Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

BẢO QUẢN HIỆN VẬT CHẤT LIỆU HỮU CƠ TẠI HIỆN TRƯỜNG KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC


                               VŨ QUỐC HIỀN±
NGUYỄN THỊ HƯƠNG THƠM±

Lâu nay chúng ta vẫn thường tách rời khảo cổ học với khái niệm bảo quản. Nhiều người cho rằng bảo quản hiện vật chỉ bắt đầu khi hiện vật được đưa về đến bảo tàng. Song thực tế cho thấy, công tác bảo quản hiện vật chỉ thực sự có hiệu quả tốt khi được bắt đầu không những từ khi ta phát hiện thấy chúng tại di chỉ khai quật mà còn cần có sự chuẩn bị từ trước khi tiến hành khai quật.

 Một thực tế đáng buồn song chúng tôi cũng xin nêu ra đây để có thể nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của giai đoạn bảo quản hiện vật ngay tại hiện trường khai quật khảo cổ học đặc biệt là đối với những hiện vật chất liệu hữu cơ, đó là nhiều sưu tập đã bị biến dạng thậm chí biến mất sau khi phát hiện trong lòng đất do không làm tốt giai đoạn bảo quản ngay tại hiện trường khai quật khảo cổ học. Có thể kể đến các mộ Châu Can phát hiện tháng 12 năm 2000 tại Hà Tây cùng một số sưu tập đồ tuỳ táng chất liệu sơn mài, tất cả hầu như đã biến mất hoặc không còn nhận ra hình dạng của chúng nữa; hay một thuyền Xuân La (Hà Tây); một số một thuyền phát hiện ở Hà Nam; Bưng Thơm (Bà Rịa Vũng Tàu)… Do không có sự chuẩn bị tốt cho bước xử lý bảo quản ngay từ khi xuất lộ hiện vật nên hầu hết những hiện vật đó đã biến dạng hoặc biến mất.



1. Những thay đổi trong quá trình khai quật.
Tất cả các vật liệu đều có một dạng bền đối với các môi trường. Khi được đặt tại một nơi xác định vật liệu biến đổi cho đến khi đạt tới độ bền vững phù hợp với những đặc tính của môi trường đó.
Sự biến đổi này là kết quả của một quá trình trao đổi giữa vật liệu và môi trường, dẫn tới sự chuyển đổi bản chất lý hóa của vật liệu. Quá trình khai quật là một sự tác động lớn làm thay đổi đột ngột điều kiện môi trường của các hiện vật:
- Những thay đổi về điều kiện vật lý như giảm độ ẩm nhanh chóng, nhiệt độ tăng, tăng nồng độ oxi, hiện vật bị tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Nhiều vật liệu sẽ tự điều chỉnh độ ẩm nội tại của chúng cho thích hợp với độ ẩm của đất bao quanh và do vật chất liệu của hiện vật sẽ bị biến đổi.
- Môi trường sinh học cũng thay đổi, chẳng hạn như hệ động thực vật (vi sinh) trong môi trường khí quyển khác với hệ động thực vật trong môi trường dưới nước hay môi trường yếm khí trước khai quật
- Hơn nữa, những lớp trầm tích bao quanh những hiện vật tạp thành một giá đỡ đối với những hiện vật giòn, dễ vỡ. Những mẫu vật như vậy có thể bị vỡ hoặc gãy vụn hoàn toàn khi mất đi lớp bảo vệ này.
Thông qua tác động đồng thời nêu trên, vật liệu phản ứng và biến đổi tiến tới một trạng thái cân bằng mới phù hợp với môi trường mới.
Do vậy, biện pháp bảo quản đầu tiên cần thực hiện trong quát trình khai quật là làm giảm tối đa những thay đổi này. Mỗi hiện vật cần phải được lấy ra thật nhanh và sau đó đóng gói chúng ngay lập tức sao cho hiện vật càng tốt. Nếu hiện vật có kích thước lớn, quá trình khai quật kéo dài thì phải bảo vệ những phần đã được làm xuất lộ trong khi chúng ta làm việc với phần còn lại.
2. Các bước xử lý bảo quản hiện vật chất liệu hữu cơ tại hiện trường khai quật khảo cổ học.
Tất cả các loại vật liệu hữu cơ là những vật liệu dễ vỡ, giòn (như gỗ, da thuộc, vải, giấy xương, sừng hươu, ngà, sừng, hổ phách) vì vậy cần phải kiểm soát môi trường bảo quản hết sức nghiêm ngặt, kể cả trước và sau khi bảo quản.
Việc kiểm soát tỉ lệ độ ẩm là rất quan trọng, không bao giờ được để độ ẩm tương đối dưới 45% (nếu khô hơn, chúng có nguy cơ bị nứt ra và bị biến dạng), hoặc trên 65% vì khi đó nấm mốc có nguy cơ phát triển và tấn công tại phòng lưu giữ, những hộp tạm thời hoặc tủ trưng bày, nơi bản quản những hiện vật có chất liệu hữu cơ duy trì độ ẩm tương đối khoảng 55%+-5%.
Giảm nhiệt độ và tránh ánh sáng cũng làm tăng hiệu quả của việc bảo quản.
a. Hiện vật hữu cơ phát hiện trong môi trường ngập nước.
Những hiện vật chất liệu hữu cơ được tìm thấy trong tình trạng ngập nước cần phải lập thức được giữ tiếp tục chìm trong nước cho tới khi thực hiện các bước xử lý tiếp theo (đặt biệt đối với hiện vật chất liệu gỗ và da bị ngập nước). Thực vậy, một phần cấu trúc của những hiện vật này đã bị phá hủy. Tùy vào loại chất liệu hiện vật, môi trường tồn tại trước khai quật mà mức độ phá hủy của hiện vật khác nhau. Những nghiên cứu cho thấy, đối với nhiện vật gỗ ngập nước, thông thường 50%-70% thể tích hiện vật đã bị phá hủy và được nước thế chỗ, nếu lượng nước này biến mất, hiện vật sẽ tự nứt ra và bị biến dạng hoặc vỡ vụn. Do vậy ta phải tìm cách để giữ không cho lượng nước này bay hơi cho đến khi tiến hành bước xử lý thế chỗ bằng một loại chất liệu gia cố.
Nếu kích thước hiện vật đủ bé, có thể đặt chúng trong những hộp kín bằng plastic và chúng ta phải kiểm tra nghiêm ngặt mực nước, liên tục bổ sung nước đảm bảo hiện vật được ngập hoàn toàn trong nước. Các hiện vật nên giữ trong nước với thời gian ngắn nhất vì trong môi trường nước chúng phải chịu tác động của các loại vi khuẩn, tảo sẽ tiếp tục phá hủy hiện vật. Những vi khuẩn này cần oxi, ánh sáng và nhiệt để phát triển. Do vậy, để ngăn chặn sự phát triển của chúng, nên đặt những bể hoặc bình nước trong đó có hiện vật ở nơi mát (tốt nhất là trong một máy làm lạnh ở nhiệt độ 3 hoặc 40C) và trong bóng tối. Để hạn chế lượng oxi sẵn có, chúng ta dùng nước đun sôi để nguội; bình chứa phải đảm bảo kín, nước đổ đầy tới miệng và đặt một miếng plastic ở trên mặt nước để làm hạn chế lượng oxi không khí hoàn tan vào nước. Không nên cho những chất diệt khuẩn vào trong nước vì chúng cản trở sự ngấm những chất gia cố và làm sai sự xác định niên địa bằng Cacbon 14.
Với những hiện vật gỗ có kích thước lớn hơn, nên xây những chiếc bể thích hợp bằng khung kim loại hoặc bằng gỗ, trong đó ta đặt một bản plastic dày. Nếu không thể xây những chiếc bể như vậy, hoặc trong khi chờ đợi làm bể, tốt hơn ta đặt những hiện vật như vậy trong nước ở nơi chúng được tìm thấy, hoặc trong những điều kiện tương tự (bằng cách bọc chúng bằng chính lớp đất trầm tích địa phương) đến khi có thể bảo quản chúng trong những điều kiện tốt hơn.
Những hiện vật hữu cơ đạc hơn như ngàn, hổ phách và một số loại gỗ cứng, đôi khi có thể làm khô từ từ mà không cần gia cố phần nước chiếm chỗ trong hiện vật ít, nhưng chúng cũng luôn luôn có nguy cơ bị nứt. Tuy nhiên cũng không được làm khô tự nhiên tại hiện trường khai quật  mà nên kiểm soát quá trình làm khô ở xưởng bảo quản và những hiện vật phải được giữ trong nước cho đến lúc đó.
Do hiện vật hữu cơ khảo cổ là những hiện vật dễ vỡ, giòn nên bề mặt của chúng dễ bị hư hỏng. Vì vậy nên hạn chế tối đa tác động vào chúng, do đó, không nên thay nước quá thường xuyên mặc dù nước bẩn. Quá trình làm sạch phải do cán bộ bảo quản thực hiện rất thận trọng bằng những tia nước nhở, hoặc dùng bàn chải mềm và không được để khô hiện vật.
b. Hiện vật bằng chất liệu hữu cơ khô
Nếu ta có thể để khô một hiện vật bị ngập nước trong đó, hoặc nó đã khô khi khai quật thì không cần phải bảo quản trong nước nữa mà phải đóng gói chúng cẩn thận vì chắc chắn nó sẽ giòn.
Một số hiện vật được tìm thấy trong môi trường ẩm nhưng khôn ngập nước cần phải được giữ ẩm cho tới khi xử lý bảo quản, nhưng không nhúng trong nước. Tốt nhất là đặt chúng trong một túi plastic đầu tiên được bịt kín, sau đó đặt túi này vào một túi thứ hai lớn hơn hoặc trong một hộp plastic mà trong đó có đặt một chút nước hoặc bông đã thấm nước. Hệ thống này sẽ giữ độ ẩm tối đa xung quanh hiện vật trong vòng vài tuần. Tuy nhiên sự phá hủy có thể xảy ra trong những chiếc túi này (nhất là do nấm mốc) và dẫu sao theo thời gian nước xung bị bay hơi. Vì vậy nên mang những hiện vật này đến xưởng bảo quản càng sớm càng tốt.
c./ Sự cần thiết phải kế hoạch hóa công tác khai quật khảo cổ học
Trên đây là một số kỹ thuật cơ bản để xử lý hiện vật hữu cơ ngay tại hiện trường khai quật khảo cổ học. Các thao tác kỹ thuật này vô cùng quan trọng, là điều kiện cơ bản và cần thiết cho các bước xử lý bảo quản tiếp theo tại xưởng tu sửa bảo quản hiện vật tại bảo tàng. Việc ghi lại  các điều kiện môi trường tồn tại của hiện vật tại địa điểm khai quật cũng giúp ích rất nhiều cho công tác bảo quản hiện vật cũng như nghiên cứu sau này. Chính vì lẽ đó, để có thể bảo quản hiện vật một cách tốt nhất cần phải có các bước chuẩn bị tốt ngay từ trước khi tiến hành khai quật khảo cổ học. Để đạt được mục đích kế hoạch hóa trước khai quật là hết sức quan trọng. Kế hoạch hóa công tác khai quật phải tính đến các yếu tố; môi trường vùi lấp (ngập nước ngay không…) niên đại và địa hình của vùng khai quật để dự đoán số lượng hiện vật có thể tìm thấy và những vật liệu có thể cần phải bảo quản.
Thời gian lưu trữ hiện vật tại hiện trường khai quật tước khi đưa về phòng thí nghiệm cũng cần phải dự tính trước. Dựa vào vị trí sẵn có và những dự đoán trên lý thuyết về chất liệu sẽ tìm thấy có thể quyết định những phương án. Dự tính trước như vật tại thực địa cho phép tiết kiệm thời gian rất nhiều cũng như tránh những động tác không cần thiết lên hiện vật. Cần có sự bàn bạc thống nhất giữa những nhà khảo cổ tại nơi khai quật, những chuyên gia chịu trách nhiệm nghiên cứu khoa học về vật liệu và những nhà bảo quản.
3. Kết luận.
Bằng thực tế cũng như trên lý thuyết chúng ta đã thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của công tác bảo quản tại hiện trường khai quật - một giai đoạn bảo quản hết sức quan trọng mà bấy lâu dường như đã bị lãng quên. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đã nêu những thao tác cơ bản để bảo quản hiện vật chất liệu hữu cơ ngay sau khi phát hiện. Song trên thực tế, rất nhiều các tình huống cụ thể xả ra hết sức phong phú về chất liệu hiện vật và đa dạng về điều kiện môi trường tại di chỉ khảo cổ học, đồng thời cũng nhiều bất ngờ khi phát hiện - đó cũng là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của khảo cổ học. Vì vậy đòi hỏi các cán bộ khảo cổ học và cán bộ bảo quản cần tiếp tục nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các qui trình bảo quản hiện vật, gìn giữ tốt nhất những gì mà lòng đất trả lại cho chúng ta sau nhiều thế kỷ.


± TS, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
± Th.,S, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Bài trình bày tại Hội thảo "Vai trò của bảo tàng trường đại học trong nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn - lý luận và thự tiễn" do Bảo tàng Nhân học tổ chức với sự tài trợ của TT Hỗ trợ NC châu Á, ĐHQG Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét