Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

DI TICH CU THACH GAN 2000 NAM TUOI O CHAN NUI TAM DAO, VINH PHUC

Di tích cự thạch gần 2.000 năm tuổi ở chân núi Tam Đảo

Di tích gồm một tấm đá phiến magma biến chất (gọi là tấm trần) có hình giống con thuyền dài hơn 3 mét, rộng hơn 1 mét và dày gần 0,5 mét, hai bề mặt khá phẳng được gia công tạo dáng có chủ đích.
Đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học và ĐH Văn hóa Hà Nội vừa phát hiện một di tích cự thạch có niên đại gần 2.000 năm xã Đại Bình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý, ở mỗi đầu tấm đá được kê cao trên 2 tảng đá to hình nêm chôn rất sâu trong lòng đất. Cả 4 tảng đá kê phía dưới có cùng chất liệu với tấm trần bên trên.
Tiến sĩ Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khai quật cho biết, loại di tích này còn rất ít và hiện được tìm thấy ở Xín Mần (Hà Giang), Hòa An (Cao Bằng), Nà Hang (Tuyên Quang), Lục Nam (Bắc Giang), Tiên Du (Bắc Ninh)... Đây là loại hình di tích Dolmel, một trong những loại hình của văn hóa Cự Thạch (văn hóa Đá lớn). Di tích Dolmel ở Tam Đảo có cấu trúc tương tự với di tích cự thạch ở Cao Bằng, Bắc Giang và Sóc Sơn (Hà Nội).
Dolmel được phát hiện nhiều nơi trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, loại di tích này được tìm thấy nhiều ở Lào, Malaysia, Indonesia... Trong quá trình nghiên cứu và khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật được chôn theo như đồ đá mài, đồ gốm, đồ kim loại bằng đồng hoặc sắt.
Việc xác định niên đại cho di tích cự thạch Tam Đảo được đặt trong mối liên hệ so sánh với các di tích đồng loại trong khu vực. Di tích này có niên đại cách ngày nay khoảng gần 2.000 năm, phù hợp với những tài liệu khảo cổ học về loại hình di tích Đá lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện, việc xác định ý nghĩa của các kiến trúc Dolmel còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng di tích này có thể liên quan đến tục thờ Thần Đá của các cư dân tiền sử nơi đây. Đoàn khai quật hy vọng, di tích này sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong thời gian tới.
(Theo TTXVN)
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/05/3BA0F35F/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét