hình thức nhân quyền. Tôi chọn cái này mà không chọn cái khác, vì tôi thích cái này mà không thích cái khác, vậy là tôi có quyền, một cái quyền cơ bản. Không đếm xỉa đến ý kiến của tôi, một miếng ăn không như ý áp đặt vào bát tôi, quyền cơ bản ấy bị vi phạm.
Nhân nói chuyện chọn đồ uống, bỗng nhớ một kỷ niệm. Từ độ bước sang thời mở cửa, mấy thứ đồ uống như pepsi, coca-cola tràn vào, thành đồ sành điệu, thời trang. Bỗng đâu hình hành một khẩu vị mới, trong bữa ăn người ta cũng uống nước ngọt. Bữa tiệc bữa giỗ, đàn ông uống bia rượu, đàn bà và trẻ con cũng phải có cái gì để uống, thế là uống nước ngọt có ga. Bữa tiệc hôm ấy chiêu đãi một đoàn khách Bắc âu đến thăm tỉnh nhà cũng có đủ loại thức uống. Ông chủ không hỏi khách uống gì, nhân viên cứ thế mà rót rượu cô nhắc vào tất cả các chén. Đám khách xin lỗi, buổi trưa chúng tôi không uống rượu. Nhưng mà ở xứ tôi, không rượu không phải là tiệc, lại còn có câu tục ngữ nam vô tửu như cờ vô phong, đàn ông không rượu như cờ không có gió. Ông có biết lá cờ có gió nó như thế nào không? Nó đỏ rực lên, nó phần phật reo vui, nó tưng bừng khí thế. Khách Bắc âu ngoan cố không hiểu, vẫn khăng khăng quyền cơ bản xin không uống rượu. Vậy các ông uống gì?
- Chúng tôi xin nước lọc.
- Các vị không được uống nước lọc! – Chủ nhà cảm thán.
Khách ớ ra, không hiểu.
- Các vị á, các vị thì phải uống côca!
Đám khách ngoại quốc lại càng ngớ người, chẳng hiểu tại sao cái giống mình thì phải uống côca. Một thứ nước ngọt có ga có chất gây nghiện. Không hiểu ông chủ nói vậy là hàm ý gì. Sự vênh nhau ở chỗ này, người ta gọi là sốc văn hóa.
Người Việt ta thì ai cũng có thể lý giải giúp ý kiến của ông sếp nọ. Đã không uống bia rượu thì phải uống một thứ có giá trị, chứ không phải là nước lọc. Tôi thấy côca là thời thượng, là giá trị, là ngon hơn, tôi thích và tôi nghĩ là ông cũng thích. Vấn đề là ở chỗ này đây, cái gì mình thích thì tức là người khác cũng phải thích. Người Việt đã có câu suy bụng ta ra bụng người. Không có vấn đề khác biệt của mỗi cá thể. Cái khác biệt nếu có cũng không được đếm xỉa. Tôi thích. Ông là khách quý, tôi mời ông cái tôi thích, tôi không cần biết ông có thích hay không.
Đi công tác về các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi, giới công sở hầu như ai cũng có những kỷ niệm vui hoặc kinh hoàng về việc bị ép rượu. Đội ngũ lãnh đạo cơ sở, mỗi người mời một chén, hết một vòng đến chục người thì quay lại vòng hai... cứ thế, sao cũng có khách hoặc chủ nằm thẳng cẳng. Đời thế mới vui. Lại nói chuyện vui. Một ông địa phương nâng chén rượu mời. Ông khách từ chối. Ông chủ bảo: Anh không uống thì tôi không vui. Khách nghĩ bụng, nhưng tôi phải uống thì tôi không vui. Sao ông chỉ nghĩ đến niềm vui của riêng ông mà không đếm xỉa đến niềm vui của tôi?
Vậy là cái lý sâu xa đã bộc lộ. Suy cho cùng là để thỏa mãn niềm vui của riêng ta. Sự áp đặt sở thích của người này lên người khác. Sự triệt tiêu ý kiến đa chiều và tự chủ, triệt tiêu sự phong phú đa dạng, tính nhiều màu sắc của đời sống. Và tất cả chỉ là để đem lại niềm vui cho người áp đặt.
Gần đây nghe nói một số tỉnh bắt đầu thực hiện việc không rượu cồn trong giờ làm việc. Cũng mong những tín hiệu như vậy được phát lên tỏa ra trên diện rộng. Ở đây chưa nói đến chuyện mặt trái của chất cồn bị lạm dụng trong công sở mà là khía cạnh quyền con người.
Một khi ý kiến cá nhân không được hỏi đến, mà cá nhân phải tuân phục thị hiếu và sở thích của đám đông, thì dần dần con người cũng có tính a dua. Theo số đông. Đám đông là sức mạnh. Là niềm tin. Theo đám đông là an toàn. Lẫn trong đám đông là có tính quần chúng và ít bị để ý. Giữa đám đông thì được yên thân và làm ăn dễ dàng hơn. Một tinh thần đồng phục bao phủ. Xe máy xe hơi theo nhau sử dụng một loại thịnh hành, một màu thịnh hành. Không hẳn đã thấy cái ấy là đẹp nhưng vì nó được nhiều người coi là đẹp, có bán lại cũng được giá. Quán phở tiệm ăn đông người tức là ngon. Không ai nghĩ rằng cái quán đông người ấy có khi chỉ là khẩu vị của đám đông, mà đám đông bây giờ thì nhiều dầu nhiều mỡ, béo và ngấy, nhiễu và tạp, hỗn độn và xô bồ. Quán đông người ăn hầu hết đều vậy. Có lần nói về ẩm thực thì một người bạn ở Huế bảo: Món ăn ở Huế giờ không còn thuần Huế, người nhập cư đến từ nhiều vùng đất, món ăn cũng pha tạp do khẩu vị người ăn đã khác, người nấu cũng đã khác. Nghe có lý. Không chỉ với món ăn Huế, miếng ngon Hà Nội giờ cũng chẳng thuần khẩu vị Tràng An. Sài Gòn cũng vậy.
Ta thường thấy một hiện tượng như thế này: khi có tai nạn giao thông, một đám đông lập tức quây lại trên đường. Nếu hai đối tượng gây tai nạn là người đi bộ và xe đạp, thì người đi bộ được bênh. Nếu là xe đạp với xe máy thì xe đạp được bênh. Nếu là xe máy với ô tô thì xe máy được bênh. Tất nhiên lũy tiến theo lối to dần đều như thế, nếu ô tô với máy bay thì ô tô sẽ được bênh. Tức là kẻ nhỏ bé hơn, yếu thế hơn sẽ được bảo vệ, ngay cả khi chính kẻ yếu thế gây ra chuyện. Đấy là cái lý của đám đông ủy mị xót thương, trái tim lầm chỗ để trên đầu. Theo cái lý ấy, cái yếu đi theo chiều chiến thắng cái mạnh.
Ẩm thực thì theo chiều ngược lại: cái “mạnh” sẽ đi theo chiều khống chế cái “yếu”. Giữa rượu mạnh và bia thì bắt mọi người phải cùng uống rượu. Giữa bia và côca thì bắt mọi người phải cùng uống bia. Giữa côca và nước lọc thì bắt mọi người phải côca.
Sẽ không bao giờ có chiều ngược lại: giữa cá và thịt, có vài người đề nghị được ăn thịt, một người giẫy lên: Các vị á, các vị thì phải ăn cá. Giữa rau và cá, lại giẫy lên: Các vị á, các vị thì phải ăn rau. Cá lên ngôi. Rau lên ngôi. Và khống chế tất cả. Rau áp đặt cá. Cá áp đặt thịt. Thịt áp đặt vây cá mập và thịt cá voi... Cũng thế với việc đối ẩm: nước ngọt lên ngôi. Nước lọc lên ngôi. Nói vậy thì thành chuyện cười.
Nhưng tôi nghĩ nó không thể là chuyện buồn cười, nếu ở những nước thiếu rau và nguồn nước cạn kiệt, rau đắt, nước đắt. Cộng thêm con người ở đấy cũng không quen nghe ý kiến riêng của người khác, không thích một bản hòa âm, một tổng phổ đa màu đa sắc. Lúc ấy bạn sẽ bị ép ăn rau và uống nước lọc.
Hồ Anh Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét