Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Nước Pháp mừng nhà nhân học Claude Lévi-Strauss trăm tuổi

Nước Pháp mừng nhà nhân học Claude Lévi-Strauss trăm tuổi
Bảo Thạch


Là một nhà triết học chọn một lối đi không có sẵn, một thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, Claude Lévi-Strauss đã từng tuyên bố : chưa bao giờ ông muốn thay đổi thế giới này về mặt chính trị.
Khi ta nhìn sát vào cuộc đời và cuộc chiến đấu của Claude Levi -Strauss, nhan đề cuốn sách của Gabriel Garcia Marquez đột ngột hiện lên trong đầu ta : "Trăm năm cô đơn". Một cuộc đời thế kỷ đã đi hết cái thời của mình. Đi ngược lại mọi thứ mốt, dường như cuối cùng ông đã không yêu cái thế kỷ này. Thế kỷ thuộc về ông là thế kỷ 19 và 18. Những tác giả quan trọng của ông là Jean Jacques Rousseau, François-René de Chateaubriand.

Ông đã giữ lại từ các bậc thầy tư tưởng này sự nhạy cảm vô cùng lớn đối với mọi sinh linh, mọi vật thể, đối với thế giới tự nhiên, và các phong cảnh của thế giới nội tâm. Để rồi sau đó, ông cũng sẽ tiến hành mô tả cái hiện thực sống sượng, nhưng là với một phong cách thơ. Nhân vật Đông-ki-sốt trong dân tộc học này xuất thân từ một dòng họ Do Thái vùng Alsace.
Cha ông là họa sĩ, ông nội là rabbin – một chức sắc trong đạo Do thái. Levi-Strauss kể rằng, ông đã chứng kiến được ngay từ sớm phong trào bài Do thái trong giờ chơi tại trường học, và cũng đã sớm phát hiện ra một cách đột ngột rằng mình đã bị cả một cộng đồng, mà bản thân ông trước đó vẫn tin mình là một thành viên khăng khít, chống lại.

Thực tế này đã dẫn chàng thanh niên đến chỗ giữ một khoảng cách với hiện thực đương thời. Phải chăng chính cái khốc liệt của thực tế vốn đã dẫn ông đến với các thổ dân châu Mỹ ở vùng Amazone ấy, đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng về sứ mệnh để khiến ông trở thành một nhà nhân học quan trọng nhất của thế kỷ XX?

Không có thể nói được gì chính xác về điều này. Là một nhà triết học chọn một lối đi không có sẵn, một thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, Claude Levi-Strauss đã từng tuyên bố : chưa bao giờ ông muốn thay đổi thế giới này về mặt chính trị. Nếu tôi viết, ông nói, và tôi chụp các bức ảnh này, chính là để bảo tồn lại những ký ức về cái thế giới đang biến đổi trước mắt chúng ta, một di sản mênh mông thấm đẫm hương vị của tha nhân.

Quy tắc cấm loạn luân

Trong các tác phẩm lớn của Levi-Strauss, có quyển Các cấu trúc cơ bản của quan hệ thân tộc (Structures élémentaires de la parenté) hay các quyển mang tên Nhân học cơ cấu 1 và 2 (Anthropologie structurale) trong đó, ông nêu bật những hình thức bất biến ví dụ như quy tắc cấm loạn luân.
Claude Levi-Strauss coi việc cấm loạn luân như là nền móng của sự phân chia giữa thiên nhiên và văn hóa. Thiên nhiên tuân theo các qui luật mà không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào. Các hành tinh trong vũ trụ đi theo các lộ trình tuân thủ các qui luật do nhà vật lý thiên văn Kepler phát hiện ra, ngược lại, văn hóa cấu thành nên một thế giới với các qui tắc có thể điều chỉnh được : ví dụ mầu trắng là cái tượng trưng cho việc tang ở Nhật Bản, trong khi ở phương Tây, lại được tượng trưng bởi mầu đen. Tuy vậy, trong tất cả các xã hội, đều tồn tại một quy luật chung, đó là việc cấm loạn luân. Chúng ta có thể luôn luôn tìm thấy các qui tắc cấm một số quan hệ liên minh hôn nhân trùng với một số các quan hệ mà chúng ta gọi là các quan hệ máu mủ.
Việc cấm loạn luân như vậy đối lập với sự quần hôn của thế giới động vật. Việc cấm lọan luân này là chung đối với tất cả các xã hội, nhưng nó lại biến thiên tùy theo từng nhóm khác nhau : ở châu Âu theo Thiên chúa giáo, việc cấm loạn luân này chủ yếu liên quan đến những thế hệ tiền bối và các hậu duệ trực tiếp, và các thành viên của một tộc họ, trong các xã hội khác, nó liên quan đến tất cả các thành viên của một gia đình rất rộng, trong một xã hội khác nữa, việc nghiêm cấm loạn luân lại đi kèm với một nghĩa vụ hôn nhân với một hôn hay hôn phụ thuộc vào một nhóm khác của dòng họ.
Như vậy, một cậu con trai phải cưới một cô gái, ra đời từ cuộc hôn nhân của người anh em với cha mình – gọi là "người em họ song song" – trong khi cuộc hôn nhân với một người con gái xuất thân từ cuộc hôn nhân của chị em của cha mình – một "người em họ giao chéo" - lại bị cấm. Hôn nhân, vả lại, theo Levi-Strauss, không phải là để đáp ứng các nhu cầu của đời sống tình dục, mà là các nhu cầu kinh tế : "Chính là nhờ sự phân chia lao động giữa hai giới mà việc hôn nhân trở nên có thể thực hiện được" (trích trong tiểu luận « Gia đình », trong Cái nhìn cách biệt, Nxb Plon, 1983).
Đối với Levi-Strauss việc cấm kỵ lọan luân này là một trong ba hình thức trao đổi cấu thành nên xã hội : trao đổi các phụ nữ, trao đổi các biểu trưng, và trao đổi các tài sản.
Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, học thuyết cấu trúc và can quan niệm của Claude Levi-Strauss ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nghệ thuật, văn học, chính trị và triết lý.

Đền tháp Bharut ở Ấn Độ tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử Phật giáo
Ngay tại Việt Nam, học thuyết này của Claude Lévi-Strauss đã hấp dẫn nhiều học giả. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, trong tập sách tôn vinh Nguyễn Từ Chi, một nhà văn hoá xuất sắc của Hà Nội, đã kể lại rằng : Có lần đã lâu, khi học thuyết cấu trúc Levi-Strauss còn mới lạ với giới khoa học Việt Nam, không nề hà, ông Từ Chi đã trình bày liền 4 buổi cho một số nhà nghiên cứu của Viện Dân Tộc học Hà Nội và các viện bạn. Kết quả gây nên rắc rối với ông Từ Chi.

Tác phẩm "Miền Nhiệt đới Buồn"

Đây là kể một câu chuyện đã xưa. Nhưng với bạn đọc, khi cầm các tác phẩm của Levi-Strauss trong tay, chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều điều mới lạ. Đối với quảng đại đọc giả ở Pháp thì thân thuộc nhất trong các tác phẩm của Claude Levi-Strauss là tập ký sự mang tên : Tristes Tropiques - Miền Nhiệt đới Buồn - xuất bản năm 1955.
Xin tiết lộ với những ai muốn đọc Levi-Strauss, sự ngạc nhiên thú vị của bản thân tôi, và niềm say mê với tác phẩm này khi khám phá dưới ngòi bút của ông tính vượt trội của Phật giáo, so với Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, bởi vì theo Levi-Strauss, trong đạo Phật không có thiên đàng hay điạ ngục.

Ông viết, trang 489, như sau : ''Con người đã 3 lần nổ lực xây dựng 3 tôn giáo lớn để tự giải phóng khỏi nổi ám ảnh của hình bóng những kẻ đã lià đời, của cái xấu, cái ác hiện về từ cỏi âm, và để thoát lên trên nổi sợ hãi ma thuật.
Con người đã thiết kế theo trình tự thời gian, Phật giáo, rồi Thiên Chúa giáo và cuối cùng là Hồi giáo. Mỗi tôn giáo này nẩy sinh cách nhau khoảng 500 năm. Thật vô cùng ngoạn mục, quan sát thấy mỗi chặng đường tiếp nối này, thay vì đánh dấu một bước tiến so với chặng đường trước, lại bộc lộ một sự thụt lùi !

Đối với Phật giáo, không có Thiên Đàng, không có sự sống sau cái chết. Bởi vậy Phật giáo thể hiện sự phê phán triệt để nhất và loài người sau này, đã không thể đi xa hơn. Trong Phật giáo, nhà Hiền triết tìm thấy sự giải thoát trong việc chối từ ý nghiã của vạn vật và của con người. Hành vi này đã xóa bỏ vũ trụ và cũng xóa bỏ luôn cương vị tôn giáo của mình.

Đến sau Phật giáo, Thiên Chúa giáo đã sa vào nỗi sợ, Thiên Chúa giáo tái lập thế giới bên kia cuộc sống, với những niềm hy vọng, những mối đe dọa và ngày phán xét cuối cùng.

Đạo Hồi, sau Thiên Chúa giáo đã nối tiếp chặng đường này và hoà nhập cõi đời với đạo giáo. Trật tự xã hội được tân trang với sức mê hoặc của điều siêu nhiên, chính trị trở thành thần học.''

"Thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong"

Sau cả một chương dài tôn vinh Phật giáo như trên, Claude Levi-Strauss kết luận : Con người chỉ sáng lập được điều kỳ vĩ ở thuở ban đầu. Ngày nay, thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong được dự báo : ông thốt rằng : '' thế giới này đã khởi đầu khi chưa có bóng dáng con người và thế giới này cũng sẽ tàn lụi khi không còn con người".

Dường như đối với ông, khoáng vật, thảo vật và động vật hiện hữu một cách ngang bằng với con người. Đối với những ai còn đa nghi ông nói : "Hãy chiêm ngưỡng một thạch thể đẹp hơn mọi công trình sáng tạo. Hãy chiêm nghiệm mùi hương thơm toát lên từ một đoá huệ, tinh tế hơn tất cả những quyển sách chúng ta từng thảo ra. Hãy tìm đến cái nháy mắt đồng cảm, nhưng không chủ tâm, với một chú mèo, đậm tính nhẫn nại, thanh thản và bao dung''.
Tristes Tropiques, Miền Nhiệt đới Buồn chấm dứt với lời an ủi kể trên.



Bài viết cũ nhưng hay về nhà nhân học vĩ đại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét