Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

 

Nghề chế tác đồ vàng bạc và kim hoàn khác của Champa

Trích từ ĐTNCKH NAFOSTED

Một số vấn đề xã hội Champa qua nghiên cứu khảo cổ học

                                  Mã số: IV.1.2-2012.18

                                                                                    Lâm Thị Mỹ Dung

         

Tài liệu thư tịch. Thư tịch cổ cho biết Champa rất giàu có về đồ vàng bạc, đá quý, miền Trung Việt Nam nhiều mỏ vàng và trong lịch sử nhiều cuộc cướp phá từ bên ngoài đa phần bắt nguồn từ sự giàu có của vương quốc[1].  

          Tài liệu văn bia. Trong các văn bia được phát hiện từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay cũng đã miêu tả một khối lượng lớn bằng bạc và đá quý được dùng làm đồ trang sức và đồ trang trí. Tài liệu của Henri Parmentier (1918) cho thấy trên một số văn bia ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), Po Nagar (Nha Trang) đã khắc họa việc sử dụng các kim loại quý như vàng bạc, các loại đá bán quý, đá quý, ngọc trai để làm Kosa và các vật dụng trang trí trên Kosa[2] (Hình 65).

Hình 65. Văn bia miêu tả việc chế tác và sử dụng Kosa bằng vàng bạc và đá quý

(Nguồn: Nguồn János Jelen, Jean Francos Hubert, Anne Velérie Schweyer, Cao Xuân Phổ và Ngô Văn Doanh 2008)

 

  Tư liệu dân tộc học lịch sử. Theo thống kê của tác giả Lương Ninh (Lương Ninh 1998: 670-672) thì có 10 địa điểm cất giữu “kho tàng cổ” của các vua Cham với 53 hiện vật bằng vàng và 259 hiện vật bằng bạc cùng với hàng trăm hiện vật khác bằng đồng, sắt, thiếc…. Theo đó, có 2 kho ở Bình Thuận là kho Tịnh Mỹ, Thanh Hiếu và 03 kho ở Ninh Thuận là kho Phước Đồng, Hậu Sanh, Hữu Đức; 05 kho được lưu trữ bảo quản bởi các tộc người Churu, Lat, Cơ Ho. Những kho báu này được coi là nơi lưu giữ đồ thờ của các đền Po Klong Mohnai, Po Klong Gahul, Po Klong Garai, Lavang, Po Nagar với nhiều loại hình hiện vật như vương miện, hoa tai, vòng, y phục, v.v. Và hiện nay, chỉ còn một bộ sưu tập ở kho Tịnh Mỹ (kho báu Bà Thiềm) được bảo quản trong nhân dân những cũng thiếu hụt nhiều hiện vật vàng, bạc, vò, bát, hộp, v.v. Tuy nhiên, thống kê này chưa thực sự đầy đủ bởi trước đây người Pháp đã công bố nhiều kho báu vật của người Champa. Các kho tàng này lần đầu tiên biết đến bởi Villaume, P; sau đó Parmentier, H và Durand, E.M (1905), Clayers, I.Y (1928), Ner, M (1929 – 1930), Dournes, J (1955) và Nghiêm Thẩm (1957-1960) đã khảo sát 18 địa điểm lưu giữ kho tàng của các vua Chàm như ở thung lũng Phan Rang (Ninh Thuận, Bình Thuận), một số được lưu giữ trong cộng đồng của người Cơ Ho, người Chu Ru trên đất Lâm Đồng. Các địa điểm hay kho báu này có chứa các loại đồ thờ cúng, vũ khí, đồ dùng dụng cụ văn phòng và đồ gia dụng bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gốm, hòm gỗ, đồ trang sức và cả các loại y phục, v.v. Các kho báu này nằm trong khung niên đại khoảng đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Trong các kho báu này chứa các đồ vật kiểu Việt, Trung Hoa, Ả rập, kiểu Châu Âu…, song các cồ vật mang đậm truyền thống văn hóa Champa như các đồ y phục, đồ trang sức hoặc đồ thờ cúng chiếm đa số.

          Di vật và di tích khảo cổ học:                                    

          Thứ nhất, rất ít di vật kim loại quý tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học xác định được niên đại và nguồn gốc chính xác, giống như nhiều đền tháp Hindu giáo khác, đền tháp Champa thường có hố thiêng nơi chứa những đồ quý, nhưng nhiều hố thiêng đã bị đào trộm trước đó.

          Thứ hai, do tính chất của hiện vật, sau khai quật được cất giữ lập tức vào kho bạc người nghiên cứu không có cơ hội nghiên cứu sâu, chưa có bất cứ dự án nghiên cứu vàng, bạc Champa nào được tiến hành như kiểu Dự án Nghiên cứu Vàng cổ trong đó có đồ vàng Sa Huỳnh đã bắt đầu có kết quả (Reinecke A và nnk.,2014: 52-63).   

          Mặc dù vậy, trong một vài cuộc khai quật trước đây của học giả Pháp và sau này của Việt Nam phát hiện một số hiện vật vàng, bạc... thường là ở những hố thiêng trong các di tích đền tháp.

Việc khai quật và nghiên cứu các đền tháp Champa ở khu đền tháp Mỹ Sơn cũng đã ghi lại việc tìm thấy các hiện vật bằng vàng bạc và đá quý, chẳng hạn như một sưu tập trang sức bằng vàng thu được trong di tích kiến trúc đền thờ C7 bao gồm 01 mũ Kiritamukuta bằng vàng, 03 đôi vòng vàng ở bả vai, đeo ở cánh tay và lồng vào cổ chân với bản lề và chốt hãm, 02 chuỗi hạt, 02 bông tai và 02 cánh hoa bằng vàng có gắn hạt đá ở giữa, 02 bó nhỏ lá vàng, 02 linga nhỏ bằng vàng có gắn trên 01 yoni bằng bạc (Lê Xuân Diệm và Vũ Kim Lộc 1996: 130; Vũ Kim Lộc 2005: 719-734) (Hình 66).

Hình 66. Đồ trang sức bằng vàng ở Mỹ Sơn

 (Nguồn fonds Vietnam EFEO_VIE23053)

          Aurousseau  công bố bộ sưu tập hiện vật bằng nhiều chất liệu trong đó có đồ vàng, bạc, đá quý được chôn dưới nền của 2 di tích tháp trong khuôn viên ngôi đền Ratna-Loke’s vara (Phật Quan Âm) ở địa phận thôn Đại Hữu (Quảng Bình) có niên đại cuối thể thế IX đầu thế kỷ X. Các hiện vật đều được chôn ở độ sâu 4m trong 2 khu tháp phía Bắc và phía Nam với các loại hiện vật như đồ gốm (vò gốm), vàng (lá vàng cắt hình hoa sen, vò bằng vàng có nắp đậy, nhẫn hoặc khuyên tai bằng vàng), ngoài ra còn có những viên đá thạch anh và những vò nhỏ bằng kim loại khác (Aurousseau 1926a: 359-362) (Hình 67).

 

Hình 67. Một số đồ vàng trong khu đền tháp Đại Hữu

(Nguồn Aurousseau 1926a, hình 14)

Ngoài ra, Aurousseu  cũng công bố các hiện vật bằng vàng bạc được tìm thấy trong cuộc khai quật và nghiên cứu di tích đền tháp Champa ở làng Trung Quán, di tích này có hình chữ nhật, xây bằng gạch, nằm giữa nền tháp là 01 lá vàng nhỏ dập hình con rùa nhỏ, 01 vò bằng vàng nhỏ có nắp đậy và trong vò này có 20 viên đá quý màu trắng trong suốt, màu lơ nhạt, màu lục hoặc màu hồng tím, 02 lá vàng chồng lến nhau và lá vàng ở dưới thì cắt thành hình hoa sen nở (Arurousseu 1926b:363-365) (Hình 68).

 

 

Hình 68. Một số đồ vàng, đá trong khu đền tháp Trung Quán

(Nguồn Aurousseau 1926b, hình 22)

 

 Trước đó thì Parmentier (1909) cũng đã ghi lại những kho báu vật được tìm thấy như các kho báu trong nhóm đền tháp Po Nagar (Nha Trang) vào những năm 1905-1906 cũng phát hiện vài “kho vật thiêng” cất dấu cẩn thận ở các tháp phía Tây, Tây Bắc và Nam của khu đền trung tâm. Ở các khu này có chứa các mảnh vàng hình vuông (phía Tây là 260 mảnh, phía Tây Bắc không có số lượng cụ thể song có nhiều mảnh vàng thuộc loại này), các mảnh vàng hình chữ nhật (10 mảnh trong đó chạm hình voi đang đi ở cả hai khu vực Tây và Tây Bắc và 01 mảnh có chạm hình rùa đang bò ở khu vực phía Tây, ngoài ra còn chạm hình con thằn lằn hoặc cá sâu), 2 chiếc vòng vàng có mặt cắt hình tam giác, 01 mảnh vàng cắt hình bông hoa 8 cánh, 01 sợi dây bằng vàng dài khoảng 2m (?), 01 mảnh hình chữ nhật bằng bạc và 04 chiếc vò gốm thô. Niên đại chung vào khoảng nửa đầu thế kỷ IX và ngoài ra một kho vật thiêng khác được cất dấu trong lớn nền móng ngôi đền Satyavarman dựng vào cuối thế kỷ VIII (năm 781), trong kho này có 01 bình đồng có nắp bằng vàng, 01 hộp bạc có kiểu dáng Trung Hoa và nhiều hạt đá quý, đá ngoc, thủy tinh thiên nhiên và 01 hiện vật bằng sắt. Một kho khác nữa được cất dấu trong tường gạch gần đỉnh tháp được xây vào thế kỷ XII có 02 đĩa bằng đồng, 01 đĩa bằng sắt, 01 đĩa bằng kim loại màu trắng, 01 đĩa bằng bạc và 03 đĩa bằng bạc có cắt thành hình hoa 8 cánh, có dấu chạm thô ở giữa, ngoài ra còn 01 đĩa bằng vàng, 01 mảnh vàng ở rìa có tạc hình làn sóng với những vảy thô, 01 lá vàng có chạm hình con rùa có vảy thô, 01 lá vàng hình con voi và nhiều mảnh vàng khác (Hình 69).

 

Hình 69. Vòng tay và trâm vàng tìm thấy ở tháp Nam, khu đền tháp Po Nagar

(Nguồn fonds Vietnam EFEO_VIE23038,VIE23039 ) 

 

Tại nhóm đền tháp Hoà Lai khi xử lý những hố thiêng/hố thờ, những nhà khảo cổ học đã phát hiện những mảnh vàng có khắc hình, dây kim loại vàng, đai đồng, trong đó có hiện vật hình hoa sen 7 cánh khá giống với những hiện vật ở Đại Hữu và Trung Quán Quảng Bình, ngoài ra có những mảnh vàng hình rắn, hình voi... (Bùi Chí Hoàng 2015: 40-41).

Trước đây người Pháp cũng công bố một sưu tập đồ thờ bằng kim loại quý lưu giữ ở khu đền tháp Hoà Lai (Hình 70). 

Hình 70. Nhóm đồ nghi lễ lưu giữ tại tháp Hoà Lai

 (Nguồn fonds Vietnam EFEO_VIEO1059) 

          Nhóm hiện vật vàng gồm bát nhỏ, cốc bằng vàng tìm thấy trong khi đào gia cố chân móng phía nam tháp Cổng, nhóm tháp Pokloong Garai, ở độ sâu 1m so với mặt bằng nền tháp (Hình 71). Những hiện vật này sau đó đã bị chính quyền địa phương thu giữ trước khi những người khai quật xử lý và thu thập thông tin, số phận của những đồ vàng này sau đó không ai biết (Nguyễn Hồng Kiên và nnk., 1991: 227), về chức năng của những đồ vật này cũng khó có thể xác định chính xác, từ vị trí tìm thấy thì có lẽ đây là những đồ liên quan đến nghi lễ thực hành khi xây dựng đền tháp.

Hình 71. Hiện vật tháp Pô Kloong Garai Phan Rang Ninh Thuận 1983

 (ảnh chụp của Nguyễn Hồng Kiên)

 

  Trong ngôi mộ Gò Đua (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được đào năm 1987 có chôn theo một số hiện vật bằng vàng bạc (song đã bị thất lạc) như 01 chiếc mũ đội bằng bạc, 01 mảnh giáp che ngực bằng bạc, đai bịt mồm ngựa và bàn đạp ngựa bằng bạc, một mảnh vỡ bằng bạc trông giống như cái muôi có miệng hình bầu dục và có 10 chữ Cham cổ ở gần miệng, 01 mảnh vàng dát mỏng có hoa văn dập nổi hình vòng xoắn đối xứng nhau, 02 hoa sen bằng vàng lá trong mỗi bông hoa có hai lớp cánh, mỗi lớp có 06 cánh bằng nhau và ở giữa có nạm một hạt đá mùa xanh, dưới cánh được màu nhọn, 01 chiếc nhẫn hình chim công (Đinh Bá Hòa 1988: 220). Đồ trang sức bằng vàng bạc còn được tìm thấy ở Nhơn Hậu (An Nhơn, Bình Định) trong những năm 90 bao gồm 01 chiếc hộp và 01 chiếc đĩa bằng bạc cùng với 02 mảnh vàng dát mỏng có đục thủng và được xâu với 01 sợi dây vàng nhỏ (Đinh Bá Hòa 2000: 712-713).

          Năm 2012 tại cuộc khai quật khu đền tháp Cấm Mít thôn Cẩm Toại, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng, gồm ba ngôi đền nằm theo trục bắc nam, cửa quay hướng đông, trong hố thiêng dưới đáy chia thành các ô khám đã tìm thấy một số hiện vật kim loại vàng, hạt chuỗi thạch anh, đá cuội và tinh thể thạch anh, những di vật này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng (Hình 72).

Hình 72. Một số hiện vật trong hố thiêng khai quật năm 2012 ở đền tháp Cấm Mít

Ảnh chụp năm 2015, Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng

         

          Trong hố thiêng khu đền tháp Phong Lệ, phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng khai quật tháng 3 năm 2011 tìm thấy một số mảnh vàng, tinh thể thạch anh, đá cuội (Hình 73).

Hình 73. Một số hiện vật trong hố thiêng khai quật năm 2011 ở đền tháp Phong Lệ

Ảnh chụp năm 2015, Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng

 

          Tóm lại, từ những dẫn liệu trên đây có thể thấy đồ trang sức hay các sản phẩm kim hoàn của cư dân văn hóa Champa đã được ghi chép và lưu giữ từ nhiều nguồn khác nhau như trong sử liệu, trên các văn bia, trong những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học, hay trong các sưu tập tư nhân (Hình 74), trong các bảo tàng hay trong các kho báu của Hoàng gia Cham. Nghiên cứu về các đồ vật bằng vàng bạc có một lịch sử lâu đời, đồ trang sức và các sản phẩm kim hoàn được nhắc đến như một đặc trưng của văn hóa Champa song cho đến nay mới chỉ có một số ít nghiên cứu về cách chế tác các đồ trang sức và đồ nghi lễ của văn hóa Champa như Kosa.

IMG_0554 - Copy

Hình 73. Đồ trang sức bằng vàng sưu tầm ở Trà Kiệu

(Hiện vật trong sưu tập của linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng, Trà Kiệu)

Cũng không có bất kỳ một nguồn tài liệu nào nói về nguồn nguyên liệu dùng trong chế tác các sản phẩm vàng bạc của cư dân văn hóa Champa, tuy vậy, một khối lượng lớn vàng bạc được đem làm cống phẩm và được đem nấu thành tượng hoặc một khối lượng lớn vàng bạc và đá quý được đem để chế tác Kosa ghi trên văn bia cho thấy nguồn nguyên liệu ở đây chủ yếu là vàng nguyên chất, hoặc là các nguyên liệu bằng bạc hoặc đá quý dùng cho chế tác các sản phẩm.

Về kỹ thuật chế tác, cư dân Champa sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, các dụng cụ như búa, cưa, dũa, cây đánh bóng và nhiều loại mũi nhọn, v.v. Việc chế tạo mỗi loại hiện vật hoặc loại sản phẩm khác nhau có những quy trình, kỹ thuật khác nhau dựa vào một số nghiên cứu và thực nghiệm thì đồ kim hoàn mà cụ thể là vàng bạc đã sử dụng các kỹ thuật như chạm, đúc, hàn gắn, nạm... Nghệ nhân Vũ Kim Lộc đã nghiên cứu những dấu vết trên một số hiện vật bằng vàng Champa, làm thực nghiệm và cho rằng chất khằng đã được sử dụng trong chế tác đồ vàng, bạc (Vũ Kim Lộc 2002 và 2005).  

Và như nhiều văn hoá chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, Champa ưa chuộng sử dụng đồ vàng, bạc, đồng, không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng mà cả trong những sinh hoạt đời thường, vàng bạc là những chỉ định chắc chắn về vị thế xã hội, sự giàu có và mức độ hào phóng của con người với con người, với thần linh.

 



[1] Có thể thấy, một khối lượng lớn những hiện vật vàng bạc và đá quý cũng như đồ trang sức đã được ghi lại trong sử liệu của Trung Quốc từ rất sớm. Trong thư tịch cổ của Trung Quốc đã miêu tả khá chi tiết: Vua mặc áo cổ bối, bạch diệp, trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng kết thành chuỗi…; (vợ vua) mặc vải cổ bối tiêu hà, mình trang sức đầy dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai. Cũng theo sử liệu Trung Quốc, vào TNK thứ nhất, vương quốc Champa đã trở thành một xứ sở lạ lùng, có rất nhiều vàng bạc và đồ quý lạ (Maspero 1928: 83). Những cống phẩm đầu tiên vào năm 137 SCN, thời điểm nước Lâm Ấp chưa được thành lập, người Khu Liên chịu không nổi ách đô hộ của Trung Quốc đã nổi dậy. Lý Cổ đã thực hiện chính sách dùng người bản địa trị người bản địa rồi hàng năm cống đồ vàng bạc (Maspero 1928: 67-68). Sử liệu cũng đã ghi lại việc vua Nghĩa Long sai Đàn Hòa Chi chinh phạt Lâm Ấp đã thu được một chiến lợi phẩm vô cùng quý giá, trong đó có rất nhiều vật lạ lùng hiếm có…, toàn bộ đã bị nấu chảy cùng với tượng, tổng cộng có 10,0000kg cân vàng nguyên chất (Maspero 1928: 72-73). Ngoài những đồ vàng bạc được đem làm cống phẩm cho Trung Quốc và Đại Việt từ thế kỷ I-II cho đến khoảng thế kỷ XV, và bên cạnh những cống phẩm cho Trung Quốc thì sử liệu cũng ghi lại các vua Chàm đã đem vàng bạc làm cống phẩm cho các vua của các nhà Tiền Lê, Lý, Trần của Đại Việt (Lê Hoàn, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, v.v), các triều đại này đã thu được nhiều đồ vàng bạc qua các cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Champa. Nhìn chung, đồ kim hoàn và đá quý được cống nạp và thu giữ có khối lượng lớn với nhiều loại sản phẩm từ đồ trang sức (mũ miện, khuyên tai, vòng tay, vòng chân, dải thắt lưng bằng vàng và dải vàng được làm đồ trang trí trên y phục – áo dài, đồ trang sức hay mặt nạ bằng vàng), đồ dùng trong nghi lễ (Kosa…), vật dụng của hoàng gia (bình bằng vàng bạc, lọ vàng, ấm bạc, lọng bằng vàng, mâm vàng đựng trầu cau, hộp bằng bạc hình thanh kiếm…), vũ khí bằng vàng bạc (dao găm với vỏ bao bằng vàng, bành voi bằng vàng hay bàn đạp ngựa bằng bạc,…), ngoài ra còn những vật trang trí như những đóa hoa bằng vàng bạc có nạm đá quý, những dải dây vàng được trang trí trên y phục quần áo và cả tiền tệ bằng vàng bạc (các đĩnh bạc với kích cỡ, trọng lượng khác nhau và bạc vụn…). 

[2] Văn bia Mỹ Sơn ký hiệu C.87 ghi lại rằng vị vua Prakasadharma-Vikrantavarman, một trong những vị vua cuối cùng khắc trên văn bia Mỹ Sơn vào năm 609 Kasa (tức năm 687) đã dâng một Kosa bằng bạc cho Isanesvara cùng với một mũ miện bằng vàng cho Bhadresvara. Những đồ dâng tặng này được đặt trong 2 tháp ở Mỹ Sơn, một cái thuộc nhóm A và kosa thì ở trong một tòa tháp của nhóm B (B1). Có 03 văn bia khác là C.81, C.85 và C.86 cũng miêu tả về Kosa cho Isanesvara bằng vàng bạc và có nạm đá quý. Văn bia C.81, niên đại khoảng thế kỷ VIII tìm thấy gần đài thờ B1 đã ghi lại một món quà tặng là “Kosa với một chiếc mũ miện (makutakosa) gắn những viên đá quý”. Văn bia ký hiệu C.85  ở Mỹ Sơn có niên đại năm 1163 nằm ở tháp B1 nói về Kosa có 5 mặt được làm bằng vàng bạc. Theo miêu tả thì trọng lượng bạc được sử dụng là 2.920kg và vàng là 3.387kg, tổng trọng lượng là 6.307kg vàng bạc, ngoài ra còn gắn 82 viên đá quý và 67 viên ngọc trai được nạm vào Kosa. Văn bia có ký hiệu C.86 có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII nằm ở tháp B1 cho biết Kosa được làm bằng bạc và chỉ có một mặt được làm bằng vàng. Ngoài các văn bia trên, thì các văn bia khác ở Mỹ Sơn có ký hiệu C.90 cũng miêu tả Kosa với 4 mặt được làm bằng vàng và có gắn những viên đá quý hoặc trong văn bia có ký hiệu C.89 nằm ở tháp D1 của Mỹ Sơn có niên đại thế kỷ XI là Kosa bằng vàng với 06 mặt, trên đỉnh của của các kosa là mũ miện có gắn những viên đá “mặt trời” (Sun-stone) trông giống như crystal, và các loại đá quý khác như hồng ngọc (ruby), kim cương (diamond), topal, sapphire, những viên đá quý này được gắn ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc của Kosa, được các vị vua Chàm lựa chon và biểu tượng cho quyền lực của người đó cũng như của hoàng gia, tổng trọng lượng vàng của Kosa này là 16.677kg. Văn bia C.92 ở Mỹ Sơn cũng ghi chép lại các Kosa được làm bằng vàng bạc và nạm đá quý. Văn bia C.92A có niên đại thế kỷ XII thuộc nhóm tháp D ở Mỹ Sơn là một Kosa làm bằng chất liệu hợp kim với vàng và bạc, nạm đá quý (đá sapphire), tổng trọng lượng là 12.469kg với 7.400kg bạc và 5.069kg vàng. Văn bia C.92C cho thấy có 01 Kosa bằng vàng với 6 mặt và trọng lượng của nó không ít hơn 18.870kg. Ngoài các văn bia ở Mỹ Sơn thì văn bia ở Đồng Dương có niên đại thế kỷ IX (năm 875) cho biết Kosa là linga có khuôn mặt thần Siva được làm bằng vàng....

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Phụ nữ và/với nghề khảo cổ




Có những định kiến hết sức lâu đời và phổ biến về quan hệ giữa giới tính và nghề nghiệp. Định kiến đầu tiên là phân công lao động theo giới tính từ khi con người xuất hiện, nam săn bắt, nữ thu lượm, nam di chuyển ngoài xã hội, nữ ở trong nhà, nam chủ động, nữ thụ động. Tuy nhiên những khám phá mới nhất lại cho thấy, phân công lao động theo giới (cuộc phân công lao động đầu tiên trong xã hội loài người) chỉ bắt đầy xảy ra cách đây hơn 10.000 năm khi loài người sống định cư và bắt đầu nền kinh tế sản xuất. Mặc dù vậy những phân biệt ngành nghề theo giới tính vẫn tồn tại một cách dai dẳng và có một số nghề được xem như đặc quyền của nam giới, trong đó có nghề khảo cổ! Định kiến này không chỉ phổ biến ở Phương Đông mà thực ra bắt đầu từ Phương Tây, nơi những người nữ làm khảo cổ đầu tiên phải bắt đầu cuộc chiến chống lại sự phân biệt trong xã hội và với cả những đồng nghiệp nam của mình. Để hành nghề như những người chuyên nghiệp, họ phải xoay xở nhiều cách, lúc với tư cách là cộng sự của chồng, lúc chọn những vấn đề, khu vực nghiên cứu ngoài lề mà nam giới ít quan tâm, lúc lập những hiệp hội riêng để hoạt động. Ngay trong thế kỷ 21, mặc dù có những thay đổi tiến bộ đáng kể trong định kiến giới trong nghề khảo cổ và tỉ lệ nữ trong nghề tăng nhanh, có những quốc gia tỉ lệ nữ trong khảo cổ đạt trên 50% nhưng những cống hiến của họ cũng hay bị bỏ qua hoặc coi nhẹ trong các công bố và đánh giá thành tựu của ngành/nghề. Vị trí của họ cũng thấp hơn rất nhiều so với nam trong các viện nghiên cứu và các đại học, mặc dù cũng có vài ngoại lệ.

Một học trò sau là đồng nghiệp trong một lần cô trò đi điền dã đã rất thật lòng tâm sự rằng trong hình dung của em khảo cổ là một nghề không có phụ nữ. Em đã rất bất ngờ khi buổi học mở đầu cho bốn năm đại học, môn Cơ sở khảo cổ học, bước vào lớp là một cô giáo còn khá trẻ, váy áo thướt tha, vòng tay, khuyên tai, vòng cổ leng keng, giày cao gót. Lúc đó em thật sự thất vọng và nghĩ thầm trong đầu “người thế này, sao mà làm, sao mà dạy được khảo cổ!”. Nhưng càng học, rồi được cô dẫn đi thực tập, đi điền dã, em càng say mê và quyết tâm theo nghề và hiểu ra khảo cổ không phải là nghề độc quyền của riêng ai, riêng giới nào.

Quan điểm khảo cổ không phù hợp với phụ nữ khá phổ biến trong giới làm nghề và ngoài nghề, nhẹ thì tỏ thái độ xuề xòa kiểu có “bóng hồng” cho công trường thêm sinh động, nặng thì không hoặc hạn chế nhận nữ vào làm khảo cổ.   

Lựa chọn theo nghề một cách vô thức nhưng rất chăm chỉ và nghiêm túc học và hành nghề, bản thân tôi, tôi thấy mình được rất nhiều từ khảo cổ. Đôi khi tôi nghĩ “hình như mình sinh ra để làm khảo cổ” và “nghề chọn người, không phải người chọn nghề”. Tôi thích khám phá, đối mặt và giải quyết vấn đề. Mỗi di tích là một kiểu thách thức mới đòi hỏi những thực hành và suy tư/diễn giải khác nhau. Những thách thức hàng ngày đã kích hoạt thái độ tích cực “phải làm thôi và phải làm được” và buộc tôi phải cập nhật cả những kiến thức khối tự nhiên, kỹ thuật vốn từng là nỗi ám ảnh suốt thời phổ thông và từ đó tôi biết thêm khả năng cất giấu của mình. Sự gia tăng vai trò của khảo cổ học đối với quản lý, bảo tồn và sử dụng di sản khảo cổ cho phép tôi chia sẻ niềm đam mê khảo cổ học của mình với nhiều cộng đồng khác nhau. Tôi thích cảm giác trở thành một phần của một cộng đồng rộng hơn - dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cùng bàn luận không giới hạn về khảo cổ học bất kể sự khác biệt nghề nghiệp, tính cách và vị thế xã hội. Cảm giác ‘cứu’ thứ gì đó trước khi nó bị phá hủy thực sự giống như một chất kích thích duy trì động lực làm việc tới hạn khả năng của mình. Được đi đến những vùng đất mới, gặp những người mới, ăn những món ăn đa dạng, độc lạ, ở những kiểu homestay từ đơn giản đến cầu kỳ là những thứ làm cho mỗi cuộc điền dã, mỗi cuộc khai quật bớt đi rất nhiều nhọc nhằn và thêm vào rất nhiều thú vị, một kiểu “du lịch trải nghiệm” không theo lộ trình đầy bất ngờ và thách thức. Mỗi lần vượt qua được nỗi sợ mơ hồ, nỗi thất vọng nào đó tôi trở nên bản lĩnh hơn và bao dung hơn với cuộc sống quanh mình và tôi thực sự thích triết lý “lấy nay suy xưa và lấy xưa suy nay” ngay cả trong đời sống hàng ngày chứ không chỉ trong làm nghề và dạy nghề. Những thực tiễn điền dã khảo cổ ở các vùng miền khác nhau đã giúp cho tôi có những bài giảng, giờ giảng đủ sức thu hút sự chú ý và đánh thức niềm say mê của sinh viên với lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Làm và dạy khảo cổ nhiều chục năm nay, tôi nhận ra rằng, không nên thi vị hóa cũng không nên cực khổ hóa cái nghề này, mặc dù khảo cổ học trên thực tế là sự kết hợp giữa trí óc bay bổng, mỹ cảm, trí tưởng tượng và các hoạt động lao động chân tay trực tiếp. Những thách thức và khó khăn mà phụ nữ làm khảo cổ phải đối mặt có lẽ cũng tương tự như các ngành nơi mà mà số lượng đàn ông áp đảo. Bên cạnh những thách thức chung như quan niệm khác nhau về bình đẳng giới, chính sách chưa phù hợp với biến đổi của thời cuộc và quan điểm một chiều về nghề khảo cổ là những khó khăn, trở ngại cá nhân trong cân bằng giữa trách nhiệm đối với gia đình và công việc, những lo lắng về giới hạn của giới tính, nỗi sợ tâm linh mơ hồ về duyên nghiệp nghiên cứu quá khứ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất, trở ngại to nhất chính là sự thiếu hụt nội lực bản thân, không thể vượt qua sức ì của chính mình.

Như mọi nghề, khó khăn, thách thức càng nhiều kết quả càng đáng giá. Mặc những định kiến, thách thức và trở ngại, càng ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn theo nghề và những đóng góp của họ trong mọi khía cạnh từ lý thuyết đến thực tiễn đang gia tăng đáng kể. Thậm chí có những cái nhìn lạc quan rằng thế kỷ 21, khảo cổ học trở thành nghề của phụ nữ! Và tôi với trách nhiệm của mình trong đào tạo nhân lực luôn khích lệ và cổ vũ sinh viên nữ theo nghề dù biết rằng các em sẽ phải đối mặt với những định kiến, những trở ngại, những khó khăn và những nỗi sợ vô hình như mình đã từng và vẫn đang cố gắng vượt qua để làm nghề một cách chuyên nghiệp và tận tâm.  

Lâm Thị Mỹ Dung, chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

 

 

 

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Khái lược về Kinh tế học Di sản (Hà Hữu Nga)

 

Khái lược về Kinh tế học Di sản

Hà Hữu Nga

Di sản có nhiều giá trị, bao gồm các giá trị văn hoá, giáo dục, thẩm mỹ, môi trường, xã hội, biểu tượng, chính trị, lịch sử, và nhiều lĩnh vực khác nữaTrong dài hạn, tất cả các giá trị này có lẽ đều quan trọng hơn giá trị kinh tế. Nhưng như nhà kinh tế vĩ đại người Anh John Maynard Keynes đã từng nói, Về lâu dài, tất cả chúng ta đều đã chết.” (Keynes, John Maynard 1923: 80). Thực tế là những người có khả năng ảnh hưởng đến những gì xảy ra với các di sản như các chủ sở hữu tài sản, các quan chức chính phủ, các chủ ngân hàng, các nhà phát triển, các nhà đầu tư, và những người khác nữa, vẫn luôn xem xét các h quả ngắn hạn và, quan tâm một cách hợp thức đến những phân nhánh kinh tế liên quan. Điều này đúng không chỉ ở các nền kinh tế thị trường đầy đủ như Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn ở các nền kinh tế thị trường đang nổi như Ấn Độ và các nền kinh tế cận-thị trường như Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, khắp nơi ủng hộ bảo tồn di sản nói chung, và một yêu cầu đang trở thành xu hướng là người đứng đầu các thành phố cần phải am hiểu về ngôn ngữ, công cụ, và các phép đo lường của kinh tế học di sản (Rypkema, Donovan 2009).

1. Khái niệm kinh tế học di sản

Kinh tế học di sản nghiên cứu những lợi ích hoặc giá trị mà nó tạo ra và thường được chia thành các giá trị sử dụng và giá trị “không sử dụng. Giá trị sử dụng là những lợi ích thu được từ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp một di sản. Chúng có thể bao gồm: i) lợi ích tài chính; ii) các đặc trưng thẩm mỹ; iii) cải thiện hình ảnh cộng đồng; iv) cơ hội sử dụng địa điểm di sản cho các mục đích sinh sống, thương mại, du lịch, giải trí hoặc các mục đích xã hội. Các giá trị phi sử dụng là những lợi ích vô hình liên quan đến việc bảo tồn di sản. Đó là: i) Giá trị tồn tại: lợi ích liên quan đến tri ​​thức  một địa điểm di sản đã được bảo tồn, ngay cả khi người tiêu dùng không tự mình đến thăm; ii) Giá trị lựa chọn: những lợi ích thu được từ việc có quyền lựa chọn vào thăm một địa điểm di sản; iii) Giá trị thừa kế: giá trị thu được từ việc biết rằng một địa điểm di sản có thể được thừa kế cho các thế hệ tương lai (Pagiola, S. 1996; Bennett, J. 2001)Việc can thiệp của chính phủ vào kinh tế di sản nằm trong bản chất lợi ích tổng thể của cộng đồng. Ví dụ, chất lượng thẩm mỹ của mặt tiền di sản của tòa nhà sẽ có giá trị đối với người qua đường cũng như cho chủ sở hữu tòa nhà. Về mặt kinh tế, những lợi ích này là những ngoại ứng dương, tích cực, hay hàng hoá công. Các ngoại ứng là những hiệu ứng “lan tỏa” từ một giao dịch thị trường ảnh hưởng đến phúc lợi của người khác. Nếu một hiệu ứng lan tỏa mang tính chất lợi ích, chẳng hạn như sự hưởng thụ thẩm mỹ của cộng đồng đối với một tài sản di sản, thì nó được coi là một ngoại ứng dương. Hàng hoá công cộng là những lợi ích của cộng đồng, không thể loại trừ và không mang tính kình địch. Điều này có nghĩa là không ai có thể bị loại trừ khỏi việc tiêu dùng và việc tiêu dùng của người này sẽ không làm giảm đi việc tiêu dùng của người khác. Các giá trị tồn tại, lựa chọn và giá trị thừa kế của di sản mang đặc trưng hàng hóa công cộng. Nan đề được thể hiện bởi hàng hóa có ngoại ứng dương hoặc các đặc trưng hàng hóa công cộng là ở chỗ những người có quyền lợi được hưởng lợi thì lại không phải chi trả. Nói cách khác, các nhà cung cấp không có cách nào để khôi phục toàn bộ chi phí cần thiết để cung cấp sản phẩm tốt ở mức tối ưu về mặt xã hội. Khi chi phí và lợi ích cá nhân không phản ánh được các chi phí và lợi ích xã hội thì sẽ xuất hiện sự thất bại của thị trường. Những hàm ý của điều này có thể là tình trạng cung cấp hàng hóa không đầy đủ. Ví dụ, chủ sở hữu bất động sản có thể phá hủy tòa nhà di sản nếu chi phí liên quan đến thời gian bảo trì vượt quá lợi ích của họ. Tuy nhiên, quyết định này không tính đến những lợi ích xã hội rộng lớn hơn, có được từ việc xây dựng di sản. Trong trường hợp đó, cần phải có sự can thiệp của nhà nước (Mourato, S. & Mazzanti, M. 2002).

Các di sản xây dựng có nguy cơ lớn nhất trong hai trường hợp: 1) khi không có tiền; và 2) khi có rất nhiều tiền. Cả hai tình huống thường kết thúc bằng việc mất nguồn tài nguyên di sản hoặc mất đi các đặc trưng thiết yếu, chất lượng và tính xác thực của các nguồn lực di sản còn lại. Khi không có tiền thì hạng mục ngân sách đầu tiên bị cắt giảm (cho dù tài sản di sản nằm trong tay khu vực công hay tư nhân) là bảo trì (Pereira Roders, A., 2010). Rắc rối với việc duy trì bảo dưỡng là nó làm tăng chi phí phục hồi di sản về phương diện vật chất. Và các khoản chi phí cao này thường đặt các hoạt động phục hồi vào danh mục “không khả thi đối với cả khu vực tư nhân cũng như khu vực công. Những hậu quả trực tiếp nhất của việc thiếu bảo trì là giảm giá thăm nom, th mướn và tăng số lượng chỗ trống (hoặc bị những người không phải trả tiền thuê cư chiếm)Giá thăm nom, th mướn thấp hơn và gia tăng vị trí bỏ trống góp phần làm giảm giá trị tài sản. Khi các giá trị rơi xuống một cấp độ nhất định thì đơn giản là tài sản di sản sẽ bị bỏ rơi. Tài sản bị bỏ rơi đồng nghĩa với việc không có thu nhập thuế cho chính quyền địa phương, không đủ điều kiện cho các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản và có ảnh hưởng xấu đến giá trị của các công trình gần kề. Các tài sản bị bỏ rơi thường làm tăng thêm tính chất phức tạp về quyền và quyền sở hữu tài sảnvà làm giảm đi mối quan tâm của chủ sở hữu tiềm năng khác trong việc quản lý, phục hồi và tái sử dụng di sản. Hơn nữa, các tài sản bị bỏ rơi thường tạo ra các mối đe dọa an toàn công cộng với các tình trạng sụp đổ các công trình kiến trúclũ lụt, cháy, bị cướp bóc, dung chứa tội phạm, và các vấn đề sức khỏe cộng đồng. (Pereira Roders, A. and Van Oers, R., 2012). Vì vậy, phải đối mặt với một vấn đề di sản được xem là một sự phiền toái công mà nếu không có giá trị kinh tế, thì di sản cuối cùng bị phá hủy, thường là do bỏ bê, mất đi tính toàn vẹn của kiến ​​trúc và công trình cho đến khi không gì có thể cứu vãn được. Trong các trường hợp khác, thành phố, cơ quan hoặc chủ sở hữu khác có các tòa kiến trúc đã bị hủy hoại sẽ cắt giảm chi phí lưu giữ, giảm trách nhiệm tiềm tàng và rủi ro cho di sản tăng lên. Trong cả hai trường hợp đó thì thành phố hoặc địa phương sẽ chỉ còn lại những bộ phận công trình di sản rất ít giá trị. Ở các thành phố châu Á khác (cũng như các thành phố trên toàn cầu) vẫn tồn tại tình hình ngược lại. Vì khi có sự gia tăng mức độ thịnh vượng trong nước và / hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài, các thành phố di sản sẽ trở thành khối nam châm thu hút các khoản đầu tư lớn. Thông thường các khoản đầu tư này  từ khu vực tư nhân, cũng như từ các tổ chức khác đang phát triển mạnh như các đại học, và các cơ sở chăm sóc sức khỏe, y tế (Turner, M., Pereira Roders, A. & Patry, M., 2012).

2. Định giá lợi ích

Chỉ có sự thất bại của thị trường mới không thể biện minh cho sự can thiệp của chính phủ. Chi phí can thiệp của chính phủ không được vượt quá các lợi ích xã hội gia tăng mà họ muốn tạo ra. Phân tích chi phí - lợi ích của các lựa chọn chính sách đòi hỏi phải xác định và định lượng các chi phí và lợi ích. Bản chất phi vật thể của nhiều lợi ích liên quan đến di sản hàm nghĩa không thể để thị trường chiếm đoạt các lợi ích đó. Kết quả là chúng không thể được định giá bằng các kỹ thuật định giá thị trường thông thường. Để đáp ứng tình trạng tiến thoái lưỡng nan tương tự trên thị trường hàng hoá môi trường, và hàng hóa di sản, các nhà kinh tế học đã phát triển các kỹ thuật định giá phi thị trường để định lượng những hàng hóa tồn tại bên ngoài thị trường. Các kỹ thuật này nhằm mục đích thể hiện giá trị của hàng hoá phi thị trường theo nguyện vọng sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng (WTP - willingness to pay) để được cung cấp các sản phẩm tốt. Các kỹ thuật định giá phi thị trường có thể được phân loại thành các kỹ thuật sở thích bộc lộ (revealed preference techniques) và các kỹ thuật sở thích tuyên bố (stated preference techniques) (Productivity Commission, 2006).

2.1. Các kỹ thuật sở thích bộc lộ

Lý thuyết sở thích bộc lộ (revealed preference theory) được Paul Samuelson, nhà kinh tế học Mỹ đưa ra vào năm 1938, cho rằng những sở thích (hoặc ưu tiên) của người tiêu dùng có thể được bộc lộ bằng những gì họ mua trong các hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là ở các mức thu nhập và giá cả khác nhau. Lý thuyết này cho rằng nếu một người tiêu dùng mua một gói hàng hoá cụ thể, thì gói đó được gọi là “bộc lộ sở thích”căn cứ vào mức thu nhập và giá cả ổn định, cho bất kỳ gói hàng nào khác mà người tiêu dùng có thể mua được. Bằng cách thay đổi thu nhập hoặc giá cả hoặc cả hai, người quan sát có thể suy ra một mô hình đại diện cho các sở thích của người tiêu dùng (Samuelson, P. 1938). Các kỹ thuật sở thích bộc lộ gợi ý giá trị của một hàng hóa phi thị trường bằng cách kiểm tra hành vi trong quá khứ đối với các hàng hóa thị trường có liên quan. Hai kỹ thuật sở thích bộc lộ phổ biến nhất là định giá hưởng thụ và chi phí đi lại. Định giá hưởng thụ dựa trên ý tưởng cho rằng giá trị của một hàng hóa thị trường tốt sẽ được đóng góp bởi một số thuộc tính có thể bao gồm các hàng hoá phi thị trường. Việc định giá nhà là loại thị trường ủy nhiệm được sử dụng phổ biến nhất cho phương pháp này, thường được sử dụng để tính toán giá trị của hàng hoá môi trường, di sản liên quan chẳng hạn như công viên và các khu dự trữ sinh quyển. Giá nhà cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tài sản di sản lân cận. Một mô hình đơn giản của loại kỹ thuật này có thể được ấn định như sau: Giá = kích cỡ + tuổi + vị trí + các thuộc tính di sảnBằng cách giữ cho các biến số khác không đổi, thì có thể ước tính được sự đóng góp của di sản gần đó đối với giá nhà. Đây là giá ẩn, hoặc đo lường bằng nguyện vọng sẵn sàng chi trả (WTP) cho di sản. Rõ ràng, phương pháp này đòi hỏi các dữ liệu chi tiết về việc định giá nhà và các thuộc tính liên quan của nó và do đó có thể mất nhiều thời gian và chi phí tốn kém. Hơn nữa, nó chỉ giữ lại những giá trị di sản thể hiện trong giá nhà. Phương pháp này loại trừ các giá trị không sử dụng và giá trị thăm quan. Phương pháp tính chi phí đi lại, thường được sử dụng để đánh giá các địa điểm du lịch, xuất phát từ nguyện vọng sẵn sàng chi trả của khách hàng cho chi phí đi lại để thăm quan một địa điểm nhất định. Chi phí đi lại không phải là giá nguyện vọng sẵn sàng chi trả WTP, nhưng lại được kết hợp với dữ liệu về số lượt thăm quan bình quân đầu người để tạo đường cầu cho các chuyến viếng thăm địa điểmđể căn cứ vào đó có thể ước tính thặng dư tiêu dùng, hoặc nguyện vọng sẵn sàng chi trả WTP. Phương pháp này dựa trên giả định rằng địa điểm này đáng để khách đến thăm quan và việc đi lại được thực hiện với mục đích duy nhất là thăm thú nơi đó. Do đó, việc ứng dụng phương pháp này vào các địa điểm di sản chỉ giới hạn ở những địa điểm thường xuyên tiếp đón khách thăm. Tuy nhiên, ngay cả đối với các trường hợp ấythì phương pháp này cũng chỉ thu thập được các giá trị về khách thăm. Mặc dù các kỹ thuật sở thích bộc lộ có lợi ích dựa trên dữ liệu từ các thị trường thực tế, nhưng tính ứng dụng của  đối với di sản lại rất hạn chế (Wong, Stanley 1978; Driml, S. 2002).

2.2. Các kỹ thuật sở thích tuyên bố

Các thí nghiệm sử dụng sự lựa chọn giả thuyết đã được sử dụng trong nửa đầu của thế kỷ XX nhằm nâng cao sự hiểu biết về lý thuyết tiện ích. Tuy nhiên, cho đến đầu những năm 1970phương pháp thay thế để quan sát sở thích người tiêu dùng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, cho mục đích thương mại vẫn chưa được phát triển. Ví dụ đầu tiên của các thí nghiệm sử dụng những giả thuyết này đã được Davidson (1973) và Louviere, J., Meyer, R., Stetzer, F., & Beavers, L. (1973) tìm ra. Năm 1978, định nghĩa chính thức về các loại kỹ thuật đánh giá này đã được đề xuấtBất kỳ phương pháp phân tích nào ước tính cấu trúc sở thích của một người tiêu dùng...dựa vào sự đánh giá tổng thể về một tập hợp các lựa chọn thay thế được xác định trước về mức độ của các thuộc tính khác nhau. Từ đầu những năm 1980, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vận tải đã sử dụng phương pháp này, và ở châu Âu phương pháp này được gọi là các kỹ thuật sở thích tuyên bố” (Green, Paul E and V. Srinivasan 1978)Kỹ thuật này đã trở thành một thuật ngữ phổ biến, chủ yếu là vì sự tương phản rõ ràng mà nó mô tả so với các “kỹ thuật sở thích bộc lộ. Steer & Willumsen (1981) và Sheldon & Steer (1982) đã xuất bản một số ấn phẩm đầu tiên giới thiệu việc sử dụng kỹ thuật này trong ngành giao thông.

Trước năm 1983, điểm nhấn của các kỹ thuật sở thích tuyên bố là các nhiệm vụ đánh giá, trong đó người trả lời được yêu cầu xếp hạng hoặc đánh giá một số thuộc tính hỗn hợp liên quan đến bối cảnh lựa chọn cụ thể. Tuy nhiên, chỉ đến khi tiểu luận của Louviere & Hensher (1983) được công bố thì các kỹ thuật sở thích tuyên bố mới trở nên có tiếng tămBài viết của Louviere và Hensher đã nhấn mạnh việc sử dụng các thực nghiệm sở thích tuyên bố, kết hợp với các thực nghiệm lựa chọn. Dữ liệu được tạo ra từ loại khảo sát này chứng tỏ rất dễ dàng phân tích và cho phép dự đoán được thị phần lớn hơn. Các kỹ thuật sở thích tuyên bố đã được phát triển để đáp ứng với những hạn chế của kỹ thuật sở thích bộc lộ. Các kỹ thuật này giả định hành vi tiêu dùng tương lai đối với bản thân hàng hóa phi thị trường bằng cách khảo sát sở thích của người tiêu dùng. Hai kỹ thuật sở thích tuyên bố phổ biến nhất là định giá ngẫu nhiên và mô hình hóa lựa chọn (Navrud & Ready 2002, tr. 22). Các khảo sát định giá ngẫu nhiên yêu cầu người tiêu dùng tuyên bố nguyện vọng sẵn sàng chi trả (WTP) của họ để cung cấp một loại hàng hóa công cộng. Các kịch bản giả định được xuất trình bao gồm bản mô tả về hàng hoá được cung cấp và phương tiện thanh toán. Việc đánh giá ngẫu nhiên rất linh hoạt đối với loại hàng hoá mà nó có thể được sử dụng để đánh giá, nhưng độ tin cậy lại phụ thuộc vào việc thiết kế khảo sát có cơ sở vững chắc. Trước hết, mặt hàng cần định giá, đối với người tiêu dùng, đòi hỏi phải dễ nhận ra và phải dễ hiểu. Cần phải rõ ràng về việc hàng hóa sẽ được cung cấp như thế nào và ai cung cấp. Thứ hai, khi xác định phương tiện thanh toán, cơ chế loại trừ là rất quan trọng, theo đó mức cung hàng hoá di sản liên quan đến việc thanh toán của cá nhân như thuế hoặc phí vào cửa (Navrud & Ready 2002, tr. 22). Nếu không có liên kết như vậy, thì sẽ không có sự đánh đổi giữa sự thịnh vượng cá nhân và mức độ tiêu thụ hàng hóa có thể được quan sát thấy. Hành vi hiến tặng, chẳng hạn, không bộc lộ những sở thích thực sự khi người tiêu dùng có thể chọn “hưởng thụ miễn phí” các khoản thanh toán của người khác. Thứ ba, cuộc khảo sát phải được xây dựng theo cách giảm thiểu khả năng phản ứng thiên vị. Ví dụ, nếu người trả lời tin rằng họ thực sự sẽ phải thanh toán tiền mua hàng thì họ có thể tuyên bố dưới mức nguyện vọng sẵn sàng chi trả (WTP) của mình. Ngược lại, nếu tin rằng mình sẽ không phải trả tiền, thì họ có thể tuyên bố trên mức nguyện vọng sẵn sàng chi trả (WTP) của mình. Các nghiên cứu mô hình hóa lựa chọn yêu cầu người tiêu dùng lựa chọn giữa các mô tả giả thuyết khác nhau về hàng hoá. Mỗi mô tả hoặc bộ lựa chọn được phân biệt bởi các thuộc tính và cấp độ của nó. Một ví dụ đơn giản về các bộ lựa chọn trong một cuộc khảo sát mô hình lựa chọn có thể như dưới đây:


Lựa chọn A

Lựa chọn B

Số địa điểm được bảo tồn

Cao

Trung bình

Điều kiện bảo tồn các địa điểm 

Trung bình

Cao

Tiền thuế hàng năm

$10

$20

Vì vậy, những người được hỏi phải thực hiện việc đánh đổi giữa các thuộc tính khác nhau - trong trường hợp này là số lượng và chất lượng của các di sản. Bằng cách bao gồm một thuộc tính tiền tệ, cũng có thể suy ra các giá trị. Lựa chọn mô hình hóa cũng phải đối mặt với cùng một kỹ thuật khảo sát khó khăn như định giá ngẫu nhiên và các bộ lựa chọn có thể đặc biệt phức tạp cho người trả lời hiểu được. Tuy nhiên, nó loại bỏ tiềm năng thiên vị vốn có trong việc trực tiếp tạo ra nguyện vọng sẵn sàng chi trả (WTP). Việc sử dụng các kịch bản đa tính năng mang lại dữ liệu phong phú hơn và tiết kiệm chi phí hơn bằng cách cung cấp không chỉ một ước tính giá trị mà còn là một mối quan hệ chức năng giữa các cấp độ thuộc tính. Do đó, mô hình lựa chọn có thể được sử dụng để ước tính các sở thích của người tiêu dùng theo các kịch bản chính sách phức tạp và thực tế hơn. Một cuộc điều tra năm 2005 cho thấy chỉ có 33 nghiên cứu, hầu hết sử dụng định giá ngẫu nhiên (Economics for the Environment Consultancy, 2005). Đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế môi trường thông qua phép thử - sai liên tục trong việc ứng dụng thực tế của các kỹ thuật này. Cần có các nghiên cứu sâu hơn về những cách thức ứng dụng vào bối cảnh di sản.

3. Nhận thức về chi phí

Các phương pháp hiện tại để xác định địa điểm di sản lịch sử cho việc liệt kê theo luật định tập trung vào những lợi ích mà cộng đồng mong muốn. Thông thường, người ta ít xem xét các chi phí được áp đặt đối với chủ sở hữu hoặc cộng đồng nói chung (Productivity Commission (2006). Việc phân tích chi phí lợi ích của các lựa chọn ra quyết định liên quan đến di sản sẽ đòi hỏi không chỉ phép định lượng các lợi ích vô hình, mà còn phải xem xét các chi phí nữa. Chi phí quản lý của chính phủ khá dễ xác định. Các chi phí tuân thủ không rõ ràng, và thường liên quan đến việc sử dụng các công cụ chính sách điều tiết (chẳng hạn như liệt kê theo luật định) và cũng có thể là các khoản chi phí minh bạch hoặc chi phí cơ hội không minh bạch. Các chi phí minh bạch phải tuân thủ bởi danh sách di sản có thể bao gồm yêu cầu thực hiện công việc bảo dưỡng bổ sung với sự trợ giúp của các nhà phục chế và các nhà khảo cổ, cũng như gánh nặng hành chính lớn hơn. Chi phí cơ hội là những cơ hội (thường là những phát triển tiềm năng của di sản) buộc phải bỏ qua để giữ tài sản di sản ở dạng hiện tại của nó. Cộng đồng cũng như các chủ sở hữu tư nhân phải gánh các chi phí này bởi những cơ hội bị bỏ qua có thể có những lợi ích xã hội lớn hơn - ví dụ như, một công trình di sản được chuyển thành một khu thương mại chẳng hạn (Rypkema, D. 2006). Về vấn đề xác định các chi phí, Throsby (1997: 23) ghi nhận rằng rất khó để xác định liệu các khoản chi tiêu riêng có thể được thực hiện bất chấp các yêu cầu pháp lý hay không. Các công trình di sản lâu đời hơn thường đòi hỏi chi phí phải bảo dưỡng cao hơn so với những công trình ít lâu đời hơn, bất kể vị thế di sản của chúng. Khi kiểm tra chi phí cơ hội, Rypkema (2006: 13) lưu ý rằng chỉ vì một chủ sở hữu di sản không thể đạt được “lợi nhuận tối đa trên tài sản của họ, không có nghĩa là họ không thể đạt được khoản “lợi nhuận hợp lý. Do đó, khó khăn là ở chỗ xác định mức chi phí nào có thể thích hợp với một địa điểm di sản nhất định. Cần phải có hiểu biết tốt hơn về chi phí do các công cụ chính sách khác nhau đòi hỏi trước khi có thể phân tích chi phí-lợi ích chính xác.

4. Lồng ghép phân tích chi phí - lợi ích vào việc ra quyết định

Một mục tiêu rõ ràng cho vấn đề kinh tế học di sản là việc chọn lựa kỹ càng các phương pháp được sử dụng để đo lường chi phí và lợi ích của việc bảo tồn di sản. Đặc biệt, chúng có thể được áp dụng như thế nào đối với các kịch bản chính sách cụ thể và cách thức có thể đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của các cơ quan trung ương. Một cản trở chính đối với việc áp dụng các cách tiếp cận là thiếu các bộ dữ liệu toàn diện và nhất quán về di sản. Trong việc xem xét các phương pháp luận, mục tiêu thứ hai có thể là xác định những dữ liệu nào cần cho việc phân tích chi phí lợi ích của di sản và cách thức thu thập các dữ liệu đó. Mục tiêu cuối cùng là xác định cách phân tích chi phí lợi ích có thể được lồng ghép vào quá trình ra quyết định. Khi nào thì cần phải sử dụng cách tiếp cận định lượng phù hợp và khi nào thì nên kết hợp với các đánh giá định tính? Vì hầu hết các di sản đều nằm trong phạm vi quản lý của các chính quyền địa phương, nên cần phải chú ý đặc biệt đến tính khả thi của việc phân tích chi phí - lợi ích ở cấp địa phương. Các kỹ thuật định giá được thảo luận có thể đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn là thực tế giải trình cho mỗi quyết định. Một giải pháp được xem xét trong lĩnh vực kinh tế môi trường là chuyển giao lợi ích, theo đó các giá trị của một hàng hóa phi thị trường được chuyển giao sang loại hàng hoá khác có cùng các thuộc tính. Các nhà tư vấn kinh tế học môi trường cho rằng phạm vi hạn chế đối với kỹ thuật này trong việc ra quyết định liên quan đến di sản hiện nay là do thiếu các nghiên cứu định giá di sản hiện tồn (Economics for the Environment Consultancy, 2005: 9). Một lần nữa, điều này cho thấy sự cần thiết phải áp dụng thêm các kỹ thuật định giá phi thị trường đối với các di sản.

5. Kết luận

Phân tích kinh tế về di sản cung cấp một số hiểu biết có giá trị về bảo tồn di sản nói chungViệc nhận thức về sự thất bại của thị trường đối với lĩnh vực di sản không chỉ đòi hỏi phải tăng thêm sự can thiệp của chính phủ vào việc bảo tồn di sản, mà còn có thể giúp cho việc can thiệp có thể đạt được các mục tiêu tốt hơnĐòi hỏi tiếp theo đối với kinh tế học di sản là phát triển các công cụ để hiện thực hóa các nhận thức này. Việc tiến hành phân tích chi phí – lợi ích của các lựa chọn chính sách để bảo tồn di sản có thể giúp đảm bảo rằng các di sản đạt được lợi ích ròng bằng cách giải quyết các nguyên nhân cụ thể của sự thất bại thị trường trong lĩnh vực này (Bennett 2000; Mourato & Mazzanti 2002). Điều đó đòi hỏi phải phát triển và áp dụng thêm các kỹ thuật định giá phi thị trường, cũng như thông tin tốt hơn liên quan đến các chi phí di sản, kể cả đối với khu vực tư nhân. Việc đánh giá toàn diện về chi phí và lợi ích của di sản có thể góp phần làm cho hệ thống bảo tồn di sản trở nên hiệu quả hơn.

________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2017). Khái lược về Kinh tế học Di sản, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 354 (10/12/2017), tr.32-37.

Tài liệu tham khảo

Bennett, J. (2001). Natural Heritage Valuation Methods: Applications to Cultural Heritage’ in Heritage Economics: Challenges for Heritage Conservation and Sustainable Development in the 21st Century, Australian Heritage Commission, Australia.

Davidson J.D., (1973). Forecasting traffic on STOL. Operations Research Quarterly 24: 561-9.

Driml, S. (2002). Travel Cost Analysis of Recreation Value in the Wet Tropics World Heritage Area, In Economic Analysis and Policy, 32(2), pp. 11-26.

Economics for the Environment Consultancy (2005). Valuation of the Historic Environment – the scope for using results of valuation studies in the appraisal and assessment of heritage-related projects and programmes, Report to English Heritage, the Heritage Lottery Fund, the Department for Culture, Media and Sport and the Department for Transport, United Kingdom. 
Green, Paul E and V. Srinivasan (1978). Conjoint Analysis in Consumer Research: Issues and OutlookJournal of Consumer Research, 1978, vol. 5, issue 2, pages 103-23. 
Keynes, John Maynard (1923). A
 Tract on Money In Reformation. MacMillan and Co., Limited St Martins’ Street, London 1924, pp.80-82.

Louviere, J., Meyer, R., Stetzer, F., and Beavers, L. (1973). Theory, methodology and findings in mode choice behaviour, Worling Paper No 11, The Institute of Urban and Regional Research, University of Iowa.

Louviere, J. & Hensher, D. (1983). Using discrete choice models with experimental design data to forecast consumer demand for a unique cultural event, Journal of Consumer Research, 10.

Mourato, S. & Mazzanti, M. (2002). Economic Valuation of Cultural Heritage: Evidence and Prospects. In Assessing the Values of Cultural Heritage, The Getty Conservation Institute, Los Angeles.

Navrud, S. & Ready, R. eds., (2002). Valuing Cultural Heritage: Applying Environmental Valuation Techniques to Historic Buildings, Monuments and Artefacts, Edward Elgar, United Kingdom.

Pagiola, S. (1996). Economic Analysis of Investments in Cultural Heritage: Insights from Environmental Economics, World Bank Staff Paper, Washington DC.

Pereira Roders, A (2010). Revealing the level of tension between cultural heritage and development in World Heritage cities – part 1”, Proceedings of the IV International Congress on cultural heritage and development co-operation: Cultural Heritage in the new scenarios of progress. Seville: Fundación de las Tres Culturas, pp. 343-351.

Pereira Roders, A. and Van Oers, R. (2012). Editorial: guidance on heritage impact assessments: learning from its application on World Heritage site management. Journal of Cultural Heritage Management and Sustainable Development, 2(2):1, pp. 104-114.

Productivity Commission (2006). Conservation of Australia’s Historic Heritage Places, Report No. 37, Canberra.

Rypkema, Donovan (2006). Submission to the Draft Report of the Productivity Commission Inquiry into the Conservation of Australia’s Historic Heritage Places, Submission DR233, Canberra.

Rypkema, Donovan (2009). The Economics of Heritage, http://www.unescobkk.org/. 

Samuelson, P. (1938). A Note on the Pure Theory of Consumers' Behaviour. In Economica, 5 (17): 61–71. 
Sheldon, R. and Steer, J.K. (1982). The use of conjoint analysis in transport research. Paper presented to the PTRC Summer Annual Conference, London, September, 1982.

Steer J. K. and L. Willumsen (1981). An Investigation of Passenger Preference Structures. Planning and Transportation Research and Computation Summer Annual Meeting.

Throsby, T. (1997). Seven Questions in the Economics of Cultural Heritage. In Hutter, M. and Rizzo, I. (eds) Economic Perspectives on Cultural Heritage, MacMillan Press, London.

Turner, M., Pereira Roders, A. & Patry, M. (2012). Revealing the level of tension between cultural heritage and development in World Heritage cities – part 2. In Measuring Heritage Conservation Performance, (pp. 124-133). Olinda and Rome: CECI and ICCROM.

Wong, Stanley (1978). The Foundations of Paul Samuelson’s Revealed Preference Theory, Routledge & Kegan.

Nguồn: http://kattigara-echo.blogspot.com/2021/02/khai-luoc-ve-kinh-te-hoc-di-san.html